Đến năm 2030, 70% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến

Thứ sáu - 20/12/2024 10:29 35 0
Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận thông tin về cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến là tiền đề quan trọng để phát triển Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Mục tiêu quan trọng nhất là đến năm 2030 có 70% người dân trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
1
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet).
Tuyên truyền về cung cấp và sử dụng DVCTT là tiền đề quan trọng để phát triển Chính phủ số, thúc đẩy CĐS quốc gia

Ngày 17/12/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1588/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, làm căn cứ, hướng dẫn tập trung, thống nhất, chi tiết để tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến về dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thường xuyên, liên tục, có trọng tâm và phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, trong từng bối cảnh cụ thể trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, cung cấp DVCCTT là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi, trong phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) hướng tới Chính phủ số, lấy người dân là trung tâm, là đối tượng phục vụ.

Để triển khai DVCTT chất lượng, hiệu quả, bên cạnh các nhiệm vụ về môi trường pháp lý và hạ tầng kỹ thuật, công tác tuyên truyền, phổ biến về DVCTT cũng là một nhiệm vụ không kém phần quan trọng bởi nhận thức đóng vai trò quyết định.

Thực tế, các bộ, ngành, địa phương đang thực hiện tuyên truyền về dịch vụ công theo cách truyền thống nhưng còn hạn chế về nội dung, chất lượng, hình thức do chưa có hướng dẫn thống nhất, do hạn hẹp về kinh phí, nguồn lực...

Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế trong triển khai DVCTT và chưa thu hút, chưa hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp (tỷ lệ hồ sơ được xử lý trực tuyến của cả nước mới đạt 45%, trong đó khối địa phương chỉ đạt 18%).

Trong bối cảnh đó, việc ban hành Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả DVCTT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” là rất kịp thời, làm căn cứ, hướng dẫn tập trung, thống nhất, chi tiết để tổ chức công tác tuyên truyền, phổ biến về DVCTT thường xuyên, liên tục, có trọng tâm và phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, trong từng bối cảnh cụ thể trên phạm vi toàn quốc, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Đề án xác định 4 quan điểm, trong đó quan điểm đầu tiên và cũng là quan trọng nhất là: Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và khả năng tiếp cận thông tin về cung cấp và sử dụng DVCTT là tiền đề quan trọng để phát triển Chính phủ số, thúc đẩy CĐS quốc gia; là nhiệm vụ cần tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm và phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, trong từng bối cảnh cụ thể.

Đề án đặt ra 2 mục tiêu chung, hướng đến việc mọi người dân đều được cung cấp thông tin, được hướng dẫn, hỗ trợ, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng DVCTT để có khả năng tự sử dụng DVCTT một cách thuận tiện, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu cá thể hóa; đồng thời tích cực tham gia, phản hồi để cơ quan nhà nước nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT.

Đề án cũng đặt ra các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, trong đó mục tiêu quan trọng nhất là: 70% người dân trưởng thành sử dụng DVCTT.

6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Để thực hiện các mục tiêu đặt ra, Đề án đã xác định 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, bao gồm:

Một là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng DVCTT qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thông xã hội.

Hai là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến qua các hệ thống thông tin cơ sở.

Bà là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng dịch vụ công trực tuyến thông qua các phương thức khác.

Bốn là tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, phổ cập kiến thức và kỹ năng sử dụng DVCTT tại các cơ sở giáo dục.

Năm là nâng cao chất lượng cung cấp DVCTT.

Sáu là định hướng nội dung, hoạt động và xây dựng, biên tập các tài liệu tuyên truyền thuộc phạm vi của Đề án.

Đề án cũng chỉ rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương và bố trí kinh phí cho việc thực hiện Đề án.

Đề án “Tuyên truyền, phổ biến, nâng cao chất lượng về cung cấp và sử dụng hiệu quả DVCTT đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” chắc chắn tạo ra những kết quả đột phá trong triển khai DVCTT, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu trong Chương trình CĐS quốc gia để hiện thực hóa quan điểm “Người dân là trung tâm của CĐS” và triết lý “Không ai bị bỏ lại phía sau”, đồng thời góp phần tăng xếp hạng Chỉ số DVCTT, CPĐT của Việt Nam theo đánh giá của Liên Hợp Quốc, từ đó cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia./.

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây