Thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, ứng dụng số hóa nhanh và hiệu quả hơn nữa trong lĩnh vực nông nghiệp

Thứ năm - 16/05/2024 10:02 243 0
Chiều 14/5, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị chuyên đề “Thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp”. Các đồng chí: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cùng chủ trì hội nghị. Hội nghị được tổ chức trực tiếp và trực tuyến kết nối đến điểm cầu các địa phương.
Tại điểm cầu Nghệ An, tham dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ cùng lãnh đạo Sở NN&PTNT, lãnh đạo các Sở, ngành, đơn vị liên quan.
1
Quang cảnh Hội nghị.
2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Đệ chủ trì tại điểm cầu Nghệ An.

Gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử

Thời gian qua, Ngành NN&PTNT đã mạnh dạn đổi mới tư duy, cách thức tổ chức thực hiện, bám sát các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để triển khai quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo, kịp thời, hiệu quả để thúc đẩy phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, Chuyển đổi số thông qua đẩy nhanh số hóa dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành, sản xuất, kinh doanh. Cho đến nay, Bộ đã ban hành 01 Kế hoạch hành động của Ban cán sự; 15 Quyết định của Bộ trưởng; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 05 Quyết định và các Quyết định hằng năm liên quan đến chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều đề án, chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển ngành trong đó mỗi nhiệm vụ đều chú trọng gắn chặt việc ứng dụng các công nghệ số mới trong quá trình triển khai thực hiện. Cụ thể đó là, Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; đề án phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản...; cũng như tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival tôm Cà Mau...).
3
Sản phẩm nông sản Nghệ An được giới thiệu lên sàn thương mại điện tử.
Hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.
4
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu Nghệ An.
Thống kê từ các địa phương cho thấy, đến tháng 12/2023 đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp. Khảo sát của Hiệp hội Crop Life châu Á, gần 50% nông dân trồng lúa, cây ăn quả và rau của Việt Nam được hỏi cho biết họ muốn áp dụng số hóa trong nông nghiệp. So với 3 quốc gia ASEAN trong cùng khảo sát, Việt Nam là nước có tỷ lệ cao nhất. Điều đó cho thấy nông dân Việt Nam quan tâm đến số hóa nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực. Tuy vậy, việc xây dựng nông thôn số, nông dân số ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu và đang đối mặt với không ít rào cản và thách thức. Thực tế sự kết nối, chia sẻ, liên kết giữa các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp kinh doanh nông nghiệp, doanh nghiệp công nghệ, hợp tác xã, người nông dân còn chưa chặt chẽ, hệ thống hạ tầng công nghệ chưa đồng đều giữa các khu vực và vùng địa lý, thể chế đầu tư cho chuyển đổi số còn chưa đồng bộ...

Tại Hội nghị, các đại biểu, chuyên gia đã đánh giá thực trạng, các điểm nghẽn về tình hình số hóa, ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời cũng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, mô hình thực tiễn và đề xuất giải pháp về số hóa nông nghiệp chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan: Chuyển đổi số, số hóa trong ngành nông nghiệp là giúp giải quyết bài toán ly nông, ly hương. Người dân có thể không làm nông nghiệp nữa nhưng trên mảnh đất của mình vẫn có phương thức mới, công nghệ mới để làm giàu, thoát nghèo. Nhờ vào sức mạnh của công nghệ, người dân không còn cần phải di chuyển đến các thành phố lớn mà vẫn tìm ra con đường đi của mình. Phát triển dựa trên công nghệ là phát triển an toàn, phát triển xanh tại Việt Nam.

Phát triển cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp chính xác, đầy đủ

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số ghi nhận được những thành tựu nổi bật mà ngành nông nghiệp đạt được trong thời gian qua, trong đó có những thành quả bước đầu, tạo động lực đáng khích lệ, tạo cảm hứng trong công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp. Doanh nghiệp và người nông dân đã tham gia chuyển đổi số một cách hào hứng, có những kết quả sờ được, nắm được, tạo thành mô hình rất hiệu quả.

Tuy vậy, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang câu chuyện về thể chế về phát triển ngành NN&PTNT nói chung và chuyển đổi số nói riêng chưa thật “đầy đặn”. Hạ tầng số trong nông nghiệp còn yếu. Trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính (TTHC) còn hạn chế. Tỷ lệ dịch vụ công toàn trình lĩnh vực nông nghiệp mới đạt 16%, trong khi kế hoạch vào cuối năm 2024 phải đạt tỷ lệ 80%. Bên cạnh đó, tỷ lệ số hóa dữ liệu không cao; nhân lực cho chuyển đổi số còn thiếu. Việc hỗ trợ cho doanh nghiệp, nông dân thực hiện chuyển đổi số cũng còn hạn chế...

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị Bộ NN&PTNT cần phải thực hiện cải cách TTHC để người dân và doanh nghiệp thuận lợi, đặc biệt là đối với người nông dân thủ tục cần phải đơn giản để thuận tiện trong giải quyết hồ sơ. Hợp nhất để có hệ thống thông tin dữ liệu đồng bộ và phải đảm bảo an toàn an ninh thông tin, trong đó lưu ý cần phải định danh được số tàu thuyền của Việt Nam để quản lý, nhất là đối với những tàu khai thác bất hợp phát, không báo cáo và không theo quy định

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị cần phát triển cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp như thời tiết, thủy lợi, truy xuất nguồn gốc, thị trường... chính xác, đầy đủ, cập nhật kịp thời. Xây dựng hạ tầng số để kết nối được các hệ thống cơ sở dữ liệu với nhau.
 
Riêng tại Nghệ An, thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp, Sở NN&PTNT đã chủ động tham mưu từng bước đầu tư hạ tầng số ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin; từng bước xây dựng dữ liệu số trên các nền tảng số, đào tạo nguồn nhân lực số thực hiện đảm bảo an toàn thông tin, đáp ứng yêu cầu thực hiện Chính phủ số và kinh tế số, xã hội số theo từng giai đoạn. Tính đến 30/04/2024, tổng số sản phẩm được đưa lên sàn thương mại điện tử là 8.836 sản phẩm, xếp thứ 5 cả nước về số sản phẩm nông nghiệp được đưa lên sàn. Toàn tỉnh có 567 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 37 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 529 sản phẩm đạt hạng 3 sao; có 198/567 sản phẩm OCOP được giao dịch trên các sàn thương mại điện, chiếm 34,9%.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây