Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Hiện trạng xây dựng triển khai chính quyền số trên địa bàn tỉnh Nghệ An trong thời gian qua-khó khăn, thách thức và nguyên nhân
Thứ năm - 22/12/2022 16:011.9800
Trong thời gian qua, việc triển khai đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, xây dựng Chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Quy hoạch ứng dụng và phát triển Công nghệ thông tin tỉnh Nghệ An đến năm 2020; Kiến trúc chính quyền điện tử tỉnh Nghệ An; Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và hàng năm được UBND tỉnh phê duyệt và bám sát triển khai theo đúng lộ trình đã đề ra. Đề án thí điểm xây dựng Đô thị thông minh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025, định hướng 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt (tại Quyết định số 2450/QĐ-UBND ngày 24/07/2020).
Ngoài ra căn cứ các chiến lược, chương trình, chủ trương của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh đã kịp thời ban hành các đề án, dự án, kế hoạch triển khai. Nhờ đó đã từng bước xây dựng chính quyền điện tử gắn với đô thị thông minh, tạo tiền đề cho chuyển đổi số, thực hiện những chỉ tiêu cơ bản ở một số lĩnh vực quan trọng trong cả 3 trụ cột của chuyển đổi số gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hạ tầng kỹ thuật và các nền tảng phục vụ chuyển đổi số đã được quan tâm, đầu tư
Hạ tầng kỹ thuật CNTT của các cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện đã được đầu tư xây dựng khá đồng bộ, phù hợp với mục tiêu và quy hoạch đề ra, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho việc tin học hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước. Hạ tầng mạng LAN, WAN và Internet trong các cơ quan nhà nước của tỉnh hiện đã được đầu tư tương đối đầy đủ với 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố, thị xã có kết nối mạng LAN, WAN, Internet. 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp huyện được trang bị máy tính phục vụ công tác chuyên môn. Mạng truyền số liệu chuyên dùng tỉnh Nghệ An chính thức vận hành từ tháng 7/2019, triển khai với 823 cơ quan Nhà nước (Sở, ban, ngành, UBND huyện, xã, các đơn vị sự nghiệp, các trường trung học phổ thông, cơ sở y tế tuyến tỉnh) phục vụ vận hành phần mềm quản lý văn bản điều hành liên thông 4 cấp VNPT - IOffice.
Nền tảng kết nối, chia sẻ tích hợp dữ liệu LGSP tỉnh Nghệ An cũng đã triển khai thử nghiệm thành công các API kết nối LGSP - NGSP (tại các Sở, ngành: Tư pháp, Kế hoạch đầu tư, Bảo hiểm xã hội, cấp mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách Bộ Tài chính). Hoàn thành thực hiện kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với một số hệ thống thông tin của bộ, ngành Trung ương thông qua nền tảng kết nối, chia sẻ, tích hợp dữ liệu Quốc gia (như: Dịch vụ Đăng ký lý lịch Tư pháp, dịch vụ Bưu chính công ích, cơ sở dữ liệu Quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp).
Về phát triển dữ liệu: Trong thời gian qua, các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai, ứng dụng các hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu chuyên ngành do các Bộ, ngành trung ương triển khai. Tỉnh đã ban hành Quyết định số 3624/QĐ-UBND, ngày 05/10/2021 về việc ban hành Danh mục cơ sở dữ liệu dùng chung tỉnh Nghệ An đây là cơ sở xây dựng Kho cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh, để chia sẻ, dùng chung dữ liệu số của cơ quan nhà nước.
Triển khai tương đối đầy đủ các ứng dụng, dịch vụ
Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính (trước đây là hệ thống cổng dịch vụ công và một cửa điện tử) đã được kết nối, liên thông với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Đến nay, đã cung cấp trên hệ thống 1.833 dịch vụ công bao gồm 673 dịch vụ công mức độ 2; 407 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3; 753 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Cổng thông tin điện tử tỉnh Nghệ An: bao gồm Cổng chính và 51 cổng thành phần (cổng cấp 2) được tích hợp. Cuối năm 2021, Cổng Thông tin điện tử tỉnh Nghệ An đã được đầu tư, nâng cấp, thay đổi hoàn toàn công nghệ hiện đại, mới nhất theo hướng thuê dịch vụ vụ CNTT. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã triển khai gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp. Hộp thư điện tử công vụ của tỉnh: với tên miền mail.nghean.gov.vn được triển khai trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đảm bảo 100% các cơ quan Nhà nước trong tỉnh đã được cấp hộp thư công vụ để trao đổi thông tin. Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến: với 26 điểm cầu, kết nối UBND tỉnh với UBND các huyện, thành phố, thị xã, mỗi năm phục vụ trên 30 cuộc họp trực tuyến từ tỉnh xuống huyện. Riêng trong năm 2021, đã phục vụ hơn 70 cuộc họp trực tuyến, phục vụ có hiệu quả các hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo các cấp trong phòng chống dịch Covid-19. Hiện toàn tỉnh có trên 4.000 chứng thư số chuyên dùng do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp đưa vào sử dụng từ cấp tỉnh đến cấp huyện và cấp xã. Bên cạnh đó, việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực chuyên ngành khác cũng ngày càng phát triển và có nhiều hiệu quả tích cực. Có thể kể đến các ngành triển khai ứng dụng có hiệu quả nhất là Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tài chính, ngân hàng.
Chú trọng đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực
Việc phát triển nguồn nhân lực CNTT được thường xuyên quan tâm, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công chức cấp tỉnh, cấp huyện; việc dạy và học Tin học trong trường Đại học, Cao đẳng, cơ sở giáo dục và đào tạo có bước phát triển tích cực. Đối với đội ngũ nhân lực trong các cơ quan nhà nước hiện nay: 100% cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo tin học và các ứng dụng CNTT phục vụ công tác chuyên môn; Tỷ lệ CBCCVC thường xuyên sử dụng máy tính để xử lý công việc đạt 100%; Tỷ lệ CBCCVC thường xuyên sử dụng Internet để xử lý công việc đạt 100%. Toàn tỉnh hiện có 55 cán bộ chuyên trách CNTT, trong đó cấp huyện có 16 người, cơ quan cấp tỉnh có 39 người; có 6 huyện và 8 sở chưa có cán bộ chuyên trách; 67% đơn vị Sở, ngành và 90% đơn vị cấp huyện có cán bộ lãnh đạo CNTT; thành lập Đội ứng cứu sự mạng, máy tính tỉnh Nghệ An với 29 thành viên.
Khó khăn và thách thức
Mặc dù đã có nhiều nỗ lực quan tâm, đầu tư, phát triển, nhưng việc triển khai xây dựng Chính quyền số trong các cơ quan Nhà nước tỉnh Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn như: Cơ sở hạ tầng mạng thông tin của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh còn yếu và chưa đồng bộ, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa; Hạ tầng công nghệ thông tin-truyền thông phát triển chưa đồng đều giữa các vùng miền, chất lượng một số dịch vụ cơ bản ở các huyện miền núi còn thấp, hệ thống mạng máy tính chưa đồng bộ. Nguồn lực về CNTT thiếu về số lượng và chưa đồng bộ, nhất là nhân lực chuyên trách và nhân lực có trình độ cao. Số doanh nghiệp công nghệ thông tin phục vụ quá trình chuyển đổi số của tỉnh chưa nhiều. Người dân, doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm, sử dụng các hệ thống dịch vụ công; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung… chưa đạt mục tiêu, chỉ tiêu theo Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 07/3/2019 của Chính phủ. Triển khai xây dựng, ứng dụng các hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa kết nối liên thông giữa các ngành, các cấp. Tỉnh hiện đang chậm đề ra lộ trình, giải pháp cụ thể về chuyển đổi số, xây dựng và phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Vấn đề an toàn thông tin trên không gian mạng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Nguyên nhân nằm ở đâu?
Thứ nhất nhận thức, quyết tâm chính trị về chuyển đổi số của các cấp ủy đảng, chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn;
Thứ hai, công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa đồng bộ, thiếu định hướng, tầm nhìn chiến lược;
Thứ ba, nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu và yếu;
Thứ tư, nhận thức, trình độ, kỹ năng và thói quen của một số doanh nghiệp cũng như người dân trong ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh và khai thác, sử dụng các dịch vụ trên môi trường mạng chưa đảm bảo yêu cầu;
Thứ năm, nguồn lực đầu tư cho ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử chưa được quan tâm đúng mức; một số chương trình, dự án trọng điểm về hiện đại hóa hành chính, chuyển đổi số chậm được triển khai.
Hiện nay, Sở Thông tin và Truyền thông đang tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết đã chỉ rõ những khó khăn, tồn tại, đồng thời nêu rõ quan điểm, giải pháp chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chính quyền số là một trong những mũi nhọn được ưu tiên chỉ đạo triển khai. Hi vọng trong thời gian tới, “bộ mặt” triển khai Chính quyền số tỉnh Nghệ An sẽ có nhiều đổi khác.