Chuyển đổi số góp phần phát triển bền vững cuộc sống người dân miền núi

Thứ sáu - 06/12/2024 10:11 123 0
Có thể nói mục tiêu tổng quát của Chương mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 hướng đến nhiều vấn đề, nội dung quan trọng, tất cả vì sự tiến bộ, phát triển, tăng trưởng bền vững cuộc sống cho mọi đối tượng đồng bào, người dân.
Đặc biệt, không thể không nhắc đến thúc đẩy chuyển đổi số (CĐS), đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong công tác quản lý hành chính, hệ thống chính trị cấp cơ sở để triển khai việc thực hiện nhiệm vụ CĐS toàn diện.

Cần đổi mới sáng tạo trong quản lý hành chính, hệ thống chính trị cấp cơ sở

Nói về vấn đề trên, một địa phương thuộc tỉnh miền núi khó khăn, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai là đơn vị tích cực triển khai, thực hiện nghiêm túc các yêu cầu đảm bảo sự tiến bộ, phát triển đời sống người dân, hình thành công dân số.

Đề cập nội dung này, ông Nguyễn Đức Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Thắng cho biết huyện có diện tích rộng, khoảng trên 64.000 ha, dân số trên 112.000 người, sinh sống trên 188 thôn ở 14 xã, thị trấn, có 20 dân tộc anh em (người Kinh chiếm khoảng 59%, còn lại 41% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) là người Mông, Dao, Tày… ).

“Mặc dù là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc miền núi, có khó khăn nhất định trong công tác CĐS, tuy nhiên, huyện luôn quyết tâm nỗ lực biến khó khăn thành thuận lợi, quyết tâm triển khai thực hiện tốt công tác CĐS trên 3 trụ cột: Chính quyền số; kinh tế số, xã hội số”, ông Nguyễn Đức Bình nhấn mạnh.

Về chính quyền số, huyện đã tập trung thực hiện các hệ thống phần mềm quản lý trong chính quyền số như quản lý văn bản điều hành, một cửa, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT)…

Đặc biệt, huyện Bảo Thắng đã được tỉnh phê duyệt xây dựng kế hoạch xây dựng xã Gia Phú là xã nông thôn mới thông minh điểm của tỉnh.
1
Ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp là xu hướng phát triển bền vững. (Ảnh: Mô hình trồng rau an toàn tại xã Gia Phú. Nguồn: doingoailaocai.vn).

Về kinh tế số, huyện Bảo Thắng ưu tiên phát triển nông nghiệp, đưa 39 sản phẩm OCOP lên các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội và các kênh bán hàng trực tuyến khác.

Về xã hội số, huyện đẩy mạnh thực hiện các DVCTT cho đồng bào, người dân, lựa chọn mỗi xã có một thôn để làm thôn điểm trong CĐS.

Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Bình cho biết thêm, Bảo Thắng xác định CĐS gắn liền với người dân, lấy người dân làm trung tâm, đồng thời, ưu tiên giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) nhanh, thuận tiện, không phiền hà, không phải đi lại nhiều. Kết quả đến nay, đã có 100% DVCTT cấp huyện đều đưa lên mức 4.

Đặc biệt, huyện Bảo Thắng luôn xác định khi triển khai chính quyền số thì phải làm từ các cấp chính quyền cơ sở, các cơ quan quản lý trước, và xã hội số thì phải làm từ người dân, người đồng bào thiểu số trở lên thì mới có hiệu quả.

Hơn nữa, đến nay, Bảo Thắng đã triển khai được 100% các thôn và tổ dân phố tại đều có các tổ công nghệ số cộng đồng. Toàn huyện có 188 tổ và gần 1.300 thành viên. Dù không có phụ cấp nhưng nhiều tổ hoạt động rất tích cực.

Và trong những kết quả tích cực đạt được này là nhờ sự hướng dẫn, hỗ trợ tích cực từ Bộ Thông tin và Truyền thông, thông qua các chương trình, lớp học như các khóa học trực tuyến đại chúng mở (MOOCs)... truyền đạt các kinh nghiệm hay về CĐS.

Tuy nhiên, trong những thuận lợi, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Bình cho biết khó khăn, thách thức cũng lớn, đó là vẫn thiếu sự đầu tư về hạ tầng cho CĐS; thiếu máy chủ; băng thông đường truyền tốc độ cao. Đồng thời, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao về CĐS và nhận thức về CĐS của người dân còn chưa cao, đồng đều.

Đưa ra đề xuất phát triển, Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Bình cho rằng, cần hơn nữa sự quan tâm từ các cơ quan, đơn vị cấp trên; sự hợp tác, đầu tư từ các doanh nghiệp công nghệ; đẩy mạnh việc hoàn thiện, sử dụng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành ở cấp huyện và cần phải liên thông, tích hợp với các hệ thống…

Ứng dụng công nghệ số: “Chìa khoá vạn năng” mở ra các cơ hội phát triển

Là đơn vị cơ sở thuộc huyện Bảo Thắng, xã Gia Phú thời gian qua đã tích cực, nỗ lực triển khai nhiệm vụ xây dựng mô hình nông thôn mới theo hướng thông minh. Để làm hiệu quả chủ trương này, xã đã tập trung tuyên truyền để người dân nhận thức rõ hơn vai trò chủ thể của mình trong việc CĐS; khơi dậy tính tích cực, chủ động sáng tạo của bà con DTTS tham gia.

Đến nay, toàn xã đã đạt tỷ lệ hộ gia đình sử dụng dịch vụ Internet đường truyền băng rộng cáp quang hoặc 4G là 70%; Tỷ lệ hộ gia đình có điện thoại thông minh là 90%; Tỷ lệ các thôn, bản được phổ cập dịch vụ mạng di động 4G đảm bảo chất lượng tốt là 85%; Trang bị thiết bị mạng WiFi cho các thôn (phục vụ nhân dân và tổ công nghệ số cộng đồng) là 100%. Xã cũng có 2 phòng họp trực tuyến phục vụ đào tạo, tập huấn quy mô 100 người tham gia.

Mô hình “Camera giám sát, bảo đảm an ninh, trật tự” cũng được xã Gia Phú triển khai, lắp đặt tại các khu vực cửa ngõ, trung tâm, công cộng. Với hệ thống 18 camera được trang bị công nghệ hiện đại giúp đảm bảo an ninh trật tự, ngăn chặn các hành vi trộm cắp, xả rác bừa bãi ra môi trường.

Hơn nữa, xã Gia Phú đã phát triển kinh tế số theo hướng phối hợp với các ngành chức năng, hỗ trợ các hợp tác xã xây dựng tem truy xuất nguồn gốc, mã QR Code để xác thực nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ thương hiệu sản phẩm cho các hợp tác xã. Đồng thời, xã đẩy mạnh việc hướng dẫn các hợp tác xã cài đặt phần mềm để thanh toán điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất.

Kết quả việc thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới theo hướng thông minh đêm lại chính là: Tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Gia Phú không còn cảnh công dân xếp hàng chờ nộp hồ sơ như trước, bởi hơn 40% người dân được tạo lập tài khoản định danh mức độ 2 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia đã sử dụng DVCTT.

Đặc biệt, đạt 100% giao dịch trên cổng dịch vụ hành chính công được xác thực điện tử và 100% hồ sơ TTHC được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến toàn trình; 60% hồ sơ giải quyết dịch vụ công được thực hiện thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia đối với các hồ sơ TTHC có yêu cầu thu phí, lệ phí, nghĩa vụ tài chính…

Như vậy, những kết quả từ thực hiện thí điểm mô hình nông thôn mới theo hướng thông minh chính là một chủ trương đúng đắn giúp Gia Phú tiếp tục chuyển đổi, phát triển nâng cao chất lượng sống cho người dân, từ đó ổn định phát triển, nhất là đảm bảo các lợi ích thụ hưởng cho đồng bào vùng sâu, xa, khó khăn.

Cũng nhận được những kết quả tích cực khác trong việc xây dựng, phát triển kinh tế của người dân, người đồng bào DTTS, điển hình phải kể đến câu cách làm của nông dân Trần Ngọc Huế (dân tộc Tày, thôn Đồng Lục, xã Gia Phú) đã thành công với mô hình nông nghiệp hữu cơ áp dụng công nghệ cao bằng sự năng động, sáng tạo.

Nông dân Trần Ngọc Huế luôn tích cực tham gia các buổi tập huấn về nông nghiệp. Đồng thời, tích cực đầu tư về hệ thống tưới nước, chiếu sáng… tất cả hoàn toàn tự động, điều khiển qua điện thoại thông minh.

Và khi nói về sự thành công, nông dân Trần Ngọc Huế cho biết, để tránh những thất bại, rủi ro, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp, anh chấp nhận bỏ chi phí thuê kỹ sư nông nghiệp có kinh nghiệm về công nghệ để tư vấn.

Và từng bước kiên trì, nông dân Trần Ngọc Huế còn áp dụng các biện pháp canh tác an toàn và thân thiện với môi trường, sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật dạng sinh học theo tiêu chuẩn VietGAP… Nhờ đó, sản phẩm của anh không những có chất lượng cao mà còn tiết kiệm chi phí sản xuất.

“Muốn phát triển bền vững từ nông nghiệp thì phải áp dụng công nghệ, kết hợp sản xuất gắn với bảo vệ môi trường. Không những vậy, nông dân phải không ngừng tìm tòi, học hỏi để cập nhật, đổi mới và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong tất cả các khâu sản xuất”, nông dân Trần Ngọc Huế chia sẻ.

Như vậy có thể nói, với những nỗ lực của cấp chính quyền cấp cơ sở và những nỗ lực, tích cực lực của các cá nhân nêu trên đã cho thấy đây chính là con đường mở ra cơ hội để tạo ra sự thúc đẩy, phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống của các địa phương, vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, xa.

Và chìa khoá “vạn năng” mở ra cho các cơ hội chính là thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước, Chính phủ chỉ đạo, trong đó có việc thực hiện nhiệm vụ CĐS, ứng dụng công nghệ số tích cực. Chỉ khi làm tốt những điều trên, điều chắc chắn sẽ được tạo ra đó là những đặc trưng tiêu biểu của thôn, xã, người dân, đồng bào trên môi trường số hiện nay./.

Tác giả: Nhật Minh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây