Ngành TT&TT tìm cách tiếp cận độc đáo để tạo sự phát triển đột phá

Thứ sáu - 16/02/2024 15:11 747 0
Trong ngày đầu tiên đi làm của năm mới Giáp Thìn 2024, ngày 15/2, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhận định mỗi cuộc cách mạng công nghiệp chỉ có vài nước hóa rồng, hóa hổ. Đó là những nước tìm được sự phát triển bứt phá. Việt Nam muốn hóa rồng thì phải có sự phát triển bứt phá.
1
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Bộ TT&TT lì xì sách quý đầu năm mới cho các cán bộ Bộ TT&TT.
Kế thừa 10 chữ vàng truyền thống của Ngành

Trong không khí đầu Xuân mới, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã chúc Tết toàn thể các cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Bộ TT&TT.
2
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: 10 chữ vàng tạo nên bản sắc của Bộ, ngành TT&TT cần phải kế thừa bởi đây là cội nguồn của Ngành.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thế hệ đi trước của ngành TT&TT đã để lại 10 chữ vàng “Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình”. Đây là 10 chữ vàng tạo nên bản sắc của Bộ, ngành TT&TT cần phải kế thừa bởi đây là cội nguồn của Ngành, Bộ TT&TT. “10 chữ vàng này sẽ chỉ sống được nếu được vận vào hoạt động hàng ngày của chúng ta. Ở mỗi giai đoạn phát triển, 10 chữ vàng cũng cần có những nội hàm mới”.

Bộ trưởng cho rằng “Trung thành là trung thành với lý tưởng, với sự nghiệp đổi mới của Bộ TT&TT. Sống mà không có lý tưởng thì cũng giống như sống mà không có mục đích”.

Trung thành là dù trong hoàn cảnh nào, khó khăn đến mấy thì vẫn lý tưởng ấy, sự nghiệp ấy, vẫn mục tiêu ấy và vẫn ngôi sao dẫn lối ấy. Trung thành còn là trung thành với tổ chức, đơn vị mình, gặp khó khăn chung tay mà làm chứ không bỏ mà đi.

“Dũng cảm” là dám nói suy nghĩ của mình, dám nhận việc mới mà làm, dám đặt mục tiêu cao và dám chấp nhận thách thức. Dũng cảm là đi xuyên qua khó khăn thay vì né tránh. Dũng cảm là khi gặp sự cố, tai nạn thì dám chịu trách nhiệm. Dũng cảm là khi thất bại thì đứng dậy làm tiếp, thử sai nhiều lần để tìm sự thành công. Dũng cảm chung quy là một chữ dám.

“Tận tụy” là tinh thần làm việc gì cũng hết mình, không quản ngày đêm. Tận tụy là sự cống hiến, phụng sự và hy sinh. Tận tụy là sự phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN). Tận tụy thể hiện ở chỗ khi làm việc, khi phục vụ thì chú ý đến những chi tiết nhỏ nhất.

“Sáng tạo” là luôn tìm cách tiếp cận mới, cách làm mới. Sáng tạo chính là đổi mới. Ngày hôm nay khác ngày hôm qua và ngày mai khác ngày hôm nay. Sáng tạo sẽ tạo ra sức sống của tổ chức. Sáng tạo ở giai đoạn này là sự sáng tạo dựa trên công nghệ số, chuyển đổi số (CĐS). Không đổi mới, không sáng tạo thì giống như một tổ chức chết. Sáng tạo là để ngày hôm nay tốt hơn ngày hôm qua và ngày mai tốt hơn ngày hôm nay, dù chỉ một chút nhỏ, 1%.

“Nghĩa tình” là sự biết ơn, là có trước có sau, hôm nay không tự nhiên mà có, cái mình đang được hưởng hôm nay cũng không tự nhiên mà có. Muốn nghĩa tình thì đầu tiên là phải làm cho tổ chức mà cha anh xây dựng nên tiếp tục phát triển, có được những vinh quang lớn hơn, giống như con sông thì có cội, có nguồn, nhưng phải chảy ra biển lớn. “Nghĩa tình tạo ra mối liên kết giữa các thế hệ và tạo ra dòng chảy liên tục”.

Phương châm hành động trong 8 chữ

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Bộ TT&TT có phương châm hành động 8 chữ "Làm gương, Kỷ cương, Trọng tâm, Bứt phá”. Đây là cách mà chúng ta làm việc trong giai đoạn này”.

