Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý II/2023

Thứ ba - 13/06/2023 10:15 429 0
 Sáng ngày 12/06/2023 tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tổ chức Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước quý II/2023. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng chủ trì Hội nghị.
1
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại Hội nghị.

Dự Hội nghị có các Thứ trưởng Bộ TT&TT: Phạm Đức Long, Nguyễn Huy Dũng, Phan Tâm; đại diện lãnh đạo các Cục, Vụ, đơn vị chuyên môn thuộc Bộ TT&TT; Chánh Văn phòng Ban Cán sự Đảng, Chánh Văn phòng Đảng uỷ, Giám đốc và đại diện các cơ quan chuyên trách về CNTT của các Bộ, ngành; đại diện lãnh đạo các Sở TT&TT; đại diện lãnh đạo Công đoàn TT&TT Việt Nam; phóng viên của một số cơ quan thông tấn, báo chí chuyên trách theo dõi các hoạt động của Bộ TT&TT.
Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Văn phòng Bộ TT&TT thông báo tóm tắt về công tác quản lý nhà nước Quý II/2023, nhiệm vụ trọng tâm trong Quý III/2023; nghe tham luận của Sở TT&TT Thành phố Hồ Chí Minh về “Chiến lược quản trị dữ liệu của Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.
 
2
Toàn cảnh Hội nghị giao ban quản lý nhà nước quý II/2023.
Cần có những hành động, mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, chuyển đổi số hiện là vấn đề được đông đảo người dân và xã hội quan tâm. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông phải thực hiện quá trình chuyển đổi số một cách thực chất, cụ thể, chi tiết từ thể chế đến công nghệ.

Theo Bộ trưởng, Chuyển đổi số là công nghiệp hoá, hiện đại hóa. Công nghiệp hóa chính là chuyển đổi số lĩnh vực sản xuất. Còn hiện đại hóa là chuyển đổi số toàn dân và toàn diện. Chuyển đổi số cũng là kinh tế tri thức. Kinh tế tri thức chính là kinh tế số. Chuyển đổi số cũng là đổi mới sáng tạo, là ứng dụng công nghệ mới, thay đổi mô hình vận hành, mô hình kinh doanh, thay đổi thể chế nên nó là đổi mới sáng tạo. Chuyển đổi số cũng chính là ứng dụng khoa học công nghệ, chủ yếu là công nghệ số. Công nghệ số là nền tảng để tạo ra chuyển đổi số, là khoa học công nghệ, vừa là vấn đề nghiên cứu, vừa là vấn đề ứng dụng.

Bộ trưởng khẳng định, Chuyển đổi số cũng chính là phát triển bền vững, đồng thời tăng sức chống chịu của nền kinh tế bởi môi trường số, không khoảng cách, không tiếp xúc.Vì vậy, ngành TT&TT, các Bộ, ngành, địa phương, các Sở TT&TT phải bắt tay xử lý các công việc, dù có khó khăn nhưng có làm thì mới phát hiện và xử lý được vấn đề.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng cũng lưu ý một số nhiệm vụ cần thực hiện, đó là:

Hoàn thiện Dịch vụ công toàn trình và xử lý dịch vụ công trực tuyến, ra bộ tiêu chí về chuyển đổi số để hướng dẫn các địa phương về chuyển đổi số, cần có những hành động, tiêu chí, mục tiêu cụ thể về chuyển đổi số, thay vì những kế hoạch mông lung. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ dịch vụ công được xử lý trực tuyến đạt 95% vào năm 2025, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cũng phải tập trung hướng dẫn cụ thể Sở TT&TT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về chuyển đổi số, bên cạnh đó, ưu tiên những hành động mẫu cụ thể, để các Sở TT&TT có cơ sở để thực hiện.

Chuyển đổi số là chuyển đổi toàn bộ cách vận hành, cách làm, đổi mới sáng tạo mô hình quản trị, mô hình kinh doanh của lĩnh vực. Các cơ quan chuyên trách CNTT Bộ, ngành, phải lưu ý để dẫn dắt thay đổi toàn bộ ngành, đưa công nghệ số vào, thay đổi mô hình kinh doanh, thay đổi quản trị và thúc đẩy kinh tế số trong ngành đó. Bộ TT&TT cũng sẽ làm việc với từng Bộ trưởng các Bộ về xác định nền tảng số căn bản để thúc đẩy chuyển đổi số, tạo ra kinh tế số phát triển cho bộ, ngành.

Bộ trưởng cho biết, Bộ sẽ ra tiêu chuẩn 40Mbit/s đối với di động và 90% hộ gia đình có cáp quang. Hiện nay, nhiều tỉnh đã đạt hạ tầng cáp quang tới 95 - 96%, có tỉnh đạt 100%. Sở TT&TT phải lập kế hoạch hàng năm về phát triển hạ tầng viễn thông. Bên cạnh đó, là hạ tầng dữ liệu, các doanh nghiệpViệt Nam cần phải xây dựng có hạ tầng đám mây riêng, phấn đấu trở thành hub đám mây. Doanh nghiệp Việt Nam phải dùng đám mây Việt Nam và có tiêu chuẩn cho lĩnh vực.

Để hỗ trợ phát triển  kỹ năng số toàn dân, Bộ trưởng cho biết, sẽ hỗ trợ các Sở triển khai các lớp bồi dưỡng kỹ năng chuyển đổi số thông qua nền tảng trực tuyến OneTouch.

Về dữ liệu số, Bộ trưởng lưu ý cần phát triển ngành công nghiệp dữ liệu, theo đó cần lưu ý số hoá, quyền quản lý dữ liệu, gán nhãn dữ liệu, lưu trữ và sàn dữ liệu để buôn bán. Tổ công nghệ số cộng đồng phải được coi là nền tảng, là loại chiều ngang, giống như hạ tầng để thúc đẩy chuyển đổi số địa phương.

Đối với vấn đề đào tạo, Bộ trưởng nhấn mạnh phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế. Bộ trưởng trực tiếp chỉ đạo Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Phạm Đức Long xem xét, tổ chức các đoàn đi học hỏi kinh nghiệm nước ngoài, trong đó bao gồm các Bộ, ngành, địa phương, các Sở TT&TT,

Về công tác chung 6 tháng cuối năm, Bộ trưởng chỉ đạo các đơn vị phải hành động thiết thực tạo ra các giá trị thiết thực cho ngành, cho đất nước, địa phương.

Tại Hội nghị, những khó khăn, vướng mắc của các Sở, đơn vị chuyên trách CNTT các Bộ ngành đã được Bộ trưởng và các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực trực tiếp trả lời, giải quyết.
 
3
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Đức Long phát biểu tại Hội nghị.

Thành lập 82 đoàn thanh tra để kiểm tra việc thực hiện thông tin thuê bao

Cũng tại Hội nghị, thông tin về việc thanh tra toàn quốc về quản lý thông tin thuê bao di động, Thứ trưởng Phạm Đức Long cho biết, 82 đoàn thanh tra kiểm tra đã được thành lập để thực hiện thanh tra giai đoạn 2. Thứ trưởng chỉ đạo Thanh tra Bộ TT&TT và Cục Viễn thông làm việc với các địa phương thực hiện nghiêm túc việc thanh, kiểm tra, đúng mục tiêu, chủ trương của Bộ TT&TT.

Đối với vấn đề dùng chung hạ tầng viễn thông, Thứ trưởng yêu cầu Cục Viễn thông chuẩn bị  hội nghị với các Sở TT&TT để tăng cường việc dùng chung hạ tầng.

Đối với việc triển khai IPv6, Thứ trưởng nhấn mạnh, việc triển khai Ipv6 là vấn đề quan trọng thúc đẩy kinh tế số nên chúng ta cần phải quyết.
 

Một số kết quả nổi bật về TT&TT trong quý II/2023

Về lĩnh vực bưu chính, trong Quý II/2023 (tính đến 07/06/2023):

Sản lượng bưu gửi ước đạt 560 triệu bưu gửi (tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 7,7% so Quý I/2023);

Doanh thu dịch vụ bưu chính ước đạt 14.100 tỷ đồng (tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 5,2% so với Quý I/2023).

Về lĩnh vực Viễn thông:

Số thuê bao sử dụng điện thoại thông minh đạt 101,12 triệu thuê bao tăng 8,7% so với cùng kỳ T6/2022, tăng 8,12 triệu thuê bao;

Số thuê bao BRCĐ đạt 22 triệu thuê bao (tương ứng với 22,15 thuê bao/100 dân) tăng 7,32% so với cùng kỳ T6/2022;

Số thuê bao BRDĐ đạt 85 triệu thuê bao (tương ứng với 85,46 thuê bao/100 dân) tăng 4,81% so với cùng kỳ T6/2022;

Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang đạt 77,1% tăng 5,7% so với cùng kỳ T6/2022.

Về lĩnh vực chuyển đổi số, chính phủ số: Tổng giao dịch thực hiện thông qua Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) tính đến hết 31/5/2023 là: 247.815.397 giao dịch và đạt 28,82% kế hoạch năm 2023 (860 triệu giao dịch). Trung bình hàng ngày có khoảng 1,47 triệu giao dịch thực hiện thông qua NDXP. Tổng số giao dịch từ khi khai trương đến nay: hơn 1,3 tỷ giao dịch.

Lĩnh vực An toàn thông tin: Doanh thu: 892 tỷ đồng (tăng 6,2% cùng kỳ năm 2022); Lợi nhuận: 89,3 tỷ đồng (tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2022); Nộp Ngân sách: 71,4 tỷ đồng (tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2022); Số doanh nghiệp: 107 (tăng 9,2% cùng kỳ năm 2022); Số Lao động ATTT: 3.600 lao động (tăng 11,6% so với cùng kỳ 2022).

Lĩnh vực Kinh tế số và Xã hội số: Tháng 04/2023 , tổng số lượt download các ứng dụng di động của Việt Nam là 278 triệu lượt, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm ngoái; Doanh thu trực tiếp từ các giao dịch trên ứng dụng di động tăng 9,82% so với cùng kỳ năm 2022; Số lượng các ứng dụng có người dùng trên 10 triệu có tổng cộng 07 ứng dụng (Zalo, Zing Mp3, Báo Mới, Ví Momo, MB Bank, VNEID, My Viettel) và 11 ứng dụng có từ 05 đến 10 triệu người dùng; 02 ứng dụng do cơ quan nhà nước phát triển được người dùng sử dụng nhiều nhất là VssID và VNeID.

Lĩnh vực công nghiệp ICT: Tổ chức thành công Tuần lễ Chuyển đổi số và Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2023 diễn ra từ ngày 18/5 đến ngày 20/5/2023 tại tại Hậu Giang với quy mô 9 hội thảo chuyên ngành, 8 hoạt động bên lề, 60 chuyên gia, diễn giả và thu hút trên 3.000 lượt người tham dự. Trong chuỗi sự kiện này, Lãnh đạo Bộ đã làm việc với Giám đốc 24 Sở TTTT khu vực phía Nam để tổng kết các bài học kinh nghiệm và đánh giá những tồn tại lớn trong quá trình triển khai Chuyển đổi số ở địa phương.

Lĩnh vực Báo chí truyền thông: Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 06/4/2023 phê duyệt Chiến lược Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ngày 02/6/2023, Bộ TTTT đã có Quyết định số 951/QĐ-BTTTT ban hành Bộ Chỉ số đánh giá, đo lường mức độ trưởng thành chuyển đổi số báo chí nhằm giúp các cơ quan báo chí xác định được mình đang ở giai đoạn nào trong quá trình chuyển đổi số từ đó có lộ trình, kế hoạch, giải pháp chuyển đổi số phù hợp, giúp cơ quan báo chí phát triển nhanh hơn, mạnh hơn; Thành lập và ra mắt Trung tâm Hỗ trợ chuyển đổi số báo chí, góp phần hỗ trợ các cơ quan báo chí thực hiện có hiệu quả mục tiêu chuyển đổi số đã được nêu trong Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Lĩnh vực Xuất bản: Doanh thu lĩnh vực xuất bản tháng 5/2023 đạt 450 tỷ đồng; doanh thu lĩnh vực in đạt 8024 tỷ đồng; doanh thu lĩnh vực phát hành là 320 tỷ đồng; số lượng đầu xuất bản phẩm in là 4900 xuất bản phẩm…
 

Tác giả: Thu Hương - Ảnh Đức Huy

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây