Dấu hiệu nhận biết website giả mạo
- URL bất thường: Website giả mạo thường có địa chỉ (URL) trông giống với trang web thật, nhưng sẽ có sai sót nhỏ như thêm ký tự, thay chữ (ví dụ: g00gle.com thay vì google.com). Người dùng hãy kiểm tra kỹ đường link trước khi nhập thông tin.
- Không có chứng chỉ bảo mật (HTTPS): Một website uy tín thường sử dụng kết nối bảo mật (https://). Nếu bạn thấy trang chỉ có "http://" và trình duyệt cảnh báo “Không an toàn”, hãy lập tức dừng truy cập.
- Giao diện không chuyên nghiệp: Dù có thể trông giống, website giả thường có lỗi chính tả, hình ảnh mờ, hoặc không đồng nhất trong thiết kế.
- Yêu cầu nhập thông tin nhạy cảm bất thường: Nếu trang web yêu cầu bạn nhập số tài khoản, mã OTP, hoặc thông tin cá nhân mà không rõ lý do, rất có thể đó là một hình thức lừa đảo.
Troy Hunt, chuyên gia an ninh mạng và là người sáng lập nền tảng kiểm tra rò rỉ dữ liệu “Have I Been Pwned” chia sẻ: “Kẻ lừa đảo không cần tạo ra một website hoàn hảo, mà chỉ cần làm đủ tốt để bạn tin rằng nó thật. Luôn cảnh giác với mọi liên kết bạn nhấp vào, đặc biệt trong email và tin nhắn". Ông cũng nhấn mạnh thêm rằng việc sử dụng trình quản lý mật khẩu (password manager) cũng là một cách hiệu quả để ngăn việc nhập mật khẩu vào trang giả mạo, vì các công cụ này chỉ tự động điền mật khẩu trên đúng trang web gốc.
Cách tự bảo vệ bản thân trước bẫy lừa đảo trực tuyến
- Không nhấp vào đường link có trong email hoặc tin nhắn không rõ nguồn gốc.
- Luôn kiểm tra kỹ tên miền trước khi đăng nhập.
- Cài đặt phần mềm chống virus và tiện ích chặn website độc hại.
- Bật xác thực hai yếu tố (2FA) cho tất cả tài khoản quan trọng.
- Sử dụng các công cụ kiểm tra độ tin cậy của website như Google Safe Browsing, VirusTotal,…
Trong một thế giới số đang đầy rẫy nguy cơ, việc nhận biết website giả mạo và nâng cao cảnh giác là kỹ năng vô cùng cần thiết của mỗi người dùng Internet trong kỷ nguyên số hiện nay.