“Làm gương” là phương châm chính của người lãnh đạo. Làm lãnh đạo là nói trước làm trước, dẫn cả làng theo sau. Mình có tin thì mới lan tỏa được niềm tin ấy tới người khác. Mình có làm thì người dưới mới làm. Làm gương cũng là một trong năm phương thức lãnh đạo của Đảng ta. Với người châu Á, với người Việt Nam thì làm gương là quan trọng số 1.

“Kỷ cương” là sự tuân thủ. Tuân thủ là của tất cả mọi người, ở tất cả các cấp, ở tất cả các công việc. Sức mạnh của tổ chức là từ đây. Không có kỷ cương thì tổ chức không thể hoàn thành bất cứ việc gì. Nhận việc thì làm đến nơi, làm đến kết quả, đã hứa thì phải làm. Mệnh lệnh ban ra thì thông suốt từ trên xuống dưới. Người trong tổ chức thì phải có kỷ cương, kỷ luật.

“Trọng tâm” là tìm ra cái chính. Cái chính là cái chiếm 10 - 20% nhưng quyết định tới 80 - 90%. Làm xong cái chính thì tự khắc những cái khác sẽ được giải quyết. Tìm ra cái chính là việc đầu tiên và nhiều khi là việc khó nhất, sau đấy mới là làm.

Theo Bộ trưởng, cái phổ biến bây giờ là khi nhận một việc là tập trung làm ngay, không phân biệt chính phụ. Phân bổ nguồn lực cũng không phân biệt chính phụ. Với nguồn lực hạn chế, Bộ trưởng cho rằng Bộ TT&TT phải tìm ra cái chính để tập trung làm. Nếu không tập trung thì sẽ không hoàn thành hoặc hoàn thành thì cũng chỉ ở mức trung bình. Bộ TT&TT, các Cục, đơn vị nắm cái chính, cái trục, cái có tính chất lan tỏa toàn quốc.

Cũng theo Bộ trưởng, bứt phá là tìm ra cách tiếp cận độc đáo để tạo ra sự phát triển đột phá. “Không phát triển bứt phá thì sẽ không thay đổi được thứ hạng quốc gia. Việt Nam sẽ không thể vươn lên thành nước phát triển”.

Bộ trưởng phân tích mỗi cuộc cách mạng công nghiệp chỉ có vài nước hóa rồng, hóa hổ. Đó là những nước tìm được sự phát triển bứt phá. Việt Nam muốn hóa rồng thì phải có sự phát triển bứt phá. “Bộ TT&TT muốn dẫn dắt CĐS thành công thì phải có giải pháp đột phá để tạo ra sự thay đổi bứt phá”.

Bộ trưởng cũng cho rằng cần phải thay đổi cách tiếp cận thì một việc khó sẽ trở thành việc dễ. Một việc không khả thi sẽ thành khả thi. Việc càng khó càng bất khả thi, việc càng lớn càng vĩ đại thì càng cần cách tiếp cận mới.

“Đổi góc nhìn, đổi cách tiếp cận thì sẽ thấy khả thi, thấy làm được. Thay đổi góc nhìn thì ngay cả những điểm yếu cũng trở thành những điểm mạnh. Thay đổi cách tiếp cận thì từ không có nguồn lực lại thành rất nhiều nguồn lực. Dẫn dắt một ngành, một lĩnh vực thì đầu tiên là phải nghĩ, tìm ra cách tiếp cận độc đáo để tạo ra sự phát triển bứt phá, sau đấy mới là làm ra sự bứt phá”.
 
3
Toàn cảnh buổi gặp mặt đầu Xuân Giáp Thìn 2024.
Thay đổi cách tiếp cận

Cũng trong ngày làm việc đầu năm mới, Bộ trưởng cho biết Ban cán sự Đảng đã đưa ra một số từ mang tính định hướng hoạt động của Bộ trong năm 2024 là: “Rộng hơn, toàn diện hơn, nhanh hơn, chất lượng hơn và thiết thực hơn”.

Theo Bộ trưởng, “Rộng hơn” là khi làm việc, khi nhìn nhận một vấn đề thì nhìn rộng ra xung quanh để thấy bức tranh toàn cảnh, để ứng xử cho cân bằng. Nhìn rộng ra thì thấy vấn đề của mình nhỏ đi. Nhìn rộng ra thì có thêm nhiều cách tiếp cận mới. Nhìn rộng ra thì phải lùi ra xa, thì sẽ thấy vấn đề của mình đơn giản hơn, thấy sự phức tạp hóa vấn đề khi nhìn quá gần.

