Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Bộ TT&TT tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2023
Thứ sáu - 28/04/2023 15:275560
Chiều ngày 26/4/2023, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước tháng 4/2023 của Bộ TT&TT. Cùng dự có các Thứ trưởng: Phan Tâm, Nguyễn Huy Dũng, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm và lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ, đại diện Lãnh đạo Công đoàn TT&TT, đại diện Văn phòng Bộ tại TPHCM, Đà Nẵng.
Một số kết quả nổi bật trong tháng 4/2023
Về chuẩn hoá thông tin thuê bao di động, tính đến hết ngày 31/3/2023, đã có 2,17 triệu thuê bao (56,49%) thực hiện chuẩn hóa; 1,67 triệu thuê bao (43,51%) chưa thực hiện chuẩn hoá, bị tạm dừng dịch vụ một chiều (gọi đi, gửi tin nhắn, truy cập Internet) theo quy định.
Đến ngày 15/4, các doanh nghiệp di động đã hoàn thành xử lý tập thuê bao bị khoá một chiều, trong đó có: 520 nghìn thuê bao đã đi chuẩn hoá lại; 1,15 triệu thuê bao bị tạm dừng dịch vụ 2 chiều theo quy định (đến ngày 15/5, các thuê bao không chuẩn hoá sau khi bị tạm dừng 2 chiều sẽ bị thu hồi). Từ ngày 15/4 đến hết ngày 24/4, hơn 83 nghìn thuê bao đã thực hiện chuẩn hóa lại sau khi bị khoá 2 chiều, chiếm 7,2% tổng số thuê bao đã bị khoá 2 chiều.
Về kết quả chỉ số cải cách hành chính của Bộ, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính của Bộ TT&TT xếp hạng thứ 05/17 Bộ, cơ quan ngang Bộ với tổng điểm đạt 86,93/100, tăng 4 hạng so với năm 2021 (9/17) theo công bố của Bộ Nội vụ về chỉ số CCHC năm 2022 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW.
Cũng trong tháng 4, Bộ đã công bố và trao Quyết định công nhận Khu phức hợp văn phòng FPT tại Đà Nẵng là khu công nghệ thông tin tập trung.
Một số sự kiện nổi bật khác có thể kể đến như: Việt Nam lọt top 4 châu Á xuất khẩu chip bán dẫn vào Mỹ; Tổ chức thành công Ngày hội Game Việt Nam (Vietnam Gameverse) tại TP.HCM trong 02 ngày 01 và 02/4/2023; Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 2 năm 2023 tại tỉnh Thừa Thiên Huế...
Sớm ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số Đại học
Tại Hội nghị, ông Đặng Hoài Bắc, Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có bài tham luận quan trọng về mô hình Đại học số tại Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, trong đó nêu rõ các kết quả đạt được cũng như kinh nghiệm trong quá trình triển khai Đại học số.
Theo ông Đặng Hoài Bắc, sau thời gian triển khai mô hình Đại học số, thương hiệu, uy tín của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã được ghi nhận rõ nét trong cộng đồng các trường đại học, đặc biệt là với Bộ Giáo dục Đào tạo. Quan trọng hơn, không gian và quy mô phát triển của Học viện đã được mở rộng.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận một số kết quả bước đầu trong tiến trình triển khai Đại học số của Học viện đang triển khai.
Đối với đề xuất của Học viện về nhu cầu thuê hạ tầng đám mây của các trường Đại học, Bộ trưởng chỉ đạo sắp tới sẽ làm việc với một số doanh nghiệp hạ tầng, đề nghị họ giảm giá thuê hạ tầng đám mây cho khối trường đại học, tạo điều kiện thúc đẩy chuyển đổi số, triển khai đại học số.
Bộ trưởng nhận định, mô hình Đại học số cũng như chuyển đổi số sắp tới sẽ được nhiều trường Đại học ứng dụng và triển khai để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng giảng dạy, cá nhân hóa việc dạy học. Do đó, cần phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và ban hành Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số Đại học, tương tự như bộ chỉ số DTI của Bộ hiện nay đánh giá về chuyển đổi số cấp tỉnh, chuyển đổi số cấp bộ và chuyển đổi số cấp quốc gia.
Theo Bộ trưởng, việc chuyển đổi số Đại học muốn thành công thì phải xây dựng các nền tảng mở, nhiều người cùng tham gia viết app, đặc biệt là cần sự tham gia tích cực của các sinh viên. Nền tảng muốn thông minh phải được nhiều sinh viên sử dụng. Nội dung giảng dạy trên các nền tảng cũng phải được sinh viên tham gia đóng góp ý kiến vì họ chính là người thụ hưởng.
Tác động của Trí tuệ nhân tạo đối với ngành xuất bản
Hội nghị cũng đã nghe ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành trình bày tham luận với chủ đề “Tác động của Trí tuệ nhân tạo đối với ngành xuất bản”. Theo đó, Trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ hỗ trợ các nhà xuất bản tổ chức biên tập bản thảo (lựa chọn đề tài, phân tích văn bản tự động, tự động hóa dịch thuật, cá nhân hóa nội dung…); Tiếp thị quảng cáo xuất bản phẩm (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm SEO, thu thập thông tin về sách và độc giả…).
Theo Cục trưởng Cục Xuất bản, hiện nay đang bùng nổ trào lưu Chat GPT viết sách điện tử trên nền tảng Amazon. Tuy nhiên, trong tương lai, dù AI với những tiềm năng lớn, sẽ hỗ trợ tích cực cho các nhà xuất bản trong hoạt động chuyên môn nhưng không có nghĩa AI có thể thay thế các tác giả trong việc viết sách. Không có nghĩa là sẽ ít việc làm hơn cho con người trong lĩnh vực này.
Đồng ý với quan điểm này của Cục trưởng Cục Xuất bản, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, dù máy móc có làm được nhiều việc đến đâu chăng nữa, phần việc giành lại cho con người vẫn là vô hạn.
Bộ trưởng chỉ đạo Cục Xuất bản cần sớm tổ chức hội thảo chuyển đổi số ngành xuất bản, đồng thời đưa các giải pháp chuyển đổi số liên quan đến xuất bản vào làm mẫu tại một nhà xuất bản.
Tại Hội nghị, các Thứ trưởng Phan Tâm, Phạm Đức Long, Nguyễn Thanh Lâm đã báo cáo với Bộ trưởng về một số vấn đề nổi bật và đề xuất một số nội dung liên quan đến lĩnh vực được Bộ trưởng giao phụ trách.
Theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, tình trạng lừa đảo thông qua các cuộc gọi vẫn còn nhiều, cần phải giải quyết dứt điểm, tạo niềm tin cho người dân.
Liên quan đến công tác rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thứ trưởng Phan Tâm thông báo, theo chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ cần thực hiện rà soát các Thông tư, văn bản pháp luật Bộ ban hành. Nếu có nhiều bất cập, cần phải tiến hành sửa đổi ngay và đưa vào chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2023.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm đánh giá cao Cục PTTH-TTĐT đã thực hiện tốt việc yêu cầu các mạng xã hội gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên quy mô lớn. Việc xử phạt các công ty quảng cáo lớn trên các kênh xấu độc cũng mang lại hiệu quả tích cực.
Cần có chiến lược về dữ liệu, quản trị dữ liệu, thúc đẩy kinh tế số
Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được của các đơn vị chức năng thuộc Bộ trong tháng 4/2023.
Về định hướng và các nhiệm vụ trong thời gian tới, Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng việc phải ban hành thường niên Sách Trắng trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ: Bưu chính, Viễn thông, Công nghiệp ICT, An toàn thông tin, chính phủ số, kinh tế số, chuyển đổi số.
Theo Bộ trưởng, Sách Trắng nhằm cung cấp các thông tin sâu, số liệu thống kê, các case study điển hình để mọi người học tập. Đây là lao động trí tuệ, thông qua lao động trí tuệ này, bản thân cán bộ của Bộ cũng trưởng thành lên. Đây sẽ là đóng góp lớn hàng năm của các đơn vị cho ngành, cho đất nước. Lãnh đạo Bộ sẽ họp trong tháng 5 và đưa ra quyết định cuối cùng cho vấn đề này.
Bộ trưởng đặc biệt lưu ý vai trò của kinh tế số và coi đây là động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Theo Bộ trưởng, kinh tế số tại Việt Nam và một số nước châu Á hiện đang tăng trưởng gấp 2-3 lần so với GDP. Kinh tế số khác biệt so với kinh tế thực chính là ở vai trò của dữ liệu. Dữ liệu là đất đai, liên tục tạo ra giá trị. Hiện chưa có văn bản hay hướng dẫn nào về vấn đề này. Do đó, cần có thêm chiến lược về dữ liệu, quản trị dữ liệu. Kinh tế số thì phải có hướng dẫn sử dụng dữ liệu, xử lý dữ liệu và tạo ra giá trị từ dữ liệu thế nào.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác cán bộ và nguồn cán bộ, Bộ trưởng yêu cầu Vụ Tổ chức cán bộ nhìn rộng ra toàn quốc, nhìn vào các Sở, tỉnh, bộ, ngành, doanh nghiệp, các trường đại học để tìm kiếm nguồn nhân lực cho các vị trí cấp phó, nhất là cấp trưởng các đơn vị trong Bộ. Một tổ chức xuất sắc phải là một tổ chức sử dụng những nhân sự xuất sắc của toàn quốc. Hiện Bộ đang còn thiếu khá nhiều cấp trưởng cũng như cấp phó, Bộ trưởng cho biết.