Đề xuất cho phép kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023

Thứ tư - 19/10/2022 10:25 513 0
Chiều 18/10, Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia tổ chức Cuộc họp trực tuyến với các địa phương để nghe tình hình triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thời gian qua và xử lý một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia chủ trì cuộc họp.

Tại điểm cầu Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung  - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Đình Long – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng chủ trì cuộc họp.
quang canh
Quang cảnh tại điểm cầu Nghệ An
chu tri
Các đồng chí chủ trì tại điểm cầu Nghệ An
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG), đến nay đã có 52/52 địa phương (được giao vốn ngân sách Trung ương) có quyết định giao kế hoạch vốn thực hiện cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc. Trong đó, có 34/52 địa phương đã phân bổ 100% kế hoạch vốn được giao, 10/52 địa phương phân bổ trên 90% kế hoạch vốn được giao, 8/52 địa phương phân bổ trên 70% kế hoạch vốn được giao.

Về giải ngân vốn, theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến ngày 31/8/2022, tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện các Chương trình đã giải ngân 178,895 tỷ đồng, đạt khoảng 0,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.

Một số địa phương sau khi hoàn tất công tác giao vốn đã tập trung triển khai thực hiện và có kết quả giải ngân vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương đạt khá, như: Tây Ninh (74,55%), Lạng Sơn (26,1%), Hậu Giang (21,5%), Hà Nam (39,1%), Vĩnh Long (47,57%) ...

Là địa phương đứng thứ 62/63 trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cho hay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện các dự án thành phần của các Chương trình MTQG; có những dự án phải thực hiện quy trình lấy ý kiến từ cấp xã đến cấp tỉnh làm chậm tiến độ. Còn đối với Điện Biên, theo báo cáo của lãnh đạo tỉnh, việc triển khai thực hiện các dự án Chương trình MTQG phải thực hiện theo Luật Đầu tư nhưng nguồn vốn Trung ương giao muộn và chưa phù hợp với nhiệm vụ chi và đặc thù của địa phương dẫn đến khó triển khai; việc ban hành danh mục các dự án cơ chế đặc thù muộn bởi phải lấy ý kiến của các Bộ, ngành Trung ương liên quan ...

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 30/9/2022, có 37/52 địa phương vẫn trong quá trình lựa chọn, phê duyệt dự án, chưa thực hiện và giải ngân vốn. Phát biểu tại hội nghị, các địa phương cho biết, việc điều chỉnh phân bổ kinh phí sự nghiệp năm 2022 của 02 Chương trình MTQG (Phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Giảm nghèo bền vững) theo chỉ tiêu giao chi tiết kinh phí sự nghiệp của Bộ Tài chính làm chậm tiến độ phân bổ, giao dự toán kinh phí sự nghiệp và triển khai thực hiện các Chương trình MTQG tại địa phương. Riêng với Chương trình MTQG xây dựng NTM, do Bộ Tài chính giao kinh phí sự nghiệp chậm nên tới cuối tháng 9/2022 các địa phương mới hoàn thành phân bổ. Nhiều địa phương phản ánh khó có thể hoàn thành việc giải ngân kế hoạch vốn trước 31/12/2022 và đề nghị kéo dài thời gian giải ngân kế hoạch vốn sang năm 2023.

Bên cạnh đó, tại cuộc họp, các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tốt như Quảng Ngãi, Tây Ninh cũng đã chia sẻ kinh nghiệm trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nói chung, giải ngân vốn 3 Chương trình MTQG nói riêng.

Tại Nghệ An, tổng kế hoạch vốn ngân sách Trung ương phân bổ cho tỉnh thực hiện 03 Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 là 4.931 tỷ đồng, năm 2022 là 1.295 tỷ đồng. Ngày 12/10/2022, HĐND tỉnh đã thông qua danh mục dự án chi tiết, hiện nay UBND tỉnh đang thực hiện phân bổ chi tiết cho các địa phương để tập trung triển khai các bước tiếp theo đảm bảo quy định và tiến độ theo yêu cầu.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Chính phủ Phạm Bình Minh đặt mục tiêu rất cao trong giải ngân vốn đầu tư công bằng việc ban hành nhiều văn bản Nghị quyết, tổ chức các cuộc họp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Mặc dù đã đạt những kết quả nhất định nhưng tỷ lệ chưa đạt 50% do đó cần phải quyết liệt hơn nữa. Về thực hiện các Chương trình MTQG, 9 tháng qua, các Bộ, ngành, địa phương cũng đã triển khai được khá nhiều công việc, trong đó đã cơ bản hoàn thành các văn bản pháp lý, những văn bản hướng dẫn còn lại liên quan đến các Bộ, ngành nào cần tập trung xây dựng và phải hoàn thành trong tháng 10/2022. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng lưu ý, các tỉnh, thành không thể vin vào đang chờ văn bản hướng dẫn mà không triển khai bởi cùng hệ thống văn bản pháp lý đã được ban hành các địa phương khác đã triển khai (đến nay đã có gần 1/2 địa phương được giao vốn ngân sách Trung ương đã triển khai).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu từ nay đến cuối năm các Bộ, ngành liên quan, các địa phương cần tập trung triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, trong đó lựa chọn dự án tránh đầu tư dàn trải không hiệu quả. Vấn đề lồng ghép thực hiện các Chương trình MTQG, các Bộ, ngành liên quan cần hướng dẫn và các địa phương trong quá trình triển khai làm sao để tránh sự trùng lắp.

Các cấp, các ngành cần quyết liệt trong chỉ đạo triển khai thực hiện các Chương trình MTQG, những dự án nào đã được chuẩn bị tốt thì tập trung triển khai và giải ngân vốn ...

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nghệ An

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây