Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Bộ TT&TT giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2023
Thứ năm - 01/06/2023 09:463740
Chiều ngày 30/5/2023, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị giao ban quản lý nhà nước tháng 5/2023. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị. Cùng dự có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện lãnh đạo Công đoàn TT&TT Việt Nam; đại diện Văn phòng Bộ tại TP HCM, Đà Nẵng, các cán bộ của Bộ đang biệt phái tại các Sở TT&TT thông qua truyền hình trực tuyến.
Những kết quả nổi bật trong tháng 5/2023
Lĩnh vực bưu chính: Trong tháng 5, thị trường cơ bản ổn định so với tháng 4/2023, doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 4.680 tỷ đồng, ước tăng 3% so với tháng 4/2023 và tăng 7,6% so với tháng 5/2022. Sản lượng ước đạt 199 triệu bưu gửi (tăng 4% so với tháng 4/2023 và tăng khoảng 20% so với tháng 5/2022); sản lượng bưu chính KT1 đạt: 58.877 bưu gửi, tăng 8.43% so với cùng kỳ tháng 5/2022. Trong đó, sản lượng bưu gửi mật đạt 20.221 bưu gửi chiếm 34,34 % tổng sản lượng.
Lĩnh vực viễn thông: Trong tháng 5, nổi bật là công tác chuẩn hóa thông tin thuê bao. Theo đó, 2,85 triệu thuê bao đã thực hiện chuẩn hoá trên tổng số 3,84 triệu thuê bao thuộc tập có thông tin cần chuẩn hoá sau đối soát với CSDL quốc gia về dân cư. Đã xử lý, thu hồi hơn 985 nghìn thuê bao do không thực hiện chuẩn hoá theo quy định.
Bên cạnh đó, Bộ TT&TT đã phối hợp với Tổ chức Viễn thông khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APT) tổ chức Hội nghị Nhóm thông tin vô tuyến của APT lần thứ 31 (AWG-31); tổ chức 82 đoàn thanh tra trên cả nước về việc chấp hành pháp luật về quản lý thông tin thuê bao dịch vụ viễn thông di động mặt đất. Mục tiêu của đợt thanh tra diện rộng lần này tập trung vào việc xử lý nghiêm tình trạng lợi dụng, sử dụng thông tin của người khác để đăng ký SIM thuê bao; tình trạng cố tình đăng ký nhiều SIM thuê bao để lưu thông ra thị trường nhưng không thực hiện chuyển quyền sử dụng; tổ chức đấu giá quyền sử dụng tần số đối với khối băng tần A1 (2300-2330 MHz) thuộc băng tần 2300-2400 MHz…
Lĩnh vực An toàn thông tin: Tổ chức “Diễn tập thực chiến đảm bảo an toàn thông tin mạng 2023” trong 5 ngày liên tục vào các hệ thống thông tin do Sở TT&TT TP.HCM đang vận hành; tổ chức Hội nghị “Hướng dẫn triển khai và đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược an toàn, an ninh mạng quốc gia” cho các Sở TT&TT 3 miền Bắc, Trung, Nam; tổ chức làm việc với các Sở TT&TT các tỉnh/thành phố: Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Bắc Giang, Lào Cai, Yên Bái về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Lĩnh vực Kinh tế số: Trong tháng 5/2023, tổng số lượt download các ứng dụng di động của Việt Nam là 278 triệu lượt, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu trực tiếp từ các giao dịch trên ứng dụng di động tăng 9,82% so với cùng kỳ năm 2022. Số lượng các ứng dụng có người dùng trên 10 triệu có tổng cộng 07 ứng dụng (Zalo, Zing Mp3, Báo Mới, Ví Momo, MB Bank, VNEID, My Viettel) và 11 ứng dụng có từ 05 đến 10 triệu người dùng. Đặc biệt, 02 ứng dụng do cơ quan nhà nước phát triển được người dùng sử dụng nhiều nhất là VssID và VNeID.
Lĩnh vực Công nghiệp ICT: Số lượng doanh nghiệp công nghệ số đăng ký thành lập tăng ổn định, số doanh nghiệp công nghệ số đăng ký và đang hoạt động ước tính đến hết tháng 5/2023 ước đạt 71.500 doanh nghiệp, tăng 200 doanh nghiệp so với tháng 4/2023, đạt 0,72 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân.
Lĩnh vực báo chí, truyền thông: Bộ vẫn tiếp tục làm việc với Apple về việc gỡ bỏ các game và ứng dụng vi phạm pháp luật tại Việt Nam. Làm việc với Facebook về các vi phạm và việc hợp tác, triển khai đào tạo của Facebook tại Việt Nam để cùng đưa ra các giải pháp mới quản lý các nội dung trên môi trường Facebook hiệu quả hơn; tiếp tục yêu cầu Facebook gỡ bỏ các tài khoản cá nhân, fanpage vi phạm; làm việc với Google về việc các quảng cáo vi phạm trên Youtube và gỡ bỏ các kênh Youtube xấu độc tại Việt Nam; tổ chức đoàn, tiến hành kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam...
Lĩnh vực Xuất bản, In và Phát hành: Phối hợp với Sở TT&TT các tỉnh, thành phố rà soát, đề xuất sửa đổi Thông tư số 01/2020/TT-BTTTT ngày 07/02/2020 của Bộ TT&TT quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xuất bản và Nghị định số 195/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xuất bản. Hoàn thiện dự thảo báo cáo chuyên đề về lĩnh vực in báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung làm rõ bức tranh toàn cảnh của ngành, các thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tái sinh lại ngành trong giai đoạn tới. Tổ chức thành công Hội nghị sơ kết đánh giá 01 năm triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường sách tinh gọn.
Ngành TT&TT cần phát huy tinh thần học hỏi, vươn lên phát triển
Tại hội nghị, báo cáo Bộ trưởng về nhiệm vụ được giao phụ trách, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết sẽ triển khai chỉ đạo của Bộ trưởng đối với các đơn vị khối Viễn thông để triển khai các công việc đến năm 2025 theo thời gian, tiến độ thực hiện.
Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, phụ trách các đơn vị khối công nghệ số cho biết đã chỉ đạo các đơn vị thuộc khối rà soát việc thực hiện các chiến lược đến năm 2025, trong đó có những mục tiêu phải nỗ lực rất lớn để hoàn thành. Thứ trưởng chỉ đạo các đơn vị chủ trì thực hiện các chiến lược cần thực hiện hai công việc: Xây dựng văn bản cho các bộ, ngành chủ quản về các công việc được giao chủ trì và huy động sự vào cuộc của nhiều bên để quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ vào 2024.
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giao nhiệm vụ cho các trưởng đơn vị thuộc Bộ TT&TT, Bộ trưởng nhấn mạnh, các trưởng đơn vị cần xác định rõ các nhiệm vụ cốt lõi cần thực hiện của đơn vị, lĩnh vực do đơn vị quản lý từ nay đến năm 2025. Đồng thời, cần tìm, xác định công việc cốt lõi để đóng góp cho sự phát triển của Ngành và việc tự xác định đó sẽ là công việc yêu thích để từ đó tìm ra năng lực để thực thi công việc tốt nhất.
Bộ trưởng cũng cho biết, ngành TT&TT là ngành có truyền thống về tinh thần học hỏi. Những năm tháng gian khó, Ngành đã đi đầu về đổi mới khi bắt tay vào thực hiện những công việc khó, lần đầu tiên ở Việt Nam. Vì vậy, trưởng các đơn vị phụ trách từng lĩnh vực cần tiên phong, đột phá, phải nỗ lực và dám làm như lãnh đạo Ngành thế hệ trước đã làm.
Chia sẻ tại hội nghị, Bộ trưởng cho biết, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện Đặng Văn Thân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới vừa từ trần. Những năm 80 đầy khó khăn, nhân lực còn hạn chế nhưng nguyên Tổng cục trưởng Đặng Văn Thân đã đưa ra quyết định táo bạo bỏ qua công nghệ trung gian, đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hóa, tự động hóa, đa dịch vụ hóa viễn thông. Thời điểm đó, Việt Nam là một trong số 2% quốc gia dùng tổng đài số, còn 98% là công nghệ analog. Nhưng Tổng cục trưởng đã quyết tâm làm một cuộc cách mạng cho ngành Bưu điện lúc đó.
Ngành cũng đã tiên phong trong việc triển khai hợp tác nước ngoài dưới hình thức BCC (đây là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế) đầu tiên của Việt Nam với Comvik Thuỵ Điển.
Như vậy, lĩnh vực viễn thông của Việt Nam tiên phong, đột phá từ cách đây 40 năm để phát triển cho thấy một tinh thần học hỏi và phát triển vươn lên rất mạnh mà Ngành cần tiếp tục phát huy”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.