Cảnh báo lừa đảo giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết thủ đô
Các đối tượng quảng cáo, nhắn tin, giả danh là nhân viên công ty xổ số kiến thiết Thủ đô, yêu cầu khách hàng nếu muốn được cung cấp số lô, số đề, phải chuyển tiền vào tài khoản kiểm soát viên do chúng cung cấp để chiếm đoạt.
Theo đó, qua công tác theo dõi trên không gian mạng, Công an thị xã Nghi Sơn phát hiện một số đối tượng thông qua mạng xã hội Facebook và Zalo, giới thiệu mình là nhân viên công ty xổ số kiến thiết Thủ đô, cam kết cung cấp số lô, số đề chắc chắn trúng thưởng và có thu phí trước. Khi có cá nhân tương tác vào nhóm, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền và chiếm đoạt số tiền mua phí.
Cơ quan điều tra đã bắt giữ 2 đối tượng Nguyễn Hà Phương Anh (SN 1993, Hà Nội) và Bùi Thị Hiền Vi (SN 2005, Hoà Bình) đã giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết Thủ đô để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 2 đối tượng đã quảng cáo, nhắn tin, giả danh là nhân viên công ty xổ số kiến thiết Thủ đô, yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản kiểm soát viên do chúng cung cấp để chiếm đoạt. Khi khách chuyển tiền, các đối tượng sẽ cung cấp cho khách một số bất kỳ liên quan đến số lô, số đề giả mạo Công ty xổ số cung cấp.
Chỉ tính từ tháng 2/2024 đến nay, 2 đối tượng này đã lừa đảo hơn 30 người tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, với số tiền chiếm đoạt hơn 150 triệu đồng.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân không nên tham gia đầu tư tài chính hay giao dịch chuyển tiền với những đối tượng không rõ danh tính và cần lựa chọn những nguồn thông tin hay website chính thống để tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị cài cắm mã độc. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng trên các trang website lạ hoặc cho những đối tượng gọi điện mạo danh. Cần thực hiện kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng trước khi thực hiện bất cứ một giao dịch chuyển tiền nào.
Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an; cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.
Lừa đảo cấp chứng chỉ tiếng anh Cambridge International
Công an TP. Hà Nội ngày 15/4 cho biết, Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội đã khởi tố bị can đối với 6 đối tượng về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc cấp chứng chỉ tiếng Anh.
Theo đó, từ tháng 9/2022 đến ngày 18/6/2023, 6 đối tượng bao gồm Lê Văn Vàng (43 tuổi), Lương Việt Anh (37 tuổi), Nguyễn Văn Giảng (37 tuổi), Nguyễn Trường Doanh (41 tuổi), Trần Trọng Đại (31 tuổi) và Hoàng Thị Quỳnh Anh (41 tuổi) đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
Cụ thể, các đối tượng sử dụng danh nghĩa tổ chức Cambridge International - là tổ chức không có thật - chấp thuận cho Viện Nghiên cứu hợp tác phát triển giáo dục thuộc Hội Khoa học tâm lý - giáo dục Việt Nam để tổ chức đánh giá năng lực ngoại ngữ tiếng Anh theo khung tham chiếu chung châu u (CEFR) bằng hình thức thi online và cấp chứng chỉ mang tên tổ chức Cambridge International. Sau đó, chiếm đoạt tiền của người dân.
Trước thông tin trên,
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần đặc biệt cẩn trọng khi đăng ký tham gia bất kỳ chương trình, dịch vụ của tổ chức/ doanh nghiệp nào trên mạng xã hội. Chỉ nên tìm đến các trang thông tin uy tín, người dùng cần thực hiện các bước xác minh danh tính đối tượng/ tổ chức/ doanh nghiệp trước khi thực hiện bất cứ giao dịch tài chính nào. Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh sập bẫy lừa đảo chiếm đoạt.
Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an; cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.
Giả danh cảnh sát, sử dụng app hẹn hò để lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng
Ngày 1/5, Công an TP Long Khánh (Đồng Nai) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Nguyễn Văn Quang (SN 1990, ngụ huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mạo danh công an nhân nhân để chiếm đoạt tài sản.
Cuối năm 2022, Quang sử dụng thông tin giả là Nguyễn Đình Chung đang công tác tại phòng ma túy thuộc Công an TP Hà Nội để làm quen với nhiều phụ nữ, trong đó có chị N.T.N.H (ngụ TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) thông qua chức năng hẹn hò của mạng xã hội Facebook.
Từ tháng 3/2023 đến tháng 4/2024, Quang thường xuyên đưa ra nhiều thông tin như bản thân phải đi công tác vùng sâu, biên giới nguy hiểm, cần tiền đóng thuế đất, cần tiền để bồi thường thiệt hại và sửa chữa xe do bị tai nạn trong quá trình đi công tác, cần tiền để xin chuyển công tác từ lĩnh vực ma túy về lĩnh vực kinh tế để thuận tiện cho việc kết hôn.
Từ đó, đối tượng tạo lòng tin rồi chiếm đoạt tài sản của chị H. tổng cộng hơn 242 triệu đồng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Đến tháng 4, chị H. phát hiện Quang không phải là cảnh sát nên đã tố cáo đến công an địa phương.
Trước thông tin trên,
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng khi có những đối tượng lạ làm quen trên nền tảng mạng xã hội hay những ứng dụng hẹn hò online. Người dân không nên tuyệt đối tin tưởng những đối tượng lạ trên mạng, cần xác minh rõ danh tính đối tượng; không nghe theo những lời dụ dỗ đầu tư tài chính hay giao dịch vay mượn tiền với đối tượng trên mạng xã hội. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng để tránh bị đánh cắp phục vụ cho những mục đích phạm pháp.
Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an; cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.
Australia: Báo cáo tổng hợp về lừa đảo trực tuyến năm 2023, thiệt hại hơn 2,7 tỷ USD
Báo cáo mới từ cơ quan giám sát người tiêu dùng tiết lộ rằng người Úc đã báo cáo số vụ lừa đảo kỷ lục vào năm ngoái, với tổng thiệt hại lên tới 2,7 tỷ USD. Báo cáo của ACCC dựa trên dữ liệu từ nhiều cơ quan bao gồm Scamwatch, ReportCyber, Sàn giao dịch tội phạm tài chính Úc, IDCARE và Ủy ban đầu tư và chứng khoán Úc.
Báo cáo cho biết có đến hơn 601.000 báo cáo về các vụ lừa đảo vào năm 2023, tăng so với con số 507.000 được báo cáo vào năm 2022. Trong đó, các vụ lừa đảo đầu tư đã đánh cắp nhiều hơn bất kỳ loại lừa đảo nào khác, gây thiệt hại hơn 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, mặc dù số vụ lừa đảo được báo cáo ngày càng tăng nhưng số tiền bị mất vẫn giảm so với năm 2022, khi người Úc mất kỷ lục 3,1 tỷ USD.
Chính phủ liên bang cho biết đây là lần đầu tiên sau sáu năm số tiền thua lỗ do lừa đảo giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ACCC, đây là sự nỗ lực gia tăng của các ngân hàng và chính phủ trong năm 2023.
Bên cạnh đó, các số liệu còn cho thấy những đối tượng lừa đảo đang nhắm mục tiêu vào những người lớn tuổi có tiền tiết kiệm hoặc những người đang tìm kiếm cơ hội đầu tư. Những người trên 65 tuổi có nhiều khả năng bị mất tiền hơn bất kỳ nhóm tuổi nào khác và là nhóm tuổi duy nhất mất nhiều tiền hơn vào năm 2023 so với năm 2022.
Tháng 7/2023, trước áp lực từ các nạn nhân và các nhóm người tiêu dùng, chính phủ liên bang đã thành lập một trung tâm chống lừa đảo quốc gia, đồng thời ngành ngân hàng cũng hứa sẽ đầu tư vào việc tăng cường an ninh.
