Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Bộ Thông tin và Truyền thông họp báo thường kỳ
Thứ năm - 10/08/2023 15:568080
Chiều ngày 08/8/2023, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức họp báo thường kỳ để cung cấp thông tin về hoạt động của Bộ, của ngành Thông tin và Truyền thông trong tháng 7 năm 2023 và kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của Bộ trong thời gian tới; đồng thời, trao đổi về những vấn đề liên quan đến hoạt động của Bộ, của ngành TT&TT đang được báo chí và dư luận quan tâm.
Dự họp báo có lãnh đạo Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn thông, Cục An toàn thông tin, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, Văn phòng Bộ, Trung tâm Thông tin cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị liên quan thuộc Bộ và các nhà báo, phóng viên đại diện cho các cơ quan thông tấn, báo chí.
Đến 31/8/2023 sẽ hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó.
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, tính đến 19/7/2023, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ TT&TT và sự vào cuộc tích cực của các nhà mạng, sự ủng hộ, phối hợp của khách hàng, người dân nên việc xử lý đối với thuê bao đứng tên nhiều SIM không đúng quy định (trên 10 SIM) đã thu được những kết quả tích cực.
Đến giữa tháng 7/2023, các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ việc sở hữu đối với 100% thuê bao của khách hàng là tổ chức. Đối với thuê bao là khách hàng cá nhân đứng tên nhiều SIM (trên 10 SIM), các nhà mạng đã xử lý được hơn 20% tổng số giấy tờ đứng tên nhiều SIM.
Tuy vậy, kết quả thanh tra cho thấy, vẫn còn tình trạng một số thuê bao được đăng ký ở nhiều tỉnh thành phố khác nhau trong thời gian ngắn; nhiều chủ thuê bao không thực hiện giao kết hợp đồng khi đăng ký từ SIM thứ 4 trở lên. Do vậy, trong tháng 7/2023, Bộ TT&TT đã giao các doanh nghiệp viễn thông di động tổ chức rà soát các thuê bao sở hữu nhiều SIM thuê bao, làm rõ việc sở hữu các số thuê bao do tổ chức, cá nhân đã thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung với doanh nghiệp viễn thông. Đồng thời, thông báo đến những khách hàng trong danh sách thuê bao sở hữu nhiều SIM, đề nghị cập nhật lại thông tin chính xác của người sử dụng, sở hữu thực của số thuê bao đó với mục tiêu trước 30/8/2023 cơ bản xử lý xong, bảo đảm thông tin thuê bao trùng khớp với thông tin của người sử dụng SIM đối với các thuê bao đang sở hữu, sử dụng ≥10 SIM/giấy tờ.
Để không còn cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông mong muốn, người sử dụng dịch vụ di động hợp tác và tiếp tục nâng cao ý thức về tầm quan trọng của việc chính xác hóa thông tin thuê bao. Phối hợp với các nhà mạng trong quá trình xử lý, góp phần bảo đảm sự lành mạnh của thị trường, bảo vệ quyền của người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Phong Nhã cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cơ quan thông tấn báo chí trong công tác tuyên truyền, chung tay xây dựng thị trường dịch vụ di động văn minh, an toàn.
Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, thời gian tới, Bộ TT&TT tiếp tục chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông di động kết nối, xác thực với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó rà soát, chuẩn hoá thông tin thuê bao và thường xuyên cập nhật, áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực hệ thống chặn lọc tin nhắn rác, cuộc gọi rác để đạt hiệu quả tối đa với mục tiêu đến 31/8/2023 cơ bản hoàn thành việc bảo đảm người đứng tên đăng ký thuê bao chính là người sử dụng số thuê bao đó. Đồng thời triển khai các biện pháp, như: Thông báo, nhắn tin, làm việc với các thuê bao; rà soát, làm rõ mục đích sử dụng, tạm dừng dịch vụ và kịp thời cảnh báo, tuyên truyền tới người dân các hình thức, dấu hiệu lừa đảo mới.
“Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến” đem lại nhiều kết quả tích cực
Tại buổi hợp báo, trả lời câu hỏi về những kết quả đạt được của “Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến”, bà Đỗ Hải Anh, Phó Trưởng phòng Quy hoạch và Phát triển, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT cho biết, đã nhận được sự hưởng ứng, đồng hành và phối hợp tích cực của đông đảo các cơ quan đoàn thể, tổ chức, doanh nghiệp trên khắp cả nước.
Với sự chung tay của các cơ quan báo chí, truyền thông, các nền tảng mạng xã hội, những người có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội (KOL) đã giúp phủ sóng thông tin rộng rãi trên không gian mạng nên sau một tháng hành động, đã có hơn 980 triệu lượt xem trên các nền tảng mạng xã hội khác nhau (TikTok, YouTube, Facebook,…); Cốc Cốc đã tuyên truyền tới 29 triệu người dùng trình duyệt trên điện thoại và máy tính các nội dung, hình ảnh về phòng chống lừa đảo trực tuyến; Hơn 40 đầu báo chia sẻ thông tin về chiến dịch với hơn 1.500 bài viết tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về cách nhận diện và phòng chống lừa đảo trực tuyến. Nhiều cơ quan báo chí đã xây dựng các tuyến bài, hoặc chuỗi phóng sự nổi bật như Vietnamnet, VOV, VnExpress, Đài truyền hình Việt Nam VTV, ANTV,…
Đã có 100% cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành, địa phương triển khai tuyên truyền theo đúng kế hoạch. Bộ Công an đã tổ chức 1.936 buổi tuyên truyền trực tuyến trên cả nước với 169.218 người tham dự; in ấn 16.824 poster, pano và 133.410 tờ rơi; phát 33.314 lượt tin bài và xây dựng 750 tin bài, đăng 27.565 tin trên 18 trang, 17.999 trang FB, zalo, 15.340 tờ rơi, 1.408 bài viết trên mạng XH, 545.000 tin nhắn… Bên cạnh đó, 100% cán bộ công chức, viên chức, người lao động của các đơn vị đã được tuyên truyền bằng hình thức gửi tài liệu, cẩm nang; 100% địa phương đã triển khai tuyên truyền qua báo, đài hoặc phát thanh tới toàn bộ các huyện, xã...
Phòng chống lừa đảo trực tuyến là vấn đề lâu dài và trường kỳ. Để ngăn chặn và xử lý, bên cạnh các biện pháp kỹ thuật, trong thời gian tới Cục An toàn thông tin sẽ tiếp tục triển khai tuyên truyền các nội dung mới, phối hợp thực hiện các hoạt động, hình thức khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân Việt Nam về an toàn thông tin nói chung và lừa đảo trực tuyến nói riêng.
Truyền thông chính sách: Xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông từ xã phường, đến Trungương
Liên quan đến công tác truyền thông chính sách, tại buổi họp báo, ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí đã thông tin cho biết, sau khi Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách được ban hành, ngày 28/4/2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã có Quyết định số 765/QĐ-BTTTT ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị này với nhiều nội dung cụ thể, trong đó có một số nội dung chính, như:
Xây dựng, triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ kỹ năng cho đội ngũ truyền thông thuộc các Bộ, Ban, ngành và các địa phương; các phóng viên, biên tập viên và các cán bộ làm công tác thông tin cơ sở thực hiện công tác truyền thông chính sách, cung cấp thông tin cho báo chí.
Xây dựng Sổ tay về truyền thông chính sách. Sau khi hoàn thành cuốn Sổ tay, Bộ sẽ tổ chức ngay các lớp tập huấn cho các đối tượng nêu trên trong cả nước. Theo Kế hoạch, năm 2023 Bộ sẽ tổ chức 3 lớp tập huấn tại 3 khu vực Bắc - Trung – Nam ngay khi sổ tay được ban hành.
Về công tác xây dựng mạng lưới kết nối truyền thông, ông Đặng Khắc Lợi cho biết, ngày 31/5/2023, Bộ Thông tin & Truyền thông đã có công văn số 2017/BTTTT gửi các Bộ, ngành, địa phương đề nghị xây dựng kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác truyền thông chính sách, đồng thời đề nghị cung cấp danh sách đội ngũ thực hiện công tác truyền thông chính sách, người phát ngôn và cung cấp thông tin báo chí để hình thành mạng lưới kết nối truyền thông trong toàn quốc.
Theo thống kê, hiện có khoảng 12.542 người phát ngôn từ cấp xã, phường thị trấn đến cấp Trung ương. Cục Báo chí đã tổng hợp được khoảng 1.040 đầu mối người phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí, Cục cũng đã báo cáo lãnh đạo Bộ để hình thành mạng lưới kết nối truyền thông chính sách trên toàn quốc.
Xác định đây là một nhiệm vụ quan trọng, đồng thời là một trong những quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ về phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, vì vậy, Cục Báo chí sẽ thực hiện kỹ lưỡng, hướng đến 100% có đầu mối phát ngôn ở các Bộ, Ban, ngành trung ương; 100% có người phát ngôn ở UBND các tỉnh thành trực thuộc trung ương; 100% có đầu mối phát ngôn ở các sở ngành trực thuộc tỉnh thành phố; 100% có đầu mối người phát ngôn ở các quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh; 100% có đầu mối người phát ngôn ở các xã, phường, thị trấn…
Ông Đặng Khắc Lợi cho biết, trong thời gian tới, khi tổng hợp được đầy đủ danh sách người phát ngôn ở các địa phương và các Bộ, Ban, ngành, Cục Báo chí sẽ đưa danh sách lên Cổng thông tin của Bộ để giúp cho các nhà báo dễ dàng nắm bắt thông tin về người phát ngôn từ cấp xã, cấp huyện trở lên, thuận lợi cho việc liên hệ tác nghiệp.
Tại buổi họp báo, một số vấn đề liên quan đến lĩnh vực Phát thanh, truyền hình, Công nghiệp ICT, Chuyển đổi số cũng đã được đại diện lãnh đạo các đơn vị chức năng trực tiếp trả lời và giải đáp.
Một số kết quả nổi bật của Ngành trong tháng 7
Doanh thu toàn ngành ước đạt: 271.984 tỷ đồng, giảm 8% so với tháng trước (Tháng 6/2023: 296.586 tỷ đồng) và tăng 2% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 7/2022: 266.040 tỷ đồng). Lũy kế doanh thu toàn ngành tính đến hết tháng 7/2023 ước đạt 1.902.800 tỷ đồng.
Nộp ngân sách nhà nước ước đạt: 8.327 tỷ đồng, giảm 3% so với tháng trước (Tháng 6/2023: 8.614 tỷ đồng) và giảm 16% so với cùng kỳ năm ngoái (Tháng 7/2022: 9.940 tỷ đồng). Lũy kế nộp ngân sách toàn ngành tính đến hết tháng 7/2023 ước đạt 55.446 tỷ đồng
Về công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật: Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ 02 Nghị định; trực tiếp ban hành 05 Thông tư, gồm:
- Nghị định quy định về danh mục cơ sở dữ liệu quốc gia; việc xây dựng, cập nhật, duy trì và khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia;
- Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện
- Thông tư số 06/2023/TT-BTTTT ngày 30/6/2023 Hướng dẫn nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung phát thanh, truyền hình thể thao, giải trí theo yêu cầu trên dịch vụ phát thanh, truyền hình.
- Thông tư số 07/2023/TT-BTTTT ngày 30/6/2023 Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 08/2020/TT-BTTTT ngày 13/4/2020 của Bộ TT&TT Ban hành Danh mục và Quy trình kiểm định thiết bị viễn thông, đài vô tuyến điện bắt buộc kiểm định.
- Thông tư số 08/2023/TT-BTTTT ngày 28/7/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý và chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành, lĩnh vực TT&TT.
- Thông tư số 09/2023/TT-BTTTT ngày 28/7/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành TT&TT trong cơ quan, tổ chức thuộc ngành TT&TT.