Chuyển đổi số để sớm đạt mục tiêu phát triển kinh tế xã hội

Thứ năm - 01/08/2024 15:30 851 0
Việt Nam với dân số gần 100 triệu người, lực lượng dân số trẻ năng động được các chuyên gia đánh giá là có tiềm năng rất lớn trong việc chuyển đổi số. Đây là cơ hội mạnh mẽ để các doanh nghiệp Việt Nam tạo ra sự đột phá trên thị trường nhờ vào chuyển đổi số.
Xu thế chuyển đổi số hiện nay

Chuyển đổi số là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách thức sống, làm việc và liên hệ với nhau. Có thể hiểu chuyển đổi số là quá trình sử dụng các công nghệ số ứng dụng vào đời sống xã hội để tác động làm thay đổi tổng thể, toàn diện cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất của cá nhân, tổ chức. Hiện nay, chuyển đổi số là một xu thế trên toàn cầu, có tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế - chính trị - xã hội. Nội dung chuyển đổi số của các nước trên thế giới khác nhau, phụ thuộc vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
1

Tại Việt Nam, khái niệm Chuyển đổi số được hiểu theo nghĩa là quá trình thay đổi từ mô hình doanh nghiệp truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty. Lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn; Lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời, tối ưu hóa được năng suất làm việc của nhân viên... Những điều này giúp tăng hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của tổ chức, doanh nghiệp được nâng cao.

Tận dụng các nền tảng của khoa học công nghệ sẽ giúp các doanh nghiệp cải thiện được nhiều lĩnh vực và hướng đến năm mục đích cuối cùng của chuyển đổi số: Tăng tốc độ ra thị trường; Tăng cường vị trí cạnh tranh trên thị trường; Thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; Tăng năng suất của nhân viên; Mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Người dân được hưởng lợi gì?

Chuyển đổi số là xu hướng toàn cầu và là điều kiện tiên quyết trong phát triển bền vững của mỗi người dân, doanh nghiệp và quốc gia. Trước hết, đối với mỗi người dân, chuyển đổi số làm thay đổi cách chúng ta sống, làm việc và giao dịch với nhau, mang lại nhiều trải nghiệm thú vị trong công việc, học tập và đời sống hàng ngày. Với nhà nước, chuyển đổi số dùng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi trải nghiệm người dùng với các dịch vụ do nhà nước cung cấp, thay đổi quy trình nghiệp vụ, thay đổi mô hình và phương thức hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước.

Chuyển đổi số được coi là việc cấp bách nếu muốn phát triển. Trên quy mô quốc gia, chuyển đổi số ảnh hưởng ngày càng lớn đến tăng trưởng GDP, năng suất lao động và cơ cấu việc làm. Chuyển đổi số giúp giải quyết hiệu quả mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường, xã hội và nâng cao năng lực quản lý điều hành; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
2
Lợi ích của chuyển đổi số đối với doanh nghiệp đó là cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn trong thời gian dài hơn. (Ảnh minh họa).
Thực tế cho thấy chuyển đổi số góp phần quan trọng làm gia tăng năng suất lao động. Theo nghiên cứu của Microsoft và IDG tại khu vực châu Á - TBD, năm 2017, các sản phẩm và dịch vụ số đóng góp 6% GDP, tỷ lệ này đã tăng lên 25% vào năm 2019 và 60% vào năm 2021; Chuyển đổi số đã làm tăng năng suất lao động từ 15% năm 2017 lên 22% vào năm 2021. Chuyển đổi số tại Việt Nam trong thời gian tới là tất yếu để đạt mục tiêu bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội và không bị bỏ lại trong cuộc CMCN 4.0.

Chuyển đổi số đang từng bước làm thay đổi nhận thức của các cấp lãnh đạo, những người có khả năng quyết định hướng đi và khả năng chuyển đổi thành công của tổ chức. Các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng một cách hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Tuy nhiên, chuyển đổi số cũng tạo ra những mâu thuẫn, thay đổi cơ bản với mô hình kinh doanh truyền thống. Thế mạnh công nghệ mới đang giúp cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giành lợi thế trên các lĩnh vực công nghiệp truyền thống. Xu thế này tạo ra những thay đổi quan trọng trong chuỗi giá trị các ngành công nghiệp cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong bối cảnh của nền kinh tế số hiện nay, đòi hỏi các tổ chức, doanh nghiệp và mô hình truyền thống phải có sự thay đổi mạnh mẽ để tiếp tục tồn tại và phát triển.

Tác giả: Đoàn Ngọc Dũng

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây