Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Kết nối dữ liệu, đẩy mạnh chuyển đổi số
Thứ năm - 04/05/2023 11:105180
Công cuộc chuyển đổi số quốc gia đang được các cấp, ngành triển khai linh hoạt, sáng tạo. Quá trình đó, bên cạnh nâng cao hạ tầng kết nối dữ liệu, việc xây dựng “công dân số” để gắn kết, khai thác hiệu quả chương trình chuyển đổi số có vai trò quan trọng.
Xây dựng “công dân số”
Bà Hoàng Thị Hoa, năm nay gần 70 tuổi, kinh doanh lâu năm tại chợ Quyết, phường Bến Thủy (TP. Vinh), là một trong những người tiên phong in mã QR phục vụ thanh toán cho khách hàng ở khu chợ này.
" Khách hàng bây giờ ít mang tiền mặt, họ chủ yếu chuyển khoản. Vì vậy, tôi cũng phải thích ứng, học cách sử dụng điện thoại thông minh, nhờ ngân hàng in mã QR để kinh doanh tiện lợi hơn. Mới đầu sử dụng có phần lúng túng, nhưng giờ tôi thành thạo rồi, khi chuyển tiền cho các doanh nghiệp, cá nhân cung cấp hàng hóa tôi đều thanh toán bằng chuyển khoản”.
BÀ HOÀNG THỊ HOA
Bây giờ ra chợ hay mua sắm hàng hóa ở các cửa hàng tạp hóa, rất nhiều người dân ở mọi lứa tuổi đã quen với việc quét mã QR để thanh toán chuyển khoản. Gần đây, nhiều đôi bạn trẻ ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn Nghệ An đã in mã QR đặt tại lễ cưới. Hoạt động này có ý nghĩa tuyên truyền mọi người dân ứng dụng kỹ thuật số trong chuyển tiền, vừa giảm lưu thông tiền mặt, vừa tham gia vào quá trình chuyển đổi số đang được cả nước thực hiện.
Liên quan lĩnh vực này, trên cơ sở đề xuất của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 1668/UBND-VX ngày 13/3/2023, chỉ đạo đẩy mạnh thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt; yêu cầu hoàn thành việc cấp tài khoản đối với học sinh (hoặc phụ huynh học sinh) trước ngày 30/4/2023 và triển khai thực hiện thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt tại 100% các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn từ tháng 5/2023. Chủ trương này, ở thành phố Vinh và các thị xã đã cơ bản ứng dụng, triển khai tốt. Riêng đối với các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các cấp, ngành đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện.
Cùng với đó, các cấp, ngành ở Nghệ An và người dân đang tích cực triển khai ứng dụng kỹ thuật số trong khám, chữa bệnh, đổi giấy phép lái xe, nộp thuế điện tử, đăng ký hộ tịch, hộ khẩu… qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến. Thống kê từ Tổ Chỉ đạo triển khai “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Nghệ An” cho thấy, hiện có 528/528 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc sử dụng thẻ Căn cước công dân thay thế thẻ BHYT trong khám, chữa bệnh. Ngành chức năng ở Nghệ An đã đồng bộ số định danh cá nhân/căn cước công dân với thẻ BHYT cho trên 2.530.869 người, đạt tỷ lệ 90,4% dân số địa bàn cấp tỉnh, xếp thứ 4 toàn quốc.
Đối với dịch vụ công, lĩnh vực đăng ký cư trú (thường trú, tạm trú, tạm vắng, lưu trú) ở Nghệ An được tiếp nhận 100% trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Ngoài ra, nhóm dịch vụ công cấp hộ chiếu, xử lý vi phạm hành chính (phạt nguội) của ngành Công an tiếp nhận đạt từ 95-100% trên Cổng Dịch vụ công; Dịch vụ công ngành Điện lực tiếp nhận đạt 100% trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Nhóm dịch vụ công ngành Tư pháp tiếp nhận đạt tỷ lệ 74,6%...
Những hoạt động đó thể hiện nỗ lực của các cấp, ngành trong kết nối, ứng dụng chuyển đổi số, vừa hình thành thói quen ứng dụng số cho các tầng lớp nhân dân, góp phần xây dựng “công dân số”. Tuy nhiên, thực tế, vẫn còn số ít người dân (nhất là người cao tuổi, đồng bào dân tộc) chưa “mặn mà” trong việc ứng dụng số.
Nâng cao khả năng kết nối dữ liệu
Thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06) của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành nhiều Công văn, Kế hoạch chỉ đạo triển khai rộng khắp. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 5/8/2022, về chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Mới đây, ngày 10/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 244/KH-UBND về phát triển doanh nghiệp công nghệ số trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030; trong đó, phấn đấu đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm chuyển đổi số của khu vực Bắc Trung Bộ.
Quá trình thực hiện, Công an tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương đẩy mạnh công tác làm sạch dữ liệu dân cư, theo hướng “đúng, đủ, sạch, sống”, phục vụ việc kết nối, chia sẻ giữa Cơ sở Dữ liệu Quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Cùng đó, các bộ phận một cửa các cấp, ngành, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Đồng thời, từng bước thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ tài liệu số hóa. Từ ngày 1/7/2022, trên địa bàn tỉnh đã hoàn thành số hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính đối với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP. Đến nay, tất cả các sở, ban, ngành cấp tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống Thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
Mặc dù vậy, theo đánh giá của nhiều địa phương ở Nghệ An, việc triển khai Đề án 06 còn có những tồn tại cần nỗ lực hơn nữa để khắc phục. Đó là hệ thống hạ tầng mạng internet phục vụ kết nối số, nhiều lúc, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu; quá trình kết nối dữ liệu giữa các bộ, ngành, địa phương cần đẩy nhanh tiến độ; việc tối ưu hóa dữ liệu số đầu cuối cần đơn giản, thuận lợi hơn cho người dùng… Qua trao đổi, ông Võ Trọng Phú - Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An cho biết, ngành Thông tin và Truyền thông đang nỗ lực cùng các doanh nghiệp, nâng cấp hạ tầng mạng, phục vụ tốt nhất việc kết nối dữ liệu, góp phần tích cực thực hiện chuyển đổi, ứng dụng số.
Công cuộc chuyển đổi số đòi hỏi phải đầu tư về cả thời gian, chi phí và sự vào cuộc tích cực của cả cộng đồng. Vì thế, Chính phủ đã đề ra lộ trình cho chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhằm thực hiện 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.