Ngày 1/3/2025 đánh dấu một khởi đầu mới của đất nước, của toàn ngành và của Bộ KH&CN khi Bộ KH&CN mới chính thức đi vào hoạt động sau quá trình hợp nhất.
Việc hợp nhất không đơn thuần là phép cộng cơ học giữa hai cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương, mà là một bước tái cấu trúc chiến lược về thể chế, tổ chức và nguồn lực nhằm kiến tạo một cơ quan chủ lực, toàn diện và hiện đại, được thiết kế để đóng vai trò dẫn dắt tiến trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong kỷ nguyên số.
Trong vòng 4 tháng sau hợp nhất, Bộ KH&CN đã giải quyết một khối lượng công việc đồ sộ, toàn diện từ tinh gọn tổ chức bộ máy đến hoàn thiện thể chế cho hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KH,CN, ĐMST&CĐS). Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và hành động khẩn trương của Lãnh đạo Bộ, Bộ đã nhanh chóng ổn định tổ chức, sớm đưa bộ máy mới vào vận hành hiệu quả, thông suốt.
Hợp nhất, kiện toàn, tinh gọn tổ chức bộ máy
Sáu tháng đầu năm 2025, Bộ KH&CN đã ghi dấu ấn mạnh mẽ trong việc tái cấu trúc tổ chức bộ máy, nâng cao kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2025/NĐ-CP, quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và công nghệ. Theo đó, cơ cấu tổ chức của Bộ đã được tinh giản từ 42 đơn vị còn 25 đơn vị giảm 40,5%, đáp ứng yêu cầu cải cách mạnh mẽ về tổ chức, bộ máy.
Bên cạnh đó, Bộ đã Ban hành 49 Quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ; và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 970/QĐ-TTg Quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức.
Đồng thời, Bộ đã hoàn tất việc chuyển giao một số chức năng, nhiệm vụ về cơ quan quản lý chuyên ngành: lĩnh vực báo chí, xuất bản, thông tin đối ngoại về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Lĩnh vực an toàn thông tin chuyển về bộ Công An; Báo VietNamNet chuyển về Bộ Dân tộc và Tôn giáo; Thanh tra Bộ về Thanh tra Chính phủ.
Việc tái cơ cấu không chỉ giúp Bộ KH&CN duy trì hoạt động ổn định, thông suốt, mà còn chuyển sang trạng thái tăng tốc, nâng cao hiệu quả. Mô hình tổ chức mới được gọn, linh hoạt hơn, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý, điều hành trong bối cảnh chuyển đổi số toàn diện.
Bộ KH&CN là một trong những đơn vị điển hình về sắp xếp tổ chức thành công sau hợp nhất. Đây chính là bước đi nền tảng để KH&CN thực sự trở thành lực lượng nòng cốt kiến tạo tương lai phát triển đất nước trong thời đại số.
5 dự án luật quan trọng lĩnh vực KH,CN, ĐMST và CĐS được thông qua
Ngay từ đầu năm, dù chưa chính thức hợp nhất, cả hai Bộ đã phối hợp triển khai quyết liệt Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị và các chương trình hành động của Chính phủ. Bộ KH&CN đã ban hành Kế hoạch hành động toàn diện, quán triệt sâu sắc phương châm điều hành của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tinh gọn hiệu quả; tăng tốc bứt phá”.
KH&CN thực sự đã trở thành một thành phần hữu cơ, không thể tách rời trong cấu trúc kinh tế số, là động lực trung tâm trong nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia.
Với tư duy chính sách đột phá, hành động quyết liệt, Bộ đã thể chế hóa kịp thời bốn Nghị quyết trụ cột của Bộ Chính trị: Nghị quyết 57 về đột phá KHCN, ĐMST & CĐS quốc gia; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng pháp luật; Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.
Bộ cũng đã tham mưu Quốc hội ban hành Nghị quyết 193/2025/QH15 về cơ chế chính sách đặc thù để phát triển đột phá KH&CN, ĐMST và CĐS.
Đặc biệt, chỉ trong 4 tháng sau hợp nhất, Bộ đã phối hợp với các cơ quan liên quan trình Quốc hội thông qua đồng thời 5 dự án luật quan trọng: Luật KH,CN&ĐMST, Luật Công nghiệp công nghệ số, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) tạo lập hành lang pháp lý cho các trụ cột phát triển mới.
Bộ KH&CN là một trong những Bộ có nhiều Luật được thông qua nhất tại kỳ họp này. Đây là minh chứng rõ nét cho năng lực thể chế vượt trội, tầm nhìn đổi mới và quyết tâm chính trị mạnh mẽ, đưa Bộ từ vị thế cơ quan quản lý ngành trở thành kiến trúc sư thể chế cho tương lai phát triển quốc gia.:
Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với nâng cao năng lực thực thi và bảo đảm giám sát hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết số 18, Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 132/2025/NĐ-CP quy định rõ phân định thẩm quyền giữa chính quyền địa phương hai cấp (tỉnh và huyện) trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ và Nghị định số 133/2025/NĐ-CP, quy định cụ thể về phân cấp, phân quyền giữa Bộ và địa phương trong lĩnh vực KHCN,ĐMST&CĐS. Bộ KH&CN đã thực hiện phân quyền, phân cấp 117 nhiệm vụ từ bộ về tỉnh.
Cùng với đó, Bộ đã ban hành 2 thông tư chuyên ngành nhằm cụ thể hóa việc phân cấp, phân quyền và hướng dẫn triển khai trong từng lĩnh vực.
Bộ KH&CN đã rà soát, đánh giá và đề xuất phương án phân cấp trong giải quyết TTHC, đồng thời công bố TTHC mới, sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ theo quy định về phân quyền, phân cấp, phân định thẩm quyền theo Quyết định số 1442/QĐ-BKHCN. Triển khai Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, 4 trụ cột chiến lược của Bộ KH&CN đều ghi nhận những bước tiến đột phá, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao vị thế quốc gia trong kỷ nguyên số./.