Khi chưa có luật bảo vệ trẻ em trên Internet, cha mẹ cần làm gì?

Thứ năm - 14/11/2024 15:52 341 0
Cha mẹ, nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách đều đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một bối cảnh kỹ thuật số hỗ trợ phát triển và không ảnh hưởng đến sự an toàn của các em.
Trước tình trạng thế giới ngày càng lo ngại về ảnh hưởng của mạng xã hội (MXH) đối với giới trẻ, Australia đã có bước đi táo bạo, đề xuất cấm các nền tảng MXH cho người dùng dưới 16 tuổi.

Động thái tiên phong này đã khơi dậy cuộc thảo luận toàn cầu về vai trò của công nghệ trong sự phát triển của trẻ em và trách nhiệm của các công ty công nghệ trong việc bảo vệ người dùng trẻ.

Một số biện pháp bảo vệ trẻ em trên Internet của Ấn Độ

Hiện tại, Ấn Độ chưa có một luật chuyên biệt về bảo vệ an toàn cho trẻ em trên mạng, nhưng đã áp dụng nhiều biện pháp bảo vệ trẻ vị thành niên trong kỷ nguyên số.

Độ tuổi tối thiểu hiện tại đối với các tài khoản MXH ở Ấn Độ là 13 tuổi, cũng phù hợp với Đạo luật bảo vệ quyền riêng tư trực tuyến của trẻ em Hoa Kỳ (US Children’s Online Privacy Protection Act - COPPA).
1
Ảnh minh họa. Nguồn: Etedge-insights.
Ngoài ra, trẻ cần có sự đồng ý của cha mẹ mới được lập tài khoản MXH. Như vậy, tại Ấn Độ, trẻ từ 13 tuổi có thể mở tài khoản trên Google, Facebook và Instagram, nhưng các nền tảng này giới hạn một số nội dung với người dưới 18 tuổi do có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần.

Tuy nhiên, nghiên cứu năm 2023 mang tên An toàn kỹ thuật số của trẻ em: Tạo không gian trực tuyến an toàn (Digital Safety of Children: Creating Safe online Spaces) của Space2Grow, một tổ chức phi lợi nhuận, đã tiết lộ chỉ có 30% trẻ em, 35% phụ huynh và 26% nhà giáo dục biết đến sự an toàn trong môi trường số. Chỉ 3% phụ huynh ở Ấn Độ sử dụng các kỹ thuật để tạo ra trải nghiệm trực tuyến an toàn cho con cái.

Truyền thông xã hội, trò chơi trực tuyến, và nội dung số đã thay đổi cách trẻ em học tập và kết nối, nhưng cũng mang lại những rủi ro như nội dung độc hại, bắt nạt trên mạng và nguy cơ từ kẻ xấu. Khi điện thoại ngày càng phổ biến, trẻ em dễ bị cuốn vào MXH từ sớm, nhất là trong thời đại học trực tuyến và áp lực từ bạn bè.

Nhiều trẻ tự tạo tài khoản bí mật và sử dụng ứng dụng để che giấu hoạt động MXH với phụ huynh, qua mặt các giới hạn về tuổi tác. Xu hướng ngày càng tăng này đòi hỏi phải đánh giá lại cách thức và thời điểm trẻ em được phép truy cập vào MXH và các thiết bị số.

Để đối phó với những thách thức này, Ấn Độ đã đưa ra một số biện pháp quản lý như Đạo luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân năm 2023 (2023 Digital Personal Data Protection Act) yêu cầu sự đồng ý của cha mẹ khi trẻ em mở tài khoản MXH.

Hội đồng Tiêu chuẩn Quảng cáo Ấn Độ (ASCI) cũng ban hành hướng dẫn về quảng cáo phù hợp lứa tuổi, và Quy định Trung gian trò chơi năm 2023 (2023 Gaming Intermediaries Regulations) đưa ra phân loại nội dung theo độ tuổi.

Khi tương tác số tăng, Ấn Độ cần một khung pháp lý toàn diện hơn về an toàn cho trẻ em trên mạng, bao gồm nâng độ tuổi tối thiểu và tăng cường giám sát để giảm thiểu tiếp xúc với nội dung không phù hợp và lạm dụng trực tuyến.

Cha mẹ có thể làm gì để đảm bảo an toàn khi con trực tuyến?

Trẻ em có thể dễ dàng tạo tài khoản giả bằng cách sử dụng danh tính giả và nhập không chính xác độ tuổi. Nếu không có sự giám sát thích hợp trên MXH, các em có thể gặp phải nội dung có hại và từ đó tiếp xúc với những mặt tối của thế giới kỹ thuật số.

Để thúc đẩy một môi trường trực tuyến an toàn hơn, Ấn Độ có thể được hưởng lợi từ luật bảo vệ trẻ em chuyên biệt được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh số của nước này. Báo cáo gần đây của Cục Hồ sơ tội phạm Quốc gia (National Crime Records Bureau - NCRB) cho thấy tội phạm mạng nhắm đến trẻ em tăng đáng lo ngại ở mức 32%. Phân tích của tổ chức Quyền trẻ em và bạn (Child Rights and You - CRY) nhấn mạnh rằng những tội phạm này thường liên quan đến nội dung khiêu dâm trên mạng, theo dõi quấy rối trên mạng (cyberstalking) và bắt nạt.

Cyberstalking là hành vi sử dụng Internet hoặc công nghệ số để giám sát, theo dõi, hoặc quấy rối ai đó một cách có hệ thống và liên tục, gây ảnh hưởng tiêu cực đến người bị hại.

Những quy định như vậy sẽ thiết lập các hướng dẫn rõ ràng, tăng cường trách nhiệm giải trình của nền tảng và thực thi các biện pháp bảo vệ nhất quán. Mặc dù các biện pháp hiện tại là một khởi đầu tích cực nhưng con đường phía trước của Ấn Độ phải cân bằng giữa tự do kỹ thuật số với các biện pháp bảo vệ nâng cao, đảm bảo một không gian an toàn nơi trẻ em có thể khám phá và học tập một cách an toàn.
2
Ảnh minh họa về hoạt động cha mẹ hướng dẫn để trẻ an toàn trên mạng. (Nguồn: ChildFund India).
Cha mẹ, nhà giáo dục và các nhà hoạch định chính sách đều đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai này. Bằng cách cộng tác, các bên liên quan có thể xây dựng một bối cảnh kỹ thuật số hỗ trợ sự phát triển của trẻ em mà không ảnh hưởng đến sự an toàn của các em.

Một số lời khuyên thiết thực để bảo vệ hành trình số của con trẻ

Đối thoại cởi mở: Cha mẹ cần bắt đầu cuộc trò chuyện về an toàn trực tuyến từ khi con còn nhỏ; Khuyến khích giao tiếp cởi mở và tạo không gian an toàn để con trẻ chia sẻ trải nghiệm trực tuyến của mình; Thiết lập các quy tắc rõ ràng về thời gian sử dụng thiết bị, hoạt động trực tuyến và nội dung phù hợp.

Kiến thức số: Cha mẹ hãy trang bị cho con những kỹ năng đánh giá thông tin trực tuyến một cách phản biện; Giải thích tầm quan trọng của cài đặt quyền riêng tư trên MXH và các nền tảng trực tuyến khác; Hướng dẫn các con tạo mật khẩu mạnh, duy nhất cho mỗi tài khoản.

Sự kiểm soát của phụ huynh: Cha mẹ hãy sử dụng phần mềm kiểm soát của mình để giám sát và lọc nội dung trực tuyến; Thường xuyên kiểm tra thiết bị của con để phát hiện những hoạt động đáng ngờ; Sử dụng các ứng dụng theo dõi vị trí để theo dõi nơi ở của con cái khi vẫn còn ở tuổi vị thành niên.

Giám sát phương tiện truyền thông xã hội: Cha mẹ hãy cân nhắc tạo các tài khoản MXH chung để giám sát hoạt động của con; Xem xét các yêu cầu kết bạn và khuyến khích con thận trọng khi chấp nhận những lời kết bạn này; Đảm bảo cài đặt quyền riêng tư nghiêm ngặt để hạn chế tiếp xúc với người lạ.

Chuẩn mực đạo đức trên môi trường số: Điều này có nghĩa là dạy con cái tôn trọng và ân cần trong các tương tác trực tuyến; Thảo luận về sự nguy hiểm của bắt nạt trên mạng và khuyến khích con báo cáo những sự cố như vậy. Cha mẹ hãy giải thích hậu quả lâu dài của việc chia sẻ thông tin cá nhân trực tuyến.

Mặc dù sự hướng dẫn của cha mẹ rất quan trọng nhưng vẫn cần có cách tiếp cận toàn diện để bảo vệ trẻ em trên mạng. Một bộ luật bảo vệ trẻ em trực tuyến chuyên biệt phù hợp với bối cảnh số của Ấn Độ có thể cung cấp một khuôn khổ vững chắc hơn để giải quyết các mối đe dọa mới nổi. Luật này có thể yêu cầu các quy định chặt chẽ hơn đối với các nền tảng truyền thông xã hội, trao quyền cho các cơ quan thực thi pháp luật và nâng cao nhận thức của công chúng.

Bằng cách kết hợp sự cảnh giác của phụ huynh với khung pháp lý chặt chẽ, một môi trường số an toàn hơn sẽ được tạo ra, giúp con cái khám phá thế giới trực tuyến một cách tự tin và bảo mật./.

Tác giả: Anh Minh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây