Lần đầu tiên có sách tinh gọn về chuyển đổi số viết riêng cho độc giả Việt Nam

Thứ ba - 30/07/2024 15:09 416 0
“Tóm lược Chuyển đổi số - Chiến lược & Lộ trình” là cuốn sách ngắn dành cho độc giả Việt Nam của tác giả David L. Rogers - “Bộ óc” có tầm ảnh hưởng bậc nhất thế giới về chuyển đổi số.
Nhằm khuyến khích toàn dân nâng cao nhận thức và đưa mục tiêu phát triển CĐS vào cuộc sống, theo đề nghị của Bộ TT&TT, được sự đồng thuận của tác giả David L. Rogers, Học viện Quản lý PACE phối hợp với Nhà xuất bản (NXB) TT&TT đã tổ chức xuất bản cuốn sách nhằm cung cấp một phiên bản tinh gọn từ 2 cuốn sách giá trị về chuyển đổi số (CĐS) "The Digital Transformation playbook” và “Digital Transformation Roadmap” của David L. Rogers. Cuốn sách phù hợp cho cả 2 đối tượng độc giả là những người quan tâm đến CĐS ở tầm chiến lược và những người thực thi CĐS.

Cuốn sách tinh gọn đã được ra mắt, là quà tặng của Bộ trưởng với các đại biểu dự Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của Bộ TT&TT sáng ngày 29/7/2024.

Nói về cuốn sách tinh gọn này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, cuốn sách được thực hiện kỳ công và thế giới chưa ai làm. Bộ trưởng đã làm việc với tác giả để thuyết phục tác giả “ưu ái” cô đọng 2 cuốn sách từ 800 trang thành 1 cuốn sách 200 trang cỡ nhỏ dành cho bạn đọc Việt Nam.

“Việc đọc sách tinh gọn cũng giúp người đọc tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí nên có thể nói giá bán sách tinh gọn cao hơn sách dày theo cách truyền thống”, Bộ trưởng cho biết.
1
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng giới thiệu cuốn sách “Tóm lược Chuyển đổi số - Chiến lược & Lộ trình” được dành riêng cho bạn đọc Việt Nam.

Đề nghị của Bộ trưởng Bộ TT&TT được tác giả đón nhận nhưng vẫn có khó khăn liên quan đến NXB giữ bản quyền 2 cuốn sách gốc bằng tiếng Anh. Tuy nhiên, với sự thuyết phục của Bộ trưởng, tác giả đã đồng ý. Việc rút gọn đã làm cuốn sách giảm số trang xuống khoảng 8 lần, giúp cho bạn đọc có thể đọc nhanh và ứng dụng được ngay.

Cuốn sách được hoàn thành ngay trước ngày tổ chức Hội nghị (29/7) với sự nỗ lực rất lớn của tác giả, Cục Xuất bản, In và Phát hành (XBI&PH), Học viện Quản lý PACE và NXB TT&TT. Đây là niềm tự hào của ngành Xuất bản Việt Nam.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết cuốn sách hơi thiên về CĐS của doanh nghiệp (DN) nhưng DN cũng giống như một tổ chức nên các tổ chức không phải DN cũng có thể dùng được.

Qua việc xuất bản cuốn sách tinh gọn có thể nói là lần đầu tiên trên thế giới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ thông điệp Việt Nam nên làm những việc mà thế giới chưa làm và tham gia vào dẫn đầu (leading) một số lĩnh vực.

Hướng đi mới để triển khai sách tinh gọn

Cũng tại Hội nghị, chia sẻ về việc xuất bản cuốn sách tinh gọn về CĐS lần này, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục XBI&PH cho biết sách cần thiết đối với mỗi người, bởi vì nó mang đến thông tin và tri thức. Nhưng ngành Xuất bản đang tồn tại một nghịch lý, đó là sách nhiều nhưng sách hay ít, người mua cũng ít, người đọc cũng ít. Theo đó người viết và bạn đọc sách hay, giá trị cũng khan hiếm.
2
Ông Nguyễn Nguyên giới thiệu về quá trình thực hiện cuốn sách.
Trong các buổi làm việc với ngành Xuất bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã chỉ ra những mặt hạn chế này và định hướng người viết, ngành xuất bản, người làm sách phải thay đổi, phải đổi mới tư duy, đổi mới cách làm phù hợp với sự thay đổi của thị trường và thị hiếu, hành vi của bạn đọc.

Bộ trưởng chỉ rõ yêu cầu nội dung sách cần giữ nhưng cách thể hiện phải "đa hình" để mỗi cuốn sách có nhiều phiên bản, phù hợp với nhiều đối tượng bạn đọc. Đặc biệt là phải tập trung xuất bản sách ngắn, tinh gọn để sách mang tri thức đến với nhiều người, làm thay đổi hành vi nhận thức xã hội.

Tiếp thu chỉ đạo của Bộ trưởng, theo ông Nguyễn Nguyên, thời gian qua, ngành Xuất bản có nhiều nỗ lực, tuy nhiên kết quả cũng chỉ bước đầu và còn nhiều khó khăn, bởi ngoài thách thức về vấn đề bản quyền, còn là thách thức trong thay đổi thói quen từ tác giả đến người làm sách và bạn đọc.

