Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An 20 năm xây dựng và phát triển

Thứ hai - 04/11/2024 15:22 109 0
Sở Bưu chính, Viễn thông được thành lập theo Quyết định số 115/2004/QĐ-UB ngày 05/11/2004 của UBND tỉnh Nghệ An, chính thức ra mắt và đi vào hoạt động từ ngày 25/01/2005, đến tháng 4 năm 2008 Sở Thông tin và Truyền thông được thành lập trên cơ sở tổ chức bộ máy và hoạt động của Sở Bưu chính, Viễn thông và bổ sung thêm nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, với sức trẻ, nhiệt huyết cùng khát vọng đổi mới, sáng tạo, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã khẳng định được vai trò, vị thế trong công tác quản lý Nhà nước, phát triển sự nghiệp thông tin và truyền thông, phục vụ đắc lực cho sự chỉ đạo, điều hành của tỉnh Nghệ An, đáp ứng nhu cầu thông tin ngày càng cao của người dân thời kỳ hội nhập, trở thành ngành động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh tại địa phương.
ha1
Trụ sở làm việc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An,
Số 6 – Trần Huy Liệu, Phường Hưng Phúc, Thành phố Vinh, Nghệ An
Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về các lĩnh vực: báo chí; xuất bản, in, phát hành; phát thanh, truyền hình; thông tin điện tử; thông tin đối ngoại; thông tin cơ sở; bưu chính; viễn thông; tần số vô tuyến điện; công nghiệp công nghệ thông tin; ứng dụng công nghệ thông tin; an toàn thông tin mạng; giao dịch điện tử, chuyển đổi số tại địa phương.

Ngay sau khi ra mắt và đi vào hoạt động với 06 cán bộ biên chế đầu tiên (gồm: Giám đốc, 01 Phó Giám đốc, 01 cán bộ văn phòng, 01 kế toán, 01 văn thư, 01 lái xe) Sở đã nhanh chóng tuyển dụng cán bộ thành lập các phòng chuyên môn, tổ chức Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên để ổn định bộ máy tổ chức đi vào hoạt động, Sở Bưu chính, Viễn thông đã nhanh chóng tham mưu Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 04/7/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 làm cơ sở để các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh ban hành, triển khai các chính sách phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin. Từ đó đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển nhanh và đồng bộ trong toàn ngành Thông tin và Truyền thông. Các Nghị quyết, Quy hoạch, Đề án, Kế hoạch, Văn bản chỉ đạo đó đã tạo cơ sở, môi trường pháp lý cũng như định hướng phát triển từng lĩnh vực của ngành Thông tin và Truyền thông; tạo điều kiện để các cơ quan báo chí, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, xuất bản - in và phát hành có bước phát triển mạnh mẽ, lành mạnh trong trật tự pháp lý; hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh được quan tâm đầu tư, phát triển mạnh mẽ, phục vụ đắc lực, đóng góp xứng đáng vào thành tựu chung trong công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, tạo hành lang pháp lý cho lĩnh vực Thông tin và Truyền thông trên địa bàn hoạt động hiệu quả, đúng định hướng. Trong đó, phải kể đến một số chính sách như: hỗ trợ cán bộ công chức chuyên trách công nghệ thông tin 700.000 đồng/tháng; quy định về chi trả thù lao, nhuận bút cho các cơ quan báo chí, phát thanh truyền hình và thông tin điện tử tỉnh; chính sách về sử dụng chung hạ tầng viễn thông bảo đảm mỹ quan đô thị; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị... Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu các cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tạo lập môi trường pháp lý, là tiền đề quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số, nổi bật là: Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 05/8/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chỉ thị số 23-CT/TU ngày 27/5/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đẩy mạnh thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An,…

Công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực Thông tin và Truyền thông ngày càng được tăng cường từ tỉnh đến cơ sở; hoạt động thông tin, tuyên truyền được chỉ đạo đồng bộ; công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực báo chí và mạng xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin tiếp tục được quan tâm đầu tư với công nghệ hiện đại; công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin được bảo đảm; các hoạt động ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số được quan tâm triển khai, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn. Năng động, sáng tạo, thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng chuyển đổi số, nâng cao tinh thần, trách nhiệm và hiệu quả quản lý, phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông hiện đại, phát huy truyền thống của ngành, những năm qua, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh giao, bảo đảm chất lượng và tiến độ công việc.

Nhìn lại thời điểm 2005, toàn tỉnh mới chỉ có 182.079 máy điện thoại với mật độ điện thoại đạt 6,01 máy/100 dân, hạ tầng viễn thông chưa phát triển, công nghệ lạc hậu, bưu chính chỉ có các dịch vụ cơ bản với mạng lưới và chất lượng còn nhiều hạn chế. Sau 20 năm, bưu chính, viễn thông có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, dịch vụ bưu chính - viễn thông đã chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh cao. Đến nay mạng lưới Bưu chính phát triển rộng khắp đảm bảo 460/460 xã trong toàn tỉnh đều có điểm BĐVHX hoặc ky ốt/đại lý phục vụ người dân. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 23 doanh nghiệp cung ứng các dịch vụ bưu chính cơ bản và dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, công dân như: chuyển phát nhanh EMS, phát hàng thu tiền COD, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính, chuyển tiền nhanh, tiết kiệm bưu điện, logistics, chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội. Các loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông trên địa bàn tỉnh rất phong phú, chất lượng phục vụ tốt, tạo điều kiện cho người dân có quyền lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ phù hợp với nhu cầu.

Dịch vụ viễn thông phát triển nhanh cung cấp dịch vụ Internet với mạng lưới rộng khắp; toàn tỉnh có 8.176 trạm BTS của các nhà mạng Viettel, VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, phủ sóng di động 3G, 4G trên phạm vi toàn tỉnh, và đang triển khai phát sóng di động 5G với 106 trạm phát sóng của Viettel tại khu vực thành phố Vinh; toàn tỉnh hiện có 3.128.167 thuê bao điện thoại di động; 617.879 thuê bao Internet băng rộng cố định và 2.700.292 thuê bao Internet băng rộng di động, tỷ lệ hộ gia đình có băng rộng cáp quang FTTH (572.594 hộ/840.932 hộ) đạt 68%. 

Toàn tỉnh hiện có 03 cơ quan báo chí địa phương, 38 văn phòng đại diện và 41 phóng viên thường trú, 02 cơ quan báo chí của cơ quan trung ương có trụ sở trên địa bàn (gồm Báo Quân khu IV và Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh) với hơn 300 phóng viên, nhà báo hoạt động trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý về thông tin, báo chí, xuất bản tiếp tục được triển khai đồng bộ và sâu rộng từ tỉnh đến cơ sở, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh luôn thể hiện được vai trò chủ đạo trong công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tạo được niềm tin của các tầng lớp Nhân dân vào sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy đảng, chính quyền, tạo dòng chảy thông tin chính thống trong định hướng dư luận, góp phần ổn định chính trị - xã hội; biểu dương, cổ vũ những gương điển hình tiêu biểu, những giá trị văn hóa, truyền thống tốt đẹp của con người Xứ Nghệ đến với bạn bè trong nước và quốc tế; công tác đấu tranh phản bác, ngăn chặn hiệu quả thông tin xấu độc, thông tin chống phá Đảng, Nhà nước của các thế lực thù địch luôn được Sở quan tâm chỉ đạo, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội; công tác thông tin đối ngoại từng bước được quan tâm, hằng năm Sở đã phối hợp với các cơ quan báo chí lớn của Trung ương trong công tác tuyên truyền về thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần truyền thông, quảng bá mạnh mẽ hình ảnh địa phương, vùng đất và con người Nghệ An.

Với vai trò là cơ quan chuyên môn tham mưu hoạt động chuyển đổi số của tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông đã tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo thúc đẩy chuyển đổi số như: Kế hoạch số 586/KH-UBND ngày 22/8/2022 của UBND tỉnh Nghệ An về Chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025; Kế hoạch số 774/KH-UBND ngày 08/11/2022 về kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược An toàn, An ninh mạng quốc gia, chủ động ứng phó với các thách thức từ không gian mạng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn 2030;…Tổ chức nhiều khóa đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số cho cán bộ, lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác tham mưu chuyển đổi số các sở, ban, ngành, địa phương, đến nay 100% cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh đều đã được đào tạo, bồi dưỡng về chuyển đổi số, an toàn thông tin bằng các khóa học trực tiếp hoặc trực tuyến trên nền tảng số OneTouch, MOOCs; xây dựng chiến lược dữ liệu của tỉnh; Cổng dữ liệu mở; triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu… Tiếp tục mở rộng kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ, ngành thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) của tỉnh; đẩy mạnh việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng cơ sở dữ liệu, số hóa dữ liệu ngành, địa phương.
ha2
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Lê Bá Hùng phát biểu tại Hội thảo về chuyển đổi số tại Huyện Yên Thành
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin tiếp tục được đầu tư đồng bộ, hiện đại từ cấp tỉnh đến cấp xã, từng bước đáp ứng việc ứng dụng công nghệ thông tin, phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường mạng và bảo đảm cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đến nay, 100% cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị từ cấp tỉnh đến cấp xã đã được trang bị máy tính, mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng cố định; đã triển khai phần mềm quản lý văn bản VNPT-iOfice cho tất cả cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh và kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương thông qua trục liên thông văn bản quốc gia (VDSP), đáp ứng quy trình gửi, nhận văn bản điện tử. Cấp trên 12.245 bộ chữ ký số (CKS) trong đó 1.947 CKS tổ chức, 10.298 CKS cá nhân để ký số văn bản trên phần mềm VNPT-iOfice. Tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử ký số bình quân tại các cơ quan hành chính Nhà nước trong toàn tỉnh đạt trên 95,5%. Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh đã kết nối, chia sẻ dữ liệu với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ công tác giải quyết thủ tục cho tổ chức, công dân thuận lợi, chính xác.

Từ năm 2021, hệ thống Cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cổng thành phần được nâng cấp thuê dịch vụ CNTT của Tập đoàn Bưu chính, Viễn thông Việt Nam phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần đẩy mạnh minh bạch và tiếp cận thông tin của các tổ chức, doanh nghiệp và người dân với các cơ quan Nhà nước. Hệ thống thông tin một cửa điện tử của tỉnh, tiếp nhận, giải quyết, theo dõi, đánh giá chất lượng thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan Nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã.

Sau 2 năm triển khai thực hiện, Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, đã đạt nhiều kết quả tích cực, đáp ứng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phát triển công dân số, nâng cao kỹ năng, nhận thức của người dân về chuyển đổi số. 

Việc thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số đã thu được nhiều kết quả tích cực. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tất cả các công ty, doanh nghiệp sử dụng CKS để ký số, xác thực, thực hiện trong các giao dịch điện tử dưới các hình thức cung cấp thiết bị và sử dụng như Token, Sim, HSM, Smart...

Tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có  929/929 cơ sở giáo dục thu học phí không dùng tiền mặt; 531/531 cơ sở y tế đã triển khai khám chữ bệnh (BHYT) sử dụng CCCD thay thế thẻ BHYT và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, đã khởi tạo 3.474.783 hồ sở có dữ liệu KCB nâng tỷ lệ dân số có hồ sơ sức khỏe điện tử tỉnh đạt 97%. Toàn tỉnh hiện đã kích hoạt được 1.992.956 tài khoản định danh điện tử. 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng hóa đơn điện tử, đa số các các doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; gần 80% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch và sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.

Nhìn lại 20 năm đã qua, mặc dù gặp không ít khó khăn nhưng tập thể cán bộ công chức, viên chức Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã đoàn kết thống nhất, chung sức đồng lòng vượt qua khó khăn hoàn thành tốt mọi nghiệm vụ được giao, được Đảng và Nhà nước ghi nhận. Tập thể cán bộ công chức, viên chức Sở đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý gồm Huân Chương Lao động Hạng Ba, Bằng khen, nhiều Cờ thi đua và Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh trao tặng. Phát huy tích cực những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An tiếp tục thực hiện thật tốt các nhiệm vụ như sau:

Thứ nhất là, thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số để tạo nền tảng, cơ sở cho xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, với người dân là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, động lực, nguồn lực. Sở Thông tin và Truyền thông sẽ tập trung tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa, hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU và nhiệm vụ Kế hoạch số 586/KH-UBND. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nhân lực số, tập trung vào các vấn đề cốt lõi, nền tảng tích hợp cho xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới mục tiêu hỗ trợ yêu cầu của người dân, doanh nghiệp với chính quyền; thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đi vào thực chất; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin, an toàn không gian mạng cho các cơ quan đảng và cơ quan Nhà nước.

Thứ hai là, chỉ đạo các doanh nghiệp bưu chính nâng cao chất lượng các dịch vụ, đưa lĩnh vực này đóng góp quan trọng vào thương mại điện tử trên địa bàn với mức tăng trưởng bình quân hằng năm khoảng 20% và tham gia các khâu giải quyết thủ tục hành chính, chuyển phát hàng thương mại điện tử, logictics. Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh đầu tư, phát triển hạ tầng số đảm bảo đến năm 2025 phủ sóng 100% diện tích toàn tỉnh, xóa hết vùng lõm sóng, tăng cường củng cố mạng 4G bảo đảm chất lượng; ưu tiên phát triển các trạm 5G mới tại các đô thị, khu công nghiệp, khu  du lịch, tăng cường phát triển hạ tầng mạng lưới, chia sẻ dùng chung hạ tầng, tăng cường hơn nữa việc ngầm hóa, bó gọn cáp viễn thông; cung cấp mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật xây dựng chính quyền điện tử, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số.

Thứ ba là, rà soát các cơ chế chính sách, tiếp tục tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành các cơ chế chính sách mới, tạo cơ sở pháp lý và điều kiện thuận lợi cho hoạt động thông tin và truyền thông trên địa bàn tỉnh phát triển; triển khai, thực hiện ngay các chương trình, kế hoạch đã được phê duyệt trong đó tập trung vào các vấn đề cốt lõi, nền tảng tích hợp cho xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, thực hiện các giải pháp đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình đi vào thực chất; tăng cường công tác bảo đảm an toàn thông tin, giám sát an toàn toàn thông tin trên không gian mạng cho các cơ quan Đảng và cơ quan Nhà nước.

Thứ tư là, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về thông tin, báo chí, xuất bản. Tăng cường tham mưu đẩy mạnh thực hiện công tác truyền thông chính sách; công tác thông tin đối ngoại, tập trung quảng bá hình ảnh địa phương, con người Nghệ An đến với bạn bè trong và ngoài nước. Đẩy mạnh công tác thông tin cơ sở, tập trung đầu tư trang thiết bị hiện đại cho hệ thống đài truyền thanh cơ sở theo hướng sử dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp với công an tỉnh và các cơ quan có liên quan trong công tác phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; giám sát, theo dõi, phát hiện, ngăn chặn kịp thời, hiệu quả thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật, ảnh hướng đến hình ảnh đến tỉnh trên môi trường mạng.
ha3
Đồng chí Lê Bá Hùng – Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở phát biểu tại buổi tọa đàm
ha4
Toàn cảnh buổi tọa đàm 
Kỷ niệm 20 năm thành lập, với những thành tựu đã đạt được, những khó khăn, thách thức đã vượt qua, Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An sẽ tiếp tục lấy công nghệ tạo bước đột phá, lấy tuyên truyền tạo ra sức mạnh to lớn, đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, vươn lên phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới, góp phần xây dựng và phát triển ngày càng giàu mạnh tỉnh Nghệ An.

Tác giả: Võ Trọng Phú

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây