Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Những xu hướng ảnh hưởng đến sự phát triển trung tâm dữ liệu
Thứ năm - 27/06/2024 09:595430
Tại Hội nghị DCCI Summit 2024 do Viettel IDC tổ chức vào sáng 26/6/2024 tại TP. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp (DN) đã cùng chia sẻ những trăn trở, bài toán thực tế đang đối mặt, tọa đàm với các chuyên gia để tìm ra các giải pháp phù hợp cũng như các phương án triển khai trung tâm dữ liệu (TTDL) và điện toán đám mây tối ưu cho DN mình hướng tới phát triển bền vững.
Thị trường TTDL từ góc nhìn kinh tế
Chia sẻ tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC đã mang đến góc nhìn mới về hiệu quả kinh tế mà dịch vụ TTDL và điện toán đám mây (ĐTĐM) mang lại.
Cũng như các ngành khác, ngành công nghiệp TTDL đã và đang thúc đẩy nền kinh tế một cách mạnh mẽ. TTDL được coi là khoản đầu tư nhỏ mang lại nhiều giá trị lớn, thúc đẩy nền kinh tế với những con số ấn tượng.
Theo thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Mỹ với 244 TTDL trong đó mỗi TTDL có mức đầu tư trung bình 215 triệu USD, khi TTDL được xây dựng tạo ra 243 triệu USD cho nền kinh tế địa phương và khi đi vào hoạt động TTDL mang lại doanh thu trung bình 32 triệu USD. Ngoài tạo doanh thu, TTDL còn tạo ra khối lượng việc làm khổng lồ, cụ thể khi bắt đầu xây dựng TTDL thì trung bình tuyển dụng 1.700 lao động liên quan. TTDL cũng gián tiếp thúc đẩy các hoạt động liên quan tới môi trường khi các nhà cung cấp TTDL lớn trên thế giới hướng đến sử dụng năng lượng tái tạo.
Một nghiên cứu năm 2022 của PwC về các tác động của TTDL tới kinh tế, môi trường, xã hội Mỹ giai đoạn 2017 - 2021 cho thấy ngành công nghiệp TTDL của Mỹ tiếp tục đóng góp lớn hơn nữa cho nền kinh tế, giải quyết nhiều vấn đề lớn của xã hội Mỹ, bao gồm tạo ra lượng việc làm khổng lồ hơn, từ 2,9 triệu (2017) lên 3,5 triệu việc làm (2021); đóng góp hơn 40% thu nhập lao động, 36% các giá trị khác (GDP) (gấp đôi tốc độ tăng GDP chung toàn nước Mỹ giai đoạn này), tăng thu ngân sách 50%,...
Ông Hoàng Văn Ngọc cho biết thêm tại Singapore, TTDL đóng góp 1,5 tỷ USD vào GDP, trong đó trực tiếp tạo ra 2,5 nghìn việc làm và gián tiếp là 1,6 triệu việc làm, kéo theo đó là thu hút hàng loạt các "Big tech" đầu tư vào Singapore. Điển hình là việc Google nâng tổng vốn đầu tư tại Singapore từ 800 triệu USD lên 5 tỷ USD vào đầu tháng 6 vừa qua với việc hoàn thành việc mở rộng TTDL và cơ sở hạ tầng đám mây mới nhất tại Singapore.
Trong khi đó, đối với thị trường ĐTĐM, phân tích tác động kinh tế của Cloud Adoption (chuyển đổi đám mây) tại 11 quốc gia có thu nhập cao và trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương cho thấy mức độ chuyển đổi đám mây có mối quan hệ tương quan tới sự phát triển kinh tế của 1 quốc gia. Trung bình tại châu Á - Thái Bình Dương, cứ 1% tăng lên trong việc chuyển đổi đám mây sẽ đóng góp tăng trưởng 0,07% vào GDP.
Còn tại Việt Nam, cứ trung bình 6 triệu USD chi phí tiêu dùng đám mây tăng thêm sẽ mang lại 134 triệu USD tăng thêm trong GDP nước ta.
Như vậy, không chỉ cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng cho tổ chức, DN từ lưu trữ dữ liệu, tính toán, đến các ứng dụng và dịch vụ trực tuyến, qua đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế số, ngành công nghiệp TTDL và điện toán đám mây còn mang lại rất nhiều đóng góp thiết thực cho kinh tế, xã hội mỗi quốc gia.
Những xu hướng ảnh hưởng đến sự phát triển của TTDL
Cũng tại Hội nghị, ông Hoàng Văn Ngọc, CEO Viettel IDC đã chia sẻ về một số xu hướng ảnh hưởng đến sự phát triển của TTDL. Đầu tiên là công nghệ AI. Đây chính là nhân tố làm thay đổi cuộc chơi trong lĩnh vực này. Với tốc độ tăng trưởng 36%, các ứng dụng Gen AI trải dài các lĩnh vực từ chăm sóc khách hàng, tiếp thị,...
Chính sự phát triển bùng nổ của AI đã kéo theo nhiều bài toán về hiệu năng, mật độ công suất và cả các thách thức về làm mát. AI làm thay đổi toàn bộ tư duy thiết kế TTDL, từ mật độ công suất, hệ thống làm mát tới hoạt động vận hành, khai thác. Điều này đòi hỏi phải có sự chuyên nghiệp nhất định, ngân sách đặc biệt dành cho AI. Chính điều này dẫn tới sự chuyển dịch từ mô hình tự xây sang thuê cơ sở hạ tầng.
Thứ hai là điện toán biên. Sau sự bùng nổ của AI và 5G thì điện toán biên được nhắc tới nhiều, bởi dữ liệu không chỉ được lưu giữ lại ở TTDL thì còn được xử lý ở lớp biên để giảm độ trễ, giảm chi phí băng thông, tăng cường khả năng mở rộng. Nhà máy thông minh, xe tự lái, ngân hàng,... là những lĩnh vực mà điện toán biên phát triển. Song hành với điện toán biên là các TTDL core và biên.
Thứ ba là đảm bảo an ninh, an toàn về dữ liệu. Theo CEO Viettel IDC, 5 tháng đầu năm 2024, thế giới chứng kiến sự leo thang ngày càng gia tăng của các cuộc tấn công mạng. Theo nghiên cứu của Checkpoint, 61% DN gặp phải sự cố bảo mật trong năm 2023, tăng 2,5 lần so với năm trước, gây ra thiệt hại trực tiếp khoảng 12,8 tỷ USD. Các sự cố này cũng tác động gián tiếp đến nền kinh tế thế giới, gây thiệt hại 9,5 nghìn tỷ USD, tức là mỗi giây thế giới thiệt hại 300.00 USD do tấn công mạng làm gián đoạn chuỗi cung ứng, phá vỡ cấu trúc hạ tầng.
Gần đây, Việt Nam đang trở thành tâm điểm của tấn công mạng, bao gồm cả các cuộc tấn công có chủ đích. Trung bình mỗi tháng Viettel hỗ trợ và ngăn chặn trên 225.000 cuộc tấn công mạng vào các hệ thống CNTT của khách hàng mà Viettel giám sát.
Tại Việt Nam, ngày 17/4/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP bảo vệ dữ liệu cá nhân và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2023, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và trách nhiệm bảo vệ dữ liệu cá nhân của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Việc ban hành Nghị định này nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền dữ liệu cá nhân; ngăn chặn các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức.
Thứ tư là xu hướng triển khai đám mây tích hợp multi-cloud và hybrid cloud, đây là hai mô hình phổ biến nhất hiện nay, mang lại nhiều lợi ích cho DN.
Thứ năm là xu hướng mua bán và sáp nhập trong lĩnh vực TTDL và đám mây.
Thứ sáu là sự phát triển của các mạng lưới cáp quang biển.
Bên cạnh đó, các thể chế, chính sách cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của lĩnh vực này.
Tại Hội nghị còn có 3 phiên chuyên đề diễn ra song song gồm: TTDL, ĐTĐM và AI.
Tại Phiên “TTDL”, các chuyên gia đầu ngành TTDL đã mang tới các giải pháp mới, cải tiến hoạt động quản lý, vận hành bền vững cho TTDL, đón đầu xu thế phát triển của AI, một trong những chủ đề nóng của hội nghị.
Trong khi đó, tại phiên “Điện toán đám mây”, các diễn giả đã cùng trao đổi và thảo luận về cloud native, hybrid cloud, những giải pháp và công cụ mới tối ưu nhất trên đám mây để quản lý và bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu,…
Một trong những phiên chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm tại hội nghị là AI, khách mời đã có cơ hội gặp gỡ những chuyên gia hàng đầu về AI chia sẻ các giải pháp, ứng dụng AI thực tiễn trong các ngành, các lĩnh vực đến các ứng dụng thực tiễn, phương án triển khai tối ưu tại Việt Nam; cùng giải pháp cơ sở hạ tầng AI hiệu suất cao và tiết kiệm chi phí.
Trước đó, vào tháng 3 vừa qua, hội nghị DCCI Summit đã được Viettel IDC cùng hơn 20 đối tác tổ chức thành công tại Hà Nội, thu hút gần 2000 khách mời đến từ các DN, tổ chức trong và ngoài nước tham dự. Đây là một trong những sự kiện có quy mô lớn nhất trong ngành hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) tại Việt Nam, trở thành điểm hẹn thường niên dành cho các nhà quản lý, tổ chức, DN gặp gỡ, trao đổi và cùng nhau xây dựng một cộng đồng phát triển bền vững./.