5 Luật lớn ra đời: KHCN,ĐMST&CĐS bước vào giai đoạn “tăng tốc”

Thứ ba - 08/07/2025 09:39 7 0
Việc Quốc hội thông qua 5 đạo luật là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW và các Nghị quyết của Bộ Chính trị. Theo đó, toàn bộ hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số (KHCN,ĐMST&CĐS) đang được thiết lập lại, từ luật, thể chế, đến cơ chế tài chính, quản trị và triển khai với tinh thần xuyên suốt là: Thông thoáng, hiệu quả, nhanh chóng, chấp nhận rủi ro có kiểm soát và trao quyền tối đa cho tổ chức thực hiện.
Chiều ngày 07/7/2025, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tổ chức Họp báo Công bố 5 Luật do Bộ KH&CN chủ trì soạn thảo vừa được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, gồm: Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (KH,CN&ĐMST); Luật Công nghiệp Công nghệ số (CNCNS); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT); Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).
1
Toàn cảnh buổi Họp báo.
KHCN được coi là nền tảng, ĐMST là động lực và chuyển đổi số là đột phá

Phát biểu khai mạc buổi Họp báo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, thực hiện chỉ đạo của Đảng, sự phân công của Chính phủ, chỉ sau 4 tháng kể từ khi Bộ KH&CN và Bộ Thông tin và Truyền thông được hợp nhất, Bộ KH&CN đã hoàn thành việc trình Quốc hội thông qua 5 đạo luật có tính nền tảng, tạo dựng hành lang pháp lý quan trọng để dẫn dắt sự phát triển của KHCN,ĐMST&CĐS trong giai đoạn mới của đất nước, góp phần hoàn thành mục tiêu chiến lược đưa Việt Nam trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. 

Việc Quốc hội thông qua 5 đạo luật lần này là bước cụ thể hóa mạnh mẽ các định hướng lớn của Nghị quyết 57-NQ/TW và các Nghị quyết của Bộ Chính trị, đặc biệt trong việc hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, thúc đẩy các động lực phát triển mới là KHCN,ĐMST&CĐS. Các đạo luật không chỉ tạo nền tảng pháp lý để triển khai hiệu quả các chính sách, chiến lược quốc gia về KHCN,ĐMST&CĐS mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quản lý nhà nước, đặc biệt khi hệ thống chính quyền hai cấp đang bước vào giai đoạn vận hành thực tế.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà khoa học và sự vào cuộc tích cực của các cơ quan báo chí trong việc lan tỏa mạnh mẽ những nội dung cốt lõi của 05 đạo luật sẽ là đóng góp thiết thực, đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống, góp phần tạo sự chuyển biến thực chất, xây dựng một nền KHCN tiên tiến, ĐMST toàn diện và CĐS hiệu quả.
2
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định phát biểu khai mạc Họp báo.
Những điểm đột phá của 5 Luật mới

Tại buổi Họp báo, Lãnh đạo một số đơn vị chủ trì soạn thảo Luật đã thông tin về một số nội dung quan trọng và những điểm mới trong các Luật.

Đối với Luật Luật KH,CN&ĐMST, có hiệu lực từ ngày 01/10/2025, ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ cho biết, lần đầu tiên đưa ĐMST vào luật và đặt ngang hàng với KHCN, đã thể hiện sự thay đổi căn bản trong tư duy phát triển. Theo đó, ĐMST được xác định là động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. ĐMST được kỳ vọng đóng góp 3% vào tăng trưởng GDP, trong khi KHCN chỉ đóng góp 1%.

Luật cũng chuyển trọng tâm quản lý từ kiểm soát đầu vào sang quản lý kết quả, đánh giá hiệu quả đầu ra, cho phép tổ chức, cá nhân thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu sở hữu kết quả nghiên cứu để thương mại hóa, được hưởng tối thiểu 30% thu nhập từ thương mại hóa kết quả nghiên cứu mang lại. Các quy định này sẽ tạo động lực đổi mới, tinh thần dám nghĩ, dám làm trong nghiên cứu, nghiên cứu hướng đến kết quả thực tiễn, gắn kết chặt chẽ giữa KHCN với phát triển kinh tế - xã hội.
3
Ông Nguyễn Phú Hùng, Vụ trưởng Vụ Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ thông tin tại Họp báo.
Đối với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia cho biết, Luật đã thể hiện tư duy quản lý mới, chuyển từ mô hình quản lý hành chính sang quản lý chất lượng theo rủi ro; từ phương thức tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên dữ liệu và công nghệ số; từ cơ chế khuyến khích sang ràng buộc trách nhiệm, minh bạch và có chế tài xử lý nghiêm.

