Series điểm tin tuần (02/09 - 08/09/2024): Liên tục xuất hiện chiêu trò lừa đảo mạo danh cơ quan nhà nước

Thứ hai - 09/09/2024 10:33 304 0
Cùng nhìn lại các tin tức nổi bật về lừa đảo trực tuyến trong tuần qua (02/09 - 08/09/2024) với series “Điểm tin tuần” của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông. Các thông tin về ATTT, đặc biệt là lừa đảo trực tuyến sẽ được cập nhật hàng ngày/hàng tuần trên kênh thông tin Cổng không gian mạng quốc gia.
 
Theo dõi kênh thông tin chính thống Cổng không gian mạng quốc gia của Cục An toàn thông tin để cập nhật thường xuyên:

Website: https://khonggianmang.vn/
Facebook:
- https://www.facebook.com/govSOC
- https://www.facebook.com/congkhonggianmangquocgia
TikTok: https://www.tiktok.com/@congkgmqg
YouTube: https://www.youtube.com/@congKGMQG

I. TIN TRONG NƯỚC

1. CẢNH BÁO CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO CUNG CẤP DỊCH VỤ ĐỌC TRỘM TIN NHẮN
ld1
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) vừa ra quyết định khởi tố 2 bị can Nguyễn Quang Huy và Nguyễn Văn Dũng cùng SN 2004, trú tại xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cụ thể, 2 đối tượng đã bàn bạc, thống nhất sử dụng nhiều tài khoản, nhóm đăng thông tin không có thật lên mạng xã hội Facebook để quảng cáo cung cấp dịch vụ theo dõi, giám sát, đọc tin nhắn tài khoản mạng xã hội của người khác. Tại cơ quan công an, Huy và Dũng khai nhận đã lừa đảo, chiếm đoạt khoảng 100 triệu đồng của nhiều người ở nhiều địa phương với tổng số tiền khoảng 100 triệu đồng.

Các đối tượng liên hệ qua với khách hàng qua Zalo, sử dụng tài khoản ngân hàng (không chính chủ) để người khác tin tưởng, chuyển tiền đặt cọc rồi chiếm đoạt. Khi khách có nhu cầu sử dụng dịch vụ theo dõi, đọc trộm tin nhắn của người khác trên mạng xã hội, các đối tượng hướng dẫn khách hàng gửi tài khoản cần theo dõi, thông báo giá từng gói dịch vụ (phần mềm theo dõi) và cung cấp số tài khoản ngân hàng để nhân chuyển tiền. Tin tưởng, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền tới tài khoản trên. Sau khi nhận được tiền, đối tượng đã chặn mọi liên lạc.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dùng không nên tin tưởng những sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc mua bán những sản phẩm không hợp pháp trên mạng xã hội. Tuyệt đối không sử dụng các dịch vụ hoặc ứng dụng có mục đích xâm phạm quyền riêng tư của người khác. Hành vi đọc trộm tin nhắn không chỉ là vi phạm pháp luật mà còn là vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội. Việc xâm phạm quyền riêng tư có thể gây ra tổn thương tâm lý, làm mất lòng tin giữa các cá nhân.

Người dùng tuyệt đối không tải và cài đặt các ứng dụng từ các nguồn không chính thức hoặc từ các trang web không rõ ràng. Cài đặt và sử dụng phần mềm diệt virus và bảo mật để quét và phát hiện các phần mềm độc hại có thể đang theo dõi thiết bị của bạn. Thường xuyên thay đổi mật khẩu các tài khoản mạng xã hội, email, và sử dụng xác thực hai yếu tố để tăng cường bảo mật. Nếu phát hiện hoặc nghi ngờ về ứng dụng hoặc dịch vụ đọc trộm tin nhắn, bạn nên báo cáo ngay cho cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

2. CẢNH BÁO GIẢ MẠO WEBSITE KHO BẠC NHÀ NƯỚC ĐỂ CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
ld2
Mới đây, thông tin từ Kho bạc Nhà nước vừa phát cảnh báo cơ quan này đã bị kẻ gian lập trang thông tin điện tử giả mạo để lừa đảo. Hiện trên mạng có website giả mạo “kbthuhoivontreo.com” sử dụng logo, giao diện trang chủ, hình ảnh giống như Cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước. Điều này có thể gây hiểu lầm cho người truy cập đây là cổng thông tin điện tử Kho bạc Nhà nước.

Đối tượng lừa đảo có thể tạo ra các trang web giả mạo trông giống như trang web chính thức của cơ quan nhà nước. Ngoài ra đối tượng còn gửi email từ địa chỉ giả mạo, yêu cầu người nhận cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhấp vào liên kết dẫn đến các trang web giả mạo. Tại đây, đối tượng yêu cầu người dùng đăng nhập để cung cấp thông tin cá nhân hoặc thanh toán các khoản phí giả. Từ đó, đối tượng sẽ đánh cắp quyền truy cập vào tài khoản, số điện thoại hoặc thông tin người dùng và tiến hành các chiêu trò lừa đảo.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước các cuộc gọi, tin nhắn hoặc email không rõ nguồn gốc. Luôn kiểm tra địa chỉ email của người gửi và không nhấp vào liên kết trong email từ các nguồn không xác định, chỉ truy cập các trang web chính thức qua liên kết từ các nguồn đáng tin cậy. Không cung cấp thông tin cá nhân hoặc thực hiện các khoản thanh toán nếu không xác minh qua kênh chính thức của cơ quan nhà nước. Cần thực hiện kiểm tra và xác minh thông tin qua các kênh chính thức của cơ quan liên quan. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

3. CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ NHẬN GHI SỐ LÔ, SỐ ĐỀ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
ld3
Hiện nay, tình trạng nhiều đối tượng thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo... giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết bán lô, đề vẫn tiếp tục xảy ra. Khi khách hàng có nhu cầu mua số, các đối tượng sẽ yêu cầu chuyển tiền và chiếm đoạt số tiền mua số.

Các đối tượng tạo lập các trang Fanpage và hội nhóm ảo trên nền tảng mạng xã hội Facebook; giả danh nhân viên công ty xổ số kiến thiết, để dụ dỗ người dùng tham gia ghi số lô đề. Đối tượng có thể hứa hẹn lợi nhuận cao và không có rủi ro, khiến nạn nhân mất cảnh giác. Ngoài ra, thông qua các hội nhóm Facebook, Zalo hoặc Telegram, đối tượng thường sử dụng chiêu trò như “dự đoán số trúng” hoặc “nhà cái uy tín” để thuyết phục nạn nhân. Ngoài ra, đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền trước để ghi số. Sau khi nhận tiền, họ sẽ cắt đứt liên lạc hoặc cung cấp kết quả sai lệch để chiếm đoạt tiền.

Đối tượng lừa đảo hình thức trên thường tạo ra đơn hàng giả và yêu cầu shipper giao hàng đến địa chỉ không có thật hoặc không tồn tại. Bên cạnh đó, đối tượng thường xuyên yêu cầu shipper phải thanh toán một khoản tiền trước khi nhận đơn hàng hoặc yêu cầu thanh toán tiền mặt từ khách hàng khi không có lý do rõ ràng. Để tạo lòng tin, đối tượng còn cung cấp thông tin cá nhân giả mạo, đưa ra lời hứa sẽ thanh toán thêm tiền hoa hồng với nhân viên giao hàng. Sau khi nạn nhân đồng ý và thực hiện theo yêu cầu, nạn nhân giao đến địa chỉ được đối tượng cung cấp nhưng lại bị chặn liên lạc và chiếm đoạt tài sản.

Trước tình trạng trên, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia ghi số lô đề bất kể trực tiếp hay thông qua mạng xã hội. Theo pháp luật Việt Nam, việc tham gia ghi số lô đề là hành vi vi phạm pháp luật. Ngoài việc có thể bị lừa đảo, người chơi còn đối diện với nguy cơ bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuyệt đối không tin tưởng và thực hiện giao dịch với những tài khoản mạng xã hội không có thông tin rõ ràng. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

4. CẢNH BÁO LỪA ĐẢO MUA BÁN HÀNG GIẢ TRÊN MẠNG XÃ HỘI
ld4
Trào lưu sưu tầm thú nhồi bông Labubu đang thu hút đông đảo giới trẻ, trở thành món hàng được săn lùng nhiều trên thị trường thời gian gần đây. Hiện tại, thay vì chỉ giao dịch trực tiếp, nhiều cá nhân và tổ chức đã chuyển sang hình thức xổ số trực tuyến qua các buổi livestream để bán loại đồ chơi này, gia tăng nguy cơ gian lận và lừa đảo.

Mới đây, bạn M.H.P (Phú Thọ), một trong nhiều nạn nhân của chiêu trò lừa đảo săn thú này. Theo bạn P, sức hút của Labubu làm bạn "nhẹ dạ cả tin" vào một trang Facebook bán với giá 300.000 đồng, do người bán quảng cáo là đang có ưu đãi dịp lễ 2/9. Tuy nhiên, khi shipper (nhân viên giao hàng) giao đến, bạn P không kiểm tra hàng trước khi nhận. Đến lúc khui hàng mới nhận ra Labubu mà bạn đã trả 300.000 đồng là một món đồ chơi nhựa rẻ tiền. Tìm cách liên lạc với người bán, thì tài khoản này đã khóa từ lâu, số điện thoại liên lạc cũng không gọi được.

Đối với hình thức lừa đảo trên, đối tượng thường sử dụng các thủ đoạn tạo tài khoản ảo, làm giả hình ảnh, video về sản phẩm để thu hút người mua. Các bài đăng thường có nội dung tri ân, giảm giá sốc, khuyến mãi lớn, quà tặng hấp dẫn để thu hút khách hàng. Sau khi nhận được sự tin tưởng của nạn nhân, đối tượng sẽ giả vờ gửi hàng và biến mất ngay khi nhận được tiền. Thậm chí, có trường hợp người bán sử dụng thông tin thẻ tín dụng của khách hàng để chiếm đoạt tiền.

Trước tình hình lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước các sản phẩm không rõ nguồn gốc, giá siêu rẻ trên mạng xã hội. Chỉ nên mua sắm từ nguồn uy tín như các cửa hàng, trang web có danh tiếng. Cần kiểm tra kỹ nguồn gốc của sản phẩm, địa chỉ của cửa hàng hoặc người bán. Nếu cảm thấy nghi ngờ, bạn nên tìm kiếm đánh giá từ người dùng khác hoặc thông tin xác nhận từ các nguồn đáng tin cậy. Nếu có thể, người dùng nên chọn phương thức thanh toán khi nhận hàng và kiểm tra kỹ trước khi thanh toán. Trong trường hợp nghi ngờ bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng hoặc tổ chức bảo vệ người tiêu dùng để được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.

II. TIN QUỐC TẾ

5. MỸ: CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO, ĐE DỌA TỐNG TIỀN QUA ỨNG DỤNG GOOGLE MAPS
ld5
Một công dân sinh sống tại New Orleans (thuộc Louisiana, Hoa Kỳ) đã trình báo về vụ việc mình bị đe dọa tống tiền bằng các hình ảnh được cho là lấy từ ứng dụng bản đồ Google Maps.

Đối tượng lừa đảo tiếp cận nạn nhân thông qua Gmail, thông báo rằng đang nắm giữ thông tin cá nhân và yêu cầu nạn nhân chuyển 2000$ (~50 triệu VNĐ) cho bọn chúng, nếu không sẽ công khai các thông tin này lên mạng. Đây là thủ đoạn lừa đảo hết sức tinh vi, lợi dụng tâm lý dễ hoảng sợ của nhiều người.

Theo như cơ quan chức năng địa phương cho biết, thông tin cá nhân như địa chỉ email, số điện thoại di động và địa chỉ nhà thường xuyên bị lộ do sự bất cẩn của người dân khi tham gia sử dụng mạng xã hội, đó có thể là cách mà những kẻ lừa đảo có được thông tin của nạn nhân. Sau đó, các đối tượng sử dụng địa chỉ nhà của nạn nhân để thu thập những bức ảnh chụp từ Google Maps. Cùng với những bức ảnh, đối tượng nói rằng các thiết bị camera an ninh trong nhà nạn nhân đã bị hack, yêu cầu nạn nhân chuyển tiền dưới dạng tiền ảo (Bitcoin) nếu không sẽ công khai các dữ liệu chúng đánh cắp được lên trên mạng. Với giọng điệu uy hiếp, đe dọa, nạn nhân dễ dàng bị thao túng tâm lý, làm theo chỉ dẫn mà không biết mình bị lừa.

Trước tình trạng lừa đảo, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác với thủ đoạn trên. Người dân cần bình tĩnh, chủ động xác minh lại thông tin và các dữ liệu mà kẻ lừa đảo cung cấp. Tuyệt đối không thực hiện chuyển tiền cho các đối tượng lạ trong bất kỳ trường hợp nào. Người dân cũng cần gia tăng bảo mật cho các tài khoản, thiết bị của mình, hạn chế tối đa việc dữ liệu bị rò rỉ, đánh cắp bằng cách kích hoạt xác thực bảo mật nhiều lớp, không dùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau, không cung cấp các thông tin cá nhân quan trọng trên mạng xã hội.

6. THÁI LAN: CẢNH GIÁC CHIÊU TRÒ LỪA ĐẢO LIÊN QUAN ĐẾN DỊCH VỤ ĐỔI TIỀN
ld6
Mới đây, nhiều người dân Thái Lan cho biết trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới hết sức tinh vi liên quan tới dịch vụ đổi tiền.

Các đối tượng chủ động cung cấp dịch vụ đổi tiền thông qua các bài đăng trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau, chủ yếu nhắm tới nạn nhân là những người chuẩn bị sang nước ngoài, có nhu cầu đổi tiền sang đơn vị khác. Số tiền thiệt hại sau mỗi vụ lừa đảo tùy thuộc vào số tiền mà nạn nhân muốn chuyển đổi đơn vị.

Ban đầu, các đối tượng đăng tải bài viết với nội dung quảng bá dịch vụ đổi tiền, đồng thời tạo điều kiện cho người dùng có cơ hội giao lưu, trao đổi các đơn vị tiền tệ mà mình mong muốn thông qua phần bình luận ở dưới bài đăng. Sau khi nhận được nhiều lượt tương tác, các đối tượng tạo lập các tài khoản ảo, chủ động liên hệ với những người có nhu cầu sử dụng dịch vụ, nói là mình cũng đang sở hữu số tiền với đơn vị mà nạn nhân cần quy đổi. Để chiếm dụng lòng tin của nạn nhân, các đối tượng bày tỏ ý muốn trao đổi tiền thông qua người trung gian là chủ bài đăng, hứa hẹn sẽ chịu toàn bộ bất cứ khoản phí phát sinh nào trong quá trình giao dịch. Sau khi nạn nhân chuyển tiền, các đối tượng trì hoãn việc chuyển lại tiền với các lý do như mạng chậm, ứng dụng ngân hàng bảo trì, hệ thống quá tải,... rồi sau đó cắt đứt liên lạc với nạn nhân.

Trước thực trạng lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi bắt gặp các dịch vụ như trên. Tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng lạ khi chưa xác minh được danh tính người nhận. Khi có nhu cầu đổi tiền, người dân nên trực tiếp đến các văn phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng chính thống để sử dụng dịch vụ. Khi phát hiện thấy dấu hiệu lừa đảo, người dân cần trình báo ngay với lực lượng chức năng để kịp thời ngăn chặn và truy vết đối tượng.

Theo dõi và cập nhật các thông tin, tình huống thông tin, tình huống, dấu hiệu về lừa đảo trực tuyến tại Cổng không gian mạng quốc gia (https://khonggianmang.vn)

Nếu phát hiện dấu hiệu lừa đảo, hãy gửi phản ánh về địa chỉ của trang Cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (https://canhbao.khonggianmang.vn)

Tác giả: Không gian mạng Quốc gia

Nguồn tin: Cổng không gian mạng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây