Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Kết nối liên thông các Cổng TTĐT tạo hệ sinh thái số thông tin toàn diện
Thứ sáu - 15/11/2024 10:34320
Việc đảm bảo hiệu quả kết nối thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trên môi trường mạng với Cổng Thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương có ý nghĩa quan trọng sớm hình thành, phát triển nền Chính phủ điện tử, Chính phủ số hiệu quả, ổn định, bền vững.
Hướng đến những mục tiêu này, ngày 14/11, hội nghị quan trọng với chủ đề trên đã được tổ chức. Sự kiện thu hút được đông đảo đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, địa phương.
Đảm bảo an toàn an ninh thông tin trước khi đưa vào sử dụng
Tại hội nghị, nhiều ý kiến trao đổi về kinh nghiệm, giải pháp đã được trình bày, phân tích sâu sắc. Theo Tổng Giám đốc Cổng Thông tin điện tử (TTĐT) Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm, đối với công tác này đến nay, đã có 43 Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương kết nối, tích hợp đầy đủ với trang/cổng TTĐT thành phần. Và nhiều Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp thông tin trên các nền tảng Facebook (64 đơn vị), YouTube (25 đơn vị) và Zalo (45 đơn vị).
Hơn nữa đến nay, trong quá trình nâng cấp, phát triển, phần lớn Cổng TTĐT của các Bộ, ngành, địa phương đã chú trọng làm SEO để hỗ trợ các công cụ tìm kiếm thông tin (60 đơn vị), đồng thời, cung cấp công cụ tìm kiếm theo quy định tại Nghị định số 42/2022/NĐ-CP ngày 24/6/2022 quy định về việc cung cấp thông tin và dịch vụ công trực tuyến của cơ quan nhà nước (CQNN) trên môi trường mạng (87 đơn vị).
Đáng mừng, đã có 66 đơn vị đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành hồ sơ đảm bảo an toàn thông tin (ATTT) theo cấp độ cho Cổng TTĐT. Tất cả các hệ thống Cổng TTĐT đều được bảo vệ bởi ít nhất một trong các giải pháp an toàn, an ninh thông tin và hầu hết đã được kiểm tra an toàn an ninh thông tin trước khi đưa vào sử dụng.
Nhìn chung, bước đầu các Cổng TTĐT Chính phủ và Cổng TTĐT Bộ, ngành, địa phương đã thiết lập hệ sinh thái lớn mạnh để truyền tải thông tin chính thống về chỉ đạo, điều hành, các chính sách quan trọng, thiết thực đến người dân, DN.
Đặc biệt, đáng mừng nữa là các Cổng TTĐT gắn kết chặt chẽ với nhau, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ, đóng góp xây dựng hệ sinh thái lớn mạnh, phục vụ tốt nhất cho người dân, DN.
Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ Nguyễn Hồng Sâm nhấn mạn đến việc muốn phát huy hiệu quả hơn nữa đối với nhiệm vụ quan trọng này, điều cần tích cực hơn nữa kiến nghị Bộ TTTT tiếp tục có hướng dẫn để thực hiện tốt Nghị định 42/2022/NĐ-CP và Thông tư 22/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho Cổng TTĐT và Trang TTĐT của CQNN; kiến nghị Bộ Nội vụ có tham mưu để các cấp có thẩm quyền ưu tiên nhân sự theo chức danh nghề nghiệp cho các nhân sự làm cho các Cổng; Bộ Tài chính xem xét kinh phí đầu tư cho CNTT ở các Bộ ngành để có điều kiện hiện đại hóa công nghệ…
“Chúng ta cùng nhau suy nghĩ làm gi, làm thế nào để hệ sinh thái của các cổng luôn lớn mạnh, phục vụ tốt hơn các nhiệm vụ được giao, trở thành công cụ hữu hiệu truyền thông về chỉ đạo điều hành của lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành địa phương”, Tổng Giám đốc Cổng TTĐT Chính phủ nhấn mạnh.
Tin tưởng vào những bước tiến đột phá
Ở quan điểm hướng đến quyết tâm, mục tiêu thực hiện tốt nhiệm vụ này, Thứ trưởng Bộ TT&TT Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước luôn lấy người dân làm trung tâm, phục vụ lợi ích cho nhân dân, luôn đề cao vai trò giám sát cũng như vai trò phản biện của nhân dân và luôn mong muốn người dân tham gia vào hoạt động giám sát quyền lực của các CQNN.
Do đó, để thực hiện hiệu quả vai trò này, việc cung cấp thông tin thông suốt giữa chính quyền các cấp với người dân luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Hơn nữa, thông qua các Cổng TTĐT, các Trang TTĐT của CQNN các thông tin chỉ đạo, điều hành sẽ nhanh chóng, chính thống được đăng tải, cung cấp, đồng thời gia tăng sự tương tác, trao đổi thông tin hai chiều giữa CQNN với người dân, doanh nghiệp và xã hội…
“Đặc biệt Cổng/Trang TTĐT là nơi cập nhật những thông tin chính thống về chính sách, pháp luật, thông báo, hướng dẫn và các hoạt động của cơ quan nhà nước dẫn dắt người dân thực hiện những chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước. Điều này giúp người dân tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác, tránh tình trạng thông tin sai lệch”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương, sự kiện hôm nay có ý nghĩa quan trọng nhằm triển khai thực hiện Nghị định 42/2022/NĐ-CP quy định về việc cung cấp thông tin của CQNN trên môi trường mạng và Thông tư 22/2023/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về cấu trúc, bố cục, yêu cầu kỹ thuật cho Cổng TTĐT và Trang TTĐT của CQNN.
Và để tăng hiệu quả tích cực hơn nữa cho công tác này, các Cổng/Trang TTĐT nghiêm túc tuân thủ các quy định, các yêu cầu của Nghị định số 42/2022/NĐ-CP và Thông tư 22/2023/TT-BTTTT. Trong các văn bản này, đã có quy định, hướng dẫn cụ thể về mặt kỹ thuật, về cấu trúc, bố cục, về trải nghiệm người dùng….
Cùng với đó, Cổng TTĐT Chính phủ sớm có hướng dẫn cụ thể, các Cổng/Trang TTĐT của các bộ, ngành, địa phương thì hết sức lưu tâm, phối hợp. Trong quá trình phối hợp của các đồng chí, Bộ TT&TT luôn sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ.
“Với sự đồng lòng, quyết tâm của tất cả chúng ta, chất lượng các Cổng/ Trang TTĐT của CQNN sẽ có bước tiến đột phá trong thời gian tới, trở thành kênh thông tin dẫn dắt, kênh thông tin tương tác hiệu quả giữa chính quyền và người dân, góp phần xây dựng hình ảnh thân thiện, gần gũi của các CQNN trên không gian mạng”, Thứ trưởng Bùi Hoàng Phương nhấn mạnh.
Những bộ ngành, địa phương nào chưa làm được thì cố gắng tích hợp
Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Trần Văn Sơn nhấn mạnh, khẳng định, Cổng TTĐT Chính phủ kết nối, chia sẻ, liên thông với các Cổng TTĐT Bộ ngành, địa phương phục vụ không những sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn phục vụ chỉ đạo của các bộ ngành, địa phương.
Nhiệm vụ rất nhiều nhưng với 2 nhiệm vụ trọng tâm là: Truyền thông chính sách kịp thời đến người dân và doanh nghiệp; phục vụ sự chỉ đạo không chỉ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mà còn của các bộ ngành, địa phương).
Hiện nay, chúng ta có 43 Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương đã tích hợp đầy đủ với các Trang, Cổng TTĐT. Những bộ ngành, địa phương nào chưa làm được thì cố gắng tích hợp.
Một là, đề nghị các đồng chí báo cáo lãnh đạo các bộ ngành, địa phương, nhất là các đồng chí đứng đầu phải quan tâm; có kế hoạch đầu tư, nâng cấp hệ thống thông tin (HTTT). Đây là vấn đề mấu chốt.
Để đảm bảo hiệu quả việc thưc hiện nhiệm vụ này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn đề nghị: Cần có sự đầu tư, nâng cấp đồng bộ HTTT để phục vụ tích hợp, kết nối thông tin; đầu tư nhân lực, đặc biệt nguồn nhân lực làm việc trực tiếp; Cổng TTĐT Chính phủ cần tổng hợp, phân nhóm kiến nghị, khó khăn vướng mắc thuộc thẩm quyền của cấp nào thì đề nghị cấp đó xem xét, xử lý; Cổng TTĐT các bộ ngành, địa phương phối hợp với Cổng TTĐT Chính phủ truyền thông chính sách một cách kịp, đồng thời xử lý những kiến nghị, phản ánh của người dân một cách kịp thời.
“Các Cổng TTĐT không những cần làm tốt công tác truyền thông chính sách mà cần tiếp nhận những phản ánh, kiến nghị, bức xúc nhất của người dân và DN để báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xử lý kịp thời. Thực chất việc này cũng giúp Chính phủ trong công tác chỉ đạo điều hành”, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, còn nhiều ý kiến tâm đắc của các đại biểu trình bày các kinh nghiệm: Kết nối đảm bảo thông tin chỉ đạo điều hành về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong hệ thống cổng, trang TTĐT; quản lý cung cấp thông tin của Cổng TTĐT tỉnh với các Cổng TTĐT thành phần trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; quản lý, vận hành, phát triển Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng và triển khai chia sẻ, kết nối thông tin, dữ liệu, dịch vụ công trực tuyến với các Cổng TTĐT thành phần; đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho các hệ thống Cổng TTĐT…
Và với tất cả những ý kiến tham luận, cùng các ý kiến chỉ đạo, đề xuất giải pháp, chúng ta có cơ sở niểm tin về sức mạnh tích cực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với công tác này, và điều này khi được làm tốt, mục tiêu về một xã hội số phát triển bền vững sẽ đến gần, đảm bảo gia tăng mọi lợi ích, sự thụ hưởng, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt các nhu cầu của nhân dân./.