Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Để an toàn trong môi trường số chúng ta nên làm gì?
Thứ năm - 26/09/2024 07:523130
Việt Nam đang hòa mình vào xu hướng chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số và công dân số. Tính đến đầu năm 2024, tại Việt Nam có khoảng 78,44 triệu người sử dụng internet, tỉ lệ tiếp cận internet đạt 79,1% và có khoảng 72,70 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương với 73,3% tổng dân số, Việt Nam đang xếp thứ 12 trên thế giới về tỉ lệ người sử dụng Internet.
Hiện nay mọi lĩnh vực của xã hội đều đang được ứng dụng công nghệ một cách sâu rộng và tạo ra những giá trị to lớn cho xã hội. Khi khối lượng và sự đa dạng của dữ liệu được thu thập, lưu trữ và phân tích đã tăng vọt trong những năm gần đây, chúng ta có thể nhận thấy những vấn đề về bảo mật ngày càng trở nên quan trọng, đặc biệt là việc bảo vệ dữ liệu cá nhân. Ngày 17/4/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 13/2023/NĐ-CP về bảo vệ dữ liệu cá nhân, đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong nỗ lực xây dựng hành lang pháp lý nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam một cách hiệu quả, giảm thiểu tối đa những nguy cơ và hệ quả của các hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân, cùng chung tay với cộng đồng quốc tế trong việc xử lý các nguy cơ, thách thức đến từ không gian mạng.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã từng khẳng định: "Việt Nam phải khẳng định chủ quyền và sự thịnh vượng quốc gia trên không gian mạng và mỗi người đều có trách nhiệm bảo vệ môi trường ấy”. Bởi vậy, Việt Nam phải trở thành cường quốc về an toàn, an ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của mình trên không gian mạng. Cường quốc về an toàn, an ninh mạng thì cũng như cường quốc về quân sự trong thế giới thực.
Vì vậy, mỗi người dân tự nên tự có ý thức bảo vệ mình trong môi trường số như bảo vệ mình trong môi trường thực, bảo vệ tài sản vô hình của mình, chẳng hạn những thông tin cá nhân, như bảo vệ tài sản hữu hình khác.
Chiếc điện thoại thông minh giờ đây đã trở thành vật bất ly thân với nhiều người trong chúng ta, đặc biệt là thế hệ trẻ. Điện thoại thông minh với quá nhiều tiện ích như: Camera chụp hình, microphone, xác định vị trí, kết nối mạng không dây và nhiều chức năng khác. Tuy nhiên, sự riêng tư và bảo mật lại không phải là mối quan tâm hàng đầu đối với hầu hết các nhà sản xuất, vì cái mà họ quan tâm tới là sự tiện lợi và giá thành để cạnh tranh nhiều hơn. Tất cả điều đó đã biến những chiếc điện thoại thông minh thành các thiết bị vô cùng lý tưởng để theo dõi, nghe lén, lấy vị trí, dữ liệu riêng tư, thậm chí mạo danh để nhắn tin tới các điện thoại khác. Nếu một ai đó khống chế được chiếc điện thoại thông minh của bạn, có thể người đó còn hiểu về bạn hơn chính bạn.
Có nhiều cách, từ dễ đến khó, được hacker sử dụng. Dễ nhất, không cần có trình độ công nghệ, mà chỉ cần có các mánh khóe lừa đảo, giả mạo hacker có thể thu thập thông tin công khai trên mạng, chẳng hạn như mạng xã hội, Internet, để xây dựng các nội dung lừa đảo với thông tin đáng tin cậy dành riêng cho mỗi cá nhân, thường là đánh vào lòng ham muốn riêng của mỗi cá nhân. Cao cấp hơn, hacker có thể tạo ra các phần mềm, có thể là phần mềm độc hại, hoặc phần mềm độc hại núp bóng một ứng dụng thông thường để dụ người dùng cài đặt và sử dụng.
Mỗi người chỉ cần có ý thức và thói quen đúng thì chúng ta đã tự có thể bảo vệ mình và hạn chế đến khoảng 80% nguy cơ rủi ro, 20% còn lại thì chỉ có những kẻ tấn công chuyên nghiệp mới có thể đe dọa được. Mỗi người nên tự hiểu rõ các ứng dụng mà mình đã cài trên điện thoại thông minh của mình như chính cơ thể mình. Điện thoại thông minh cho phép người dùng kiểm soát, cấp quyền phù hợp cho từng ứng dụng theo nhu cầu chức năng sử dụng.
Hãy xóa các ứng dụng không dùng, phân quyền cho các ứng dụng một cách hợp lý. Chỉ cài đặt ứng dụng từ các kho chính thức Apple Store (đối với điện thoại iPhone) và Google Play (đối với điện thoại dùng Android) thì sẽ hạn chế được tối đa việc cài các ứng dụng trôi nổi không rõ nguồn gốc.
Hãy thiết lập một mật khẩu mạnh khi sử dụng điện thoại và các ứng dụng, hãy luôn cập nhật bản mới nhất của hệ điều hành và các ứng dụng. Nhiều người vẫn nghĩ rằng đã không còn ai sử dụng những từ, cụm từ đơn giản như họ tên, ngày sinh, hay thậm chí là từ “password”… để đặt làm mật khẩu. Nhưng trên thực tế hiện nay theo các chuyên gia quản lý mật khẩu NordPass, mật khẩu được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới vào năm 2022 vẫn là từ "password", đứng thứ hai trong danh sách là dãy số “123456”. Với thực tế này, có lẽ chúng ta không còn ngạc nhiên khi biết rằng 81% các vụ vi phạm dữ liệu là do mật khẩu kém. Vì thế, việc quản lý sử dụng mật khẩu và các phương pháp xác thực khác là rất quan trọng mà mọi người nên thực hiện để đảm bảo an toàn dữ liệu cá nhân.
Cài đặt các ứng dụng bảo mật cho chiếc điện thoại thông minh của mình, giống như trang bị thêm khóa cho tài sản của mình. Các bản cập nhật thường chứa các bản vá bảo mật được thiết kế để khắc phục các lỗ hỗng đã biết. Việc trì hoãn hoặc từ chối những đề nghị tải xuống các bản cập nhật phần mềm có thể tạo điều kiện cho tin tặc khai thác những lỗ hổng một cách dễ dàng hơn.
Thường xuyên kiểm tra cài đặt quyền riêng tư. Mạng xã hội và các dịch vụ trực tuyến hiện nay hầu như đều cung cấp các tùy chọn để người dùng quyết định lượng thông tin mà họ muốn chia sẻ. Vì thế, người dùng phải luôn cẩn trọng với những thông tin mình cung cấp.
Trong nhiều trường hợp thường sử dụng một trang web hoặc dịch vụ nào đó thì nên cài đặt quyền riêng tư mặc định sẵn cho tiện lợi và cũng không quan tâm đến việc kiểm tra lại các cài đặt đó. Tuy nhiên, để bảo vệ các thông tin cá nhân cũng như dữ liệu được an toàn, chúng ta cần thường xuyên kiểm tra các cài đặt quyền riêng tư của mình trên các nền tảng hay những trang web, dịch vụ thường xuyên sử dụng các thông tin cá nhân./.