Quyết liệt thực hiện Đề án 06, thúc đẩy chuyển đổi số sâu rộng, hiệu quả

Thứ tư - 04/09/2024 17:10 430 0
Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt và sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tỉnh Nghệ An đạt được nhiều kết quả thực hiện Đề án 06 của Chính phủ. Nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử được người dân và xã hội thụ hưởng ngày càng tốt hơn, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ngày càng sâu rộng và hiệu quả.
1
Sau hơn 2,5 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, nhiều tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh điện tử trên địa bàn Nghệ An đã được cung cấp, người dân và xã hội được thụ hưởng ngày càng tốt hơn. Đến nay, 25 dịch vụ công thiết yếu của Đề án 06 được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, người dân có thể thao tác trực tuyến tại nhà, tiết kiệm cho Nhà nước và xã hội hàng tỷ đồng.

Từ ngày 1/7/2024, người dân có thể sử dụng duy nhất tài khoản VNeID để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến. Đặc biệt, HĐND tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 14/2023 về việc miễn giảm phí, lệ phí khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ thực hiện trực tuyến của tỉnh đã đạt 89,86%; tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính đạt 94,98%. Trong đó, 2 nhóm dịch vụ công liên thông: “Đăng ký khai sinh - Đăng ký thường trú - Cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi” và “Liên thông đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng phí” của Nghệ An có tỷ lệ tiếp nhận đứng thứ 2 toàn quốc, sau Thành phố Hà Nội.
2
Cán bộ BHXH Nghệ An hướng dẫn người dân tại Bộ phận một cửa; Người dân thực hiện giao dịch tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Đình Tuyên - Nguyên Nguyên.
Việc 100% người đủ điều kiện đã được cấp thẻ căn cước công dân với 1,9 triệu tài khoản định danh điện tử được kích hoạt thành công đã giúp người dân trên địa bàn tỉnh thực hiện nhiều dịch vụ công trực tuyến. Lần đầu tiên người dân được tiếp cận với nguồn vốn chính thống từ các ngân hàng có trụ sở tại Nghệ An thông qua giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư trong đánh giá khả tín khách hàng vay phục vụ cho an sinh xã hội. Các ngân hàng đã cho 2.140 khách hàng vay với dư nợ 97,734 tỷ đồng, góp phần phòng ngừa “tín dụng đen”. Toàn tỉnh đã có 160 cơ sở y tế thực hiện liên thông dữ liệu giấy chứng sinh, giấy báo tử, giấy khám sức khỏe lái xe lên Cổng tiếp nhận Hệ thống thông tin giám định BHYT và đến nay đã cấp thành công 179.422 hồ sơ.

Hiện nay, 100% trường học trên địa bàn tỉnh đã triển khai thu nộp học phí, thanh toán tiền lương, phụ cấp cho học sinh, cán bộ, giáo viên qua tài khoản ngân hàng. 44 cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã thực hiện thanh toán không sử dụng tiền mặt. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các ngân hàng thương mại mở tài khoản và chi trả qua tài khoản cho các đối tượng an sinh xã hội. Tính đến ngày 14/7, đã có 221.011 đối tượng được mở tài khoản, đạt 74,92%. Những kết quả trên đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế và nâng cao hiệu quả quản trị xã hội.
3
Công chức xã Nghĩa Thuận, thị xã Thái Hòa làm việc tại Bộ phận một cửa hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Lực lượng thanh niên tuyên truyền chuyển đổi số cho người dân; Người dân thao tác các bước để đổi giấy phép lái xe qua mạng; Nhân viên Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh hướng dẫn người dân đăng ký khám bệnh bằng thẻ CCCD có gắn chip. Ảnh: Tư liệu.
4

Có được những kết quả trên là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp. Tổ Công tác triển khai Đề án 06 tỉnh đã vào cuộc với tinh thần và trách nhiệm, quyết tâm chính trị cao nhất, với mục tiêu “lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể phục vụ”.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung nhấn mạnh, tỉnh đã triển khai các nội dung, nhiệm vụ trong Đề án 06 có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, vận động sự hưởng ứng, tham gia tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp. Đặc biệt, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là phát huy vai trò của người đứng đầu, không được phó mặc, giao khoán cho cấp dưới, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, có sản phẩm định lượng cụ thể”.
5
Hội nghị trực tuyến sơ kết 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ và phương hướng, nhiệm vụ năm 2024. Ảnh: Phạm Bằng.
Với nhiều giải pháp, hành động của các sở, ban, ngành, UBND các cấp, việc chuyển đổi số nói chung và thực hiện Đề án 06/CP nói riêng đã chuyển biến tích cực. Thông qua triển khai thực hiện Đề án, đã tạo bước đột phá trong phương pháp chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và thái độ tiếp cận công việc của đội ngũ cán bộ, công chức. Đặc biệt, tỉnh thường xuyên kiểm tra, đánh giá việc triển khai thực hiện các nội dung tại các ngành, địa phương; chỉ rõ nơi yếu, điểm nghẽn để đánh giá sát, đúng, qua đó, giúp các đơn vị, địa phương đề ra giải pháp khắc phục kịp thời.

Theo Công an tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có 8/194 sở, ngành và 21/21 địa phương đạt tỷ lệ hồ sơ trực tuyến trên 70%. Trong đó, thị xã Thái Hòa là đơn vị duy nhất trong toàn tỉnh đạt kết quả 100% hồ sơ được tiếp nhận trực tuyến và không để hồ sơ quá hạn. Nhiều sở, ngành, địa phương có tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trên 55%. 18/18 sở, ban, ngành cấp tỉnh và 20/21 địa phương trên địa bàn tỉnh có kết quả đánh giá mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt trên 90%. Số hóa kết quả giải quyết TTHC, có 12/18 sở, ban, ngành và 6/21 địa phương đạt kết quả 100%.
6
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Hồng Vinh kiểm tra việc hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; Đoàn kiểm tra cải cách hành chính của tỉnh kiểm tra hồ sơ liên quan đến công tác cải cách hành chính tại Sở Văn hóa và Thể thao. Ảnh: Thanh Lê.
Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, tích cực, nhưng đến nay, nhiều nhiệm vụ trong Đề án 06 vẫn còn chậm tiến độ, chưa hoàn thành theo mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 7/2024, còn 18 nhiệm vụ chậm tiến độ và 5 mô hình chưa hoàn thành theo quy định. Một số địa phương chưa thực hiện triệt để việc khai thác, xác thực dữ liệu dân cư để giải quyết TTHC cho người dân, doanh nghiệp. Số cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh triển khai thanh toán không dùng tiền mặt và số người bệnh thanh toán chi phí khám, chữa bệnh thông qua tài khoản chưa đạt chỉ tiêu. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia mới chỉ đạt 27,31%.

Trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương phải nhận diện đầy đủ tình hình, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế. Đặc biệt, nêu cao tinh thần theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: ‘‘Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm, phát huy quyết tâm đã nói là làm, đã làm phải có kết quả, chỉ bàn làm, không bàn lùi, tập trung xử lý dứt điểm các điểm nghẽn". Cùng đó, tăng cường tuyên truyền Đề án 06/CP, có cách làm hay, sáng tạo để áp dụng tại mỗi địa phương, vùng, miền, qua đó, đưa nội dung, lợi ích của Đề án 06/CP đi đến gần hơn với người dân, doanh nghiệp.
7
Một góc thành phố Vinh.

Tác giả: Phạm Bằng

Nguồn tin: Báo Nghệ An điện tử

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây