Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Phát triển TTDL Việt Nam tạo đà tăng trưởng bứt phá trong những năm tới
Thứ tư - 05/07/2023 15:505110
Khi kinh tế số phát triển, các quốc gia ngày càng phải dựa vào trung tâm dữ liệu (TTDL), điện toán đám mây (ĐTĐM).
Ở Việt Nam, hiện giờ quy mô TTDL của Việt Nam đang quy mô như thế nào và chất lượng ra sao? Có đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế số hay không?
Một số hiện trạng và hướng phát triển
Cho đến nay, Việt Nam đang có 9 doanh nghiệp (DN) cung cấp TTDL và ĐTĐM với 39 TTDL lớn, 571.000 server và 54,7 triệu kho vật lý. Trung bình thế giới mỗi nước có 37 TTDL, trong khi Việt Nam có 39 là cao hơn trung bình thế giới một chút nhưng so với các nước đứng top thứ 15 thế giới là Ba Lan đang có 136 TTDL, thì Việt Nam còn khá xa với nước đứng đầu thế giới về phát triển TTDL, đám mây.
Việt Nam có 8 hệ thống TTDL đạt tiêu chuẩn Uptime Tier 3 (Thời gian hoạt động liên tục phải đạt 99,98% và thời gian ngừng hoạt động trong năm thì tối đa chỉ đạt được 1,6 giờ). Đây là đòi hỏi yêu cầu rất cao. Việt Nam cũng có 3 TTDL đạt cả 2 tiêu chuẩn Design (thiết kế đạt tiêu chuẩn) và Constructed Facility (xây dựng đạt tiêu chuẩn) (TTDL của HTC tại Hòa Lạc, VNG và CMC tại Tân Thuận). Trong 39 TTDL lớn hiện nay thì Viettel có 13, VNPT có 7 và các DN khác có 2 hoặc 3.
Về số lượng server thì Viettel lớn nhất, chiếm 60%, sau đó đến FPT Telecom là 19%, VNG là 11%, còn lại của các đơn vị khác.
Với quy mô và chất lượng như hiện nay, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Viễn thông - Bộ TT&TT khẳng định: “Hệ thống TTDL, đám mây của Việt Nam đáp ứng nhu cầu về hạ tầng dữ liệu, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, tạo đà tăng trưởng bứt phá trong những năm tới”.
Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cũng cho biết, đến năm 2025, số DN phát triển TTDL sẽ tăng từ 9 lên 14 DN, có nghĩa là có thêm 5 DN nữa tham gia vào thị trường TTDL; số lượng TTDL sẽ tăng từ 39 lên đến 55 TTDL, tăng gần gấp 2 lần so với năm 2023. Đây là cam kết của các DN.
Trong khi đó, số lượng server thì tăng gần gấp đôi, tức là từ khoảng 570.000 server lên hơn 1 triệu server. Số lượng kho vật lý cũng tăng gần gấp đôi từ 54 triệu lên 110 triệu kho.
Về tốc độ tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 2020 - 2022, TTDL tăng trưởng khoảng 18%, đám mây tăng trưởng khoảng 26%. Giai đoạn 2023 - 2025, Cục Viễn thông dự báo sẽ tăng trưởng hơn nữa, trung bình cả TTDL, cả đám mây tăng trưởng khoảng 30% trở lên là tối thiểu.
Bộ TT&TT thúc đẩy phát triển hạ tầng TTDL, đám mây bền vững
Bộ TT&TT đã xây dựng quy hoạch phát triển hạ tầng TTDL, đám mây với quan điểm là quy hoạch này phù hợp với quy hoạch về năng lượng điện, tận dụng được lợi thế vùng, miền, hạ tầng kết nối viễn thông, hạ tầng giao thông và nguồn nhân lực.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc, dự kiến quy hoạch tối thiểu 02 TTDL quốc gia với quy mô 70.000 m2, công suất điện khoảng 79 MW; Uptime TIER 3 hoặc ANSI/TIA 942-B rated 3 trở lên. Bên cạnh đó, quy hoạch 3 cụm TTDL đa mục tiêu cấp quốc gia có quy mô khoảng 310.000 m2 xây dựng và công suất điện khoảng 375 MW và cũng đạt Uptime TIER 3 hoặc ANSI/TIA 942-B rated 3 trở lên.
Đồng thời, cũng quy hoạch các TTDL đa mục tiêu cấp vùng (6 vùng kinh tế trọng điểm); Các TTDL biên để gần với người sử dụng và TTDL biên kết nối với TTDL vùng, quốc gia, tạo thành hạ tầng TTDL/ĐTĐM quốc gia có chất lượng tốt hơn, đáp ứng những nhu cầu về các ứng dụng, có độ trễ thấp. Đặc biệt, trong quy hoạch sẽ có 01 - 02 TTDL quốc tế để phục vụ khách hàng ở cả ngoài nước, gọi là digital hub, quy mô 370.000 m2; công suất điện khoảng 413 MW.
Một trong những yêu cầu của phát triển TTDL là phát triển xanh. Đã có nhận định cho rằng trong vòng 10 năm tới, năng lượng tiêu thụ điện của TTDL, ĐTĐM sẽ chiếm tới 50% tổng nhu cầu tiêu thụ điện. Vì vậy, Cục trưởng Nguyễn Thành Phúc cho rằng cần phải đặt ra các tiêu chuẩn tương đối cao về tính hiệu tiêu thụ năng lượng điện (PUE) mà ở đây đặt ra tiêu chuẩn, hệ số sử dụng điện là đạt 1,4 PUE.
Tại sao Việt Nam lại đặt ra 1,4 PUE? Theo ông Nguyễn Thành Phúc, những nước tiên tiến như Hà Lan, phấn đấu đến năm 2030 là PUE sẽ nhỏ hơn 1,2. Trung Quốc trong kế hoạch 5 năm phát triển lần thứ 14 đến năm 2025, đặt tiêu chuẩn PUE là 1,3. Còn Singapore mới đây đã ban hành điều kiện triển khai TTDL mới, đáp ứng PUE bằng 1,3. “Như vậy, đặt mức tiêu chuẩn PUE của TTDL Việt Nam cũng là yêu cầu cao, cùng với mức của thế giới”.
Quản lý TTDL, ĐTĐM để đảm bảo phát triển
Theo nhận định của hãng luật quốc tế Simmons & Simmons, thị trường TTDL sẽ tiếp tục phát triển nhanh chóng trong những năm tới, tìm cách giải quyết sự gia tăng liên tục trong việc sử dụng dữ liệu toàn cầu. Điều này chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức pháp lý cho các DN, chẳng hạn như thách thức về xây dựng và tranh chấp trong việc thúc đẩy đáp ứng năng lực, yêu cầu thuê ngoài và tuân thủ các yêu cầu ESG (Môi trường, xã hội và quản trị).
Theo các dự báo, thị trường dịch vụ TTDL trị giá 48,9 tỷ USD vào năm 2020 và dự báo sẽ tăng lên 105,6 tỷ USD vào năm 2026, các hoạt động đầu tư được dự báo sẽ tăng trưởng.
Tại Việt Nam, để thúc đẩy phát triển TTDL hơn nữa thì cần phải có thể chế. Theo đó, theo Cục Viễn thông cho biết cần thiết phải quy định rõ về loại hình dịch vụ TTDL, dịch vụ ĐTĐM trong Luật Viễn thông (sửa đổi) để làm rõ về phân loại dịch vụ này, các điều kiện tiếp cận thị trường, điều kiện kinh doanh, khắc phục khoảng trống pháp lý, tạo thuận lợi, minh bạch cho các DN thực hiện kinh doanh các dịch vụ này.