“Nhìn thật rộng ra thì là cả vũ trụ thì sẽ thấy tĩnh lặng. Nhìn sâu một việc thì thấy sôi động. Làm việc, nhất là khi ra quyết định phải nhìn gần, rồi nhìn rộng ra”.

“Toàn diện hơn” là mình được giao bao nhiêu việc, trách nhiệm mình có bao nhiêu việc thì phải làm đủ các việc đó, không được bên nặng, bên nhẹ. Không được cái nào thuận tay thì làm, cái khó thì bỏ. Toàn diện bao giờ cũng là yêu cầu số 1 đối với người đứng đầu.

Nhìn một người khác cũng phải nhìn toàn diện, không chỉ nhìn một góc rồi kết luận ngay. Cuộc sống cũng vậy, cũng phải toàn diện, có làm có chơi, có nghiêm túc, có thả lỏng, có chuyên nghiệp, có nghiệp dư, có vật chất, có tinh thần, có cơ quan, có gia đình.

“Nhanh hơn” là làm dứt điểm, quyết nhanh, thấy khó thì nghĩ liên tục cho thấu đáo, thay vì giữ lại đó. Nhanh thì được, chậm có khi lại không thành. Nhanh là dồn lực, dồn lực thì có được năng lượng lớn, vượt qua được khó khăn. Muốn nhanh thì phải tìm cái cốt lõi, nhanh thì mới có thời gian trải nghiệm nhiều hơn và vì vậy được giàu có hơn.

Nhanh không đồng nghĩa với ẩu hay chất lượng, nhanh thường đi với chất lượng hơn, nhanh thường đi với xuất sắc. Làm việc thì nên nhanh, sống thì lại nên chậm.

“Chất lượng hơn” là làm việc thì phải chú ý đến chất lượng, không trung bình chủ nghĩa, việc dẫn dắt thì lại càng phải xuất sắc. Chất lượng thì mới tồn tại được lâu dài. Chất lượng thì dẫn đến thương hiệu. Chất lượng thì mới được mong chờ. Chất lượng thì kích hoạt chất lượng. Con người nhận một cái chất lượng thì có xu thế làm việc của mình chất lượng hơn. Chất lượng thì đáng làm. Làm việc chất lượng thì mới tạo ra cuộc sống chất lượng cho chính mình.

“Thiết thực hơn” là làm việc tạo ra giá trị cho người dân, cho DN, cho tổ chức của mình. Làm việc mà không thiết thực thì không nên làm, tốn của cải vật chất của nhà nước mà lại không mang lại lợi ích gì.

Bộ trưởng nhấn mạnh: “Làm gì cũng phải lấy người dân, DN, nhân viên làm trung tâm. Niềm vui của một việc làm thiết thực là thấy giá trị mang lại cho người khác. Thiết thực thì không màu mè, thiết thực thì bền vững, không phải xây trên cát, thiết thực thì mới hưng thịnh quốc gia. Thiết thực thì mới làm cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn, thiết thực thì tiết kiệm, thiết thực thì giản dị và thiết thực thì đạm bạc”.

Bộ trưởng chúc các cán bộ trong Bộ TT&TT biết dùng công nghệ số, biết tìm cách tiếp cận mới để việc nhẹ đi, để làm được nhiều việc hữu ích hơn và biết vui với các kết quả hàng ngày, sáng muốn đến cơ quan, tối muốn về nhà.
 
4
 
5
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm và Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng chúc mừng năm mới Giáp Thìn 2024 các cán bộ, người lao động Tạp chí TT&TT.
Lì xì sách quý đầu Xuân mới

Cũng nhân dịp đầu Xuân mới, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và các Thứ trưởng Bộ TT&TT đã lì xì và trao tặng hai cuốn sách quý cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tham dự buổi gặp mặt. Đó là cuốn "Ngành Thông tin và Truyền thông", tập hợp những góc nhìn tâm huyết của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng về định hướng phát triển ngành. Cuốn thứ hai là cuốn “Tư duy đa chiều, giải pháp phi thường cho vấn đề thông thường”.
 
6
7
 
8
Lì xì các ấn phẩm quý cho các cán bộ của Bộ TT&TT là nét đẹp đầu Xuân của Bộ TT&TT.
9
Cuốn sách "Tư duy đa chiều, giải pháp phi thường cho vấn đề thông thường”./.

Tác giả: Hoàng Linh

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây