Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Việt Nam - Hoa Kỳ thúc đẩy hợp tác về chuyển đổi số, kinh tế số
Thứ tư - 22/03/2023 16:086620
Các doanh nghiệp (DN) Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thông tin và truyền thông, tập trung hợp tác về chuyển đổi số (CĐS), kinh tế số.
Ngày 22/3/2023, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đã tiếp Đoàn DN cấp cao Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) đến thăm và làm việc với Bộ TT&TT. Tham dự buổi làm việc của Bộ TT&TT với đoàn có các lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ TT&TT gồm Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Kinh tế số - Xã hội số, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Bưu chính, Cục Viễn thông, Cục Công nghiệp CNTT-TT, Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử; các công ty ICT Việt Nam gồm VNPT, Viettel, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post).
Việt Nam có cơ hội rất lớn về phát triển kinh tế số
Tại buổi làm việc, nguyên Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted G. Osius, Chủ tịch và Giám đốc điều hành USABC cho biết đoàn có 50 DN bày tỏ sự quan tâm, tin tưởng trước các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là ấn tượng về sự phát triển kinh tế số của Việt Nam. Việt Nam có cơ hội hợp tác phát triển kinh tế số rất lớn, có nhiều tài năng số. Hoa Kỳ mong muốn hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế số, đổi mới sáng tạo (ĐMST), đào tạo kỹ năng. Hai nước, cộng đồng DN hai nước cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác.
Tại buổi làm việc, đại diện các DN Hoa Kỳ như Meta, Roblox, Salesforce, SpaceX, Fedex, UPS… đã giới thiệu những thế mạnh của các DN trong các lĩnh vực truyền thông, bưu chính, Internet, vệ tinh, metaverse, đào tạo về năng lực số… và mong muốn hợp tác với Việt Nam.
Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ kinh tế số và Xã hội số chia sẻ với đoàn DN Hoa Kỳ về tầm nhìn CĐS của Việt Nam. Theo đó, Việt Nam coi CĐS là động lực quan trọng để Việt Nam trở thành nước phát triển nhập trung bình cao vào năm 2030, trong đó người dân là trung tâm của CĐS, phát triển bền vững.
Việt Nam thúc đẩy CĐS toàn diện trên cả chiều dọc và chiều ngang, trên 3 trụ cột chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. CĐS để đảm bảo an sinh xã hội được bao trùm, đặc biệt thúc đẩy CĐS trong các ngành giáo dục và đào tạo, vận tải, hậu cần, tài nguyên và môi trường… Các dịch vụ số được cung cấp cho người dân thuận tiện sử dụng, không gián đoạn và chi phí hợp lý.
Chiến lược phát triển kinh tế số - xã hội số lấy công nghệ và cơ sở hạ tầng là hai yếu tố quan trọng để vào năm 2045, kinh tế số đóng góp hơn 30% và nâng lên 40 - 45% GDP. Nhiều DN Việt Nam hiện nay đã sử dụng hoá đơn, chứng từ điện tử. DN Việt Nam cũng sáng tạo linh hoạt cao với số DN ĐMST ngày càng tăng. Nhiều người dân có tài khoản thanh toán. Các hộ gia đình, thanh niên Việt Nam rất quan tâm CĐS, sử dụng công nghệ mới.
Chia sẻ về tình hình phát triển của ICT Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp CNTT-TT cho biết Việt Nam mong muốn mở rộng ra quốc tế trong lĩnh vực ICT. Các DN Việt Nam có thể cung cấp dịch vụ ICT, viết phần mềm, quản lý chất lượng và cập nhật nhanh, tốt các công nghệ mới. Việt Nam có nhiều startup, trong đó nhiều startup fintech. Việt Nam mong muốn tận dụng nền tảng quốc tế như về AI để sinh viên Việt Nam có thể tiếp cận với công nghệ mới trên thế giới.
Hợp tác phát triển mạnh mẽ ICT trên cơ sở hài hoà lợi ích
Phát biểu tại làm việc, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm bày tỏ vui mừng đón tiếp, làm việc với đoàn DN Hoa Kỳ, trong đó sự quan tâm của các DN không chỉ trong lĩnh vực TT&TT mà còn có các lĩnh vực khác. Buổi làm việc là hoạt động hết sức có ý nghĩa để kỷ niệm 20 năm Việt Nam - Hoa Kỳ thiết lập đối tác toàn diện và ngày càng sâu rộng, đi vào thực chất.
Thứ trưởng hoan nghênh việc các DN Hoa Kỳ quan tâm, mong muốn giúp cho Việt Nam phát triển bứt phá. Cơ hội hợp tác giữa các DN hai nước là rất nhiều. Các DN Hoa Kỳ hoạt động trên toàn cầu và có nhiều sáng kiến hợp tác được triển khai tại Việt Nam.
Về phát triển kinh tế số, Thứ trưởng cho biết cần phải có khuôn khổ hợp tác mới cho kinh tế số. Đây là một lĩnh vực mà DN Hoa Kỳ có thể đóng góp để cùng tạo môi trường thuận lợi nhất. Bộ TT&TT lấy DN là trung tâm, đối tượng phục vụ và DN cần chia sẻ mong muốn với cơ quan nhà nước trên cơ sở hợp tác hài hoà ba bên là xã hội, DN và nhà nước.
Thứ trưởng cũng đề nghị DN Hoa Kỳ chia sẻ thực tiễn của các nước đi trước và giải pháp cân bằng lợi ích ba bên; tạo điều kiện cho ĐMST, kinh nghiệm triển khai sandbox cho những những công nghệ mới như metaverse, tài sản số…
Bộ TT&TT cũng tạo điều kiện mở rộng thị trường cho các DN công nghệ số, thúc đẩy CĐS cho người dân. Bộ TT&TT mong muốn DN Hoa Kỳ tham gia hỗ trợ CĐS cho DN nhỏ và vừa (SME). DN Hoa Kỳ cung cấp nhiều giải pháp cho DN trên thế giới có thể chuyên biệt hoá, hợp tác với các công ty công nghệ số Việt Nam để đưa ra các giải pháp phù hợp cho Việt Nam trên cơ sở hai bên cùng có lợi.
Để phát triển kinh tế số - xã hội số, Thứ trưởng nhấn mạnh trang bị kỹ năng số cho người dân rất quan trọng, theo đó, Hoa Kỳ và các DN có thể chia sẻ về tiêu chuẩn kỹ thuật số đi cùng với vị trí việc làm mới, các kỹ năng số nào cần thiết đề cùng thiết kế chương trình đào tạo kỹ năng số, đáp ứng nhu cầu của các DN.
Cũng theo Thứ trưởng, kinh tế số là kinh tế dựa vào dữ liệu số nên Bộ TT&TT tham mưu chính phủ lấy năm 2023 là năm dữ liệu số. Bộ TT&TT quan tâm đến quản trị số để các tổ chức mở, chia sẻ, tổ chức, quản lý dữ liệu trên cơ sở bảo vệ dữ liệu cá nhân, tôn trọng quyền sở hữu cá nhân. Bộ TT&TT mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ trên cơ sở cân bằng, hài hoà các lợi ích trong việc hợp tác xây dựng trung tâm dữ liệu (TTDL). Quy hoạch phát triển hạ tầng TT&TT sẽ sớm được phê duyệt, theo đó, quy hoạch nhiều TTDL cỡ lớn để phục vụ phát triển kinh tế số - xã hội số. Tập đoàn CMC đã xây dựng TTDL hiện đại hơn tại Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh.
Kinh tế số - xã hội số cũng cần những giải pháp điện toán đám mây và các giải pháp cần bản địa hoá để phát triển lâu dài. Các DN hai nước có thể hợp tác để đưa ra các giải pháp phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Thứ trưởng cho biết DN hai nước cũng có thể hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng an toàn và tin cậy. Theo đó, khuyến khích cộng đồng DN hai nước chia sẻ tiêu chuẩn, thiết kế sản phẩm, giải pháp và triển khai. Quá trình này có thể hướng tới sản phẩm, dịch vụ số số cho vài năm tới như là thiết bị 6G. Việt Nam đã có DN làm chủ công nghệ 5G và bắt tay nghiên cứu phát triển 6G. Một số DN Việt Nam đã hợp tác với Qualcomm, Cisco trong lĩnh vực này. Việt Nam mong muốn DN Hoa Kỳ đồng hành trong nghiên cứu phát triển 6G.
Trong khuôn khổ hợp tác với Bộ TT&TT, Bộ TT&TT mong muốn cùng các DN Hoa Kỳ cũng tham gia xây dựng môi trường số an toàn, không có tin giả (fake news). Quá trình hợp tác này đã tích cực nhưng cần tiếp tục hợp tác bài bản hơn để xử lý được nhanh nhất tin giả, sai sự thật. Người Việt Nam sử dụng nhiều thời gian trên nền tảng online, tác động tích cực đến phát triển thương mại điện tử nhưng cũng bị ảnh hưởng bởi tin giả, tin sai sự thật.
Thứ trưởng nhấn mạnh: “Cộng đồng DN hai nước cần hợp tác chặt chẽ hơn trên quan điểm hai bên cùng có lợi, bổ trợ cho nhau. DN Hoa Kỳ hỗ trợ cộng đồng DN công nghệ Việt Nam đi ra thế giới. DN Hoa Kỳ quan tâm bài toán lớn của toàn cầu, trong khi DN Việt Nam linh hoạt và đáp ứng yêu cầu nhỏ nhất của người dân, theo đó DN hai nước có thể đẩy mạnh hợp tác”.
Thứ trưởng cũng đề nghị hai bên có những buổi họp chuyên đề trên thoả thuận hợp tác giữa Bộ TT&TT và Hội đồng DN Hoa Kỳ ký năm 2022 để các hoạt động được triển khai cụ thể, sôi động hơn.
Thứ trưởng cũng mời các DN Hoa Kỳ có thể tham dự Tuần lễ số được Bộ TT&TT tổ chức thường niên vào tháng 10 hàng năm. Năm nay, tuần lễ số tập trung đến quản lý dữ liệu số. Bộ TT&TT cũng sẽ mời các DN đối tác từ Liên minh châu Âu (EU), ASEAN…/.