Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Bộ TT&TT dẫn dắt chuyển đổi số, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp
Thứ sáu - 08/11/2024 16:47420
Cải cách hành chính là một trong những đột phá phát triển đất nước. Do vậy, việc nâng cao nhận thức và hành động tích cực của các cơ quan, đơn vị đối với việc thực hiện nhiệm vụ này là rất quan trọng, ưu tiên thường xuyên, hàng đầu.
Cần tập trung vào việc cải cách thể chế
Với mục tiêu cao đó, sáng ngày 8/11, tại Sơn La, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tập huấn công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2024. Sự kiện được đông đảo đại biểu đại diện các Bộ, ngành, địa phương tham dự.
Phát biểu tại hội nghị, bà Vũ Thị Là, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (TCCB) - Bộ TT&TT nhấn mạnh, thời gian qua, Bộ TT&TT luôn quan tâm, chỉ đạo, tổ chức thường xuyên nhiệm vụ này và đến nay đã thu được những kết quả tích cực, đi vào nề nếp, bài bản.
Kết quả tích cực được tạo ra, điển hình như: Việc xây dựng kế hoạch, báo cáo, đánh giá, chấm điểm chỉ số được thực hiện nhanh, đủ, kịp thời, đúng quy định; Việc cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính (TTHC) được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc; Quy định, quy chế nội bộ về cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVCC) được hoàn thiện; Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được triển khai thực hiện đầy đủ, bài bản, đúng quy định; hệ thống quản lý văn bản, hệ thống báo cáo, cung cấp dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình được xây dựng, vận hành, hoàn thiện.
“Đặc biệt, Bộ TT&TT không chỉ thực hiện nhiệm vụ CCHC trong nội bộ của Bộ, mà còn có vai trò, trách nhiệm to lớn trong công cuộc CCHC của đất nước, thúc đẩy CĐS của các bộ, ngành, địa phương, xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân”, bà Vũ Thị Là nhấn mạnh.
Cũng theo bà Vũ Thị Là, kết quả đạt được trong việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của Bộ TT&TT còn liên quan đến kết quả CCHC của các bộ, ngành, địa phương, vì vậy, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác CCHC, nhất là tập trung vào việc là hoàn thiện thể chế, chính sách về CĐS; đi đầu, nêu gương trong công tác CĐS, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số.
Để phát huy hơn nữa những kết quả đạt được, cũng như nâng cao chất lượng CCHC và tăng hạng chỉ số CCHC của Bộ TT&TT, hiện tại, những năm tiếp theo, các cơ quan, đơn vị, CBCCVC thuộc Bộ TT&TT cần phải nỗ lực, tích cực, đồng sức, đồng lòng triển khai đồng bộ trên tất cả các nội dung của CCHC.
“Cần tập trung vào việc cải cách thể chế; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; CCHC công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số ngày một bền vững”, Phó Vụ trưởng Vụ TTCB nhấn mạnh.
Cần đánh giá những tác động TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật
Cụ thể hơn về những kết quả đạt được trong việc thực hiện công tác CCHC của Bộ TT&TT, tại hội nghị, theo báo cáo của Bộ TT&TT, Bộ TT&TT đã xây dựng, ban hành, soạn thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) (dự án Luật Công nghiệp công nghệ số; dự thảo Luật Báo chí (sửa đổi); Thực hiện pháp điển trên phần mềm pháp điển và xác thực kết quả pháp điển đề mục chính quyền địa phương; Tuyên truyền, tập huấn các chính sách pháp luật liên quan tới lĩnh vực TT&TT năm 2024; cập nhật cơ sở dữ liệu về văn bản QPPL tại Cổng thông tin điện tử (TTĐT) của Bộ (mic.gov.vn) tại mục Văn bản quản lý và Văn bản QPPL; ban hành Kế hoạch triển khai công tác quản lý nhà nước về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính của Bộ TT&TT năm 2024…
Báo cáo cũng nêu đề xuất các nội dung về cải cách thể chế trong năm 2025: Hoàn thành việc triển khai Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1649/QĐ-BTTTT về Chương trình xây dựng văn bản QPPL thẩm quyền của Bộ năm 2024; triển khai thẩm định đầy đủ, đúng tiến độ và hoàn thành việc ban hành các văn bản đăng ký ban hành trong Quý IV/2024; 100% văn bản QPPL thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ ban hành được kiểm tra; 100% văn bản trái pháp luật phát hiện qua kiểm tra được xử lý hoặc kiến nghị xử lý.
“Phấn đấu đạt mục tiêu năm 2025: Hoàn thành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 100% chương trình xây dựng văn bản QPPL; 100% văn bản QPPL thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ được kiểm tra; 100% văn bản trái pháp luật phát hiện qua kiểm tra được xử lý hoặc kiến nghị xử lý; đẩy mạnh công tác theo dõi thi hành pháp luật, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (DN) được thực hiện thường xuyên và đổi mới cách thức thực hiện để phù hợp với tình hình hiện nay”, báo cáo nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, các đại biểu đã tham luận nhiều ý kiến. Theo đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ TT&TT, giải pháp nâng cao công tác CCHC hiện nay cần tập trung vào việc: Đổi mới chính sách phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính; Cơ cấu lại nợ công, đảm bảo an ninh, an toàn nền tài chính công; Tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, tăng tỷ trọng các nguồn thu bền vững, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư phát triển.
Cùng với đó, cần đổi mới cơ chế phân cấp quản lý tài chính và ngân sách theo hướng quản lý thống nhất, tập trung dân chủ, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch, công bằng; có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước các cấp.
Đặc biệt cần sửa đổi, bổ sung danh mục dịch vụ sự nghiệp công, ban hành định mức kinh tế kỹ thuật; tăng cường tính minh bạch tài chính và trách nhiệm giải trình trong quản lý và sử dụng nguồn lực công; Nâng cao năng lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí, thực hiện đầy đủ các quy định về công khai ngân sách nhà nước…
Trong khi đó, đại diện Văn phòng Bộ TT&TT cho biết muốn công tác CCHC ngày càng hiệu quả hơn cần tập trung vào việc: Đánh giá những tác động TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản QPPL; đẩy mạnh công tác thẩm định quy định, TTHC trong các dự án, dự thảo văn bản QPPL; lãnh đạo cơ quan, đơn vị cần quan tâm, quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực cho cải cách TTHC; các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế để rà soát quy định, TTHC chồng chéo, phức tạp chưa được phát hiện để sửa đổi, thực hiện…
Theo Cục Chuyển đổi số quốc gia, muốn công tác CCHC hiệu quả, các đơn vị trong Bộ và các ngành, thành phố, địa phương cần đẩy mạnh việc phổ cập DVCTT toàn trình theo hướng dẫn của Bộ TT&TT tại Khung triển khai DVCTT (Văn bản số 4338/BTTTT-CĐSQG ngày 14/10/2024).
Các bộ, ngành liên quan (Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, Tập đoàn EVN), các địa phương tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng (địa điểm, điện lưới, …) để các DN viễn thông phủ sóng các vùng lõm; đưa cáp quang tới các thôn bản, đáp ứng nhu cầu của các hộ gia đình.
Cùng với đó cần tập trung vào việc đào tạo chuyên sâu cho đội ngũ chuyên gia an toàn thông tin (ATTT) của các bộ, ngành, địa phương; Triển khai Chiến dịch làm sạch mã độc trên không gian mạng 2024; Tổ chức diễn tập thực chiến quốc gia về ATTT; Triển khai mạnh mẽ, tích cực chiến dịch tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về ATTT mạng./.