Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số lĩnh vực bán buôn, bán lẻ bắt đầu với TMĐT

Thứ tư - 26/06/2024 16:13 434 0
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long nhấn mạnh thông điệp quan trọng là chuyển đổi số (CĐS), phát triển kinh tế số (KTS) lĩnh vực bán buôn, bán lẻ hãy bắt đầu với thương mại điện tử (TMĐT).
Ngày 26/6/2024, Bộ TT&TT đã tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề về KTS - thúc đẩy CĐS bán buôn, bán lẻ. Tham dự có đại diện các đơn vị của Bộ TT&TT, Bộ Công Thương và các Sở TT&TT, Sở Công Thương ở 63 địa phương.
1
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long chủ trì Hội nghị.

Còn nhiều dư địa phát triển TMĐT

Tại Hội nghị, bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử (TMĐT) và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết tại Việt Nam, TMĐT phát triển tốt trong thời gian qua, đặc biệt từ trước đại dịch COVID-19 đến nay. Tỷ trọng bán lẻ đã tăng trưởng 25% nhưng vẫn còn hạn chế so với các nước trong khu vực và Trung Quốc, cho thấy phát triển TMĐT vẫn còn nhiều dư địa để phát triển.

Bà Lê Hoàng Oanh cũng cho rằng, Việt Nam cần phát triển bền vững TMĐT vì đây là xu hướng của thế giới và Việt Nam, theo đó, phải cân bằng 3 yếu tố: Phát triển kinh tế, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường. Đồng thời đáp ứng yêu cầu hiện tại không gây ảnh hưởng đến tương lai.

Để thúc đẩy TMĐT bền vững, theo Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, có 5 yếu tố chính cần xem xét, gồm: (1) Cân bằng, hài hoà lợi ích các bên; (2) Tăng trưởng ổn định, tích cực; (3) Niềm tin; (4) Nguồn nhân lực và (5) Xanh.

Cũng theo Cục trưởng Lê Hoàng Oanh, cần thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới bởi mới chỉ có 50% số doanh nghiệp (DN) quan tâm đến kết nối trực tuyến và xuất khẩu. Theo đó, DN cần tự xây dựng website để bán hàng và xuất khẩu xuyên biên giới qua sàn TMĐT bên cạnh phương thức xuất khẩu truyền thống. DN cũng cần được đào tạo về bán hàng TMĐT đúng quy cách, ứng dụng CNTT và DN công nghệ đóng vai trò rất quan trọng để phát triển nền tảng số thúc đẩy xuất khẩu xuyên biên giới.
 
2
Toàn cảnh Hội nghị.
Cục trưởng Lê Hoàng Oanh cho rằng thúc đẩy TMĐT bền vững cần sự phối hợp, chia sẻ, chung tay của cơ quan quản lý nhà nước (các Bộ/ngành, các Sở TT&TT, Sở Công Thương), DN và người tiêu dùng.

Sở TT&TT chủ trì, Sở Công Thương đánh giá CĐS các DN, hộ kinh doanh

Theo ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số - Xã hội số (KTS-XHS), Bộ TT&TT, Việt Nam hiện có khoảng 1,4 triệu cửa hàng tạp hóa và hơn 9.000 chợ truyền thống, chiếm 75% thị phần bán lẻ. Các cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống này đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá trị gia tăng của lĩnh vực bán buôn hiện nay là: 544 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 62% doanh thu bán buôn, bán lẻ, chiếm tỷ trọng khoảng 5% GDP.
 
3
Ông Trần Minh Tuấn: cần CĐS bán buôn và bán lẻ theo hướng đưa toàn bộ các hoạt động bán buôn, các DN, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số.
Ông Tuấn nêu ý kiến cần CĐS bán buôn và bán lẻ theo hướng đưa toàn bộ các hoạt động bán buôn, các DN, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số nhằm tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị và hiệu quả cao hơn.

“Các mô hình TMĐT đã nâng cao trải nghiệm mua sắm của các khách hàng dựa trên phân tích dữ liệu lớn, dịch vụ dựa trên vị trí, ứng dụng di động và các dịch vụ kèm theo bên cạnh sản phẩm”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Hướng dẫn thúc đẩy CĐS thương mại bán buôn, bán lẻ cho các địa phương, Vụ trưởng Vụ KTS-XHS đã giới thiệu các bước đánh giá mức độ CĐS DN bán buôn, bán lẻ. Theo đó, lộ trình CĐS bán buôn được chia làm 3 giai đoạn (sẵn sàng, tăng trưởng, đột phá), gồm 15 chức năng; Lộ trình CĐS bán lẻ gồm 3 giai đoạn (sẵn sàng, tăng trưởng, đột phá) gồm 12 chức năng.

Hiện Bộ TT&TT chủ trì, Bộ Công Thương phối hợp xây dựng bộ tiêu chí đánh giá CĐS các DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ; Xây dựng trang thông tin đánh giá CĐS các DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ https://khaosat.smedx.vn/; Tổ chức đánh giá đánh giá các nền tảng số CĐS DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ tại cổng https://smedx.vn (dự kiến hoàn thành trong quý 3/2024); Xây dựng các chương trình đào tạo mẫu cho từng nhóm đối tượng (phối hợp với các DN công nghệ số).

Sở TT&TT chủ trì, Sở Công Thương phối hợp tổ chức đánh giá CĐS các DN, hộ kinh doanh trên Trang thông tin https://khaosat.smedx.vn/; Xây dựng cơ sở dữ liệu CĐS các DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ (dự kiến hoàn thành trong quý 3/2024); Hướng dẫn CĐS cho các DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ (Bộ TT&TT làm mẫu, các địa phương cập nhật phù hợp điều kiện).

Dự kiến tháng 10/2024, Bộ TT&TT và Sở TT&TT công bố số liệu sẵn sàng CĐS DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ. Cũng trong tháng 10/2024 sẽ tổ chức các hội nghị, hội thảo, đào tạo hướng dẫn trên MOOC theo từng nhóm đối tượng. Đến tháng 12/2024 sẽ công bố số lượng các DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ đã tham gia các buổi tập huấn.

Các DN công nghệ số sẽ phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Công Thương và các địa phương xây dựng chương trình đào tạo cho từng nhóm đối tượng. Các DN công nghệ số báo cáo số liệu việc ký kết được các hợp đồng với các DN, hộ kinh doanh bán buôn, bán lẻ (hoàn thành tháng 6/2025)

Chủ DN, hộ kinh doanh tự xác định mình ở đâu trong lộ trình CĐS cửa hàng của mình trên trang thông tin https://khaosat.smedx.vn; Tư vấn các Sở TT&TT, Sở Công Thương để có hướng dẫn; Tư vấn trợ lý ảo của các DN công nghệ số để CĐS; Tham gia đào tạo trực tuyến trên nền tảng MOOC; Giao kết hợp đồng với DN công nghệ số để CĐS.

Hỗ trợ người dân kinh doanh trực tuyến tin cậy

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Hồng Thắng, Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Bộ TT&TT đã giới thiệu chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, DN, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn ở các tỉnh, thành phố trên cả nước giai đoạn 2024 - 2025.
 
4
Ông Nguyễn Hồng Thắng giới thiệu chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, DN, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia .vn.
Chương trình nhằm nâng cao nhận thức về hiện diện trực tuyến trên môi trường Internet; Tăng cường khả năng hiện diện trực tuyến của người dân, DN, và hộ kinh doanh; Thúc đẩy KTS, XHS bằng cách khuyến khích và tạo điều kiện cho các người dân, DN, hộ kinh doanh sử dụng giải pháp công nghệ số và dịch vụ trực tuyến trong các hoạt động TMĐT, y tế, văn hóa, giáo dục; đảm bảo thông tin trên mạng tin cậy, an toàn với các dịch vụ số (website, email,…) gắn với tên miền quốc gia ".vn".

Chương trình ưu đãi dành cho công dân Việt Nam tuổi từ đủ 18 - 23, miễn phí 2 năm tên miền và dịch vụ số đi kèm (web, CV, blog, email...), DN mới thành lập trong vòng 1 năm và hộ kinh doanh có giấy phép kinh doanh. Chương trình cũng miễn phí 2 năm tên miền biz.vn và dịch vụ số đi kèm (web, email...).

Cũng tại Hội nghị, các đại diện Viettel Post đã trình bày về thúc đẩy TMĐT xuyên biên giới bằng nền tảng số TMĐT B2B của Việt Nam, công ty CP Misa trình bày về CĐS và ứng dụng AI gia tăng năng suất gấp 10 lần cho các DN, hộ kinh doanh hoạt động bán lẻ, bán buôn; Hiệp hội TMĐT (VECOM) miền Trung và Tây Nguyên giới thiệu giải pháp CĐS chợ truyền thống và tạo liên kết thúc đẩy phát triển TMĐT xuyên biên giới B2B.

Ông Võ Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM đã thông tin một số kết quả thúc đẩy TMĐT TP. Hồ Chí Minh và công tác phối hợp giữa Sở TT&TT với Sở Công Thương.

Bộ TT&TT, Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương

Sau khi lắng nghe các tham luận, ý kiến tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu nhấn mạnh cho biết Bộ TT&TT, Bộ Công Thương cùng đồng hành với các địa phương để thúc đẩy CĐS trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ.

Qua thực tiễn, Thứ trưởng cho biết không CĐS lĩnh vực thì bà con tiểu thương sẽ đi đâu về đâu, làm gì để mưu sinh khi chợ truyền thống sẽ mai một. Hai Bộ TT&TT, Công thương sẽ cùng thúc đẩy CĐS lĩnh vực này. Các Sở TT&TT quán triệt tinh thần và báo cáo địa phương để triển khai. Hai Bộ mà đầu mối là Vụ KTS-XHS, Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ xây dựng những hướng dẫn cụ thể để triển khai và sẽ đánh giá. Địa phương phải có trách nhiệm với người dân về lĩnh vực này.

“Tinh thần là quyết liệt triển khai, không thể đợi chờ. Các Sở TT&TT, Sở Công thương lưu ý các số nội dung, trong đó quan trọng là tạo niềm tin khi giờ đây đã có thể định danh các hộ kinh doanh. Bộ TT&TT sẽ phụ trách về hạ tầng số, công cụ số để triển khai. Bộ TT&TT cũng chịu trách nhiệm hướng dẫn đào tạo nhân lực TMĐT”, Thứ trưởng nêu rõ.

Thứ trưởng Phạm Đức Long cũng lưu ý DN công nghệ số làm các sản phẩm phục vụ CĐS lĩnh vực bán buôn, bán lẻ phải tiện ích, ít thao tác để người dân ai cũng có thể sử dụng ngay. Việc đào tạo kỹ năng số phải thực hiện thông qua các bài video giảng ngắn, đơn giản, tốt nhất là chỉ 5 - 10 phút để ai cũng có thể xem, sử dụng nền tảng số tức thời.

Cuối cùng, Thứ trưởng Phạm Đức Long nêu rõ Bộ TT&TT và Bộ Công Thương sẽ cùng thống nhất về các hành động chung để hướng dẫn bà con kinh doanh trên nền tảng số. Công tác triển khai CĐS bán buôn - bán lẻ được triển khai ở 63 địa phương. Hai Bộ sẽ chọn 1 - 2 địa phương triển khai mẫu và nhân rộng./.

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây