Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế
Thứ tư - 29/05/2024 11:165810
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh: "Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế".
Chiều ngày 28/5/2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã có bài phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2023 (Vietnam - Asia DX Summit 2023) với chủ đề: “Chuyển đổi số, Chuyển đổi xanh, Phát triển kinh tế số”.
Tạp chí TT&TT trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Diễn đàn:
Kính thưa đồng chí Trần Lưu Quang Phó Thủ tướng Chính phủ nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Kính thưa các quý vị đại biểu, khách quý trong nước và quốc tế.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh sẽ là hai chuyển đổi quan trọng bậc nhất của đầu thế kỷ 21.
Hai chuyển đổi này sẽ căn bản thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là một cặp song sinh, chúng đi với nhau và hỗ trợ nhau. Muốn chuyển đổi xanh thì phải dùng chuyển đổi số và muốn chuyển đổi số thì cũng phải dùng chuyển đổi xanh. Hai chuyển đổi này cũng sẽ đảm bảo cho một quốc gia phát triển nhanh và bền vững.
Việt Nam đã xác định chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là lựa chọn chiến lược. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là động lực chính của tăng trưởng kinh tế. Năm 2020, kinh tế xanh đã đóng góp khoảng 2% GDP của Việt Nam với tốc độ tăng trưởng trên 10%. Và cùng năm này kinh tế số của Việt Nam đã đóng góp 12% GDP. Nhưng đến năm 2023 thì kinh tế số theo tính toán của Bộ Thông tin và Truyền thông đã đóng góp 16,5% GDP và với tốc độ tăng trưởng trên 20% một năm.
Hai chuyển đổi số và xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước từ 2 đến 4 lần. Chuyển đổi số thì cần phải xanh. Theo ước tính của cơ quan năng lựơng quốc tế IAEA, các trung tâm dữ liệu trong năm 2022 đã tiêu thụ khoảng 240 đến 340 tỷ kWh. Tương đương với 1 đến 1,3% nhu cầu điện năng toàn cầu và đang tiếp tục tăng lên rất nhanh.
"Hai chuyển đổi số và xanh có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của đất nước từ 2 đến 4 lần".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Hiện nay tiêu thụ điện của toàn ngành công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông chiếm từ 6 đến 10% tổng tiêu thụ điện năng thế giới và thải ra 3,7% tổng lượng khí thải nhà kính.
Số liệu này được dự báo sẽ tăng gấp đôi vào năm 2025 và ước tính khoảng 14% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn cầu vào năm 2040. Bởi vậy chuyển đổi số phải dùng các công nghệ xanh.
Chuyển đổi số là để tạo ra một loại tài nguyên mới là dữ liệu.
Lần đầu tiên trong lịch sử phát triển của mình con người thay vì tiêu dùng và làm cạn kiệt tài nguyên thì tạo ra tài nguyên mới. Trước đây càng phát triển thì càng làm cạn kiệt tài nguyên. Ngày nay càng phát triển thì càng sinh ra nhiều tài nguyên. Chuyển đổi số cũng là để chúng ta thoát ly ra khỏi thế giới vật lý. Thế giới vật lý được ảo hóa trong không gian mạng. Thế giới vật lý thì vật chất có khoảng cách, có thời gian. Thế giới số thì phi vật chất, không có khoảng cách, không có thời gian. Thế giới số là rất phù hợp cho tư duy của não người.
Đổi mới sáng tạo sẽ diễn ra nhanh hơn rất nhiều trên không gian mạng và khi thành công thì ánh xạ ngược lại vào thế giới vật lý. Quốc gia nào chuyển đổi số nhanh hơn quốc gia đó sẽ giàu có hơn.
Ba điều trọng yếu trong chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn.
Chuyển đổi xanh là để con người quay về với mẹ thiên nhiên. Chuyển đổi xanh là để không cạn kiệt tài nguyên. Chuyển đổi xanh là để bảo vệ chính môi trường mà con người đang sống trong đó. Muốn phát triển nhanh thì chuyển đổi số. Muốn bền vững thì chuyển đổi xanh.
Nhưng cả chuyển đổi số và chuyển đổi xanh thì đều cần đến công nghệ số. Mà công nghệ số thì cốt lõi là chip bán dẫn. Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo xong phiên bản cuối cùng của chiến lược quốc gia về phát triển chip bán dẫn.
Nếu phải nói ba điều trọng yếu trong chiến lược này thì đó là: Thứ nhất, phát triển chip bán dẫn phải nằm trong chiến lược về công nghiệp điện tử Việt Nam. Thứ hai, Việt Nam sẽ đi từ khắp nhân lực bán dẫn toàn cầu đến công nghiệp bán dẫn. Và thứ ba, Việt Nam sẽ là số một trong sự chuyển dịch chuỗi cung bán dẫn từ X sang X + 1.
Bản dự thảo chiến lược đang được lấy ý kiến rộng rãi. Rất mong được các doanh nghiệp công nghệ số của các hiệp hội quan tâm cho ý kiến. Muốn tăng trưởng nhanh, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng sản xuất mới, cần nguồn lực sản xuất mới, cần yếu tố sản xuất mới và cần động lực mới.
Không gian mới là kinh tế số. Lực lượng sản xuất mới là công nghệ số. Nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số. Yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số. Và động lực mới là đổi mới sáng tạo số. Phát triển kinh tế số Việt Nam thì phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng tính toán AI. Phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực. Phải hoàn thiện thể chế số, phải thực hiện quản trị số và phải đào tạo kỹ năng số, nhân lực số và đặc biệt, thu hút nhân tài số.
" Phát triển kinh tế số Việt Nam thì phải dựa trên đổi mới sáng tạo số, phải đầu tư vào hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng tính toán AI. Phải tích hợp kinh tế số vào mọi ngành, mọi lĩnh vực".
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng
Bộ TT&TT xây dựng lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam.
Chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một con đường dài và ứng dụng nhiều hơn là nghiên cứu. Ứng dụng thì đặc điểm dân tộc, văn hóa, ngữ cảnh đất nước, đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực là yếu tố quyết định. Và đây chính là cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Vì do am hiểu quốc cảnh Việt Nam. Bài toán Việt Nam tạo ra lời giải và sản phẩm Việt Nam tạo ra cách thức Việt Nam. Việt Nam phải đi con đường Việt Nam. Và vì đi con đường Việt Nam mà chúng ta có cơ hội tiến lên đi đầu. Đi con đường của người khác thì cũng mãi sẽ chỉ là người theo sau.
Lý luận về chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam là có ý nghĩa quyết định và Bộ Thông tin và Truyền thông đặt mục tiêu xây dựng lý luận này.
Thưa các đồng chí và các bạn chỉ còn 1 tháng nữa là chương trình chuyển đổi số Việt Nam được 4 năm và bước sang năm thứ 5. Năm đầu tiên là khởi động chuyển đổi số. Năm thứ hai là tổng diễn tập chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc thời COVID. Năm thứ ba là xây dựng các nền tảng số quốc gia. Năm thứ tư là phát triển dữ liệu số. Năm 2024 này là bắt đầu của năm thứ 5. Chúng ta sẽ tập trung vào phát triển kinh tế số với bốn trụ cột là công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông, phát triển kinh tế số các ngành, quản trị số và phát triển dữ liệu số.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ đặc biệt khi tương lai không nằm trên đường kéo dài của quá khứ. Xuất hiện điểm kỳ dị trong đường cong phát triển của nhân loại nhất là với sự phát triển của công nghệ và trí tuệ nhân tạo. Tận dụng được cơ hội này thì Việt Nam mới có thể hóa rồng thành nước phát triển có thu nhập cao và không còn cách nào khác là phải đi ở nhóm đầu về chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh nhưng ở nhóm giữa thì Việt Nam sẽ đứng đâu vẫn đứng đó. Không thay đổi được thứ hạng quốc gia. Một cuộc cách mạng công nghiệp mới sẽ chỉ tường thưởng cho những người đi đầu, cho những quốc gia tiên phong.
Dám ứng dụng, dám đi đầu trong ứng dụng và ứng dụng an toàn sẽ tạo ra sự phát triển và cũng tạo ra sự hoàn thiện công nghệ. Lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại ứng dụng tạo ra sự phát triển của công nghệ. Vì công nghệ số muốn phát triển thì phải dựa trên dữ liệu số. Mà dữ liệu số lại chỉ được sinh ra do ứng dụng. Chúng ta nên bàn nhiều hơn về việc thay đổi thể chế để mở đường cho sự ứng dụng rộng rãi của các công nghệ số.
Xin được kính chúc đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ sức khỏe và thành công. Chúc diễn đàn thành công tốt đẹp. Chúc các đồng chí, các quý vị đại biểu hành công trong công cuộc chuyển đổi số, chuyển đổi xanh của đơn vị mình, của đất nước mình và của thế giới.