Lần đầu tiên, Luật yêu cầu thiết lập hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia, kết nối dữ liệu liên ngành, hỗ trợ hậu kiểm, xử lý rủi ro chất lượng. Đồng thời, quy định quản lý rõ ràng đối với hàng hóa kinh doanh trên nền tảng số, tăng cường trách nhiệm của người bán và nền tảng trung gian trong bảo đảm chất lượng và xử lý phản ánh của người tiêu dùng.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CLSPHH đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý CLSPHH theo 9 định hướng lớn, đó là: Chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro; quy định rõ nguyên tắc quản lý chất lượng phù hợp với từng mức độ rủi ro; quy định giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hàng nhập khẩu; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng; xây dựng hạ tầng chất lượng quốc gia hiện đại; xây dựng hệ thống giám sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa quốc gia; quản lý chất lượng hàng hóa trên nền tảng số; tăng cường chế tài xử lý vi phạm, công khai vi phạm trên nền tảng số; hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu.

Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TC&QCKT, có hiệu lực từ ngày 01/01/2026), cũng theo ông Hà Minh Hiệp,  Luật đã đánh dấu sự đổi mới toàn diện trong tư duy và phương thức quản lý lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng. Lần đầu tiên có Tuyên ngôn về tiêu chuẩn: TC&QCKT là công cụ quản lý nền tảng, bao trùm mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn, chất lượng, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chất lượng cuộc sống. Đây cũng là lần đầu tiên, Chiến lược tiêu chuẩn quốc gia được luật hóa như một công cụ định hướng dài hạn; thiết lập Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng; luật hoá hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thông tin tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế để phát triển sản xuất, mở rộng xuất khẩu. Luật cũng quy định nguyên tắc "một sản phẩm - một quy chuẩn" trên toàn quốc, chấm dứt chồng chéo quản lý và tăng hiệu quả thực thi. Đặc biệt, cơ chế thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận nhanh thị trường.
4
Ông Hà Minh Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia thông tin tại Họp báo.
Theo ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin, Luật CNCNS (có hiệu lực từ ngày 01/01/2026) là bước ngoặt lớn trong việc thiết lập khung pháp lý cho các lĩnh vực mới như công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và tài sản số. Luật quy định chiến lược phát triển chip chuyên dụng, liên kết chuỗi cung ứng toàn cầu.

Đối với AI, luật đưa ra nguyên tắc "lấy con người làm trung tâm", yêu cầu sản phẩm công nghệ số AI phải có dấu hiệu nhận dạng, Nhà nước dành chính sách ưu đãi cao nhất cho thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, triển khai, sử dụng AI. Đây cũng là lần đầu tiên tài sản số bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa được bảo đảm quyền sở hữu, giao dịch và bảo mật. Hạ tầng số thiết yếu như trung tâm dữ liệu AI, khu CNS tập trung và phòng thí nghiệm quốc gia được ưu tiên đầu tư, tạo nền tảng cho sự phát triển mạnh mẽ của CĐS, kinh tế số Việt Nam.

Đặc biệt, Luật tập trung vào 3 trụ cột là phát triển nhân lực công nghiệp công nghệ số; thu hút nhân lực CNCNS chất lượng cao; thu hút, trọng dụng nhân tài công nghiệp số.
5
Ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin tại Họp báo.
Đối với Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), có hiệu lực từ ngày 01/01/2026, ông Nguyễn Hoàng Linh, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân cho rằng, Luật đã tạo lập khung pháp lý toàn diện, phù hợp với hướng dẫn của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA).

Luật xác định, điện hạt nhân là chiến lược quốc gia, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, giảm phát thải carbon. Điểm mới và quan trọng là quản lý an toàn, an ninh hạt nhân được thống nhất bởi một cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo tiêu chuẩn quốc tế và quản lý toàn bộ vòng đời nhà máy.

Luật cũng có riêng một chương về an toàn cơ sở hạt nhân và thúc đẩy ứng dụng năng lượng nguyên tử trong y tế, nông nghiệp, công nghiệp, hướng tới làm chủ công nghệ và CĐS toàn diện trong lĩnh vực này.
6
Ông Nguyễn Hoàng Linh, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thông tin tại Họp báo.
Tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, hoàn thiện hành lang pháp lý cho KHCN,ĐMST&CĐS

Cũng tại buổi Họp báo, lãnh đạo Bộ KH&CN và đại diện lãnh đạo các đơn vị chuyên môn đã cung cấp thông tin và trao đổi, giải đáp nhiều câu hỏi của các nhà báo đến từ các cơ quan báo chí, xoay quanh các vấn đề được dư luận quan tâm.

Trả lời câu hỏi về việc làm thế nào để 5 Luật mới sớm đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy cho biết, Bộ sẽ ban hành các nghị định và thông tư hướng dẫn cùng thời điểm có hiệu lực của Luật, bảo đảm tính kịp thời và không để "khoảng trống pháp lý" làm chậm quá trình triển khai. "Luật KH,CN&ĐMST có hiệu lực từ 01/10/2025 thì các nghị định, thông tư đi kèm cũng phải có hiệu lực đúng ngày này. Tương tự, các nghị định, thông tư hướng dẫn Luật CNCNS sẽ có hiệu lực từ 01/01/2026 để đảm bảo đồng bộ", Thứ trưởng nhấn mạnh.

Một điểm đổi mới căn bản được Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề cập là chuyển đổi toàn diện cơ chế quản lý tài chính trong KH&CN. Theo đó, các đề tài sử dụng ngân sách nhà nước sẽ được áp dụng cơ chế khoán chi, giảm thiểu thủ tục hành chính và chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm… nhằm nâng cao tính chủ động và linh hoạt cho các đơn vị chủ trì. Tất cả hoạt động tài chính sẽ được minh bạch hóa qua nền tảng số, cho phép giám sát công khai, đánh giá theo rủi ro và hiệu quả thực tế, thay vì quy trình kiểm soát mang tính hình thức như trước đây.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, một loạt thủ tục sẽ được rút gọn, đơn giản hóa, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học chủ động hơn trong tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN. Việc phân cấp, phân quyền được mở rộng, nâng cao quyền tự chủ, song vẫn đi kèm với giám sát hậu kiểm chặt chẽ để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn lực từ ngân sách nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, khi hành lang pháp lý đầy đủ, cơ chế vận hành linh hoạt, KHCN,ĐMST&CĐS sẽ trở thành động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải quyết bài toán phát triển ở địa phương, ngành và quốc gia.

Thứ trưởng khẳng định, "Toàn bộ hệ sinh thái KH&CN đang được thiết lập lại - từ luật, thể chế, đến cơ chế tài chính, quản trị và triển khai. Tinh thần xuyên suốt là: Thông thoáng, hiệu quả, nhanh chóng, chấp nhận rủi ro có kiểm soát và trao quyền tối đa cho tổ chức thực hiện. Đây chính là nền tảng để Nghị quyết 57 thực sự ‘chạy’ được, đi vào đời sống".
8
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại Họp báo.

Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định trân trọng gửi lời cảm ơn tới các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã đồng hành chặt chẽ, hiệu quả trong suốt quá trình xây dựng và hoàn thiện các dự án luật quan trọng. Trong thời gian tới, hàng chục nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành sẽ được hoàn thiện để các luật có thể đi vào thực tiễn đúng thời điểm có hiệu lực.

Đáng chú ý, theo Nghị quyết 57, từ nay đến cuối năm, Bộ KH&CN tiếp tục được giao chủ trì xây dựng thêm 4 dự án luật, gồm: 1 luật mới là Luật Chuyển đổi số và 3 luật sửa đổi, gồm: Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Sở hữu trí tuệ. Như vậy, chỉ trong năm 2025, Bộ KH&CN sẽ hoàn thành việc trình 9 dự án luật - một khối lượng công việc chưa từng có tiền lệ.

Bộ KH&C kỳ vọng những luật này cùng với ba luật ban hành trước đó gồm Luật Viễn thông, Luật Tần số và Luật Giao dịch điện tử sẽ thiết lập đầy đủ, toàn diện hành lang pháp lý cho hoạt động KHCN,ĐMST&CĐS, theo đúng tinh thần của Nghị quyết 57 và các nghị quyết lớn của Trung ương.
9
Thứ trưởng Bùi Thế Duy và Thứ trưởng Lê Xuân Định đồng chủ trì Họp báo.
Kết thúc buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Xuân Định nhấn mạnh, các dự án Luật vừa được Quốc hội thông qua đều nhằm vào một mục tiêu xuyên suốt: Thay đổi nhận thức, trong đó, báo chí giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong việc truyền tải tinh thần đổi mới, khơi dậy sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy sự thống nhất trong hệ thống chính trị. Đây là điều kiện tiên quyết để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của Nghị quyết 57, góp phần khẳng định vai trò then chốt của KHCN,ĐMST&CĐS trong phát triển quốc gia.
10

 

Tác giả: Trung tâm Truyền thông KH&CN (tổng hợp)

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây