Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Những mối đe dọa an ninh mạng dự báo sẽ bùng nổ ở khu vực Đông nam Á trong năm 2024
Thứ sáu - 22/03/2024 16:041.9550
Khu vực Đông Nam Á đang ngày càng trở thành mục tiêu hấp dẫn của các tội phạm mạng. Các doanh nghiệp trong khu vực cần nâng cao cảnh giác và thực hiện các biện pháp để bảo vệ mình khỏi các mối đe dọa an ninh mạng ngày càng gia tăng.
Vấn đề đảm bảo an ninh mạng đối với các doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và cần được ưu tiên hàng đầu trong năm 2024 khi các mối đe dọa trực tuyến đang ngày một gia tăng ở khu vực Đông Nam Á.
Việc áp dụng rộng rãi chuyển đổi số của các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực cũng làm gia tăng tội phạm mạng vì chuyển đổi số khiến cho nhiều hoạt động của doanh nghiệp được chuyển sang môi trường trực tuyến, dẫn đến việc mở rộng diện tích tấn công cho tội phạm mạng.
Bên cạnh đó, tội phạm mạng cũng có thể nhắm vào các hệ thống, ứng dụng, website mới được triển khai trong quá trình chuyển đổi số để khai thác các lỗ hổng bảo mật.
Nghiên cứu vấn đề an ninh mạng tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á của công ty an ninh mạng đa quốc gia Palo Alto (Mỹ) năm 2022 cho thấy, 92% các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng vấn đề an ninh mạng nên là ưu tiên hàng đầu đối với các lãnh đạo doanh nghiệp.
Trong khi đó, hơn 2/3 số người được khảo sát cho biết họ đã lên kế hoạch tăng ngân sách cho vấn đề an toàn kỹ thuật số, tối ưu hóa hoạt động và giải quyết các lỗ hổng bảo mật hiện có.
Sau đây là 5 mối đe dọa an ninh mạng hàng đầu mà các doanh nghiệp ở khu vực Đông Nam Á cần đề phòng trong năm 2024.
1. Tấn công bằng mã độc tống tiền
Một trong những loại tấn công mạng phổ biến nhất là việc sử dụng mã độc tống tiền (ransomware). Kẻ tấn công sẽ khai thác các lỗ hổng bảo mật trong thiết bị của nạn nhân, mã hóa dữ liệu và yêu cầu nạn nhân thanh toán tiền chuộc để lấy lại dữ liệu đã bị mã hoá. Chúng có thể xâm nhập bằng cách gửi các liên kết độc hại đến mục tiêu qua email và chiếm quyền điều khiển thiết bị khi nạn nhân nhấp vào liên kết đó.
Bằng cách mã hóa hoặc khóa dữ liệu kinh doanh quan trọng, tội phạm mạng buộc mục tiêu phải chịu thiệt hại tài chính đáng kể để trả tiền cho khóa giải mã. Hơn nữa, khi một công ty bị tấn công, họ phải đối phó với các vấn đề về lòng tin và thiệt hại về danh tiếng do mất thông tin khách hàng.
Các cuộc tấn công ransomware đang ngày càng trở nên phổ biến và tinh vi, và các doanh nghiệp cần có biện pháp để bảo vệ dữ liệu của mình khỏi loại tấn công này.
2. Lừa đảo và tấn công phi kỹ thuật
Bất kỳ ai sử dụng email hoặc mạng xã hội đều có thể gặp phải các trò lừa đảo trực tuyến. Đây là những chiến thuật trực tuyến được sử dụng để dụ dỗ mọi người chia sẻ thông tin nhạy cảm như mật khẩu hoặc cài đặt phần mềm độc hại (malware) vào thiết bị của họ. Kẻ gian tấn công mạng còn sử dụng các cuộc tấn công phi kỹ thuật để thao túng tâm lý và lừa đảo mọi người nhằm chiếm quyền truy cập.
Theo đó, tội phạm mạng sẽ dành thời gian thu thập các thông tin liên quan đến mục tiêu tấn công, sau đó sử dụng những thông tin thu thập được để bắt đầu cuộc trò chuyện với nạn nhân nhằm thuyết phục nạn nhân thực hiện các hành động vô tình gây nguy hiểm cho tổ chức của họ.
Khi tội phạm xâm nhập được vào mạng, chúng có thể đánh cắp dữ liệu và danh tính, lấy được thông tin tài chính, phá hủy thông tin công ty hoặc cài đặt phần mềm mã hóa dữ liệu và yêu cầu nạn nhân thanh toán tiền chuộc để lấy lại các dữ liệu mà chúng chiếm giữ.
3. Lừa đảo qua email doanh nghiệp
Lừa đảo qua email doanh nghiệp là một loại tội phạm mạng mà kẻ tấn công sử dụng email để lừa đảo các cá nhân trong một tổ chức nhằm thực hiện các hành động như:
Chuyển khoản tiền: Kẻ tấn công giả mạo một nhân viên cấp cao trong tổ chức hoặc một đối tác kinh doanh để yêu cầu chuyển khoản tiền đến một tài khoản ngân hàng do chúng kiểm soát.
Tiết lộ thông tin nhạy cảm: Kẻ tấn công có thể yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin nhạy cảm như mật khẩu, thông tin tài chính hoặc dữ liệu khách hàng.
Cài đặt phần mềm độc hại: Kẻ tấn công có thể gửi email chứa phần mềm độc hại, khi được kích hoạt sẽ cho phép chúng truy cập vào hệ thống mạng của tổ chức.
Ngoài ra, các vụ tấn công giả mạo khác như làm giả tên miền trang web và dụ người dùng nhập thông tin cá nhân của họ khi đăng nhập hoặc chặn dữ liệu thay vì cho phép nó đến được người nhận dự định.
4. Tấn công chuỗi cung ứng
Tấn công chuỗi cung ứng (Supply chain attack) là một loại tấn công mạng nhắm vào các mắt xích yếu trong chuỗi cung ứng của một tổ chức để xâm nhập vào hệ thống mạng của tổ chức đó.
Do các tổ chức lớn thường có hệ thống bảo mật mạnh mẽ, nên tội phạm mạng sẽ tìm kiếm lỗ hổng ở những nơi khác. Một số khu vực bị lợi dụng tấn công có thể là các nhà cung cấp, nhà cung ứng và đối tác bên thứ ba, những bên này có thể thiếu các biện pháp bảo vệ cao cấp, do đó trở thành mục tiêu dễ dàng cho tin tặc.
Kẻ tấn công có thể nhắm mục tiêu vào một nhà cung cấp phần mềm mà nhiều tổ chức sử dụng và cài đặt phần mềm độc hại vào phần mềm của nhà cung cấp. Khi các tổ chức cài đặt phần mềm này, chúng cũng sẽ bị lây nhiễm phần mềm độc hại.
Kẻ tấn công cũng có thể tấn công một nhà thầu của một tổ chức để lấy cắp thông tin đăng nhập của nhân viên tổ chức đó. Sau đó, chúng có thể sử dụng thông tin đăng nhập này để truy cập vào hệ thống mạng của tổ chức.
5. Tấn công mạng vào các thiết bị Internet vạn vật
Tấn công mạng vào các thiết bị Internet vạn vật (IoT) là một hành động cố tình khai thác các lỗ hổng bảo mật trong các thiết bị được kết nối internet để gây hại. Thiết bị IoT là những thiết bị vật lý được tích hợp các thành phần điện tử, phần mềm và kết nối mạng, cho phép chúng thu thập và truyền tải dữ liệu qua internet.
Một số loại thiết bị IoT phổ biến như loa thông minh, máy ảnh an ninh, đèn thông minh, nhiệt kế thông minh, đồng hồ thông minh, thiết bị đeo theo dõi sức khỏe,…
Tội phạm mạng nhắm mục tiêu vào các thiết bị IoT vì một số lý do sau:
Bảo mật yếu: Nhiều thiết bị IoT có các lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng do các nhà sản xuất ít chú trọng đến vấn đề bảo mật.
Số lượng lớn: Số lượng thiết bị IoT đang gia tăng nhanh chóng, tạo ra một bề mặt tấn công khổng lồ cho tội phạm mạng.
Cổng vào mạng: Thiết bị IoT bị tấn công có thể được sử dụng làm bàn đạp để tấn công các thiết bị khác trên cùng mạng.
Dữ liệu nhạy cảm: Một số thiết bị IoT thu thập dữ liệu nhạy cảm, chẳng hạn như hình ảnh từ camera an ninh hoặc dữ liệu sức khỏe từ thiết bị đeo theo dõi.
Khi tin tặc tấn công vào các thiết bị IoT, chúng có thể chiếm quyền kiểm soát các thiết bị IoT và sử dụng chúng cho các mục đích độc hại, chẳng hạn như gián đoạn hoạt động, do thám hoặc tấn công các thiết bị khác trên cùng mạng. Bên cạnh đó, chúng cũng có thể đánh cắp dữ liệu nhạy cảm được thu thập bởi các thiết bị IoT.
Các bước cần thiết để đảm bảo an ninh kỹ thuật số
Tích hợp bảo mật là một quá trình liên tục cần được thực hiện một cách cẩn thận và hiệu quả. Doanh nghiệp cần lựa chọn các giải pháp bảo mật phù hợp với nhu cầu và ngân sách của mình, đồng thời cần thường xuyên cập nhật các biện pháp bảo mật để theo kịp các mối đe dọa an ninh mạng mới.
Các chuyên gia bảo mật công nghệ thông tin phải đảm bảo các công cụ an toàn trực tuyến luôn được cập nhật để vá các lỗ hổng. Thêm vào đó, các phòng ban phải phối hợp để cung cấp giải pháp bảo vệ toàn diện cho lực lượng lao động và thiết bị của họ.
Bên cạnh đó, tất cả các đối tác của doanh nghiệp phải sử dụng các giải pháp bảo mật mạng tiên tiến, luôn cập nhật để bảo vệ dữ liệu mà họ chia sẻ. Đồng thời phải lập kế hoạch ứng phó với tội phạm mạng và các bước thực hiện nếu bị tấn công. Chiến lược an ninh mạng phải bao gồm việc sao lưu dữ liệu định kỳ để tránh mất mát hoàn toàn dữ liệu khi bị tấn công.
Với việc các doanh nghiệp thu thập dữ liệu của mọi người với tốc độ cao, các mối đe dọa an ninh mạng đã trở thành một vấn đề nan giải cố hữu đối với các công ty. Công nghệ đang phát triển nhanh chóng, và các nhà lãnh đạo phải thường xuyên kiểm tra hệ thống của họ để đảm bảo sẵn sàng chống lại các cuộc tấn công bất ngờ.
Tóm lại, an ninh mạng là vấn đề quan trọng đối với tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy, trong hoạt động của mình, các doanh nghiệp cần thực hiện các giải pháp để bảo vệ hệ thống mạng và dữ liệu của mình khỏi các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi.