Ngay khi phát hiện sự cố, Bưu điện Việt Nam đã kích hoạt kịch bản hành động, bám sát theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), ngắt kết nối các hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Do vậy, các website (có chứa “vnpost.vn” trong tên miền) và các ứng dụng liên quan sẽ tạm thời bị gián đoạn trong thời gian khắc phục sự cố.
Bưu điện Việt Nam đang làm việc với các cơ quan chức năng và phối hợp các tập đoàn công nghệ thông tin hàng đầu Việt Nam nỗ lực xử lý, khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất, bảo đảm tối đa quyền lợi khách hàng. Bưu điện Việt Nam cũng gửi lời xin lỗi với khách hàng và đối tác vì sự gián đoạn không mong muốn này.
Ransomware là hình thức tấn công mạng nguy hiểm, đang được xem là vấn nạn chung với các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn cầu. Cuối tháng 3, qua theo dõi, giám sát không gian mạng Việt Nam, Cục An toàn thông tin đã phát hiện xu hướng tấn công mạng, đặc biệt là tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền tăng cao.
Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, chỉ trong quý I/2024, hệ thống kỹ thuật của cơ quan này đã ghi nhận hơn 150 triệu cảnh báo về các nguy cơ bảo mật, phân tích và phát hiện 13.000 sự kiện liên quan đến mã độc ransomware trên các hệ thống thông tin.
Cục An toàn thông tin cho biết, tấn công ransomware hiện nay thường bắt đầu từ một điểm yếu bảo mật của cơ quan, tổ chức. Kẻ tấn công xâm nhập hệ thống, duy trì sự hiện diện, mở rộng phạm vi xâm nhập. Từ đó, tin tặc có thể kiểm soát hạ tầng công nghệ thông tin của tổ chức, làm tê liệt hệ thống.
Thực tế, đầu năm nay, hệ thống công nghệ thông tin của một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam như Công ty chứng khoán VNDIRECT, Tổng công ty Dầu Việt Nam - PVOIL... đều đã gặp sự cố ransomware, gây gián đoạn hoạt động. Các sự cố này không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn ảnh hưởng tới hình ảnh của các doanh nghiệp lớn, cũng như hoạt động bảo đảm an toàn không gian mạng quốc gia. Các chuyên gia về an ninh mạng đã cảnh báo, các cuộc tấn công mạng ngày càng tinh vi, đặc biệt có sự tham gia của các nhóm tội phạm lớn quốc tế. Các hệ thống tại Việt Nam luôn ở trong tình trạng có thể bị tấn công bất cứ lúc nào. Do đó, các tổ chức, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc phòng, chống. Đặc biệt, các doanh nghiệp và cá nhân không nên trả tiền chuộc cho tin tặc sau các sự cố tấn công mã hóa dữ liệu.