Cảnh giác chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên, mạo danh bán vé xe khách dịp cuối năm

Thứ ba - 24/12/2024 10:52 47 0
Tết Nguyên đán cận kề là thời điểm trên mạng Internet và các nền tảng mạng xã hội xuất hiện càng nhiều chiêu trò lừa đảo. Mặc dù các chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên online, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp bán hàng không phải là mới nhưng nhiều người vẫn sập bẫy bởi những "mồi nhử" hấp dẫn.
1

Sập bẫy chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên

Với những "mồi nhử" hấp dẫn như được hưởng chênh lệch 10 - 20% trên mỗi đơn hàng, nhiều người đã sập bẫy các chiêu trò lừa đảo tuyển cộng tác viên (CTV) online, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử hoặc các doanh nghiệp bán hàng, đặc biệt là phụ nữ đang nuôi con nhỏ, không có việc làm ổn định và muốn kiếm thêm thu nhập từ việc bán hàng online.

Mới đây, một người phụ nữ tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội, đã bị lừa gần 200 triệu đồng khi tham gia làm CTV online. Ngày 11/12/2024, Công an huyện Đan Phượng tiếp nhận trình báo từ chị T. (SN 2001, trú tại huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) về việc bị lừa đảo thông qua một ứng dụng tuyển CTV.

Theo lời kể, ban đầu khi thực hiện đơn hàng đầu tiên, chị T nhận được hoa hồng và có thể rút tiền thành công. Tuy nhiên, khi thực hiện các đơn hàng có giá trị cao hơn, hệ thống liên tục báo lỗi và yêu cầu nạp thêm tiền gấp 5 lần giá trị đơn hàng để được hoàn tiền. Sau nhiều lần chuyển tiền nhưng không thể rút, chị T mới nhận ra mình bị lừa và trình báo với Cơ quan Công an. Tổng số tiền chị đã chuyển lên đến gần 200 triệu đồng.

Thủ đoạn của đối tượng lừa đảo thường là tạo những tài khoản, hồ sơ mạng xã hội (MXH) giả mạo, thường đưa các tin, bài quảng cáo trên các trang MXH. Khi bị hại liên hệ đến để kiếm việc làm, các đối tượng yêu cầu phải thanh toán đơn hàng trước rồi sẽ được nhận lại tiền gốc cộng thêm chiết khấu “hoa hồng”.

Một đơn hàng thành công sẽ được hưởng “hoa hồng” từ 10% - 20%. Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ, đầu tiên bị hại sẽ được thanh toán kèm “hoa hồng” như đã hứa hẹn nhằm tạo lòng tin. Đến khi số tiền đặt các đơn hàng của bị hại ngày càng lớn, các đối tượng sẽ giở các chiêu trò, thủ đoạn chiếm đoạt tài sản của bị hại. Ngoài ra, các đối tượng còn sử dụng thủ đoạn thông báo đến bị hại trúng thưởng một giải thưởng lớn rồi dụ dỗ nạn nhân tham gia làm nhiệm vụ đặt đơn hàng, kiếm tiền online...

Trước chiêu trò tinh vi trên, Cục An toàn thông tin (ATTT), Bộ TT&TT khuyến cáo người dân nên tỉnh táo trước các lời mời tuyển CTV kiếm tiền hoa hồng với lợi nhuận cao. Khi làm CTV cho các công ty, doanh nghiệp, hoặc đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra kỹ thông tin về đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn để xác minh tính chính xác.

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, hoặc mật khẩu trên các trang web không rõ nguồn gốc. Khi gặp các trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần kịp thời trình báo cơ quan công an để ngăn chặn và xử lý theo quy định của pháp luật.

Cẩn trọng trước chiêu trò mạo danh bán vé xe khách để lừa đảo

Công an thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) vừa phát hiện nhóm đối tượng lừa đảo trên không gian mạng, bằng hình thức đặt vé xe khách tuyến Bắc - Nam.

Theo đó, các đối tượng sử dụng hình ảnh các nhà xe uy tín, xây dựng các trang web giả mạo sau đó lừa khách hàng chuyển khoản đặt cọc tiền vé. Sử dụng các số điện thoại và tài khoản ngân hàng giả mạo để liên lạc và thực hiện giao dịch. Sau khi nhận được tiền cọc các đối tượng chặn mọi phương thức liên lạc. Với hình thức trên, từ đầu năm đến nay các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng của người dân.
2

Thủ đoạn chung của các đối tượng giả mạo đại lý bán vé, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức. Khi người dân có nhu cầu đặt vé máy bay, vé tàu xe các đối tượng sẽ yêu cầu họ phải thực hiện theo các yêu cầu và đề nghị nạn nhân chuyển tiền từ 30% đến 100% giá vé niêm yết vào tài khoản của các đối tượng, sau đó các đối tượng sẽ chiếm đoạt số tiền trên của những người dân trên.

Sau khi nhận được số tiền đó các đối tượng sẽ chặn liên lạc với những người dân này và chuyển số tiền vừa nhận được đi qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhằm tránh sự phát hiện của cơ quan công an và các cơ quan chức năng khác.

Trước tình hình lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm, Cục ATTT khuyến cáo người dân khi tiến hành đặt vé của các đại lý vé máy bay, vé tàu xe cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ để xác định chính xác các đại lý vé máy bay, hãng tàu xe là chính thống, hợp pháp, có địa chỉ rõ ràng và được đăng ký thực hiện theo quy định của Nhà nước.

Trước khi tiến hành chuyển tiền đặt cọc để mua vé máy bay, vé tàu xe, người dân cần xác minh cụ thể số tài khoản nhận tiền đó có phải đúng của các đại lý vé máy bay, hãng tàu xe chính thống hay không, hay do các cá nhân lợi dụng hình ảnh, thông tin của các đại lý vé máy bay, tàu xe để lừa đảo người dân nhằm chiếm đoạt tiền của mình.

Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn xử lý.

Mạo danh các trường đại học để lừa đảo sinh viên

Gần đây một số trường đại học (ĐH) liên tục phát cảnh báo sinh viên đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo yêu cầu chuyển khoản dưới dạng trúng tuyển học bổng, yêu cầu đóng khoản phí để được xét duyệt. Có sinh viên bị lừa chuyển khoản tới 150 triệu đồng.

Theo đó, hàng loạt các trường ĐH như ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), ĐH Công nghiệp TP.HCM, ĐH FPT,... phát đi cảnh báo về việc đề cao cảnh giác trước các thông tin giả mạo, lừa đảo lên trang thông tin của trường.
 
3

Cảnh báo của trường ĐH Bách khoa TP.HCM được đưa ra sau phản ánh về thư mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế ghi là của trường này. Nội dung thư mời chúc mừng và thông báo đến một sinh viên ngành công nghệ thực phẩm về việc đủ điều kiện ghi danh vào khóa học giao lưu sinh viên quốc tế tại Singapore dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc.

Thư mời này còn giới thiệu mức học bổng từ 25% - 100% theo từng tiêu chí. Điều đáng chú ý, phía trên thư mời giả mạo ghi là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) nhưng ký tên dưới văn bản ghi thừa lệnh hiệu trưởng, trưởng phòng tổ chức hành chính - quản trị và dấu mộc lại hiển thị Sở GD-ĐT.

Trước đó, trường ĐH Công nghiệp TP.HCM cũng phát cảnh báo tình trạng giả mạo văn bản nhà trường sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc giả mạo thông tin mời họp mặt giao lưu sinh viên quốc tế với nội dung: "Chúc mừng sinh viên đủ điều kiện ghi danh vào khóa giao lưu sinh viên quốc tế tại Nhật Bản...", kèm thông tin về các mức học bổng (học tập và sinh hoạt phí) lên đến 100%.

Theo khuyến cáo của Cục ATTT, các sinh viên chỉ thực hiện thanh toán học phí qua các kênh chính thức của trường; thường xuyên kiểm tra trang web của trường hoặc liên hệ trực tiếp với phòng tài chính để xác nhận thông tin và hướng dẫn cụ thể.

Đồng thời tuyệt đối không chuyển tiền cho các cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng không rõ nguồn gốc; không truy cập vào các liên kết hoặc các tệp đính kèm trong tin nhắn, email hoặc những bài đăng đáng ngờ trên mạng xã hội; không chia sẻ thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay thông tin thẻ tín dụng qua các phương tiện không bảo mật hoặc với người lạ.

Các sinh viên cần luôn luôn kiểm tra lại thông tin thanh toán, số tài khoản và số tiền cần đóng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, hãy liên hệ ngay với bộ phận tài chính của trường để xác minh.

Nếu phát hiện có hành vi mạo danh hoặc lừa đảo, hãy báo cáo cho nhà trường, các nền tảng mạng xã hội hoặc cơ quan chức năng để ngăn chặn hành vi này và giải quyết kịp thời./.

Tác giả: Trịnh Thu Trang

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây