Tăng cường ứng dụng công nghệ số trong tuyên truyền phổ biến pháp luật

Thứ sáu - 23/06/2023 16:16 1.387 0
Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh khai thác triệt để nhằm đưa chủ trương, chính sách pháp luật đến với người dân chính xác, đầy đủ, kịp thời.
Tận dụng ưu thế mạng xã hội

Tại huyện Diễn Châu, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành; các xã, thị trấn tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua mạng xã hội và đã đạt được nhiều kết quả rất tích cực. Đặc biệt là trang Fanpage “Tư pháp Diễn Châu” do Phòng Tư pháp (Cơ quan Thường trực Hội đồng PBGDPL huyện) lập từ tháng 11/2019 đến nay đã thu hút 21.724 người theo dõi.

Mỗi bài viết được đăng tải trên Fanpage đều được đầu tư công phu từ việc lựa chọn, biên soạn nội dung, hình ảnh, chủ đề đến cách thức thể hiện nên đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của người xem.
 
1
Một nội dung tuyên truyền tiết kiệm điện trên trang Tư pháp Diễn Châu. Ảnh: GH.

Bà Hoàng Thị Xuyên - Trưởng phòng Tư pháp huyện Diễn Châu cho hay: Mỗi bài viết sau khi đăng tải đều được theo dõi, đánh giá mức độ tương tác, lượng tiếp cận thông tin để rút kinh nghiệm trong việc biên soạn. Thay vì chỉ tập trung đăng tải tin bài tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật, các trường hợp vi phạm pháp luật để giáo dục, răn đe thì Fanpage cũng đã thay đổi cách thức, tập trung tuyên truyền nêu gương người tốt, việc tốt trong việc chấp hành pháp luật cũng như những vấn đề người dân đang quan tâm ở cơ sở bằng cách thức thể hiện gần gũi, sinh động dễ hiểu, dễ nắm bắt, do đó đã thu hút được sự quan tâm, theo dõi, tương tác tích cực của đông đảo người sử dụng mạng Facebook.
 
2
Đội ngũ cán bộ tư pháp trên địa bàn huyện Diễn Châu tích cực ứng dụng công nghệ số phục vụ công tác. Ảnh: CSCC.

“Trong năm 2023, Phòng Tư pháp huyện Diễn Châu đã tổ chức được 3 cuộc thi mini game trên trang Fanpage “Tư pháp Diễn Châu” với 1-2 câu hỏi ngắn gọn, có trao thưởng cho người trả lời đúng thu hút đông đảo cán bộ, người dân tham gia. Từ năm 2022, phòng cũng đã đề xuất được cấp tài khoản để trực tiếp phụ trách chuyên mục “Phổ biến pháp luật”, “Tiếp cận thông tin” trên cổng thông tin điện tử của huyện. Các chuyên mục thường xuyên đăng tải tin, bài viết với mục đích PBGDPL, nhất là thông tin pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ công dân, những vấn đề nổi cộm, được dư luận xã hội quan tâm”- bà Hoàng Thị Xuyên cho hay.

Bên cạnh đó, hiện nay, toàn huyện Diễn Châu có 223 trang Fanpage trên mạng xã hội Facebook do các phòng, ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và cấp xã lập (cấp huyện 36 trang, cấp xã 187 trang), nhiều trang hoạt động rất tích cực và hiệu quả. Tất cả các phòng, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đều sử dụng Zalo nhóm để trao đổi, thông tin, tư vấn hướng dẫn pháp luật, chỉ đạo, quán triệt triển khai văn bản pháp luật mới, do đó bảo đảm thông tin được triển khai kịp thời, thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn tài liệu.

Còn đối với huyện miền núi Quỳ Hợp, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong PBGDPL trên địa bàn cũng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Đặc biệt, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã tham mưu cho UBND huyện ký hợp đồng khai thác Thư viện pháp luật điện tử, dung lượng 30 tài khoản online và cấp cho toàn bộ cán bộ, công chức từ huyện đến cấp xã để khai thác, sử dụng.

Với tính năng ưu việt của Thư viện pháp luật nhất là nhận biết về hiệu lực của văn bản; các đường link dẫn chiếu sang các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản liên quan… đã góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã trên địa bàn.
 
3
Thi trực tuyến “Tìm hiểu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026” trên cổng thông tin điện tử huyện Quỳ Hợp. Ảnh tư liệu: Phan Giang.
Cùng với đó, Phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp đã lập Fanpage “Tư pháp Quỳ Hợp” để phổ biến, giáo dục pháp luật và mang lại hiệu quả khả quan. Nội dung phổ biến được chắt lọc từ 2 nguồn, một là các vấn đề phát sinh thực tế trên địa bàn mà người dân có kiến nghị, đề xuất, thắc mắc… cần có các cơ sở pháp lý để giải quyết như tranh chấp đất đai, thủ tục hành chính, dân sự, khoáng sản, môi trường, giao thông; Nguồn thứ hai là khai thác các văn bản mới, thông tin mới… trên Thư viện pháp luật điện tử. Để lan tỏa thông tin Phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp còn lập các Facebook vệ tinh, sau khi các nội dung được đăng tải lên trang Tư pháp Quỳ Hợp thì dùng các Facebook này để chia sẻ, mở rộng thông tin.

“Mặc dù đây không phải là cách làm mới, tuy nhiên, nếu chỉ đăng các nội dung lên trang Fanpage chính và để đó thì số lượng người được tiếp cận sẽ không nhiều, còn trang “Tư pháp Quỳ Hợp” sau khi đăng tải các nội dung thì được hàng loạt Facebook chia sẻ vào các nhóm, nên tiếp cận được số lượng người rất lớn, cá biệt có chuyên đề tiếp cận được xấp xỉ 40 ngàn lượt”, ông Vy Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp cho hay.

Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW của Ban Bí thư về “đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức phổ biến, giáo dục pháp luật, bảo đảm phù hợp với nhu cầu của xã hội và của nhóm đối tượng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ thuật số, mạng xã hội trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”. Việc tuyên truyền pháp luật thông qua mạng xã hội (Zalo, Facebook) đã được một số ngành, địa phương khai thác có hiệu quả. Ví như Sở Tư pháp Nghệ An đã đầu tư nâng cấp Cổng thông tin điện tử của sở để phục vụ đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền PBGDPL.

Theo đó, chuyên mục riêng về PBGDPL được bố trí giữa giao diện với nhiều nội dung phong phú (trung bình mỗi năm đăng tải hơn 1000 tin, bài, văn bản, tài liệu) bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành và nhu cầu tìm hiểu pháp luật của nhân dân.
 
4
Học sinh Trường THPT Nghi Lộc 3 tham gia thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về ATGT. Ảnh tư liệu: An Quỳnh.

Bên cạnh đó, hiện nay các sở, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, xã cũng đã xây dựng cổng, trang thông tin điện tử, trong đó có chuyên mục về tuyên truyền phổ biến pháp luật với nhiều nội dung phong phú, chú trọng đổi mới hình thức cung cấp, đăng tải thông tin, tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi - đáp, tình huống, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa…

Nghệ An cũng là một trong những địa phương tích cực tham gia các cuộc thi tìm hiểu trực tuyến do Trung ương tổ chức và đạt được kết quả cao. Ví như tại cuộc thi trực tuyến pháp luật học đường, Nghệ An là 1 trong 5 tỉnh có số lượng thí sinh tham gia đông nhất. Hay trong cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về bầu cử, một công chức tại xã Nghĩa Hiếu (Nghĩa Đàn) đã đạt giải Nhất duy nhất tại vòng chung kết toàn quốc, Sở Tư pháp Nghệ An cũng vinh dự nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp tại lễ tổng kết cuộc thi này.

Quan tâm đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin

Có thể nói việc ứng dụng công nghệ thông tin vào tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh bước đầu đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật song vẫn còn có những hạn chế nhất định.

Theo ông Vy Hoàng Hà - Trưởng phòng Tư pháp huyện Quỳ Hợp, thì hiện nay một số cán bộ, đảng viên còn có tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn like, chia sẻ các chuyên đề phổ biến, giáo dục pháp luật trên mạng. Vì vậy, “tôi mong muốn cán bộ, đảng viên phải vào cuộc và làm chủ thực sự trong việc sử dụng mạng xã hội để phổ biến, giáo dục pháp luật bằng cách chia sẻ, like các chuyên đề để tạo sức lan tỏa, tạo niềm tin cho các đối tượng được tiếp cận”- ông Hà bày tỏ.
 
5
UBND tỉnh tổ chức Lễ phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông và cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng internet” trực tuyến trên Cổng TTĐT tỉnh Nghệ An. Ảnh tư liệu: An Quỳnh.

Còn ông Lê Bá Thiệu - Trưởng phòng Phổ biến giáo dục pháp luật (Sở Tư pháp Nghệ An) cho biết: Hiện nay, nền tảng phục vụ số hóa công tác PBGDPL còn nhiều bất cập, cơ sở hạ tầng về CNTT của nhiều địa phương còn hạn chế, chưa được đầu tư đúng mức; mạng Intenet tại một số địa bàn vùng sâu, vùng xa cũng không ổn định… Mặt khác, kỹ năng ứng dụng công nghệ số của một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác phổ biến giáo dục pháp luật ở cơ sở còn hạn chế.
 
6
UBND tỉnh Nghệ An phát động cuộc thi trực tuyến về Cải cách hành chính. Ảnh tư liệu: Thanh Lê.
Do vậy, để chuyển đổi số trong công tác PBGDPL đạt hiệu quả, các ngành, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt hoàn thành mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Bên cạnh đó, cần có những nền tảng PBGDPL phù hợp cho từng đối tượng đặc biệt là đối tượng đặc thù như người dân vùng dân tộc thiểu số, biên giới, ven biển, hải đảo…; chú trọng phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa; xây dựng bộ câu hỏi - đáp tình huống pháp luật đúng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước.

Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ số cho đội ngũ làm công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhất là ở cấp xã; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hình thành thói quen tìm hiểu thông tin pháp luật qua các nền tảng số do cơ quan Nhà nước cung cấp trong nhân dân.

Tác giả: Gia Huy

Nguồn tin: Báo Nghệ An điện tử

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây