Nhiều người bị sập bẫy đối tượng lừa đảo
Thời gian qua, Bộ Công an đã liên tục cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên cả nước song hiện nay vẫn còn có nhiều người sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Nạn nhân của một vụ lừa đảo bằng cách giả danh công an, yêu cầu kê khai thông tin tài sản, sau vài lời đe dọa, đối tượng giả danh đã yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại thực hiện theo hướng dẫn của đối tượng để kê khai tài sản cá nhân. Sau đó chỉ vài thao tác, hàng trăm triệu đồng trong tài khoản của nạn nhân đã "không cánh mà bay".
Mới đây, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết, đã khởi tố vụ án, bắt tạm giam Lê Nguyên Giáp (Sinh năm 1993, ở phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Trước đó, Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Thái Nguyên) tiếp nhận đơn trình báo của một người tên D.K.L. (1984, ở huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên) về hành vi lừa đảo của Lê Nguyên Giáp. Theo đó, đối tượng giả danh quen biết cán bộ làm việc tại Bộ Công an có khả năng giải quyết, lấy lại được tiền ảo đã thua lỗ của nạn nhân để lừa đảo chiếm đoạt tiền.
Nạn nhân cho biết có tham gia đầu tư tiền ảo trên mạng và đã bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng sau đó vì tâm lý muốn lấy lại tiền, nạn nhân lại tìm và tham gia vào một số nhóm trên mạng xã hội để tìm cơ hội lấy lại tiền.
Nắm bắt tâm lý trên của nạn nhân, đối tượng chủ động nhắn tin và cho biết mình cũng từng bị lừa đảo; đồng thời tự giới thiệu có quen biết với một cán bộ làm ở Bộ Công an có thể giúp lấy lại số tiền bị lừa đảo.
Để tạo lòng tin, đối tượng còn gửi số điện thoại của bản thân, giả làm cán bộ công an gọi điện và trao đổi với nạn nhân. Trong quá trình trao đổi, nạn nhân đã tin tưởng và chuyển tiền cho đối tượng lừa đảo trên 3 lần với tổng số tiền là 100 triệu đồng. Tuy nhiên, nạn nhân lại tiếp tục rơi vào bẫy và bị lừa chiếm đoạt số tiền trên.
Chiêu trò lừa đảo giả danh Công an để chiếm đoạt tài sản đã xuất hiện từ những năm trước đây, tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin như hiện nay, các đối tượng lừa đảo đã lợi dụng điều này để thực hiện thủ đoạn một cách tinh vi hơn. Theo đó, các đối tượng lừa đảo đều sử dụng thủ đoạn chung là thông qua mạng viễn thông (gọi điện, nhắn tin), mạng xã hội như Facebook, Zalo… để liên lạc với người bị hại.
Nhận định hình thức giả danh
Theo cơ quan chức năng, có thể nhận định một số hình thức giả danh như sau:
1. Giả danh cán bộ thuộc Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân, đang tiến hành thực hiện điều tra các vụ án hình sự, đồng thời làm giả các Lệnh bắt tạm giam và Quyết định tạm giữ, niêm phong tài sản thi hành án hình sự rồi gửi cho người bị hại.
Sau đó, yêu cầu những người này phải chuyển tiền vào tài khoản mà chúng thông báo hoặc cung cấp thông tin về số tiền tiết kiệm, sổ tiết kiệm, các thông tin về tài khoản ngân hàng, mã OTP chuyển tiền… để phục vụ điều tra và hứa hẹn sẽ trả lại sau khi chứng minh họ vô tội.
Do quá hoang mang và lo sợ việc bị bắt giữ nên những người bị hại đã làm theo yêu cầu. Sau khi nhận được tiền, các đối tượng lập tức chiếm đoạt và xóa thông tin, liên hệ.
2. Giả danh làm Cảnh sát giao thông yêu cầu người dân nộp phạt nguội
3. Giả danh Công an hướng dẫn người dân cài đặt VNeID giả. Đây là một trong những chiêu trò cực phổ biến thời gian gần đây do hiện nay, vẫn còn nhiều người dân chưa hoàn thiện thủ tục cài đặt VNeID.
Điều đáng chú ý là trước khi thực hiện chiêu trò này, các đối tượng thường đã tìm hiểu rất kỹ thông tin của nạn nhân, bao gồm nơi cư trú, thông tin Căn cước công dân (CCCD), ngày tháng năm sinh bằng nhiều cách để tạo niềm tin và hướng dẫn người dân cài đặt VNeID giả chỉ trong một thời gian ngắn.
Sau khi cài đặt ứng dụng VNeID, người dân thường bật quyền truy cập thiết bị. Một khi bật quyền truy cập, chúng sẽ đọc được tất cả những dữ liệu cá nhân trên điện thoại bao gồm cả thông tin tin nhắn điện thoại chứa mã OTP. Sau đó ứng dụng sẽ bị truy cập và tiền trong tài khoản sẽ bị rút sạch.
Thông thường, đối tượng lừa đảo thường nhắm vào những người ít có điều kiện tiếp xúc với thông tin báo chí, thông tin trên mạng xã hội như người cao tuổi về hưu, nội trợ gia đình… Đây cũng là những người nhẹ dạ cả tin và ít có khả năng đề phòng hơn.
Những điểm người dân cần lưu ý
Do thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi nên ngay cả khi có sự can thiệp của cơ quan Công an, việc giải quyết cũng sẽ gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, người dân cần tự cảnh giác để không bị sập bẫy lừa đảo, trong đó lưu ý:
- Cần tỉnh táo, cảnh giác trước các giọng điệu đe dọa, bình tĩnh để xem xét việc đe dọa này có căn cứ hay không. Ngay khi có dấu hiệu lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an.
- Đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ cơ quan Nhà nước, cơ quan Công an để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại.
Trước thực trạng lừa đảo trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đưa ra khuyến cáo cho người dân, đặc biệt là những người dân đã trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cần phải thường xuyên cập nhật và nắm bắt thông tin về vấn đề an toàn không gian mạng; luôn cảnh giác với những lời mời chào trên mạng xã hội.
Người dân, tuyệt đối không cung cấp những thông tin cá nhân như CCCD, CMND, số tài khoản ngân hàng, mã OTP,… để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp; Không thực hiện bất kỳ giao dịch nào trên mạng xã hội nếu chưa xác minh được chính xác người nhận tiền là ai.
Nếu đã bị lừa thì lập tức báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất, tuyệt đối không nghe theo hướng dẫn của bất cứ đối tượng nào mạo danh có thể lấy lại tiền giúp nạn nhân mà phải chuyển phí trước./.