Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Chuyển đổi IPv6 Việt nam, IPv6 For Gov năm 2024
Thứ hai - 08/04/2024 19:531.2950
Theo báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện nay, Việt Nam có khoảng 16 triệu địa chỉ IPv4, là không đủ cho người, càng không đủ cho vật (vạn vật). Chuyển đổi sang IPv6 tạo ra không gian địa chỉ Internet vô cùng lớn, sẵn sàng cho Internet thế hệ mới, kết nối vạn vật (IoT). Việt Nam đã có 28.760 tỷ tỷ tỷ địa chỉ IPv6, tăng hàng tỷ tỷ lần so với IPv4.
Tỷ lệ sử dụng địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6 của Việt Nam là 60,07%, xếp hạng thứ 2 khu vực Đông nam Á và thứ 8 thế giới (số liệu tháng 3/2024) tăng 2 bậc so với năm 2022 (trên một số nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Nhật, Úc, Canada …); với khoảng 76,48 triệu thuê bao IPv6 băng rộng Internet.
1. Hạ tầng và dịch vụ IPv6 Việt Nam:
Hạ tầng Internet Việt Nam.
100% kết nối IPv6 qua VNIX, 100% hệ thống máy chủ DNS quốc gia hoạt động với IPv6.
100% các ISP lớn đã triển khai IPv6 cho hạ tầng mạng lõi, sẵn sàng cung cấp dịch vụ IPv6 cho khách hàng.
Ứng dụng, dịch vụ IPv6.
Băng rộng cố định (FTTH): 16,88/22,1 triệu (76%) thuê bao IPv6 (tăng 2% so với 2022).
Băng rộng di động (3G, 4G, 5G): 59,6/84,7 triệu (70%) thuê bao IPv6 (tăng 22% so với 2022).
Website.vn: 32.535 tên miền hoạt động với IPv6 (tăng 36% so với 2022).
2. Kết quả thực hiện Chương trình IPv6 For Gov:
Hướng tới hoàn thành vượt mức Chương trình IPv6 For Gov, VNNIC đã đặt mục tiêu cao để phấn đấu chuyển đổi IPv6 trong khối cơ quan nhà nước. Các chỉ tiêu đã hoàn thành theo mục tiêu đặt ra, vượt các mục tiêu tại Chương trình IPv6 For Gov giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 38/QĐ-BTTTT của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Vượt 26% so với chi tiêu năm 2023 của Chương trình IPv6 For Gov (đạt được 96% so với chỉ tiêu năm 2023 là 70%).
Vượt 18% so với chỉ tiêu năm 2023 của Chương trình IPv6 (đạt được 88% so với chỉ tiêu năm 2023 là 70%).
3. Năm 2024 cần tập trung:
Trên cơ sở phân tích số liệu IPv6 hàng năm cho thấy đối với Internet Việt Nam, tỷ lệ sử dụng IPv6 Việt Nam phụ thuộc vào 03 phân mạng: Mạng FTTH/FTTx, góp 40% tỷ lệ chung, Mạng di động góp 35% trong tỷ lệ chung. Mạng leasedline, ứng dụng, nội dung và các mạng AS độc lập khác góp 25% trong tỷ lệ chung.
Viettel, VNPT, FPT: Rà soát đảm bảo hạ tầng cấp IPv6 toàn diện, liên tục và tới người sử dụng; kích hoạt các thiết bị đầu cuối đã hỗ trợ IPv6 (nâng cấp từ xa đối với thiết bị cần nâng cấp mà không phải thay thế); Tiếp tục triển khai kế hoạch thay thế thiết bị của doanh nghiệp.
SCTV, CMC, QTSC, SPT và các ISP khác: Triển khai thực tế cho hạ tầng, chuyển đổi và cấp IPv6 cho toàn bộ thuê bao FTTH/FTTx có hỗ trợ IPv6.
Số liệu dự kiến phát triển mới;
Theo kế hoạch năm 2024, hai doanh nghiệp Viettel và FPT ước tính có thêm 418.000 thuê bao IPv6, trong đó: Viettel nâng cấp và kích hoạt IPv6 cho 300.000 thuê bao FTTH, đặt mục tiêu 99% IPv6; FPT cam kết kích hoạt đạt 95% thuê bao có IPv6, tương đương 118.000 thuê bao (5% còn lại phụ thuộc vào khách hàng tự trang bị, không thể thay thế). Riêng VNPT kích hoạt thêm 1,33 triệu thuê bao có IPv6 đạt mục tiêu trên 90%.
Theo Nghị Quyết 01/NQ-CP của Chính phủ năm 2024, mục tiêu Việt Nam đạt 24,5% người dân sử dụng băng rộng cố định (tương đương khoảng 24,5 triệu thuê bao). Do đó, số lượng thuê bao phát triển mới trong năm 2024 ước đạt 1.74 triệu thuê bao. Phần phát triển mới, với điều kiện các doanh nghiệp cam kết triền khai IPv6 thì số lượng thuê bao IPv6 FTTH mới.
Để tăng tỷ lệ sử dụng IPv6, thì cần tập trung thêm các phần mạng, dịch vụ khác, bao gồm:
Triển khai các hoạt động thúc đẩy chuyển đổi IPv6 cho nhóm dịch vụ ứng dụng, nội dung, cloud, IDC để tăng lưu lượng IPv6 trong nước. Đây là nhóm mới, cần có thời gian thúc đẩy và định hướng lâu dài.
Định hướng chính sách, thông tin và truyền thông; đặc biệt là yêu cầu IPv6 trong hoạt động cấp phép nội dung, ứng dụng, báo chí ...
Tổ chức làm việc, tư vấn trực tiếp; đào tạo, tập huấn công nghệ.
Để phát triển bền vững Internet Việt Nam thì chuyển đổi IPv6 là tất yếu. Hơn 25 năm qua Internet Việt Nam sử dụng chủ yếu IPv4. Đến nay, tỷ lệ sử dụng IPv6 đã đạt hơn 60%. Việt Nam đang đi cùng nhịp với các quốc gia trên thế giới với mục tiêu chuyển đổi sang IPv6-only, IPv6+. Xu thế IPv6 tất yếu, do đó, để triển khai hiệu quả IPv6 theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia và Chương trình IPv6 For Gov cần sự tham gia của các Bộ, ngành; địa phương và doanh nghiệp, phấn đấu đến hết năm 2025, Việt Nam chuyển hoàn toàn sang thế hệ địa chỉ mới IPv6.