Kho bạc Nhà nước Nghệ An tạo nền tảng thực hiện kho bạc số

Thứ tư - 28/08/2024 10:12 79 0
Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã và đang nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, chuyển đổi mạnh mẽ cả về tư duy và phương thức hành động, hoàn thành xuất sắc toàn diện nhiệm vụ được giao.
Đẩy mạnh đào tạo chuyển đổi số

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 là: “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số”. Do đó, ngoài tinh thông nghiệp vụ, yêu cầu mới đặt ra đối với đội ngũ công chức trong hệ thống Kho bạc Nhà nước nói chung và Kho bạc Nhà nước Nghệ An nói riêng là phải trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số.

Cán bộ, công chức, người lao động được xác định là một trong các yếu tố chủ chốt để chuyển đổi số thành công. Họ là người tham gia từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng của quá trình chuyển đổi số, vì thế, các đối tượng này cần được trang bị tốt nền tảng kiến thức và kỹ năng để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số.
1
KBNN Nghệ An xử lý giao dịch hồ sơ, chứng từ trên hệ thống DVCTT. Ảnh: H.V.
Hiểu rõ yêu cầu này, Kho bạc Nhà nước Nghệ An đã cử công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số do KBNN tổ chức như: "Đào tạo tổng quan về chuyển đổi số - Xây dựng một tổ chức có tính sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”; “Microsoft Windows 10 and Windows 10 Trouble Shooting”; “Hội thảo - Triển lãm Vietnam Digital Finance 2022” do Bộ Tài chính tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số và hiện đại hóa toàn diện ngành Tài chính”... cùng nhiều khóa đào tạo khác.
 
Bà Trần Thị Hồng - Trưởng phòng Tài vụ quản trị, Kho bạc Nhà nước Nghệ An cho hay: Cùng với việc tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng do Kho bạc Nhà nước tổ chức, Kho bạc Nhà nước Nghệ An cũng tổ chức các lớp học nhằm nâng cao trình độ ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các công chức trong toàn hệ thống. Qua đó, giúp công chức Kho bạc Nhà nước Nghệ An tiếp cận và cập nhật kiến thức, trang bị kỹ năng khai thác thông tin trên môi trường số, có năng lực làm chủ các phần mềm, ứng dụng công nghệ; sử dụng hiệu quả phần mềm trong quá trình làm việc, có khả năng thích ứng trong thời gian nhanh nhất với môi trường công nghệ số; có tác phong kỷ luật và đạo đức trong thi hành công vụ; có khả năng tư duy đột phá, sáng tạo trong công việc, góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực chất lượng của ngành...

Những kết quả khả quan

Kho bạc Nhà nước đã cung cấp 100% thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, đạt tỷ lệ 100% đơn vị sử dụng ngân sách (trừ khối an ninh - quốc phòng). Hầu hết các khoản thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng (đạt 99,9%).
Đặc biệt, đến nay, 99,9% đơn vị sử dụng ngân sách đã cài đặt ứng dụng cảnh báo rủi ro trên thiết bị di động để tra cứu kịp thời biến động số dư tài khoản và kết quả xử lý giao dịch hồ sơ, chứng từ trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước. Chất lượng việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ qua dịch vụ công không ngừng được nâng cao.

Hàng tháng, Kho bạc Nhà nước tăng cường giám sát từ xa, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tình hình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính trong công tác kiểm soát chi ngân sách Nhà nước trên cổng dịch vụ công trực tuyến; 100% các khoản thu, chi qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện trực tuyến, thanh toán qua ngân hàng; một số chức năng tra cứu đã tích hợp qua ứng dụng mobile.

Kho bạc Nhà nước đã triển khai thành công kết nối và tích hợp phần mềm ứng dụng của các đơn vị, tổ chức vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Kho bạc Nhà nước giúp liên thông chứng từ, hồ sơ chi ngân sách Nhà nước. Qua hơn 1 năm sử dụng hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng kết nối trực tiếp với Kho bạc Nhà nước-Gateway đáp ứng yêu cầu của Luật Giao dịch điện tử, các văn bản quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử và chữ ký số có liên quan. Đến nay, đã có 162 đơn vị sử dụng ngân sách tham gia kết nối với hệ thống của Kho bạc Nhà nước Nghệ An (các đơn vị ngân sách tự thiết kế phần mềm riêng của đơn vị đáp ứng đúng với chuẩn kết nối do KBNN cung cấp để gửi chứng từ).
2
Chi đoàn KBNN Nghệ An tổ chức trao đổi, học tập về chuyển đổi số. Ảnh: P.V.

Dịch vụ thanh toán điện, nước và viễn thông tự động cũng đã được tích hợp vào hệ thống, tạo thuận tiện cho các đơn vị sử dụng ngân sách, đến nay, 100% các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn đã thực hiện thanh toán tự động.

Trong điều kiện 100% số đơn vị khách hàng đã tham gia dịch vụ công trực tuyến, Kho bạc Nhà nước đã nâng cấp tiện ích tra cứu dữ liệu dịch vụ công trực tuyến, bổ sung thêm tính năng phục vụ hoạt động thanh tra, kiểm tra. Qua đó, giúp phát hiện những vấn đề bất thường, kịp thời cảnh báo cho các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất...

Kho bạc Nhà nước Nghệ An cũng là một trong các đơn vị đầu tiên trong toàn hệ thống triển khai thành công hệ thống quản lý, kiểm soát chi đầu tư, đáp ứng yêu cầu về chuẩn hóa dữ liệu và quản lý, kiểm soát chứng từ chi đầu tư qua Kho bạc Nhà nước. Đến nay, Kho bạc Nhà nước Nghệ An có 100% hồ sơ, chứng từ đầu tư xây dựng cơ bản được tiếp nhận và kiểm soát qua hệ thống chuyên ngành, góp phần nâng cao tính minh bạch, xử lý chứng từ đúng thời hạn và góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; cung cấp kịp thời thông tin phục vụ quản lý, điều hành của cấp ủy, chính quyền địa phương...

Ngoài ra, Kho bạc Nhà nước Nghệ An còn đưa vào triển khai có hiệu quả các ứng dụng, tiện ích do đơn vị tự xây dựng để khai thác, kết xuất số liệu trong công tác kế toán, thanh toán và kiểm soát chi Ngân sách Nhà nước; Thay đổi phương thức phục vụ, lấy người dân, đơn vị sử dụng ngân sách làm trung tâm, lấy sự hài lòng của cá nhân, tổ chức là thước đo cho mức độ hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của Kho bạc Nhà nước Nghệ An luôn được xếp thứ 9 toàn quốc.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của ban lãnh đạo và nỗ lực của toàn thể đội ngũ công chức, từ năm 2023, tại cơ quan Kho bạc Nhà nước Nghệ An và 20/20 Kho bạc Nhà nước huyện, thị xã không còn phát sinh thu, chi tiền mặt tại đơn vị.
 
Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước đến năm 2030 đề ra: Đến năm 2025, Kho bạc Nhà nước vận hành dựa trên dữ liệu số và hoàn thành nền tảng kho bạc số; cơ bản toàn bộ các giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước được thực hiện theo phương thức điện tử (trừ các giao dịch thuộc phạm vi bí mật Nhà nước); liên thông dữ liệu số của các khâu lập dự toán, phân bổ, chấp hành, kế toán, kiểm toán và quyết toán ngân sách Nhà nước... Từ năm 2026, tập trung nghiên cứu, phát triển các dịch vụ theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước; đến năm 2030, hoàn thành xây dựng kho bạc số.
 
"Để thực hiện mục tiêu trở thành kho bạc số, Kho bạc Nhà nước Nghệ An tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh chuyển đổi số vào các hoạt động nghiệp vụ. Song song với đó, toàn hệ thống phải tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng… Đặc biệt, Kho bạc Nhà nước tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hình thành nền tảng kho bạc số, góp phần xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số”.
 
Ông Phạm Anh Tuấn - Phó Giám đốc KBNN Nghệ An

 

Tác giả: PV

Nguồn tin: Báo Nghệ An điện tử

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây