Khoa học công nghệ phải dựa trên kết quả đầu ra

Thứ tư - 02/07/2025 15:17 14 0
  Tại Hội nghị giao ban QLNN tháng 6/2025, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, KHCN phải dựa trên kết quả đầu ra (outcome base), sản phẩm, không quan trọng quá trình...  
  
1
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.
Ngày 1/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức giao ban quản lý nhà nước tháng 6/2025 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Tham dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ KH&CN: Bùi Thế Duy, Phạm Đức Long, Lê Xuân Định, Hoàng Minh và Bùi Hoàng Phương.

Quốc hội thông qua 5 luật quan trọng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ KH&CN

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang chuyển dịch mạnh mẽ sang mô hình dựa trên khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, việc hoàn thiện thể chế không chỉ là nhiệm vụ hỗ trợ, mà đã trở thành động lực dẫn dắt. Trong tháng 6/2025, việc Quốc hội thông qua đồng loạt 5 luật cùng một kỳ họp là bước hiện thực hóa tư duy coi "thể chế phải đi trước, mở đường cho phát triển". 5 luật này không chỉ mở rộng biên độ chính sách cho doanh nghiệp và nhà khoa học, mà còn thể hiện rõ sự chuyển đổi tư duy quản lý - từ tiền kiểm sang hậu kiểm có kiểm soát; từ hành chính sang thị trường; từ quản lý sang kiến tạo và đồng hành.

5 luật được Quốc hội thông qua lần này không chỉ là thành quả của quá trình xây dựng pháp luật bài bản, mà còn là tuyên ngôn thể chế đầy tính mạnh mẽ, thể hiện tầm nhìn chiến lược và vai trò kiến tạo của Bộ KH&CN. Trong đó, pháp luật không dừng lại ở vai trò điều chỉnh hành vi, mà đã trở thành bệ phóng cho năng lực đổi mới, thị trường công nghệ và những giá trị phát triển mới của quốc gia.

Khó khăn là cơ hội cho ngành công nghiệp mới

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã thông tin một số kinh nghiệm của các nước về phát triển lĩnh vực khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo (ĐMST) để các đơn vị quản lý nhà nước các lĩnh vực Bộ KH&CN có thể tham khảo trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc Bộ. 
2
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, quốc gia nào chậm chân trong cuộc đua AI thì sẽ tụt hậu.
 Là thành viên đoàn công tác thăm và làm việc tại Trung Quốc vừa qua của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng đã chia sẻ kinh nghiệm của nước bạn trong giải quyết bài toán môi trường ô nhiễm của Bắc Kinh thời gian trước.

Lúc đó, ai cũng cho rằng việc giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ làm kinh tế tăng trưởng chậm lại, tốn kém, khó khăn, nhưng đến khi bắt tay vào giải quyết thì không phải vậy. Việc làm cho môi trường trở nên sạch còn tạo ra sự tăng trưởng kinh tế tốt hơn và cũng sinh ra một ngành công nghiệp mới là ngành công nghiệp môi trường.

Cùng với đó, các doanh nghiệp (DN) phải chuyển đổi xanh nên phải chuyển đổi, mua sắm công nghệ mới, làm tăng trưởng GDP, cũng là một loại kích cầu. Sau khi chuyển sang dùng công nghệ xanh, các DN lại có thể cạnh tranh quốc tế vì đáp ứng tiêu chuẩn xanh.

Một câu chuyện nữa của Trung Quốc là giải quyết vấn đề "già hóa dân số" cũng sinh ra ngành công nghiệp “trắng” vì cần nhiều sản phẩm, hàng hoá liên quan đến chăm sóc sức khoẻ để giải câu chuyện "già hoá dân số".

“Những câu chuyện này dẫn đến một triết lý có thể tham khảo: Khó khăn lại là cơ hội sinh ra một ngành công nghiệp”, Bộ trưởng chia sẻ và mong muốn các đơn vị của Bộ có thể học hỏi, đó là nhìn vấn đề một cách tích cực.

Chia sẻ về kinh nghiệm từ Estonia, Bộ trưởng cho biết Estonia là nước nhỏ, dân số có gần 1,4 triệu người nhưng quốc gia này có bí quyết để dẫn đầu về KHCN. Đó là KHCN phải dựa trên kết quả đầu ra (outcome base), sản phẩm, không quan trọng quá trình. Ngay cả giáo dục phổ thông cũng không có giáo trình chuẩn, không quy định cách dạy, chỉ quy định chuẩn đầu ra.

Cơ hội cho Việt Nam

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhận định, các nước do điều kiện khách quan (như về môi trường) và những yếu tố khác nên khả năng làm nghiên cứu học thuật tốt. Trong khi đó, người Việt Nam có khả năng làm thương mại hoá sản phẩm, ĐMST tốt vì có sự gần gũi với thực tế, thị trường, con người.

Con đường để Việt Nam phát triển là đẩy mạnh thương mại hoá, kết nối DN, đẩy mạnh hệ sinh thái, ứng dụng KHCN, ĐMST thì sẽ đóng góp cho đất nước phát triển. “Làm được việc này sẽ thúc đẩy hàng nghìn DN phát triển công nghệ, cả thế giới phát triển công nghệ, là con đường của Việt Nam”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bộ trưởng cũng đề nghị các đơn vị thuộc Bộ quan tâm đưa AI thâm nhập sâu vào xã hội, phổ cập vào đời sống hàng ngày./.

Tác giả: Trung tâm Truyền thông KH&CN

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây