Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Truyền thanh thông minh – Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền trên địa bàn tỉnh Nghệ An
Thứ năm - 26/12/2024 15:333130
Trong thời đại kỹ thuật số, hệ thống truyền thanh cơ sở (TTCS) tại các địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang được tích cực chuyển đổi, ứng dụng công nghệ mới nhằm thúc đẩy hiệu quả thông tin, tuyên truyền tại cơ sở.
Tỉnh Nghệ An có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, kinh tế xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn; trang thiết bị nghe, nhìn của các hộ gia đình, cá nhân (nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo, vùng sâu, vùng xa) còn hạn chế dẫn đến chưa tiếp cận đầy đủ các thông tin thiết yếu của Trung ương, tỉnh, huyện. Mặt khác, trong điều kiện các yếu tố an ninh truyền thống cũng như phi truyền thống xuất hiện ngày càng nhiều, mức độ ngày càng phức tạp ở các địa bàn cơ sở như: Thiên tai, dịch bệnh, sự chống phá của các thế lực thù địch..., thì hệ thống TTCS phát huy ưu thế trong việc tuyên truyền, phổ biến các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, định hướng dư luận cho nhân dân. Thông qua đài truyền thanh cơ sở, người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các thông tin chính thống về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng…
Tuy nhiên, hệ thống truyền thanh cơ sở trước đây bộc lộ nhiều hạn chế như: dễ hỏng hóc, khó sửa chữa, bảo dưỡng; Vùng phát thanh bị giới hạn (trong phạm vi 3-5km đối với FM hữu tuyến và 10-15km đối với FM vô tuyến); Không lắp đặt được các cụm loa ở vùng sâu vùng xa; Chất lượng âm thanh không ổn định, lẫn tạp âm, chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi thời tiết và phụ thuộc vào công suất của máy tăng âm. Cán bộ vận hành hệ thống phải có mặt tại chỗ khi đến giờ phát; Hệ thống không phân cấp tới từng cụm loa, có thể bị chèn sóng, phát thông tin không mong muốn…
Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của Chuyển đổi số với ba trụ cột chính gồm: xây dựng Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Đài TTCS là một nội dung trong xây dựng Chính phủ số, do đó ứng dụng CNTT-VT là xu hướng tất yếu đối với Đài TTCS nhằm tham gia một cách đồng bộ, kịp thời với các hoạt động chuyển đổi số khác. Nhằm đáp ứng các yếu tố mới phù hợp với tình hình thực tiễn: các quy định mới về công tác thông tin cơ sở; về phát triển đài TTCS, trong đó yêu cầu cao về vùng phủ sóng, chất lượng dịch vụ, tính năng hệ thống... ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) trở thành xu hướng tất yếu, sự xuất hiện công nghệ mới thay thế công nghệ cũ, mang lại nhiều ưu thế vượt trội về chất lượng dịch vụ, thiết bị, tính tiện lợi trong quản lý, vận hành, giảm chi phí đầu tư (giải phóng được băng tần FM 54-68MHz vùng phủ sóng không phụ thuộc khoảng cách; chất lượng âm thanh vượt trội, không bị nhiễu sóng; vận hành tốt trong các tình huống thiên tai; phòng máy gọn nhẹ, chủ yếu vận hành bằng phần mềm; cá thể hóa đến từng cụm loa...).
Giải pháp truyền thanh thông minh sử dụng thiết bị IoT và hoạt động trên nền tảng điện toán đám mây, có thể thay thế và khắc phục hoàn toàn những nhược điểm của truyền thanh truyền thống. Truyền thanh số không dây thế hệ mới sử dụng sóng di động 3G/4G của mạng viễn thông để truyền tải dữ liệu âm thanh từ hệ thống tập trung đến các cụm loa. Hệ thống không cần sử dụng máy tăng âm, máy phát sóng, cột ăng-ten, tủ điện, dây dẫn, bảng phân tuyến…
So với hệ thống phát thanh vô tuyến và hữu tuyến trước đây, loại hình truyền thanh thông minh mới có nhiều ưu điểm vượt trội như: không cần dây dẫn, gọn nhẹ, dễ điều khiển, vận hành thiết bị, chất lượng âm thanh rõ ràng. Việc tạo lập, kiểm soát, thu âm phát thanh từng bản tin trở nên dễ dàng, nhanh chóng; Qua đó, giúp tiết kiệm thời gian, công sức trong vận hành đài. Cùng với sự phát triển của các công cụ thông tin, tuyên truyền khác, hệ thống truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông thế hệ mới đang được coi là giải pháp đột phá về chuyển đổi số của hệ thống đài truyền thanh tại cơ sở.
Nhằm thúc đẩy vai trò của hệ thống thông tin, tuyên truyền tại cơ sở và thực hiện tốt các mục tiêu trọng tâm tại Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20-01-2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”. Tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 3752/QĐ-UBND ngày 12/10/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động và từng bước hiện đại hoá hệ thống đài truyền thanh cơ sở trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2025. Từ đó đến nay, quá trình chuyển đổi, triển khai thí điểm hệ thống truyền thanh thông minh đã diễn ra rất tích cực. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã áp dụng mô hình đài truyền thanh thông minh và mô hình này mang lại hiệu quả rõ rệt, nâng cao chất lượng công tác truyền thanh ở cơ sở. Đến nay, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có hơn 100 xã, phường thị trấn sử dụng đài truyền thanh thông minh.
Việc triển khai hệ thống truyền thanh thông minh cho thấy tính chủ động của các địa phương trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực thông tin cơ sở. Thông tin truyền thanh cơ sở vẫn sẽ là “cánh tay nối dài” của lĩnh vực báo chí. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ số vào hệ thống truyền thanh cơ sở góp phần truyền tải thông tin đến người dân một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân trong thời đại 4.0 hiện nay; góp phần quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội ở địa phương./.