Các tác giả quen với đếm chữ và nhận nhuận bút, người làm sách thì quen với việc làm sách dày, sách dài, bạn đọc thì quen với việc trả tiền dựa trên dung lượng mà không phải dựa trên chất lượng cuốn sách vì thế sách ngắn, sách tinh gọn có ít, nhất là sách hay của tác giả tên tuổi.
3

“Cuốn sách hôm nay của tác giả David L. Rogers vừa gửi tới các vị đại biểu là một trong những cuốn sách thành công trong việc triển khai hướng sách tinh gọn”, ông Nguyễn Nguyên nhấn mạnh.

Tác giả David L. Rogers là giảng viên của trường Đại học kinh doanh Colombia, chuyên gia tư vấn hàng đầu thế giới về CĐS, chủ nhiệm của chương trình đào tạo chiến lược kinh doanh CĐS, đã trực tiếp giảng dạy cho 25.000 CEO trên khắp thế giới, trong đó có rất nhiều CEO ở Thung lũng Silicon. Tác giả cũng đã gặp gỡ, truyền cảm hứng cho lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới như Google, Microsoft, Toyota…

Từ kinh nghiệm giảng dạy và tiếp xúc phong phú đó, năm 2016, tác giả David L. Rogers đã cho xuất bản cuốn sách đầu tiên của ông về CĐS với tiêu đề “The Digital Transformation Play Book” cung cấp các chỉ dẫn CĐS cho DN; đặc biệt khẳng định CĐS không phải chỉ về công nghệ, CĐS quan trọng hơn là về chiến lược, lãnh đạo và cách suy nghĩ mới. Cuốn sách nhanh chóng trở thành cẩm nang cho các CEO, đã được dịch ra 13 thứ tiếng trên thế giới. Năm 2022 và sau đó là năm 2024, cuốn sách đã được Học viện Quản lý PACE cùng với NXB Tổng hợp TP. HCM xuất bản và tái bản với tên gọi “Chiến lược chuyển đổi số”.

Năm 2023, ông tiếp tục cho ra mắt tác phẩm thứ 2 về CĐS với tên gọi “The Digital Transformation Roadmap”. Trong cuốn sách này, Rogers đã đề cập đến những rào cản khiến cho 70% DN CĐS thất bại. Ông chỉ ra rằng mỗi DN không chỉ cần CĐS ở sản phẩm của mình mà quan trọng hơn phải CĐS ở chính tổ chức của mình. Sách giúp cho người đọc hiểu và xác định được các bước cần thiết khi CĐS, đồng thời cung cấp một thiết kế thực tế cho sự thay đổi của tổ chức.

Cuốn sách sau đó đã được Học viện Quản lý PACE và NXB Tổng hợp TP. HCM xuất bản ngay trong đầu năm 2024.

Trở lại với câu chuyện làm cuốn sách này, tháng 11/2023, tác giả David L. Rogers có dịp đến Hà Nội tham dự một số sự kiện và đã có buổi trò chuyện cùng Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Qua trò chuyện, Bộ trưởng đã có gợi ý rất mới với tác giả, đó là biên soạn một cuốn sách tinh gọn từ 2 tác phẩm nổi tiếng nêu trên để nội dung sách đến được với nhiều độc giả.

“Tác giả đã nhận lời với chúng ta nhưng cũng cần thời gian để chuẩn bị cũng như trao đổi thống nhất với NXB trường ĐH Colombia”, ông Nguyễn Nguyên cho hay.

Theo ông Nguyễn Nguyên, từ cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Cục XBI&PH đã phối hợp với Học viện Quản lý PACE và tác giả khẩn trương thực hiện với nỗ lực cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Quá trình thực hiện cũng gặp không ít những trở ngại.

“Đặc biệt khó khăn từ việc tác giả là một người rất bận rộn và lịch giảng dạy cũng như lịch dự các hội nghị trên khắp thế giới, rồi phải trao đổi thương thuyết với NXB trường Đại học Colombia để nhận được sự đồng thuận. Nhưng đặc biệt hơn, thực sự là việc thay đổi thói quen của tác giả lớn khi viết sách. Sau 7 tháng nỗ lực vào trung tuần tháng 7 vừa qua, bản thảo cuốn sách đã hoàn thành, được nhanh chóng chuyển đến NXB TT&TT biên tập và xuất bản để kịp hôm nay, sách đến với tay bạn đọc”, ông Nguyên chia sẻ.

Cuốn sách mới có tên gọi là “Tóm lược chuyển đổi số, chiến lược và lộ trình” dày 240 trang, có giá 125.000 đồng, được rút gọn từ 2 cuốn sách dày từ 848 trang và giá (2 cuốn sách) hơn 500.000 đồng.

Mặc dù chỉ có dung lượng trên 200 trang, tức là chỉ bằng 1/4 so với sách nguyên bản nhưng cuốn sách vẫn mang đến đầy đủ những nội dung quan trọng nhất của 2 tác phẩm đã xuất bản, cung cấp cho người đọc chiến lược hành động và lộ trình rõ ràng phù hợp với các giai đoạn khác nhau của quá trình CĐS.

Đặc biệt, ông Nguyễn Nguyên cho biết, qua tinh gọn nội dung sách những thông tin không cần thiết và quá chuyên sâu đã được giảm thiểu để từ đó giúp mở rộng đối tượng bạn đọc, bao gồm cả hai đối tượng: Những người hoạch định chiến lược và cả những người thực thi hoạt động CĐS./.

Tác giả: Phương Mai

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây