Chuyển đổi số mở đường cho tín dụng chính sách

Thứ tư - 09/10/2024 15:38 382 0
Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người". Xác định đây là xu hướng tất yếu, Ngân hàng Chính sách xã hội ở nhiều địa phương đã tích cực triển khai ứng dụng số, đưa dịch vụ ngân hàng phục vụ kịp thời, hiệu quả đến người dân, góp phần vào thực hiện công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
1
Cán bộ NHCSXH huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn người dân thực hiện các giao dịch ngân hàng số tại điểm giao dịch - Ảnh: Báo Thanh Hóa.

Tiện ích từ Dịch vụ VBSP Smart Banking

Để nâng cao chất lượng phục vụ, mang đến cho khách hàng là hộ nghèo và các đối tượng chính sách nhiều cơ hội trải nghiệm các dịch vụ ngân hàng số hiện đại, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Thanh Hóa đã ứng dụng số hóa vào hoạt động tín dụng giúp khách hàng thanh toán linh hoạt, bảo mật thông tin, tiết kiệm chi phí, giảm thời gian giao dịch, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, bảo đảm an toàn hệ thống thanh toán tín dụng chính sách.

Các phòng giao dịch các huyện, thành phố, thị xã tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, mở tài khoản VBSP Smart Banking và cài đặt sinh trắc học cho khách hàng, bảo đảm hoạt động thanh toán, giao dịch không bị gián đoạn, an toàn và bảo mật, đồng thời giúp các đối tượng chính sách tiếp cận với tiện ích của ngân hàng số.
Ứng dụng quản lý tín dụng chính sách giúp ngân hàng và các tổ chức chính trị nhận ủy thác thực hiện tốt hơn trong chỉ đạo điều hành, triển khai hoạt động tín dụng chính sách; cung cấp thông tin về các chương trình cho vay; cơ sở dữ liệu cho vay, cả lãi và gốc của khách hàng; kết quả kiểm tra đối chiếu cho vay; các văn bản hướng dẫn tín dụng; giới thiệu các mô hình sản xuất, kinh doanh tiêu biểu, điển hình... Từ đó, giúp người dùng có thông tin số liệu nhanh chóng, chính xác.

Số liệu hoạt động tín dụng và hoạt động của các tổ chức hội, tổ tiết kiệm và vay vốn cũng được cập nhật kịp thời trên ứng dụng, giúp người dùng nắm bắt nhanh chóng thông tin số liệu hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng, hoạt động ủy thác cho vay.

Với mục tiêu trở thành cẩm nang, hỗ trợ khách hàng kịp thời tiếp cận các chính sách ưu đãi, quản lý thông tin khoản vay và cung cấp kiến thức phục vụ phát triển kinh tế, việc đưa vào hoạt động ứng dụng dịch vụ ngân hàng điện tử Mobile Banking của NHCSXH thời gian qua đã được người dân thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình chính sách ủng hộ và đón nhận ngay từ những ngày đầu bởi những tác động tích cực và khả thi của phần mềm này.
 
Dịch vụ VBSP Smart Banking là dịch vụ ngân hàng số của NHCSXH giúp khách hàng là hộ nghèo, gia đình chính sách có thể thực hiện các dịch vụ tiện ích, như: Nộp lãi, truy vấn giao dịch ngay trên tài khoản; khách hàng vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội được trừ trực tiếp tiền lãi hằng tháng trên ứng dụng...Đồng thời, ứng dụng cũng đã kết hợp nhiều dịch vụ như thanh toán, chuyển khoản, đầu tư, tín dụng, thẻ, ví điện tử, thanh toán điện nước, nộp học phí... tạo ra trải nghiệm toàn diện cho khách hàng để có thể dễ dàng giao dịch mọi nơi thông qua điện thoại di động để khách hàng làm chủ thời gian giao dịch và không phải trực tiếp đến ngân hàng. Những giao dịch ngân hàng thông thường của khách hàng như: gửi, rút tiền, chuyển khoản, thanh toán hóa đơn... đến các giao dịch phức tạp như: mở tài khoản online, gửi tiền tiết kiệm trực tuyến, phát hành thẻ, đăng ký dịch vụ VBSP Smart Banking, đăng ký đơn xin vay đã được thực hiện ngay tại hệ thống.

Ngân hàng CSXH Thanh Hóa tiếp tục đẩy mạnh các ứng dụng chuyển đổi số, tạo thuận lợi, tiện ích cho người nghèo và các đối tượng trong diện thụ hưởng; chủ động nắm bắt, nâng cao chất lượng dịch vụ, đưa hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn ngày càng hiệu quả.

Qua đó, góp phần nâng cao trình độ dân trí của người dân, thu hẹp khoảng cách giữa miền núi và miền xuôi, giữa thành thị và nông thôn, giữa người nghèo, đối tượng chính sách và các thành phần trong xã hội; thúc đẩy tiến trình hệ sinh thái số về tài chính toàn diện và hỗ trợ thực hiện các chương trình về an sinh xã hội, tiến tới giảm nghèo bền vững.
 
2
Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ hướng dẫn người dân thực hiện chuyển tiền qua ứng dụng Mobile Banking - Ảnh: Báo Phú Thọ.

Chuyển đổi số mở đường cho tín dụng chính sách

Được cán bộ Ngân hàng CSXH thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ hướng dẫn cài đặt, sử dụng dịch vụ Mobile Banking, thấy được sự tiện lợi, chị Nguyễn Thị Hiền, Khu dân cư Nguyễn Du, phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ có thể biết được số kỳ đóng gốc, lãi khoản vay của mình, chuyển tiền đóng lãi mà không cần phải ra ngân hàng và cũng có thể nắm bắt được các chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các hộ chính sách khác.

Hiện trên địa bàn thị xã Phú Thọ có 389 khách hàng vay vốn và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng dịch vụ và thực hiện giao dịch qua ứng dụng Mobile Banking. Trong đó, 137 khách hàng vay vốn chương trình cho vay nhà ở xã hội. Các khách hàng này không những thường xuyên sử dụng Mobile Banking để thanh toán mà còn trả nợ các khoản lãi, gốc hàng tháng mà không phải đến trực tiếp ngân hàng, chỉ bằng các thao tác đơn giản trên điện thoại.

Công tác chuyển đổi số hoạt động tín dụng cũng lan tỏa đến nhiều huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, điển hình như tại Tổ tiết kiệm và vay vốn khu 5, xã Tân Phú, huyện Tân Sơn của Phú Thọ, Ngân hàng CSXH huyện Tân Sơn cũng hướng dẫn cho nhiều người dân trong diện vay vốn, đặc biệt là người già, người cao tuổi sử dụng ứng dụng Zalo, Mobile Banking bằng nhiều hình thức, phù hợp với đặc thù của các địa phương.

Sau khi trải nghiệm các tính năng trên ứng dụng, ngân hàng tiếp tục tuyên truyền, vận động khách hàng vay vốn đăng ký dịch vụ, mở tài khoản, hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ, phối hợp các đơn vị liên quan hỗ trợ, trực tiếp giải đáp cho khách hàng và xử lý các nghiệp vụ phát sinh theo quy định.

Trong thời gian tới, để tăng số lượng khách hàng và người làm công tác tín dụng chính sách sử dụng ứng dụng trên thiết bị di động, Ngân hàng CSXH tỉnh Phú Thọ sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với tổ chức hội, đoàn thể ủy thác các cấp tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn khách hàng về các dịch vụ qua điện thoại di động; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát nắm bắt thực tế việc triển khai.

Hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận với các sản phẩm, dịch vụ tài chính của Ngân hàng CSXH, góp phần nâng cao hiểu biết tài chính, phát huy hiệu quả sử dụng vốn, từng bước làm quen với công nghệ số, đặc biệt là khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Qua đó, đẩy nhanh tiến độ về ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động tín dụng chính sách, cũng như tiến tới cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện tới khách hàng.

Tác giả: BT

Nguồn tin: Báo điện tử Chính phủ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây