Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ AnTrung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Trang thông tin điện tử
Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An
Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An tổ chức nghiệm thu đề tài khoa học “Đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT và đề xuất giải pháp, mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An”
Thứ năm - 22/12/2022 16:347570
Ngày 21/12/2022, Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An đã tổ chức hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh để đánh giá kết quả thực hiện và nghiệm thu đề tài khoa học “Đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT và đề xuất giải pháp, mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An” do ông Lê Bá Hùng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An làm Chủ nhiệm và Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Nghệ An chủ trì thực hiện.
Tham gia hội đồng nghiệm thu cấp tỉnh gồm có ông Trần Quốc Thành - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Nghệ An, Chủ tịch hội đồng và các thành viên hội đồng đến từ Trường Đại học Vinh, Sở Công Thương, Sở Khoa học và Công Nghệ, Trường Chính trị tỉnh và UBND Thành phố Vinh.
Báo cáo tóm tắt đề tài do ông Trương Minh Hợi, Thư ký BCN đề tài báo cáo tại hội nghị. Sau khi nghe báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện đề tài “Đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT và đề xuất giải pháp, mô hình chuyển đổi số cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An” Chủ tịch và các thành viên phản biện, các thành viên hội đồng đều đã có ý kiến đánh giá cao về kết quả thực hiện, các ý kiến đều cho rằng năm 2022 là năm chuyển đổi số, tỉnh Nghệ An đã ban hành Nghị Quyết số 09-NQ/TU và UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 586/KH-UBND về chuyển đổi số tỉnh Nghệ An đến năm 2025, ở cấp xã là cấp chính quyền gần dân và trực tiếp làm việc với dân nhiều nhất chính vì thế mà triển khai chuyển đổi số cấp xã có ý nghĩa vô cùng quan trọng, rất thiết thực phục vụ cho việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số cấp cơ sở.
Đề tài đã được triển khai thực hiện đầy đủ các nội dung: Khảo sát đánh giá thực trạng ứng dụng CNTT ở cấp xã, tổ chức học tập kinh nghiệm, tổ chức hội thảo chuyên đề, xây dựng 03 mô hình, giải pháp: Chuyển đổi số cấp xã về chính quyền số; Chuyển đổi số cấp xã về kinh tế số; Chuyển đổi số cấp xã về xã hội số. Tổ chức thí điểm mô hình, giải pháp chuyển đổi số cấp xã tại các địa phương: Xã Thành Sơn, huyện Anh Sơn; xã Minh Hợp, huyện Quỳ Hợp; xã Khánh Hợp, huyện Nghi Lộc.
Kết quả vận hành mô hình chuyển đổi số cấp xã tại 03 xã:
Về phát triển Chính quyền số: Các doanh nghiệp Viễn thông trên địa bàn tỉnh đã nâng cấp hạ tầng viễn thông (trạm BTS, các tuyến truyền dẫn băng rộng) đảm bảo phủ sóng thông tin di động 3G, 4G và Internet băng rộng cố định đến trung tâm xã và 100% các thôn, bản. Hỗ trợ triển khai hệ thống wifi công cộng tại điểm giao dịch một cửa của UBND các xã. Cung cấp tài khoản sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành (VNPT-IOffice), cho cán bộ, công chức, viên chức các xã thí điểm. Đào tạo, tập huấn cho cán bộ xã sử dụng đảm bảo 100% văn bản đi, đến thực hiện đúng quy trình gửi, nhận, xử lý văn bản đi, đến trên phần mềm quản lý công văn, điều hành tác nghiệp của tỉnh; thực hiện ký số đầy đủ (của UBND xã, cá nhân và các đơn vị có tư cách pháp nhân trực thuộc) trong quá trình phát hành và tiếp nhận văn bản trên hệ thống. Thực hiện rà soát toàn bộ các chức danh, vị trí công tác, cán bộ, công chức, viên chức tại các đơn vị để cấp mới, cấp bổ sung chữ ký số chuyên dùng của Ban cơ yếu Chính phủ, đảm bảo đầy đủ chữ ký số của tổ chức, cá nhân phục vụ việc ký số hồ sơ, văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Triển khai hệ thống Cổng dịch vụ công và một cửa điện tử của tỉnh (nay là hệ thống giải quyết thủ tục hành chính): Cung cấp 100% dịch vụ công lên mức độ 4 đủ điều kiện và triển khai thực hiện tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính đúng quy trình điện tử đã được cấu hình trên hệ thống Cổng dịch vụ công tỉnh Nghệ An. Phổ cập sử dụng dịch vụ công trực tuyến do cơ quan chính quyền các cấp cung cấp cho người dân, doanh nghiệp. Triển khai tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích. Theo các số liệu thống kê có thể thấy, sau quá trình triển khai thí điểm, các chỉ số về số hồ sơ tiếp nhận trực tuyến, số hồ sơ đã giải quyết trước hạn, số hồ sơ đã giải quyết đúng hạn, số hồ sơ đã giải quyết quá hạn, số hồ sơ chưa giải quyết, số hồ sơ chưa giải quyết trong hạn, số hồ sơ chưa giải quyết quá hạn, tỷ lệ giải quyết trước hạn, tỷ lệ giải quyết đúng hạn, tỷ lệ giải quyết quá hạn đã có biến tích cực rõ rệt.
Cán bộ, công chức tại UBND các xã thí điểm đã biết và sử dụng thành thạo các dịch vụ mạng xã hội Zalo, Faceebook. Các xã đã triển khai kênh liên lạc, giao tiếp trực tuyến với người dân theo từng cụm dân cư trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo.
Về phát triển kinh tế số, xã hội số: Thiết lập kênh giao tiếp với người dân qua các dịch vụ mạng xã hội như Facebook, Zalo; Tuyên truyền nhận thức cho người dân về tính an toàn, lợi ích khi giao dịch qua các sàn thương mại điện tử; Quảng bá sản phẩm OCOP; Hỗ trợ người dân đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử; Cài đặt, hướng dẫn sử dụng ví điện tử, mobile Money; Ứng dụng hệ thống quản lý nhà trường; Triển khai hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã: Rà soát danh mục sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của xã để hỗ trợ đưa sản phẩm lên các Sàn thương mại điện tử (Voso, Postmart, 37nghean.com,…); Hướng dẫn người dân sử dụng các phương thức thanh toán điện tử an toàn, tin cậy cho các giao dịch thương mại điện tử; Triển khai các ứng dụng thanh toán điện tử, từ đó giảm việc thanh toán bằng tiền mặt trong việc sử dụng các dịch vụ hành chính công, bán hàng, kinh doanh, hóa đơn tiền điện, tiền nước, các dịch vụ khác; Phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, triển khai thanh toán điện tử, bao gồm: Thanh toán bằng thẻ, thanh toán qua cổng thanh toán, thanh toán bằng ví điện tử và thanh toán bằng thiết bị điện thoại cho người dân trên địa bàn xã; Triển khai thu thập, số hóa địa chỉ nhà ở cá nhân, hộ gia đình; Các cơ quan, tổ chức hình thành cơ sở dữ liệu về bản đồ số của xã phục vụ phát triển thương mại điện tử, chuyển phát bưu chính và logictics; Triển khai phần mềm quản lý thông tin nhà trường, phần mềm quản lý thông tin y tế xã, phần mềm hồ sơ sức khỏe điện tử, phần mềm thống kê y tế điện tử, phần mềm quản lý tiêm chủng, triển khai tốt hệ thống HMIS; triển khai ứng dụng tốt hệ thống VNEDU…
Thành lập được 03 tổ công nghệ số cộng đồng cấp xã, 32 tổ công nghệ số cộng đồng cấp thôn/xóm. Tổ công nghệ số cộng đồng đã tổ chức các hoạt động như:
- Thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chuyển đổi số đến các hộ gia đình, người dân trong thôn, bản, khu phố;
- Hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; sử dụng các dịch vụ số và tương tác với chính quyền qua các nền tảng số được đánh giá và lựa chọn;
- Hướng dẫn doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân trên địa bàn đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như “voso.vn”, “postmart.vn”…; Mở tài khoản thanh toán điện tử; Hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng số, công nghệ số để đăng ảnh, quảng bá sản phẩm, tạo gian hàng, nhận đơn, đóng gói sản phẩm và quan trọng nhất là cam kết cung cấp sản phẩm đúng chất lượng cho khách hàng; Hướng dẫn ứng dụng công nghệ số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương;
- Hướng dẫn người dân tiếp cận, cài đặt, sử dụng các dịch vụ số phục vụ cho các nhu cầu thiết yếu như y tế, giáo dục, chính sách xã hội, phòng chống dịch… thông qua các nền tảng số;
- Trực tiếp làm mẫu, bồi dưỡng, tập huấn, hướng dẫn lại cho cá nhân, hộ gia đình trong thôn, bản, tổ dân phố cài ứng dụng VNeID, lập nhóm Zalo hoặc các mạng xã hội Việt Nam phổ biến khác gồm tất cả các hộ gia đình/người dân trong thôn, bản, tổ dân phố để hỗ trợ, tương tác thường xuyên.
Một số ưu điểm trong triển khai chuyển đổi số ở các xã thí điểm:
- Góp phần nâng cao nhận thức tầm quan trọng của việc chuyển đổi số phục vụ đời sống xã hội cho các cấp chính quyền, người dân. Lãnh đạo các cấp đã quan tâm, chỉ đạo tổ chức thực hiện tạo bước chuyển biến rõ nét trong tiến trình chuyển đổi số, đặc biệt về Chính quyền số xã;
- UBND các xã đã triển khai tốt hơn các ứng dụng dùng chung như: Quản lý văn bản, gửi nhận văn bản điện tử liên thông các cấp có ký số, tiếp nhận, giải quyết hồ sơ trên hệ thống giải quyết thủ tục hành chính;
- Người dân thuận tiện hơn trong việc thực hiện các thủ tục hành chính. Trước đây, người dân có thể sẽ phải nghỉ làm để đến chính quyền xã hỏi, nộp hồ sơ để xin xử lý 01 thủ tục hành chính. Thì bây giờ, người dân có thể tìm hiểu thông tin hướng dẫn trên mạng để chuẩn bị hồ sơ, việc nộp hồ sơ có thể thực hiện bất cứ ở đâu miễn là có mạng Internet, bất cứ lúc nào nên tiết kiệm được rất nhiều thời gian cho người dân;
- Cán bộ công chức của chính quyền xã chủ động hơn trong việc xử lý hồ sơ. Các hướng dẫn đã rất rõ ràng và cụ thể ở trên mạng nên các công chức không mất quá nhiều thời gian để giải thích, hướng dẫn cho người dân. Hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp cũng giúp cho các cán bộ công chức có thêm thời gian để xử lý các công việc khác, tăng thời gian nghiên cứu tìm hiểu chuyên môn, tăng thêm tính chủ động trong công việc;
- Các dịch vụ về giáo dục số, y tế số, thanh toán không dùng tiền mặt đã giúp chính quyền và người dân có công cụ tiện lợi hơn, nhanh gọn chính xác và rất tiện lợi.
Một số hạn chế trong triển khai chuyển đổi số ở các xã thí điểm:
- Một số cán bộ, công chức xã vẫn còn tâm lý ngại sử dụng công nghệ thông tin, chưa tự giác sử dụng thường xuyên trong công việc, lãnh đạo phải thường xuyên theo dõi, nhắc nhở;
- Cơ sở vật chất trang thiết bị, phần mềm ứng dụng phục vụ cho chuyển đổi số còn nhiều khó khăn (ví dụ: Hệ thống giải quyết thủ tục hành chính hoạt động tương đối chậm, chưa thuận tiện cho cán bộ tiếp nhận và người dân nạp, giải quyết hồ sơ trên hệ thống);
- Các kênh tương tác, giao tiếp giữa chính quyền với người dân có cải thiện tuy nhiên chưa được đông đảo người dân quan tâm thực hiện;
- Mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp về thương mại điện tử, tuy nhiên việc đón nhận, tiếp cận và triển khai bán hàng trên các sàn thương mại điện tử chưa thực hiện được;
- Thực tế hiện nay, yêu cầu tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính của xã đạt tối thiểu 30% đối với tiêu chí xã nông thôn mới và 50% đối với xã nông thôn mới nâng cao (theo quy định tại Mục 4 Phụ lục I ban hành kèm Quyết định 1127/QĐ-BTTTT ngày 22/06/2022 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành) đang khá cao, các xã khó đạt được. Thực tế ngay tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Nghệ An tại thời điểm triển khai tích cực nhất cũng chưa đạt đến 50%.
Hội đồng nghiệm thu thống nhất Kết luận: Đề tài đã khảo sát được hiện trạng ứng dụng CNTT, xây dựng tiêu chí và lựa chọn được 03 xã xây dựng mô hình thí điểm, gồm: Thành Sơn, Minh Hợp, Khánh Hợp. Đã khảo sát được đầy đủ hiện trạng về Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại 3 xã này. Đã tổ chức đoàn công tác học tập được những kinh nghiệm, giải pháp và mô hình triển khai tại 03 tỉnh: Ninh Bình, Bắc Kạn, Thái Nguyên. Hoàn thành xây dựng bộ giải pháp: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Ngoài ra còn nghiên cứu bổ sung giải pháp duy trì và mở rộng mô hình chuyển đổi số cấp xã. Triển khai đầy đủ các giải pháp, mô hình tại 03 xã thí điểm: Thành Sơn, Minh Hợp, Khánh Hợp và đồng thời tổ chức thành công hội thảo đánh giá kết quả của đề tài.
Các thành viên hội đồng đã bỏ phiếu đánh giá kết quả thực hiện đề tài với tổng điểm trung bình đạt 88,6 điểm.
Chủ nhiệm đề tài đã cảm ơn hội đồng nghiệm thu và xin tiếp thu các ý kiến nhận xét góp ý của các thành viên hội đồng để hoàn thiện báo cáo kết quả thực hiện đề tài, đồng thời đề xuất được nhân rộng kết quả đề tài để triển khai mô hình chuyển đổi số cấp xã đến các xã còn lại trong toàn tỉnh vào năm 2023 và những năm tiếp theo.