Phòng chống tình trạng lừa đảo trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Thứ năm - 28/03/2024 09:35 722 0
Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, mạng xã hội, giao dịch số đang là xu hướng và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai. Song, đi kèm với đó, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến, tinh vi, phức tạp, nhiều người dân không thể lường trước được, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng và hoạt động tinh vi hơn. Trong đó, gia tăng mạnh hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên mua, bán hàng trên sàn thương mại điện tử hay hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến…
Tại Nghệ An, qua nắm bắt thông tin của Sở Thông tin và Truyền thông: Thời gian qua trên địa bàn tỉnh xuất hiện hình thức lừa đảo đối với người dân sử dụng dịch vụ công đăng ký kinh doanh. Cụ thể, sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh, người dân nhận được điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ các ngành chức năng có liên quan như thuế/công an, yêu cầu người dân nộp tiền để hoàn thiện các thủ tục thuế hoặc nhận tài liệu lớp học bồi dưỡng kiến thức về phòng cháy, chữa cháy... Hiện một số địa phương như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc, Thị xã Hoàng Mai… phản ánh đã có trường hợp bị kẻ xấu lừa đảo theo hình thức này.
ANH MINH HOA
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Nhằm kịp thời ngăn chặn, phòng tránh tình trạng lừa đảo trong việc thực hiện dịch vụ công  trực tuyến xảy ra tiếp diễn trên địa bàn tỉnh, ngày 22/03/2024, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã ban hành Công văn số 523/STTTT-CĐS gửi các Sở, ban, ngành; Công an tỉnh; Các huyện, thành, thị; Các cơ quan báo chí, đơn vị có liên quan. Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị:

Các cơ quan báo chí tăng cường thời lượng phát sóng, tin, bài tuyên truyền các hình thức lừa đảo trực tuyến, đặc biệt các hình thức giả mạo cán bộ chính quyền liên hệ xử lý các dịch vụ hành chính. Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương của tỉnh khuyến khích việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả, thanh toán phí/lệ phí đối với các dịch vụ công trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp, không qua khâu trung gian.

Bên cạnh đó, Sở Thông tin Truyền thông cũng đề nghị các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị; Trung tâm phục vụ hành chính công cần tăng cường tuyên truyền, thông tin rộng rãi đến người dân tại các điểm giao dịch một cửa/Cổng thông tin điện tử/hệ thống truyền thanh cơ sở để cảnh giác, nhận biết, phòng ngừa hình thức lừa đảo nói trên. Quyết liệt triển khai việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả, thanh toán phí/lệ phí trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp, không qua khâu trung gian. Tổ chức rà soát, kiểm tra đột xuất nhằm kịp thời phát hiện cán bộ sử dụng, cung cấp dữ liệu cá nhân của người dân để tiếp tay cho hoạt động lừa đảo, trục lợi (nếu có). Kịp thời phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông, Công an  tỉnh Nghệ An và các đơn vị có liên quan về các hoạt động lừa đảo tương tự, các  hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về an toàn thông tin mạng để kịp thời nắm bắt, ngăn chặn và hỗ trợ xử lý.

Đối với Cục thuế tỉnh, Cổng Thông tin điện tử và Viễn thông Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông yêu cầu triển khai rà soát, kiểm tra các hệ thống thông tin do đơn vị mình triển khai nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục các sơ hở của hệ thống làm lộ lọt thông tin của người dân. Đảm bảo thực hiện đúng quy định tại Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định đảm bảo an toàn  thông tin mạng khi cung cấp các dịch vụ có liên quan đến dữ liệu cá nhân.

Sở Thông tin và Truyền thông đồng thời đề nghị Công an Tỉnh chỉ đạo công an các địa phương chủ động phát hiện, xác minh, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng khai thác dữ liệu cá nhân trên các hệ thống thông tin của tỉnh để thực hiện các hoạt động lừa đảo nhằm kịp thời răn đe, ngăn chặn.

Tác giả: Hoàng Hà Chung

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây