Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
“3 tăng cường”, “5 đẩy mạnh” trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số
Thứ sáu - 26/04/2024 09:303850
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban diễn ra sáng 24/4/2024.
Phiên họp được tổ chức theo hình thức trực tuyến toàn quốc từ Trụ sở Chính phủ tới Trụ sở UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng, lãnh đạo các Bộ, ngành, thành viên Ủy ban; lãnh đạo các địa phương, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn về công nghệ thông tin.
Kết quả nổi bật về triển khai chuyển đổi số quốc gia
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Phạm Đức Long, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã báo cáo tóm tắt về tình hình chuyển đổi số quốc gia quý I/2024; Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ủy ban và các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế số năm 2024.
Theo đó, năm 2024 là năm "Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột: Công nghiệp CNTT, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số - Động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững".
Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số, quan hệ sản xuất mới là quản trị số, lực lượng sản xuất mới là công nghệ số.
Về kinh tế số, tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam năm 2021, 2022 lần lượt là 11,91%, 14,26%. Tỷ trọng kinh tế số/GDP năm 2023 ước đạt 16,5% với tốc độ tăng 20%, gấp 3 lần tăng trưởng GDP.
Báo cáo của EconomySEA của Google, Temasek và Bain đánh giá tốc độ phát triển kinh tế số Việt Nam nhanh nhất Đông Nam Á trong 2 năm liên tiếp (2022 đạt 28%, 2023 đạt 19%), cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Với mức tăng trưởng trên, dự báo tỷ trọng kinh tế số/GDP của Việt Nam năm 2025 đạt trên 20%.
Để phát triển ngành công nghiệp CNTT, Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Nghị định 154 về khu CNTT tập trung để tạo điều kiện phát triển các khu CNTT tập trung, đặc biệt tại các địa phương có nguồn nhân lực tốt, hạ tầng năng lượng xanh, tái tạo và có điều kiện giao thông, du lịch thuận tiện.
Đồng thời, nghiên cứu xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số để công nghiệp CNTT trở thành ngành công nghiệp nền tảng. Thúc đẩy đào tạo các nhóm ngành mới (vi mạch, AI, dữ liệu) phù hợp với nhu cầu và xu hướng phát triển trên thế giới.
Về dữ liệu, Bộ TT&TT đề xuất mỗi ngành kinh tế, bộ, ngành, địa phương lựa chọn xây dựng từ 3-5 bộ dữ liệu (dataset) chất lượng cao. Mỗi ngành kinh tế lựa chọn và công bố 5 kịch bản khai thác, sử dụng dữ liệu nhằm tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.
Về quản trị số, Bộ TT&TT đang triển khai xây dựng 3 trợ lý ảo. Trợ lý ảo lập pháp để phát hiện những mâu thuẫn khi làm văn bản pháp luật; trợ lý ảo hỗ trợ hành pháp hỗ trợ cán bộ, công chức thực hiện công việc theo quy định; trợ lý ảo hỗ trợ pháp lý cho người dân trả lời các câu hỏi liên quan đến pháp luật, đến các quy định của Nhà nước.
Đưa một số ứng dụng AI mẫu vào triển khai trong các cơ quan nhà nước ngay trong năm nay
Tại phiên họp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, chương trình chuyển đổi số Việt Nam đã triển khai được 4 năm và chuẩn bị bước sang năm thứ 5. Sau 4 năm triển khai đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm quý.
Về vấn đề tài chính, trong tháng 5, Bộ Tài chính sẽ hoàn thiện quy định về nguồn vốn từ ngân sách thường xuyên, Bộ TT&TT hoàn thiện nghị định về cách sử dụng nguồn vốn này sao cho hiệu quả.
Về việc triển khai chuyển đổi số sao cho hiệu quả, Bộ trưởng nhấn mạnh, chuyển đổi số thì phải làm 100% mới hiệu quả, tuy nhiên do hạn chế về nguồn nhân lực nên cần phải tập trung làm thí điểm 1-2 tỉnh, 1-2 Bộ, ngành. Phải làm cho đến tận cùng, làm cho đến thành công, làm hiệu quả và làm trên nền tảng số rồi từ đó làm nhanh ra khắp cả nước. Trong quý II/2024, Bộ TT&TT sẽ tổng kết mô hình thành công về dịch vụ công trực tuyến tại 01 tỉnh, về Trung tâm điều hành thông minh (IOC) tại 01 tỉnh, mô hình thành công về chuyển đổi số cấp Bộ, ngành tại 01 Bộ, ngành để cuối Quý II/2024 sẽ phổ biến, nhân rộng ra toàn quốc.
Đồng thời, trong giai đoạn chuyển đổi số, sự xuất hiện của các nền tảng dùng chung toàn quốc đòi hỏi phải làm rõ cái gì thuộc về Trung ương làm, cái gì địa phương làm. Ngay trong quý II/2024, Bộ TT&TT sẽ làm rõ điều này để các địa phương biết mình cần phải làm những gì.
Về ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, AI đã vào giai đoạn ứng dụng rộng rãi. Chúng ta phải đưa được một số ứng dụng AI mẫu vào triển khai trong các cơ quan nhà nước ngay trong năm nay. Bộ trưởng lưu ý, AI càng hẹp thì càng dễ huấn luyện, càng thông minh và càng hiệu quả và AI phải được huấn luyện dựa trên dữ liệu của chính mình thì mới hiệu quả.
Cần tập trung vào giám sát, quản lý online
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh cần phải tập trung vào hoạt động giám sát, quản lý online. Hiện nay, chuyển đổi số diễn ra rất sâu rộng, nếu không giám sát được thì sẽ không quản lý được. Chỉ có thể giám sát bằng công nghệ vì khối lượng dữ liệu rất khổng lồ. Quản lý online chính là quản lý số, là một trong trong 4 trụ cột của kinh tế số mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Cũng từ quý II/2024, Bộ TT&TT sẽ bắt đầu đưa ra các công thức thành công về chuyển đổi số cho các lĩnh vực, các cấp để có thể truyền thông, nhân rộng. Những công thức thành công ngắn gọn, đúng bản chất, dễ hiểu, dễ làm theo thực sự là một loại sức mạnh mang tính toàn dân, toàn diện. Chẳng hạn, Bộ Công an có công thức "đúng, đủ, sạch, sống" khi làm cơ sở dữ liệu dân cư nhưng đây là công thức thực sự đúng với dữ liệu nói chung. Tính lan toả, nâng cao nhận thức của công thức này là rất lớn.
Tại phiên họp, đại diện một số Bộ, ngành, địa phương đã trình bày một số báo cáo, tham luận về kết quả chuyển đổi số của ngành, địa phương mình.
Chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người"
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các báo cáo, ý kiến; giao Bộ TT&TT, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện dự thảo Kết luận của phiên họp để thống nhất triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thời gian tới đồng bộ, hiệu quả.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ thể liên quan; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ủy ban; sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Thủ tướng chỉ rõ việc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số còn nhiều tồn tại, hạn chế như: Việc ban hành Kế hoạch hoạt động của Ủy ban còn chậm. Chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm tra, giám sát, theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ, ngành, địa phương. Việc xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý còn chưa kịp thời, nhiều thủ tục hành chính chưa được cắt giảm, đơn giản hóa. Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức. Chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến chưa cao, chưa thực sự thu hút người dân, doanh nghiệp. Hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa có đột phá; còn nhiều điểm lõm điện, lõm sóng …
Về quan điểm phát triển kinh tế số, Thủ tướng nêu rõ, phải bám sát tình hình thực tế, quán triệt, hiện thực hóa, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước để thúc đẩy chuyển số quốc gia nói chung, phát triển kinh tế số nói riêng thực chất, hiệu quả. Huy động sự vào cuộc, tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Thủ tướng nhấn mạnh, chuyển đổi số đã "đến từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người", chúng ta phải tiếp tục thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, các cấp, các ngành, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp" và chỉ đạo "3 tăng cường", "5 đẩy mạnh" trong chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, yêu cầu mỗi Bộ, ngành, địa phương phải có 1 đề án chuyển đổi số.
Thủ tướng tin tưởng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế số của nước ta sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, thực sự là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra./.