Việt Nam sẵn sàng cho kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo

Thứ tư - 23/07/2025 16:45 9 0
Việt Nam vừa ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ trí tuệ nhân tạo (AI) thế giới khi xếp hạng thứ 6 trong tổng số 40 quốc gia. Điều này khẳng định vị thế mới nổi của một quốc gia đang sẵn sàng cho kỷ nguyên AI.  
 
Theo Bảng Chỉ số AI Thế giới 2025 do Mạng lưới Nghiên cứu Thị trường Độc lập Toàn cầu (WIN) công bố mới đây, Việt Nam đạt 59,2 điểm trên thang 100 điểm, vượt lên trước nhiều quốc gia phát triển.

Chỉ số AI Thế giới của WIN đánh giá mức độ nhận thức, sử dụng, tin tưởng và lo ngại của người dân về AI, trên cơ sở khảo sát tại 40 quốc gia thuộc 5 châu lục. Khảo sát thực hiện tại Việt Nam bởi Indochina Research, mẫu khảo sát gồm N = 900 người tại 4 thành phố chính, trong khoảng thời gian từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025.

Bức tranh tổng thể cho thấy Việt Nam nổi bật nhờ một bộ phận dân cư đô thị năng động, cởi mở, hứng thú và tự tin với công nghệ mới. Đặc biệt, Việt Nam xếp thứ 3 toàn cầu về mức độ tin tưởng vào AI (65,6 điểm), thứ 5 về mức độ chấp nhận AI (71,6 điểm) và đều đạt trên mức trung bình thế giới ở các chỉ số về sự quan tâm, cảm giác thoải mái khi sử dụng, cũng như nhận thức về tính hữu ích của AI.

Những con số này phản ánh sự trưởng thành nhanh chóng của niềm tin vào công nghệ số trong xã hội Việt Nam - yếu tố then chốt để giữ vững vị trí trong top 10 toàn cầu về AI.
 
AI

Dù thái độ cởi mở với AI là điểm sáng, mức độ sử dụng thực tế thực tế còn khá khiêm tốn, Việt Nam chỉ đạt 37,6 điểm, xếp thứ 17 trong tổng số 40 quốc gia.

Dữ liệu chỉ ra rằng, có khoảng 60% người dân tại 4 thành phố lớn đã từng sử dụng công nghệ AI, nhưng chỉ 3% sử dụng hàng ngày. Điều này phản ánh thực trạng AI tuy không còn xa lạ, nhưng vẫn chưa trở thành một phần quen thuộc trong cuộc sống thường nhật.

Theo phân tích từ Indochina Research, nhóm người 18 - 34 tuổi, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, là lực lượng sử dụng AI tích cực nhất. Tại 2 đô thị này, có đến 89% (Hà Nội) và 87% (TP.HCM) người từ 18-24 tuổi cho biết, họ đã từng chủ động sử dụng công nghệ AI.

Trong khi đó, người dân tại Đà Nẵng và Cần Thơ có tỷ lệ sử dụng AI thấp hơn đáng kể, phản ánh sự chênh lệch về khả năng tiếp cận công nghệ giữa các đô thị trung tâm và khu vực cấp hai, đặc biệt là ở nhóm tuổi cao hơn. Ví dụ, chỉ 1/10 người từ 55–64 tuổi ở Đà Nẵng từng có trải nghiệm với công nghệ AI.

Thực tế, mức độ quan tâm cao cũng đi kèm với những nỗi lo đáng lưu ý. Theo khảo sát, tại Việt Nam, cũng như các nước châu Á - Thái Bình Dương khác, quyền riêng tư dữ liệu là mối lo ngại lớn nhất, với 52% người được khảo sát bày tỏ sự lo lắng về cách AI thu thập và sử dụng dữ liệu cá nhân.

Ngoài ra, 48% người được hỏi lo lắng về việc AI có thể thay thế con người trong công việc. Đây là một quan ngại phổ biến ở cả các nước đang phát triển và các nước phát triển. 

Bên cạnh đó, nỗi lo về thông tin sai lệch (deepfake, thao túng dư luận) được xem là mối quan ngại hàng đầu tại nhiều quốc gia phát triển, thì tại Việt Nam, chỉ có 36% người được khảo sát bày tỏ lo lắng về vấn đề này - mức thấp nhất trong số các mối quan ngại với người Việt. Sự chênh lệch này phản ánh khác biệt rõ nét trong nhận thức giữa người dân Việt Nam và người dân tại các quốc gia châu Âu hoặc châu Mỹ, nơi mà lo ngại về thông tin sai lệch thường được đặt lên hàng đầu.

Tác giả: ĐT

Nguồn tin: Tạp chí An toàn thông tin

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây