Xây dựng, phát triển ĐTTM cần gắn kết chặt chẽ với quá trình CĐS

Thứ sáu - 24/02/2023 10:56 473 0
Khi chúng ta ứng dụng các giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) hiệu quả sẽ góp phần giải quyết được những bức xúc xã hội về: Quá tải giao thông; y tế ngày càng nâng cao; thực phẩm, an ninh trật tự, môi trường… được an toàn, bền vững.
Đồng thời, đây sẽ là hướng tích cực đem lại môi trường sống văn minh, hiện đại cho mọi người dân. Quan điểm trên được ông Lê Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Đô thị, Bộ Xây dựng nhấn mạnh tại Hội nghị “Chuyển đổi số - Nền tảng Xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM)” do Tổng Hội Xây dựng tổ chức cách đây không lâu.

Việc kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị còn chưa cao

Trước khi đến với các quan điểm chuyên sâu về giải pháp, đề xuất hướng đi để phát triển hơn nữa các khu đô thị Việt Nam hiện nay, ông Lê Hoàng Trung cho rằng, bên cạnh những nỗ lực thực hiện và bước đầu thu được những kết tích cực, tuy nhiên kết quả vẫn chưa cao, điều chúng ta kỳ vọng.
 
1
Các đô thị cần có kế hoạch phát triển các hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT). (Ảnh minh họa).

Điều này được ông Lê Hoàng Trung giải thích, bởi vì trong quá trình triển khai, thực hiện nhiệm vụ, chúng ta gặp phải những khó khăn, tồn tại như: Các tỉnh, thành phố, địa phương khi triển khai nhiệm vụ vẫn chủ yếu xoay quanh việc ứng dụng công nghệ và các tiện ích phục vụ cho ĐTTM; hạn chế về nguồn lực, dữ liệu cho ĐTTM; chưa có hình thức liên kết, kết nối khối doanh nghiệp, kinh tế tư nhân trong phát triển ĐTTM…

“Đặc biệt, việc phát huy nguồn lực từ xã hội còn riêng rẽ, chưa đồng bộ, hệ thống số hóa và việc kết nối, chia sẻ kinh nghiệm giữa các đô thị còn chưa cao”, ông Lê Hoàng Trung nhấn mạnh.

Cùng với đó, việc phát triển các ĐTTM hiện nay vẫn chưa gắn liền với thực tiễn - chỉ khi nào gắn liền với thực tiễn, chúng ta mới có cơ sở để ban hành văn bản quy phạm pháp luật riêng cho xây dựng ĐTTM.

Mặt khác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ này, chúng ta mới dừng lại ở việc: Thực hiện theo các quy định pháp luật hiện hành về đầu tư, đầu tư công, ứng dụng CNTT; chưa có các chính sách cụ thể hỗ trợ, khuyến khích phát triển ĐTTM (huy động vốn, phân bổ nguồn lực); lực lượng cán bộ quản lý và chuyên môn chuyên sâu, có kinh nghiệm về quy hoạch, xây dựng, quản lý ĐTTM còn hạn chế về số lượng…

“Mặc dù chúng ta đã cố gắng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát triển ĐTTM trong một thời gian dài, tuy nhiên, đây vẫn luôn là vấn đề mới không chỉ với Việt Nam mà cả trên thế giới, do đó, trong thời gian hiện tại và tương lai luôn cần sự tích cực hơn nữa cả ở phương diện nghiên cứu, thí điểm, áp dụng, triển khai thực hiện nhiệm vụ này”, ông Lê Hoàng Trung đánh giá.

Các đô thị cần có kế hoạch phát triển các hạ tầng CNTT

Trước những hạn chế nêu trên, ông Lê Hoàng Trung cho rằng, muốn đạt hiệu quả trong quá trình thực hiện nhiệm vụ trên, các tỉnh, thành phố, địa phương cần luôn tập trung thực hiện nghiêm túc theo các yêu cầu, nội dung: Quyết định số 950/QĐ-TTg ngày 01/08/2018 phê duyệt Đề án phát triển ĐTTM bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Đề án 950), trong đó, cần tập trung thực hiện việc cung cấp các tiện ích ĐTTM cho các tổ chức, cá nhân trong đô thị với cơ sở nền tảng là hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và hệ thống hạ tầng ICT.
 
2
Việc phát triển mạnh mẽ các tiện ích thông minh sẽ giúp nâng cao chất lượng sống và trải nghiệm của người dân. (Ảnh minh hoạ).

Cùng với đó, cần thực hiện nghiêm túc các văn bản do Bộ TT&TT ban hành như Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM (phiên bản 1.0); Bộ chỉ số ĐTTM Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 (phiên bản 1.0); và một số hướng dẫn các địa phương triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM, mô hình Trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp tỉnh, cấp bộ (phiên bản 1.0); các đề án liên quan đảm bảo an toàn thông tin cho ĐTTM giai đoạn 2022-2025…
 
3
Sơ đồ tổng thể Khung tham chiếu ICT phát triển ĐTTM. (Ảnh: aita.gov.vn).

Đồng thời, cần bám sát, thực hiện thí điểm dịch vụ ĐTTM theo hướng dẫn về triển khai thí điểm dịch vụ ĐTTM tại văn bản số 4176/BTTTT-THH ngày 22/11/2019 của Bộ TT&TT.

Hơn nữa, mục tiêu chung của văn bản nêu trên nếu thực hiện tốt sẽ góp phần phát triển mạnh mẽ các tiện ích thông minh, điều này giúp nâng cao chất lượng sống và trải nghiệm của người dân.

“Đặc biệt, người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như: Sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỉ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng...”, ông Lê Hoàng Trung phân tích.

Không chỉ thực hiện các văn bản quan trọng trên, các tỉnh, thành phố cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức về phát triển ĐTTM bền vững. Cụ thể, cần thống nhất nhận thức xuyên suốt, phát triển ĐTTM là để giải quyết các vấn đề lớn của đô thị tại địa phương, lấy người dân làm trung tâm nhưng phải gắn kết chặt chẽ với quá trình chuyển đổi số, không tách rời, tránh làm theo cách rời rạc.

“Việc xây dựng, phát triển, vận hành đô thị luôn có quan hệ chặt chẽ với nhau nên không thể giải quyết riêng rẽ các vấn đề”, ông Lê Hoàng Trung nhận định.

Cũng theo ông Lê Hoàng Trung, việc phát triển ĐTTM cần được bắt đầu từ công tác quy hoạch và phải được khẳng định, thể hiện trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị.

Nhất thiết phải có các quy chế, quy chuẩn đảm bảo các cấu phần ĐTTM có thể kết nối với nhau thành một tổng thể bền vững. Đặc biệt trong công tác quy hoạch ban đầu phải được xây dựng trên nền tảng cơ sở dữ liệu đầu vào sát thực.

Muốn làm tốt điều này, các đơn vị khi thực hiện nhiệm vụ phải số hóa toàn bộ dữ liệu về đô thị để có thể tích hợp vào các giao diện xử lý nhằm hỗ trợ quá trình ra quyết định. Hệ thống thông tin địa lý (GIS) - đây chính là một trong các giao diện hiệu quả để tích hợp và phân tích các dữ liệu đô thị.

Quan điểm cuối cùng muốn nâng cao hiệu quả việc xây dựng, vận hành ĐTTM, ông Lê Hoàng Trung cho rằng chúng ta cần đảm bảo cơ sở hạ tầng thông tin, hạ tầng số và các công trình đô thị cần được đầu tư xây dựng trên cơ sở đồ án quy hoạch.

Chúng ta cần coi hạ tầng thông tin đô thị, hạ tầng số và đặc biệt là hạ tầng dữ liệu như một hạ tầng thiết yếu của đô thị, là nền tảng để thông minh hóa các hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng kinh tế - xã hội khác.

“Một hạ tầng thông tin mạnh, thống nhất và an toàn là nền tảng để xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số trong không gian đô thị. Do vậy, các đô thị, địa phương có kế hoạch cụ thể phát triển các hạ tầng ICT, trung tâm xử lý dữ liệu, hệ thống camera giám sát và các cảm biến thu thập dữ liệu đô thị”, ông Lê Hoàng Trung nhấn mạnh./.

Tác giả: Đỗ Hưng

Nguồn tin: Tạp chí điện tử Thông tin và Truyền thông

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây