Chuyển dịch năng lượng xanh cần tích hợp cùng chuyển đổi số

Thứ sáu - 17/05/2024 11:25 329 0
Chuyển đổi số (CĐS) cần được kết hợp một cách hài hòa với chuyển đổi năng lượng để hình thành một chiến lược phát triển toàn diện cho doanh nghiệp (DN).
Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo rất dồi dào

Tại Hội nghị COP26, Việt Nam đã cam kết đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, trong đó đặt mục tiêu giảm 43,5% lượng phát thải khí nhà kính, cũng như xác định tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 70% trong kế hoạch phát triển năng lượng vào năm 2050. Các khu công nghiệp và nhà máy sản xuất Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi này.

Giám đốc tư vấn FPT Digital Lê Vũ Minh cho biết hoạt động sản xuất công nghiệp tại Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguồn năng lượng hóa thạch, do đó khi nhu cầu năng lượng tăng sẽ kéo theo lượng phát thải khí nhà kính tăng lên đáng kể. Do đó, để đạt được mục tiêu cam kết theo COP26, việc chuyển dịch năng lượng xanh trên toàn diện các lĩnh vực, đặc biệt khối DN sản xuất tại Việt Nam, là yêu cầu bắt buộc.
1
Giám đốc tư vấn FPT Digital Lê Vũ Minh: “Chuyển đổi năng lượng, cũng như chuyển đổi xanh tổng thể, không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu của tất cả các DN trên thế giới”.
Tại sự kiện DxHub có chủ đề “Định hướng chuyển dịch năng lượng bền vững và thực tiễn triển khai cho DN sản xuất” do FPT Digital phối hợp cùng Tiểu ban phát triển xanh, EuroCham Việt Nam và SP Group Việt Nam tổ chức vừa qua, ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, EuroCham Việt Nam, cho rằng Việt Nam có nguồn tài nguyên năng lượng tái tạo rất dồi dào, chính phủ cũng đặt ra các mục tiêu giảm phát thải và phát triển năng lượng, mở ra cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, ông Stuart Livesey cho biết còn một số rào cản trong việc chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam. Đầu tiên là vấn đề bất đồng bộ hạ tầng lưới điện. Sự không đồng đều trong phát triển hạ tầng lưới điện có thể làm hạn chế khả năng tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống mạng lưới, đặc biệt là ở những khu vực xa trung tâm.

Thứ hai, thị trường năng lượng ở Việt Nam vẫn đang trong quá trình bắt đầu chuyển đổi, do đó cần nhanh chóng hoàn thiện về các cơ chế, chính sách để thúc đẩy và khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo từ phía DN cũng như thu hút các nhà đầu tư trong ngành năng lượng sạch.

Là một DN đã có cơ hội hợp tác với nhiều đơn vị từ ngành điện đến dầu khí, Giám đốc tư vấn FPT Digital cho rằng câu chuyện về chuyển đổi năng lượng sẽ là một cơ hội lớn đối với các DN trong thời gian tới.

“Chuyển đổi năng lượng, cũng như chuyển đổi xanh tổng thể, không chỉ là một xu hướng mà còn là một yêu cầu tất yếu của tất cả các DN trên thế giới”, ông Lê Vũ Minh nói.

CĐS sẽ giúp kiểm soát nhu cầu năng lượng, thúc đẩy chuyển dịch năng lượng thông minh

Ông Minh cũng chỉ rõ năng lượng xanh sẽ giúp DN đạt mục tiêu kép, vừa nâng tầm năng lực cạnh tranh đồng thời đáp ứng tiêu chuẩn của các bên liên quan đối với DN sản xuất, đặc biệt là tiêu chuẩn của các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu. Điều này càng trở nên thuận lợi hơn trong bối cảnh chi phí vận hành, sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, gió… trong những năm gần đây đang có xu hướng ngày một rẻ hơn.

Ngoài ra, việc đầu tư vào hệ thống năng lượng tái tạo cũng được hỗ trợ bởi các chính sách khuyến khích từ phía chính phủ, bao gồm các gói tài trợ, thuế và ưu đãi khác, giúp giảm tổng chi phí đầu tư ban đầu.
2
Ông Stuart Livesey, Đồng chủ tịch Tiểu ban Phát triển xanh, EuroCham Việt Nam, trao đổi với các khách mời bên lề sự kiện.

Trong dài hạn, DN áp dụng năng lượng xanh sẽ được nhà đầu tư đánh giá cao hơn do tiềm năng tạo ra lợi nhuận bền vững và có trách nhiệm với môi trường. Bên cạnh đó, thương hiệu DN sẽ tạo ấn tượng tốt hơn với các bên từ nhân sự tới khách hàng, nhà cung cấp, đối tác,… khi họ đáp ứng ngày các tốt các yêu cầu về môi trường và xã hội.

Việc tự sản xuất năng lượng xanh như điện mặt trời, điện gió, hoặc năng lượng sinh học có thể mang lại nhiều lợi ích nhưng lại đòi hỏi khoản đầu tư ban đầu lớn và kiến thức kỹ thuật phức tạp. Đại diện FPT Digital đã đưa ra một số khuyến nghị với các DN sản xuất, tích hợp chuyển đổi năng lượng cùng CĐS.

Theo đó, CĐS sẽ giúp kiểm soát nhu cầu năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng thông minh, hiệu quả, chính xác trên toàn bộ chuỗi giá trị DN. Đây đều là các hướng chuyển đổi mang tính chiến lược của DN. “Nếu kết hợp một cách đồng bộ, toàn diện sẽ tạo nên chiến lược chuyển đổi kép, giúp DN tạo nên lợi thế cạnh tranh riêng biệt và hướng tới phát triển bền vững”, ông Lê Vũ Minh cho biết.

Theo ông Lê Minh Vũ, có rất nhiều giải pháp lựa chọn, nhưng điều quan trọng là cần biết lựa chọn nào phù hợp với định hướng phát triển của DN, phù hợp với thực trạng và mục tiêu ngắn hạn cũng như dài hạn của DN. “Lựa chọn sử dụng giải pháp công nghệ thông tin để tối ưu hóa việc quản lý năng lượng rất quan trọng đối với các DN, đặc biệt là DN có nhu cầu tiêu thụ năng lượng lớn”, Giám đốc tư vấn FPT Digital nhấn mạnh.

Các công nghệ hiện đại như hệ thống IoT, dữ liệu lớn (big data), và trí tuệ nhân tạo đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập thông tin và phân tích dữ liệu. Nhờ vào những công nghệ này, chúng ta có khả năng nhận biết và xử lý các điểm bất thường một cách hiệu quả hơn trong quá trình quản lý và tối ưu hóa năng lượng.
 
"Chúng tôi đề xuất rằng CĐS cần được kết hợp một cách hài hòa với chuyển đổi năng lượng để hình thành một chiến lược phát triển toàn diện cho DN”.
    Giám đốc Tư vấn FPT Digital Lê Vũ Minh

“Hành trình chuyển đổi năng lượng phải đi đôi với công cuộc CĐS. Bài toán về năng lượng là một thách thức lớn, và chúng ta sẽ gặp khó khăn trong việc thu thập, theo dõi, phân tích, đánh giá và tối ưu nếu chỉ dựa vào phương thức truyền thống. Do đó, chúng tôi đề xuất rằng CĐS cần được kết hợp một cách hài hòa với chuyển đổi năng lượng để hình thành một chiến lược phát triển toàn diện cho DN”, Giám đốc tư vấn FPT Digital Lê Vũ Minh cho biết.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây