Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Từ Analog đến cách mạng Digital và cảm hứng cho chuyển đổi số
Thứ ba - 27/08/2024 10:423720
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ, đổi mới lần 2 là chuyển từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số và cung cấp các tiện ích phục vụ cho chuyển đổi số.
Tư duy đi thẳng vào công nghệ hiện đại
Vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, Việt Nam lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và toàn diện, một phần do hậu quả của chiến tranh tàn khốc, một phần là hệ quả của nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp.
Khó khăn chồng chất, không có vốn (toàn ngành không có được 1 triệu USD), mạng Analog tại Việt Nam vẫn hiện đại so với các nước xã hội chủ nghĩa, đang trong lúc không có vốn đầu tư lại bỏ đi mua thiết bị mới, nên nhiều người băn khoăn. Vượt qua nhiều quan điểm tận dụng hệ thống tổng đài Analog của Đức chuyển giao, ngành Bưu điện đã quyết định chọn công nghệ Digital, đi thẳng vào hiện đại hóa, sớm đầu tư hiện đại hóa cả về công nghệ và dung lượng của mạng.
Đây là quyết định mang tính chiến lược, bởi khi đó có tới 98% mạng điện thoại cố định của thế giới đang sử dụng công nghệ Analog, chỉ có một số ít quốc gia bắt đầu chuyển từ Analog sang công nghệ Digital. ”Không đi vào vùng 2% thì Việt Nam không phát triển được”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng từng nhắc tới bài học này trong một phiên họp với các cán bộ quản lý hiện tại.
Để có tiền đầu tư cho công nghệ, ngành Bưu điện đề xuất "lấy ngoài nuôi trong" bằng cách hợp tác với Úc làm điện thoại quốc tế. Đến năm 1995, thấy cách này phát huy hiệu quả, Việt Nam tiếp tục mở BCC về thông tin di động với Comvik của Thụy Điển để lập nên mạng MobiFone.
Ngoài đề xuất cơ chế hợp tác nước ngoài như trên, Tổng cục Bưu điện đã đề xuất cơ chế “tự vay, tự trả” chứ không trông chờ vào tiền ngân sách và xin giữ lại một phần lợi nhuận để tái đầu tư.
Luồng gió của tư duy đổi mới, nói thẳng nói thật đã đến với ngành Bưu điện Việt Nam. Từ người lao động đến lãnh đạo đều thấm nhuần và vận dụng rất sáng tạo vào thực tiễn phát triển với sự xả thân, dám nghĩ dám làm.
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện
Ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện hồi tưởng lại, thời điểm đó Việt Nam lâm vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng và toàn diện, một phần do hậu quả của chiến tranh tàn khốc, một phần là hệ quả của nền kinh tế tập trung, quan liêu, bao cấp. Bước ra khỏi chiến tranh, một vạn chiến sĩ giao bưu, giao liên, vô tuyến điện, thợ dây, thợ máy… đã hi sinh. Tổng số thuê bao điện thoại chỉ xấp xỉ 100.000, trong đó Hà Nội có khoảng 10.000 thuê bao, TP.HCM có khoảng 30.000 thuê bao. Mạng lưới viễn thông nhỏ bé sử dụng hoàn toàn công nghệ Analog. Đời sống cán bộ, công nhân viên ngành gặp rất nhiều khó khăn. Đất nước không chỉ bị cấm vận về kinh tế mà còn bị cấm vận về công nghệ, viễn thông, mã 84 của Việt Nam bị khóa…
“Luồng gió của tư duy đổi mới, nói thẳng, nói thật đã đến với ngành Bưu điện Việt Nam. Từ người lao động đến lãnh đạo đều thấm nhuần và vận dụng rất sáng tạo vào thực tiễn phát triển với sự xả thân, dám nghĩ, dám làm. Tôi muốn nhấn mạnh đến nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân, người đã có công rất lớn cho tư duy đổi mới này”, ông Mai Liêm Trực kể lại.
Công nghệ analog chiếm 98% thị phần trên thế giới, còn công nghệ số mới chỉ chiếm 2%. Thế nhưng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục đã có quyết định táo bạo, dũng cảm là bỏ tổng đài analog, chọn công nghệ digital, đi thẳng vào hiện đại hóa.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Chia sẻ về tinh thần đổi mới, quyết định đi vào những chỗ hiện đại nhất, học hỏi và dám dấn thân, mạo hiểm chọn đi thẳng vào công nghệ hiện đại của Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân thời đổi mới ngành viễn thông Việt Nam, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, công nghệ Analog chiếm 98% thị phần trên thế giới còn công nghệ số mới chỉ chiếm 2%. Thế nhưng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân cùng tập thể lãnh đạo Tổng cục đã có quyết định táo bạo, dũng cảm là bỏ tổng đài Analog, chọn công nghệ Digital, đi thẳng vào hiện đại hóa. Chính quyết định này đã tạo nên cuộc cách mạng trong ngành Bưu điện.
Chuyển đổi số với tư duy đột phá
Những bài học của cuộc đổi mới lần một sẽ còn nguyên giá trị cho lần hai. Hạ tầng phải đi trước và đi nhanh, đi thẳng vào công nghệ hiện đại, đi trong nhóm đầu của thế giới, làm chủ công nghệ, quyết sách sáng suốt, có tầm nhìn xa, huy động mọi nguồn lực, điều hành quyết liệt và qua thử thách này, hình thành thế hệ cán bộ giỏi cho ngành, cho đất nước.
Đổi mới lần hai sẽ là sự chuyển dịch quy mô lớn, thay đổi bản chất của ngành viễn thông, mở ra không gian mới vô cùng to lớn cho ngành viễn thông, lớn hơn nhiều lần không gian thông tin liên lạc.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cũng chỉ rõ, đổi mới lần 2 là chuyển từ hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, gồm cả hạ tầng viễn thông - Internet, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng số hóa toàn bộ dữ liệu, hạ tầng cung cấp các tiện ích phục vụ cho chuyển đổi số; Và hạ tầng số trở thành hạ tầng của nền kinh tế số Việt Nam.
“Việt Nam thực hiện chuyển đổi số toàn diện, phát triển cả 5 lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị và môi trường để công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chuyển đổi số đã chính thức trở thành phương thức, động lực phát triển mới để đưa Việt Nam thành nước phát triển có thu nhập cao vào giữa thế kỷ”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Trong thời gian vừa qua, Bộ TT&TT đã tập trung thúc đẩy chuyển đổi số để tạo ra sự phát triển đột phá mới cho đất nước. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, đưa đất nước trở thành quốc gia có nhận thức về chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới.
“Chuyển đổi số thì 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy, chuyển đổi số muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu muốn thay đổi. Thay đổi một tổ chức thì chỉ người đứng đầu mới đủ thẩm quyền, uy tín và có quyền lực để điều hướng các nguồn lực thực hiện. Chỉ có người đứng đầu mới có khả năng phá vỡ các thói quen cũ để chuyển đổi số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Chuyển đổi số thì 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Vì vậy, chuyển đổi số muốn thành công thì quyết định là người đứng đầu muốn thay đổi.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Trong buổi tiếp các cán bộ hưu trí của ngành TT&TT mới đây, khẳng định Bộ TT&TT, đặc biệt là các lãnh đạo Bộ luôn kế thừa quá khứ, đồng thời mở ra tương lai phát triển mới. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng còn chia sẻ thêm về 2 tín hiệu đáng mừng của ngành gần đây: Tổng doanh thu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam từ thị trường nước ngoài đạt 7,5 tỷ USD trong năm ngoái và có thể đạt 10 tỷ USD trong năm nay; Thiết bị 5G do người Việt Nam sản xuất đã chính thức được Bộ TT&TT kiểm định và cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cũng bày tỏ mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, chỉ dẫn của các thế hệ lãnh đạo đi trước để đội ngũ hiện tại có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ, đặc biệt là thực hiện sứ mệnh của một ngành luôn tiên phong trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.