Theo dữ liệu của Scamwatch, trong khi tổn thất do lừa đảo được thực hiện qua tin nhắn văn bản hoặc qua điện thoại giảm thì số tiền bị mất do lừa đảo qua email và mạng xã hội lại tăng lên. Thiệt hại do lừa đảo việc làm đã tăng 151% lên 24,3 triệu USD, trong đó những người từ các cộng đồng đa dạng về văn hóa và ngôn ngữ (CALD) bị ảnh hưởng nhiều hơn. Ngoài ra, số tiền thiệt hại ước tính được cho là có thể còn cao hơn vì ước tính cứ ba nạn nhân bị lừa đảo thì có một người không trình báo tội phạm cho chính quyền.
Trước những thông tin trên,
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần nâng cao kiến thức nhận biết và phòng tránh các hình thức lừa đảo trên không gian mạng. Cảnh giác với những lời mời chào hấp dẫn, những tổ chức tài chính không rõ danh tính và tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân hay thực hiện giao dịch chuyển tiền dưới mọi hình thức. Tuyệt đối không tin tưởng hoàn toàn những thông tin và đối tượng trên mạng xã hội. Khi gặp những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an; cơ quan có thẩm quyền để hỗ trợ, giải quyết.
Chuyên gia cảnh báo về chién thuật sử dụng AI, mạo danh thị trường để lừa đảo qua ứng dụng Skype
Các nhà chức trách đang điều tra một chiến thuật tội phạm mạng mới tinh vi sử dụng trí tuệ nhân tạo để mạo danh mọi người trong các cuộc gọi video trực tiếp.
Mới đây, thị trưởng Sunshine Coast Rosanna Natoli đã liên hệ với Cảnh sát Queensland và Trung tâm An ninh mạng Úc sau khi hình ảnh của cô được sử dụng trong một vụ việc "đáng lo ngại và đáng lo ngại".
Cụ thể, một người bạn của nạn nhân đã gửi cho nạn nhân một tin nhắn kỳ lạ với nội dung muốn xác nhận rằng liệu có phải họ vừa gọi điện video trên Skype hay không. Nạn nhân cho biết, bà không hề sử dụng Skype để liên lạc với người bạn đó, có một tài khoản giả trông giống tài khoản của bà vì đối tượng đã đánh cắp danh tính, lấy bài đăng trên mạng xã hội chính gốc của bà và đăng lại. Tài khoản đó có hơn 1.000 nười theo dõi và đang xây dựng mối quan hệ với các nạn nhân, thậm chí thông qua Messenger đối tượng còn hỏi thông tin chi tiết về tài khoản ngân hàng. Cảm thấy câu chuyện ngày càng phức tạp và nguy hiểm nên bà đã báo với chính quyền để xử lý sự việc trên.
Theo đó, Giám đốc Cảnh sát Queensland Chris Toohey cho biết tội phạm liên quan đến trí tuệ nhân tạo đã tăng theo cấp số nhân trong vài năm qua. Đối tượng sử dụng những chiêu trò lừa đảo tinh vi thông qua mạng xã hội để lấy lòng tin của nhiều người dùng.
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân cần tuyệt đối cẩn trọng khi nhận bất cứ một cuộc gọi video nào thông qua các trang mạng xã hội. Không cung cấp bất kỳ thông tin cá nhân (CCCD, tài khoản ngân hàng, mã OTP…) cho bất kỳ đối tượng nào thông qua nhiều hình thức khác nhau. Tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ qua điện thoại, mạng xã hội, các trang web có dấu hiệu lừa đảo. Khi có yêu cầu vay/chuyển tiền vào tài khoản qua mạng xã hội, người dùng nên thực hiện các phương thức xác thực khác như gọi điện thoại hay sử dụng các kênh liên lạc khác để xác nhận lại./.