Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý I/2024 với các Sở TT&TT

Thứ tư - 13/03/2024 10:49 612 0
Sáng ngày 11/3/2024 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý I/2024 với các Sở TT&TT cả nước.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm, Bùi Hoàng Phương; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, doanh nghiệp thuộc Bộ TT&TT; Chủ tịch Công đoàn TT&TT Việt Nam; Văn phòng Ban Cán sự Đảng; Văn phòng Đảng uỷ, Đoàn Thanh niên Bộ; đại diện lãnh đạo các cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT; đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM, Đà Nẵng. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
1
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: "Luân chuyển cán bộ là tốt, các cán bộ được luân chuyển đều trưởng thành, thích ứng nhanh với tình hình mới"
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Vụ Tổ chức Cán bộ thông báo tình hình thay đổi nhân sự của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, các Sở TT&TT trong Quý I/2024; Văn phòng Bộ thông báo một số văn bản quan trọng trong lĩnh vực TT&TT mới được ban hành trong Quý I/2024, thông báo tóm tắt về công tác quản lý nhà nước Quý I/2024 và nhiệm vụ trọng tâm trong Quý II/2024.

Giải đáp trực tiếp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các Sở TT&TT

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và Lãnh đạo Bộ TT&TT đã trực tiếp trả lời, giải đáp các khó khăn, vướng mắc của các Sở TT&TT mà Văn phòng Bộ đã tổng hợp từ báo cáo, trong đó có việc hỗ trợ các doanh nghiệp lên sàn thương mại điện tử, quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông, tiêu chí xây dựng đô thị thông minh cấp huyện, tiêu chí xác định tỷ trọng kinh tế số…

Hội nghị cũng nghe một số tham luận quan trọng, tập trung vào một số nội dung đáng chú ý, gồm: “Đặt hàng dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước - Giải pháp tháo gỡ nút thắt về thể chế, nhân lực và tài chính để phát triển ngành TT&TT (Sở TT&TT Lào Cai); Lễ hội Đường sách là một nét đẹp văn hoá độc đáo, điểm đến tham quan ý nghĩa của người dân TPHCM những ngày đầu năm mới (Sở TT&TT TPHCM). Ngoài ra, đại diện Sở TT&TT Bắc Ninh, đại diện cơ quan chuyên trách về CNTT của Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Nội vụ cũng chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng CNTT trong quản lý báo chí; tình hình triển khai chuyển đổi số, phát triển cơ sở dữ liệu dùng chung tại Bộ ngành.

Ban hành các chiến lược, quy hoạch, chính sách theo tinh thần đi kèm hướng dẫn cụ thể theo kiểu “cầm tay chỉ việc” để các Bộ, tỉnh có thể triển khai ngay

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh một số việc cần làm ngay trong tháng 3, gồm: Hướng dẫn về hoàn thiện bộ máy nhân sự từ Trung ương đến địa phương, hướng dẫn tổ chức Hội nghị chuyên đề về chuyển đổi số, kinh tế số; hướng dẫn nâng tỉ lệ hồ sơ trực tuyến được xử lý toàn trình từ xa, hướng dẫn thực hiện truyền thông chính sách tại các bộ ngành, địa phương.
2
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lãnh đạo Bộ giải đáp trực tiếp các khó khăn, vướng mắc, kiến nghị của các Sở TT&TT.
Đối với việc lập kế hoạch và đặt ra các mục tiêu, Bộ trưởng cho rằng vẫn còn tình trạng Bộ đặt mục tiêu chung cho cả ngành mà không có mục tiêu chi tiết cho các Bộ ngành, địa phương. Cần thay đổi điều này trong năm 2024, mục tiêu cho năm 2024 phải chi tiết, phải được thiết lập dựa trên sự phát triển thực tế của địa phương, có sự đóng góp ý kiến của địa phương.

Liên quan đến việc lập kế hoạch, theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ rất rộng. Do đó, việc soạn thảo mẫu kế hoạch để các Bộ, tỉnh dễ dàng áp dụng rất quan trọng và giúp cho việc tổng hợp dữ liệu thuận lợi, dễ dàng hơn.

Cũng theo Bộ trưởng, từ cuối năm 2023, Bộ TT&TT đã ban hành các chiến lược, quy hoạch, chính sách theo tinh thần đi kèm hướng dẫn cụ thể theo kiểu “Cầm tay chỉ việc” để các Bộ tỉnh có thể triển khai ngay.

Bộ trưởng cũng nêu vấn đề, hiện nay tên gọi các cơ quan chuyên trách CNTT ở các Bộ, ngành không có sự thống nhất, nơi gọi là ứng dụng CNTT, nơi gọi là chuyển đổi số. Trong kỷ nguyên công nghệ số hiện nay, CNTT khác chuyển đổi số một cách căn bản. Không thể dùng chữ CNTT để phản ánh về chuyển đổi số. Bộ trưởng giao Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương khảo sát tình hình và dưa ra khuyến nghị thống nhất về tên gọi cơ quan chuyên trách này tại các Bộ, ngành.
3
Toàn cảnh Hội nghị.
Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng, tính hiệu quả của việc luân chuyển cán bộ. Bộ TT&TT đã làm tốt việc này, đã thực hiện luân chuyển giữa các đơn vị thuộc Bộ, luân chuyển với các Sở TT&TT địa phương và với các Bộ ngành khác.

Bộ trưởng khuyến khích sự luân chuyển này vì các cán bộ được luân chuyển cơ bản đều trưởng thành, lúc đi là cấp phó, lúc về lên cấp trưởng. Vừa qua, Bộ TT&TT đã thực hiện luân chuyển đến cấp Thứ trưởng, đảo nhiệm vụ giữa hai Thứ trưởng với nhau.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc kết hợp online và offline một cách khéo léo. Theo đó mỗi năm tổ chức một cuộc họp giữa Bộ trưởng, lãnh đạo Bộ và giám đốc các tỉnh một lần, tổ chức luân phiên tại các địa phương để tăng cường liên kết và hiểu biết giữa Bộ và các Sở. Bộ trưởng chỉ đạo Vụ Tổ chức Cán bộ thực hiện ngay từ năm 2024.

Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ đạo, trọng tâm của năm 2024 là mọi hoạt động của Bộ, của các đơn vị thuộc Bộ đều tập trung vào việc tạo ra kết quả thiết thực, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của đất nước. /.
 
Tình hình phát triển lĩnh vực Thông tin và Truyền thông quý I/2024

Bưu chính:

-Trong Quý I/2024, sản lượng bưu gửi ước đạt 505 triệu bưu gửi, tăng trên 47% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 11.250 tỷ đồng, tăng 28,57% so với cùng kỳ năm 2023

Viễn thông:

Tính đến tháng 02/2024:

- Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 80,1%, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2023 (75,5%)

- Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 100,7 triệu thuê bao tăng 1,2% so với cùng kỳ (99,5 triệu thuê bao);

- Số thuê bao băng rộng di động đạt 89,78 triệu thuê bao (tương ứng với 90,27 thuê bao/100 dân), tăng 6,4% so với cùng kỳ (84,36 triệu thuê bao).

Chuyển đổi số quốc gia:

- Triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng (CNSCĐ): 100% tỉnh, thành phố trên cả nước đã thành lập các Tổ CNSCĐ đến từng thôn, tổ dân phố, khu dân cư, khóm, ấp dân cư với 81.415 Tổ và gần 400.000 thành viên, trong đó 55/63 tỉnh, thành phố hoàn thành 100% đến cấp xã.

- Từ 01/01/2023 đến 29/02/2024, Bộ TT&TT đã chủ trì tổ chức 12 khóa bồi dưỡng về chuyển đổi số trên Nền tảng học trực tuyến mở đại trà MOOCS (https://onetouch.mic.gov.vn (Nền tảng OneTouch) cho 66.500 cán bộ, công chức, viên chức phụ trách chuyển đổi số của các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, các cơ quan thông tấn, báo chí trong toàn quốc.

+Triển khai chương trình bồi dưỡng 500 chuyên gia chuyển đổi số của các Bộ, ngành, địa phương trên nền tảng MOOCS.

+Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn về chuyển đổi số cho gần 172.000 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng tại 22/63 địa phương;

+Cung cấp 20 khóa học phổ cập kỹ năng số cho người dân trên Nền tảng MOOCS, đã có gần 24 triệu lượt người truy cập khóa học phổ cập kỹ năng số.

Chính phủ số:

- Tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình đủ điều kiện đạt 100%.

- Tính đến 20/02/2024:

+ Tỷ lệ DVCTT (trên tổng TTHC): 81,12%;

+ Tỷ lệ DVCTT toàn trình (trên tổng TTHC): 48,28%;

+ Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến toàn trình đạt 37,19%;

50 tỉnh đã ban hành chính sách giảm phí, lệ phí; 13 tỉnh ban hành chính sách giảm thời gian xử lý để khuyến khích người dân sử dụng DVCTT.

An toàn thông tin mạng:

Trong Quý I/2024 (tính đến hết tháng 02/2024):    

- Doanh thu lĩnh vực an toàn thông tin mạng ước đạt 804 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm 2023 (548 tỷ đồng).

- Nộp ngân sách nhà nước ước đạt 41 tỷ đồng, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023 (31,8 tỷ đồng).

- Lợi nhuận: 54 tỷ đồng, tăng 22,72% so với cùng kỳ 2023 (44 tỷ đồng).

- Tấn công mạng là 1.812 cuộc, giảm 38% so với cùng kỳ 2023 (2.921 cuộc).

Kinh tế số:

- Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số:    

+ Số lượt doanh nghiệp tiếp cận Chương trình: 1.134.884;

+ Số lượng doanh nghiệp SME sử dụng nền tảng của Chương trình: 302.096 doanh nghiệp.

Xã hội số:

- Việt Nam có 06 ứng dụng di động có số lượng người dùng trên 10 triệu (Zalo, Zing Mp3, Báo mới, Ví MoMo, VnEID và MB Bank); 11 ứng dụng có số lượng người dùng từ 5-10 triệu.

+VnEID, VSSID tiếp tục là 02 nền tảng số quốc gia do cơ quan nhà nước triển khai xây dựng lọt được vào top này.

+ Zalo nằm trong danh sách nhóm 200 ứng dụng có số lượng người dùng lớn nhất thế giới.

Công nghiệp công nghệ số:   

- Tổng doanh thu công nghiệp CNTT 02 tháng đầu năm 2024: đạt khoảng trên 598 nghìn tỷ đồng (~ 24,4 tỷ USD), tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023.

- Giá trị xuất khẩu sản phẩm phần cứng, điện tử: đạt trên 20,9 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm khoảng 33% giá trị xuất khẩu của cả nước.

Báo chí, xuất bản, truyền thông

- Thuê bao truyền hình trả tiền: Tính đến tháng 02/2024, thuê bao ước đạt 17,2 triệu thuê bao, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái

- Doanh thu truyền hình trả tiền: Tính đến tháng 2/2024, doanh thu dịch vụ (bao gồm VAT) ước tính đạt 1.646 tỷ đồng, tăng 1,86% so với cùng kỳ năm ngoái.

- Kết quả từ 01/01/2024 đến hết tháng 02/2024:

+ Facebook đã chặn, gỡ bỏ hơn 1.100 bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước và 111 tài khoản vi phạm (tỷ lệ 92%).

+ Google đã gỡ 1.069 video vi phạm và chặn truy cập 02 kênh có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước chứa khoảng gần 5.000 video vi phạm (tỷ lệ 91%).

- TikTok đã chặn, gỡ bỏ 27 tài khoản vi phạm (tỷ lệ 91%).

- Tính đến tháng 2/2024, doanh thu lĩnh vực xuất bản: đạt 1.230 tỷ đồng

+ Doanh thu lĩnh vực in: 11.333 tỷ đồng

+Doanh thu lĩnh vực phát hành xuất bản phẩm: 780 tỷ đồng

Tác giả: Giang Phạm, Ảnh: Thảo Anh

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây