Việt Nam đặt mục tiêu kinh tế số chiếm tỷ trọng 30% GDP vào 2030

Thứ tư - 02/10/2024 09:28 135 0
Ngày 30/9, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo “Chuyển đổi số 2024 - Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam”, ghi nhận thông tin cập nhật về những động thái mới trong phát triển hạ tầng số, hệ sinh thái số và kinh tế số Việt Nam.
Phát triển kinh tế số giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về thu nhập cao vào năm 2045

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư nhấn mạnh chuyển đổi số đã không còn là một xu hướng xa vời mà đã trở thành mục tiêu và nhiệm vụ cấp bách của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành quốc gia số ổn định và thịnh vượng, tiên phong trong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới. Đây là nền tảng giúp đất nước đổi mới căn bản và toàn diện các hoạt động từ quản lý của Chính phủ đến phương thức kinh doanh của doanh nghiệp.
1
Ông Nguyễn Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư phát biểu khai mạc.
"Phát triển kinh tế số không chỉ giúp người dân giàu có hơn mà còn góp phần quan trọng giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu về thu nhập cao vào năm 2045" – Ông Nguyễn Trọng Minh nhấn mạnh.

Theo đó, việc phát triển hạ tầng số, nâng cấp các công nghệ và mở rộng các dịch vụ số được xem là những động lực cốt lõi giúp nền kinh tế Việt Nam tiến xa hơn trong giai đoạn tới. Với mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ đóng góp 20% GDP và tăng lên 30% vào năm 2030, Việt Nam đặt ra những kỳ vọng lớn trong việc phát triển nền kinh tế dựa trên yếu tố công nghệ và dữ liệu số.

Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Đó cũng là một quan điểm cơ bản trong Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Cũng theo quan điểm này, hợp tác quốc tế là giải pháp quan trọng để thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt là thúc đẩy chuyển đổi số trong xã hội. Tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ lớn trên thế giới để nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, tiên phong áp dụng công nghệ mới, mô hình mới vào Việt Nam.

Trong các nhiệm vụ, giải pháp tạo nền móng chuyển đổi số, việc phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu có vai trò quan trọng đối với Việt Nam. Nội dung này bao gồm xây dựng, phát triển hạ tầng băng rộng, chất lượng cao trên toàn quốc; quy hoạch lại băng tần, phát triển hạ tầng mạng di động 5G, sớm thương mại hoá mạng di động 5G; mở rộng kết nối internet khu vực và quốc tế, đặc biệt là phát triển các tuyến cáp quang biển, đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm kết nối khu vực; phát triển hạ tầng kết nối mạng Internet vạn vật (IoT)...

Hiện đại hoá hạ tầng số, đẩy mạnh ứng dụng để phát triển kinh tế số quốc gia

Theo bà Rita Mokbel - Chủ tịch Ericsson Việt Nam, Việt Nam đang đạt được những bước tiến vượt bậc, đặc biệt là thông qua việc đấu giá tần số 5G. 5G sẽ mở ra một thế giới giải trí sống động, giáo dục hấp dẫn và thu hẹp khoảng cách kiến thức.

Đối với doanh nghiệp, 5G là nền tảng cho hiệu quả và tính linh hoạt, giúp nâng cao năng suất, trau dồi kiến thức và tiết kiệm chi phí. 5G là cầu nối thành công cho các trường hợp ứng dụng và giải pháp doanh nghiệp mới, nhờ vào khả năng kết nối liền mạch, đáng tin cậy và an toàn
2
Bà Rita Mokbel - Chủ tịch Ericsson Việt Nam.
Bàn về xu hướng chuyển đổi trí tuệ nhân tại (AI), bà Rita Mokbel cho rằng, AI đang tạo ra những bước chuyển mình mạnh mẽ trong nhiều ngành công nghiệp trên toàn cầu, đặc biệt là sản xuất, chăm sóc sức khỏe và logistics. Công nghệ này không chỉ tự động hóa quy trình mà còn nâng cao khả năng ra quyết định và cải thiện tương tác với khách hàng.

Tại Việt Nam, chúng ta đã chứng kiến sự ứng dụng của AI trong các nhà máy thông minh. Khi hạ tầng số tiếp tục mở rộng, AI sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, vào những năm 2000, khái niệm kinh tế số tập trung vào ngành ICT. Theo thời gian, kinh tế số lan toả vào các ngành, lĩnh vực. Đặc biệt, sau đại dịch Covid, thương mại điện tử đã đi sâu vào cuộc sống con người, tạo thành thói quen mua sắm online trên các nền tảng, và đó chính là kinh tế số.

Tính tới thời điểm hiện nay, kinh tế số tiếp tục lan toả tới các ngành, lĩnh vực trong cuộc sống: thương mại, du lịch, giáo dục.... Theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, đến năm 2023, kinh tế số chiếm khoảng 16,5% GDP. Trong đó, ngành ICT chiếm khoảng gần 60%, kinh tế số ngành/lĩnh vực chiếm hơn 40%. Tuy nhiên, kinh tế số tại các ngành/lĩnh vực sẽ tiếp tục tăng trưởng và sẽ có những mô hình kinh tế mới. Kỹ năng số của người dân cũng ngày càng tốt nên ứng dụng kinh tế số mới như hợp đồng điện tử, họp trực tuyến… sẽ ngày càng tăng, làm tăng tỷ trọng của kinh tế số ngành/lĩnh vực, hay gọi là số hoá ngành kinh tế.
3
Toàn cảnh phiên Toạ đàm tại sự kiện.
Về phía doanh nghiệp, đại diện Grab Việt Nam cho rằng, công nghệ đang phát triển rất nhanh, và nền kinh tế số cũng đang đổi mới nhanh chóng. Theo đó, đề xuất từ phía doanh nghiệp là có môi trường sandbox để đón nhận các công nghệ tiềm năng mới, các sản phẩm - dịch vụ mới dựa trên công nghệ khi chúng xuất hiện.

"Bên cạnh đó, cần thường xuyên xem xét và đánh giá lại các chính sách hiện có. Bởi vì khi công nghệ tiến bộ và các dịch vụ số đổi mới và tiến lên, điều quan trọng là phải đảm bảo rằng luật pháp và quy định phù hợp với thời đại. Các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau để tìm ra các giải pháp phù hợp trong bối cảnh này", ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành Grab Việt Nam

Tại sự kiện, các diễn giả, chuyên gia kinh tế, đại diện doanh nghiệp đã dành thời gian chia sẻ kinh nghiệm, bài học hay rút từ thực tiễn trong và ngoài nước bao gồm những tên tuổi như Ericsson Việt Nam, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, AWS Việt Nam, Grab Việt Nam… và lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông và Công nghệ Singapore, Tiểu ban kỹ thuật số EuroCham…/.

Tác giả: Thảo Anh

Nguồn tin: Cổng Thông tin điện tử Bộ TT&TT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây