Hướng dẫn Kỹ năng nhận diện và cách xử lỷ khi gặp thông tin giả (fake news)

Thứ ba - 19/12/2023 17:17 936 0
Việt Nam là một trong những quốc gia có dân số sử dụng Internet tích cực nhất trên thế giới với khoảng 72,1 triệu người (số liệu năm 2022 của We are Social). Xu hướng người dân đọc tin tức qua mạng, sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, không gian mạng với đặc tính dễ ẩn danh, lan truyền nhanh đã trở thành môi trường thuận lợi cho hoạt động phát tán tin giả, tin sai sự thật. Tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng có nội dung liên quan đến nhiều lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế đến văn hóa, xã hội..., gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, danh dự của các tổ chức, cá nhân; ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, gây thiệt hại về kinh tế... Nhiều thông tin thiếu kiểm chứng, bịa đặt, phản cảm được người dùng mạng xã hội chia sẻ rộng rãi gây bức xúc trong dư luận xã hội. 
 
Tin giả (fake news) - ảnh minh họa
Tin giả (fake news) - ảnh minh họa

Sau đây là những dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh, xử lý tin giả:

1. Dấu hiệu nhận biết một tin giả

Khi đọc thông tin trên mạng, nếu thấy có những dấu hiệu sau thì rất có thể bạn đang đọc một tin giả:
  • Tiêu đề giật gân, thu hút, nội dung thông tin mới lạ, thường đề cập đến một vấn đề nóng đang được nhiều người quan tâm.
  • Thông tin không ghi nguồn hoặc nguồn không rõ ràng.
  • Thông tin xuất phát từ những trang web, tài khoản, kênh nội dung trên mạng xã hội thường xuyên tung tin giả, hoặc từ những trang, tài khoản, kênh không thuộc cơ quan báo chí chính thống hoặc cơ quan nhà nước.
2. Cách xác định tin giả

Khi nghi ngờ một tin giả, bạn cần thực hiện những bước sau để kiểm tra, xác minh:
  • - Xem xét nguồn tin, kiểm tra tác giả.
  • - Kiểm tra thông tin, hình ảnh minh họa và đường dẫn liên kết.
  • - Kiểm tra thời gian.
  • - Đọc toàn bộ nội dung, tìm những điểm nghi ngờ, mâu thuẫn.
  • - Đối chiếu với thông tin trên báo chí chính thống hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia hoặc các cơ quan chức năng.
3. Làm thế nào để tránh bẫy “tin giả”?

Ngày nay, tin giả có thể được tạo ra bằng nhiều phương thức tinh vi khiến cho ngay cả khi bạn là một công dân có trách nhiệm thì vẫn có thể vô hình sập “bẫy tin giả”. Vì vậy, bạn cần tự trang bị một số kiến thức cần thiết để bảo vệ chính mình khỏi nguy cơ từ trên mạng.
  • - Không tin ngay vào tất cả mọi thứ bạn thấy trên mạng.
  • - Suy nghĩ hai lần trước khi chia sẻ, đăng tải hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức trên mạng.
  • - Hỏi thăm, tham khảo ý kiến của bạn bè, người thân khi bạn cảm thấy chưa chắc chắn hoặc chờ sự xác nhận thông tin từ cơ quan báo chí chính thống hoặc cơ quan có thẩm quyền.
4. Phải làm gì nếu lỡ đăng tải, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật?
  • - Gỡ bỏ thông tin sai sự thật.
  • - Đưa ra lời đính chính, xin lỗi.
  • - Hợp tác với cơ quan chức năng nếu có yêu cầu.
5. Cách xử lý khi thấy tin giả

Khi phát hiện một tin giả, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thông báo đến Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) hoặc cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương.
Các bước cần làm khi thấy tin giả:
  • Lưu lại bằng chính (lưu lại đường link, chụp ảnh màn hình tin, bài viết nghi là tin giả, tải video nghi là tin giả về máy tính, điện thoại của mình...).
  • Không chia sẻ và cảnh báo cho người thân, bạn bè không chia sẻ những thông tin nghi ngờ là giả này.
  • Cảnh báo cho người đang đăng tải, chia sẻ những thông tin này về khả năng họ đang lan truyền tin giả và hậu quả của việc này.
  • Thông báo tin giả (kèm theo thông tin, bằng chứng) đến cơ quan chức năng có thẩm quyền theo các cách sau:
Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) thông qua các phương thức sau:
  • Website: https://tingia.gov.vn;
  • Email: online.abei@mic.gov.vn;
  • Hotline: 18008108.
Đến cơ quan chức năng có thẩm quyền tại địa phương (Sở Thông tin và Truyền thông hoặc Văn phòng UBND các tỉnh, thành phố) có thể lấy thông tin liên hệ qua website của các cơ quan này.

6. Hành động có trách nhiệm trên không gian mạng

Không gian mạng là phương tiện tuyệt vời để kết nối mọi người nhưng cũng ẩn chứa những rủi ro, cạm bẫy. Không phải mọi thứ trên mạng Internet đều an toàn và đáng tin cậy, vì vậy, hành động có trách nhiệm trên không gian mạng là cách duy nhất mà mỗi cá nhân, tổ chức có thể bảo vệ mình, bảo vệ những người xung quanh và góp phần xây dựng một xã hội văn minh, tuân thủ luật pháp.

a. Đối với người dùng

4 nguyên tắc để hành động có trách nhiệm trên không gian mạng
  • Suy nghĩ hai lần trước khi chia sẻ, tải (hoặc đăng), hoặc bình luận video, hình ảnh, tin tức trên mạng, không thực hiện các thao tác trên nếu không chắc chắn về thông tin.
  • Kiểm tra, xem xét nguồn tin, tác giả, độ tin cậy của thông tin.
  • Tôn trọng suy nghĩ và quyền riêng tư của bản thân và của người khác.
  • Thông báo cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện tin giả, sai sự thật.
b. Đối với các tổ chức, cơ quan nhà nước:
  • Chủ động cung cấp thông tin chính xác cho người dân thông qua nhiều phương thức khác nhau.
  • Xác thực, minh bạch thông tin, tạo niềm tin cho người dân.
c. Đối với cơ quan báo chí:
  • Giữ vững các giá trị cốt lõi, không chạy theo nhu cầu giật tít, câu view để đưa những thông tin không chính xác, không để thông tin trên mạng xã hội dẫn dắt.
  • Có trách nhiệm kiểm chứng thông tin, phản bác tin giả, tin sai sự thật.
d. Đối với nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước :
  • Cảnh báo cho người dùng về rủi ro, mối nguy hiểm khi hoạt động trên không gian mạng.
  • Đảm bảo đầy đủ điều kiện về kỹ thuật, công nghệ để chủ động loại bỏ, ngăn chặn thông tin có nội dung vi phạm (tin giả, tin sai sự thật).
  • Phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý, ngăn chặn thông tin vi phạm.
e. Đối với người quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo :
  • - Không quảng cáo sai sự thật.
  • - Có trách nhiệm kiểm soát để không đặt sản phẩm quảng cáo và nội dung vi phạm pháp luật (tin giả, tin sai sự thật); không hợp tác đặt quảng cáo với các trang thông tin điện tử/ tài khoản/ kênh nội dung/ trang cộng đồng (fanpage) vi phạm pháp luật.
7. Hậu quả của việc cung cấp, chia sẻ tin giả, tin sai sự thật 
  • Rạn nứt các mối quan hệ.
  • Gây ra những phiền toái, phân biệt đối xử, cô lập, xa lánh... cho những người liên quan.
  • Ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của bản thân và người khác.
  • Tổn thương đến sức khỏe cả về thể chất và tinh thần.
  • Bị phạt tiền hoặc khởi tố hình sự tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc theo quy định pháp luật.
8. Các mức xử phạt hành chính xử lý hình sự

a. Đối với cá nhân, tổ chức:
  • Tung tin giả, sai sự thật;
  • Xúc phạm danh dự nhân phẩm tổ chức, cá nhân khác;
  • Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân.
  • Cá nhân: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp: Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng; buộc gỡ bỏ thông tin .
Quảng cáo sai sự thật, quảng cáo hàng giả:
  • Cá nhân: Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp: Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng; buộc gỡ bỏ thông tin .
  • Đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung chi phạm pháp luật (thông tin xuyên tạc, tin giả, tin sai sự thật):
  • Cá nhân: Phạt tiền từ 7,5 - 10 triệu đồng; tổ chức, doanh nghiệp: Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng; buộc gỡ bỏ quảng cáo vi phạm. 
b. Đối với nhà cung cấp dịch vụ:
  • Chủ động cung cấp đường dẫn đến trang thông tin điện tử hoặc ứng dụng có nội dung vi phạm pháp luật (thông tin xuyên tạc, tin giả, tin sai sự thật): Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng. 
  • Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, thông tin bịa đặt, gây hoang mang: Phạt tiền từ 50-70 triệu đồng; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm; tước quyền sử dụng Giấy phép từ 03-06 tháng .
Nếu vi phạm nghiêm trọng có thể bị xử lý hình sự:
  • Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015): Phạt tù từ 03 tháng - 2 năm.
  • Hình thức xử phạt bổ sung: 10-30 triệu đồng; cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề 01 - 05 năm.
  • Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017): Phạt tù: 01 - 03 năm.

Tác giả: Võ Trọng Phú

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây