Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ họp phiên thứ 4
Thứ năm - 20/04/2023 10:559620
Sáng 19/4, Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ tổ chức phiên họp thứ 4. Đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ chủ trì phiên họp. Dự phiên họp có đồng chí Trần Lưu Quang – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ.
Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Minh Chính đề nghị: Với tinh thần đổi mới và ý thức trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao, các đồng chí thành viên Ban Chỉ đạo cần xác định rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với công cuộc cải cách hành chính (CCHC) của đất nước, của Bộ, ngành mình. Từ đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được phân công. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp nói riêng với cách làm mới, sáng tạo, thiết thực, hiệu quả theo phương châm hành động của Chính phủ "Đoàn kết kỷ cương; bản lĩnh linh hoạt; chủ động sáng tạo; kịp thời hiệu quả".
Các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC nhằm hình thành, “làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu”
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trần Văn Sơn cho biết: Với nguyên tắc “Lấy con người là trung tâm, cải cách dẫn dắt, công nghệ hỗ trợ thúc đẩy”, công tác cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số phục vụ người dân, doanh nghiệp đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Các Bộ, ngành đã tích cực triển khai việc cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, quy định kinh doanh theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, đã cắt giảm, đơn giản hóa 2.189 TTHC quy định kinh doanh tại 175 văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.099 TTHC quy định của 10 Bộ, cơ quan, theo đó, phải sửa đổi, bổ sung 197 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi. Việc quản lý, theo dõi quá trình thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC được đưa lên môi trường điện tử giúp các Bộ, cơ quan, người dân, doanh nghiệp theo dõi, đánh giá cải cách quy định của từng Bộ, ngành theo thời gian thực, đồng thời tăng cường tính công khai, minh bạch, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh.
Các Bộ, ngành, địa phương đã đẩy mạnh số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC nhằm hình thành, “làm giàu, làm sạch, làm sống dữ liệu”. Đến nay, đã có 25,9% kết quả giải quyết TTHC được cấp bản điện tử có giá trị pháp lý để tái sử dụng, tăng 5 lần so với tháng 9/2022; 62,7% hồ sơ TTHC được số hóa, trong đó có 25% được số hóa toàn trình từ khâu tiếp nhận đến trả kết quả theo đúng quy định, tăng 4 lần so với tháng 9/2022. Đến nay, đã có 62/62 địa phương và 10/21 Bộ, ngành thực hiện hợp nhất Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử thành Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp Bộ, cấp tỉnh và kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia theo quy định.
Việc triển khai Đề án 06 đã giúp tạo đột phá trong phát triển công dân số, phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công trực tuyến tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành các cấp. Đến nay, hơn 70,5 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử đã được cấp cho công dân, tăng gần 2,9 triệu thẻ so với năm 2022; kích hoạt trên 6 triệu tài khoản VneID; hoàn thành tích hợp 21/25 dịch vụ công trực tuyến thiết yếu lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Thực hiện Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án phân cấp trong giải quyết TTHC thuộc phạm vi quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đến nay đã thực thi phương án phân cấp 81 TTHC tại 15 văn bản quy phạm pháp luật.
Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành, địa phương đã tập trung tham luận các nội dung gồm: Những điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06; kết quả cải cách TTHC gắn với chuyển đổi số trong ngành Tài chính, những bài học kinh nghiệm thành công; nâng cao chất lượng thẩm định quy định TTHC quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trong đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại địa phương; đánh giá chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành CCHC tại địa phương...
Các địa phương đề nghị Văn phòng Chính phủ thống nhất thời gian giải quyết TTHC lĩnh vực Tư pháp, TN&MT, KH&ĐT trên cơ sở dữ liệu quốc gia với thời gian trong Quyết định công bố TTHC của các Bộ; đề nghị các Bộ điện tử hóa các mẫu biểu lĩnh vực Tư pháp, LĐTB&XH nhằm thuận tiện trong việc giải quyết TTHC...
Hoàn thành việc rà soát thực thi cụ thể hóa các Nghị quyết chuyên đề, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư trong tháng 6/2023
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Minh Chính đánh giá cao công tác chuẩn bị của các đơn vị; các đại biểu đã có các ý kiến thẳng thắn, trách nhiệm, chia sẻ cách làm hay, bài học quý trong thời gian qua, nhất là cải thiện sự hài lòng của người dân, cải cách hành chính cho người dân.
Nhấn mạnh thêm một số kết quả đạt được cũng như chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần phải khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần quan điểm chỉ đạo “đầu tư cho CCHC là đầu tư cho phát triển”. Các thành viên Ban Chỉ đạo, Chủ tịch các cấp tiếp tục tham mưu chỉ đạo triển khai mạnh mẽ, quyết liệt công tác CCHC tại các Bộ, ngành, địa phương mình; coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là tiêu chí đánh giá cán bộ.
Các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương ban hành, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của mình, thực thi các phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh và cắt giảm các TTHC không cần thiết; nghiên cứu kỹ lưỡng và áp dụng thúc đẩy hình thức “một văn bản sửa nhiều văn bản”; thực hiện tham vấn chính sách, tương tác nhiều hơn với doanh nghiệp và người dân, các chuyên gia, các nhà khoa học để khi ban hành một chính sách thì đi thẳng vào cuộc sống, “dễ nghe, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá”.
Đẩy nhanh việc rà soát thực thi cụ thể hóa các Nghị quyết chuyên đề, đơn giản hóa TTHC, giấy tờ liên quan đến quản lý dân cư, hoàn thành trong tháng 6/2023; khẩn trương ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định tại Nghị định 104/2022/NĐ-CP của Chính phủ liên quan đến việc xuất trình Sổ hộ khẩu, Giấy tạm trú khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công hoàn thành trong tháng 5/2023.
Đồng thời, phối hợp với Văn phòng Chính phủ xây dựng nhanh chỉ số điều hành phục vụ sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp. Kết nối tích hợp chia sẻ các thông tin dữ liệu phục vụ chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các địa phương theo Quyết định 1498/QĐ-TTg về ban hành danh mục thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; khẩn trương đề xuất, đầu tư hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc giải quyết TTHC; hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu về kết quả giải quyết TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia trong tháng 5/2023. Đẩy mạnh hơn nữa việc rà soát, cắt giảm TTHC trong nội bộ các đơn vị; xử lý kịp thời, hiệu quả các văn bản giữa các Bộ, ngành, địa phương thuộc thẩm quyền của mình...
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kết quả chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2022, Chỉ số CCHC năm 2022 để xác định rõ trách nhiệm nhằm phát huy các ưu điểm, khắc phục ngay các nhược điểm; hoàn thành các mục tiêu đề ra trong Kế hoạch CCHC năm 2023 của từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đẩy mạnh rà soát việc ban hành các giải pháp tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả CCHC, nhất là gắn việc CCHC với chuyển đổi số, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn; hoàn thiện thể chế, bổ sung trang thiết bị và nguồn lực triển khai Đề án 06...